Những góp ý tâm huyết đối với dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)

Thực hiện Nghị quyết số 671/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với Luật đất đai (sửa đổi), sau hơn một tháng triển khai lấy ý kiến rộng rãi trong các tầng lớp Nhân dân, thành phố Uông Bí đã ghi nhận nhiều ý kiến tâm huyết từ các tổ chức, cá nhân, góp phần hoàn thiện dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Các ý kiến đóng góp đã được cơ quan chuyên môn Phòng Tài nguyên Môi trường thành phố tổng hợp. Theo đó, các quy định về thu hồi đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) nhận được nhiều ý kiến đóng góp nhiều nhất, bởi đây là vấn đề liên quan trực tiếp đến đời sống dân sinh và cũng là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến khó khăn trong công tác thu hồi quyền sử dụng đất, giải phóng mặt bằng của các dự án trong thời gian qua. Cụ thể:

Chi bộ phòng Tài nguyên - Môi trường tổ chức sinh hoạt chuyên đề “Tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi)”.

Tại Chương VI: Thu hồi đất, trưng dụng đất. Điểm h, điểm i khoản 2 Điều 78 quy định việc Thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng, Dự thảo quy định: "Dự án đô thị sử dụng các loại đất không phải là đất ở", "Dự án khu dân cư nông thôn sử dụng các loại đất không phải là đất ở". Như vậy chế định thu hồi đất đã được thu hẹp và dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn không còn mặc nhiên thuộc trường hợp Nhà nước thu hồi đất.

Sự điều chỉnh này có quan hệ mật thiết với sự điều chỉnh tương ứng tại chế định đấu giá quyền sử dụng đất và chế định sử dụng đất thực hiện dự án thông qua thỏa thuận về quyền sử dụng đất. Điểm a khoản 1 Điều 126 Dự thảo quy định "Sử dụng đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở để thực hiện dự án đô thị, dự án khu dân cư nông thôn, dự án xây dựng nhà ở thương mại" thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất. Điểm c khoản 1 Điều 128 Dự thảo quy định trường hợp "Thỏa thuận về quyền sử dụng đất ở và các loại đất không phải là đất ở để chuyển mục đích sử dụng đất thực hiện dự án đô thị, nhà ở thương mại, khu dân cư nông thôn".

Như vậy dự thảo đã minh thị 2 phương thức độc lập, riêng rẽ để tạo lập quỹ đất thực hiện dự án đô thị, khu dân cư nông thôn. Theo đó: (1) Nếu quỹ đất thực hiện dự án đô thị, khu dân cư nông thôn mà hiện trạng không có đất ở (chỉ gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở) thì Nhà nước được phép thu hồi đất để tạo lập quỹ đất và lựa chọn nhà đầu tư thực hiện thông qua đấu giá, đấu thầu. (2) Nếu quỹ đất thực hiện dự án đô thị, khu dân cư nông thôn mà hiện trạng có đất ở (gồm đất ở và các loại đất không phải là đất ở) thì Nhà nước không được thu hồi đất mà trường hợp này nhà đầu tư được tự thỏa thuận với chủ sử dụng đất trong ranh giới dự án để nhận chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, nhận góp vốn bằng quyền sử dụng đất để triển khai dự án. Từ đó nảy sinh những bất cập trong 2 trường hợp:

Trường hợp thứ nhất: Tại khu vực có mức độ đô thị hóa cao, nhu cầu nhà ở của người dân lớn và cần thiết phải thực hiện các Dự án đô thị, khu dân cư nông thôn, cơ quan quản lý nhà nước khảo sát và dự kiến lập một Dự án đô thị, khu dân cư nông thôn. Nhưng trong ranh giới dự án có một vài căn nhà hiện hữu (có đất ở), dù diện tích đất ở chỉ chiếm 0,01% diện tích đất toàn dự án thì Nhà nước không được thu hồi đất mà phải trông chờ có nhà đầu tư xuất hiện, thỏa thuận với người dân để có quyền sử dụng đất thực hiện dự án. Nếu nhà đầu tư chưa xuất hiện thì dự án chưa thể triển khai. Hoặc nếu nhà đầu tư đã tiến hành thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nhưng không đạt được 100% diện tích thì Nhà nước cũng không thể can thiệp để thu hồi đất và triển khai dự án.

Trường hợp thứ hai: Tình huống tương tự trường hợp thứ nhất nhưng trong ranh giới dự án chỉ có đất nông nghiệp và đất phi nông nghiệp mà không phải đất ở. Do hiện trạng không có đất ở nên không thể áp dụng cơ chế nhà đầu tư tự thỏa thuận nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà buộc phải trông chờ Nhà nước lập dự án, thu hồi đất và giao đất qua cơ chế đấu giá, đấu thầu, gây chậm trễ cho quá trình triển khai dự án.

Các ý kiến đóng góp đề xuất: Nhà nước chỉ thu hồi đất để thực hiện Dự án đô thị, khu dân cư nông thôn nếu hiện trạng không có đất ở (chỉ gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp không phải đất ở) để tránh việc Nhà nước dùng mệnh lệnh hành chính thu hồi đất ở, ảnh hưởng đến chỗ ở của người dân và làm gia tăng áp lực phải bố trí tái định cư.

Các đại biểu tham gia ý kiến vào dự thảo Luật Đất đai sửa đổi.

Đề nghị bổ sung điểm c - mục 3: “Dự án khai thác khoáng sản và các dự án phụ trợ cho công tác khai thác khoáng sản”. Do trong hoạt động khai thác khoáng sản cần các có công trình phụ trợ để phục vụ khai thác như các mặt bằng kho bãi, trung tâm điều hành, bãi đổ thải, khu chế biến, sàng tuyển...

Đề nghị biên tập lại 4 khoản theo hướng: các trường hợp nhà nước thu hồi đất 1 khoản riêng; gộp khoản 3,4 thành Tiêu chí và điều kiện đối vời từng loại dự án riêng cho gọn, dễ hiểu và đặc biệt cần làm rõ tính chất, khái niệm các loại dự án.

Hay tại Điều 85 trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng thu được 12 ý kiến đóng góp của các ban, ngành và Nhân dân trên địa bàn thành phố như: Cần bổ sung điểm b, khoản 2 Điều 85 là: “Ủy ban nhân dân cấp xã và Ban đại diện thôn, khu phố có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm”. Vì thực tế trong quá trình triển khai thực hiện bồi thường, hỗ trợ GPMB, tổ chức tuyên truyền vận động người sử dụng đất bị thu hồi đều có sự tham gia của Ban đại diện thôn, khu phố.

Cần quy định thời gian niêm yết ít nhất là 20 ngày như quy định của Luật đất đai năm 2013 và về đại diện những người có đất bị thu hồi trong việc tổ chức lấy ý kiến (về số lượng đại diện của các hộ dân, cá nhân có đất bị thu hồi thực hiện Dự án). Sau khi có quyết định phê duyệt phương án bồi thường hỗ trợ thì trong thời gian bao nhiêu ngày phải ban hành quyết định thu hồi đất (vì ban hành đồng loạt và sau khi có quyết định thu hồi đất thì mới có cơ sở tính thời hạn 30 ngày phải chi trả bồi thường như điều 109 Luật Đất đai (sửa đổi) có quy định).

Đề xuất giao Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất có trách nhiệm quản lý đất đã được giải phóng mặt bằng trong khi chưa giao đất, cho thuê đất là phù hợp vì chỉ có địa phương nơi có đất thu hồi mới có đủ lực lượng quản lý mặt bằng.

Phường Phương Nam tổ chức hội nghị lấy ý kiến tham gia dự thảo Luật đất đai (sửa đổi).

Nhiều ý kiến đóng góp đề nghị bổ sung quy định ghi nhận hiện trạng khu đất bị thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất tài sản gắn liền với đất được tạo lập từ sau khi có thông báo thu hồi đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thì không được bồi  thường. Vì việc ghi nhận hiện trạng khu đất thu hồi tại thời điểm thông báo thu hồi đất có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bồi thường tài sản gắn liền với đất, đặc biệt là cây trồng, vật nuôi, những tài sản mà việc tạo lập không cần khai báo, đăng ký. Quy định thủ tục này góp phần ngăn chặn tình trạng cố tình tạo lập tài sản đón đầu thu hồi đất để được bồi thường và có căn cứ chặt chẽ trong giải quyết thắc mắc, khiếu nại khi giải phóng mặt bằng.

Đề nghị bổ sung quy phạm về sự phối hợp giữa cơ quan có thẩm quyền với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương ngay từ khâu đầu tiên của quy trình thu hồi đất để tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các quy định của pháp luật về thu hồi đất, việc kiểm định đất đai, nhà ở, cây cối, ao hồ... để định giá đền bù, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng.

UBND và UB MTTQ thành phố phối hợp tổ chức Hội nghị lấy ý kiến tham gia vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Về xây dựng và thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm…, trên thực tế triển khai còn thiếu nội dung “xác định giá đất cụ thể phục vụ bồi thường đất”. Vì vậy cần bổ sung thêm nội dung này sau khi thông báo thu hồi đất, đo đạc địa chính khu đất và tiến hành trước thời điểm họp dân kiểm đếm. Thông thường khi tiến hành kiểm đếm thì người dân luôn hỏi chính sách bồi thường, trong đó người sử dụng đất quan tâm nhất là giá bồi thường đất...

Cũng liên quan đến vấn đề bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất, các ý kiến cho rằng nội dung quy định trong dự thảo khá hợp lý, sát thực tiễn. Tuy nhiên, dự thảo quy định nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo thu nhập và điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ. dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cần thể chế hóa các quy định nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân có đất bị thu hồi, cụ thể hóa các tiêu chí thế nào là “tốt hơn nơi ở cũ”, trong đó có tính đến tính chất công việc của người bị thu hồi, trượt giá, tạo công ăn việc làm sau thu hồi…              

Bên cạnh các góp ý về quy định về thu hồi đất, bồi thường, GPMB, những quy định về quản lý, khai thác, sử dụng đất đã thu hồi; chi trả bồi thường hỗ trợ, hỗ trợ tái định cư; chuyển mục đích sử dụng đất, giá đất... trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng nhận được nhiều ý kiến tâm huyết đóng góp của Nhân dân.

Trước đó, để phục vụ cho công tác lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) được tổ chức nghiêm túc chất lượng, đặc biệt là công tác tuyên truyền, phổ biến dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), toàn bộ tài liệu, Kế hoạch, Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), Đề cương tổng hợp báo cáo theo Phụ lục ban hành kèm theo Nghị quyết số 170/NQ-CP ngày 31/12/2022 của Chính phủ, đã được đăng tải chi tiết, tuyên truyền tới Nhân dân trên cổng thông tin điện tử của thành phố. Trung tâm Truyền thông thành phố cũng đã mở chuyên trang; Chuyên mục lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) và tuyên truyền lấy ý kiến Nhân dân đối với dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) trên trang Facebook Tin tức Uông Bí 24/7 và Facebook DDCI Uông Bí.

Các cấp các ngành trên địa bàn thành phố cũng đã triển khai đa dạng các hình thức lấy ý kiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn ở cơ sở, đảm bảo hiệu quả, thu hút sự quan tâm của đông đảo các tầng lớp Nhân dân. Theo đó đã có 37 hội nghị hội thảo được tổ chức và đã nhận được 2.432 lượt ý kiến góp ý của tổ chức, cá nhân.

Trên cơ sở các báo cáo và ý kiến của các tổ chức, cá nhân, phòng, ban, đơn vị trên địa bàn Thành phố, phòng Tài nguyên và Môi trường thành phố sẽ tiến hành tổng hợp các ý kiến một cách trung thực, đầy đủ và khách quan, báo cáo Sở Tài nguyên và Môi trường; Ban quản lý các Khu Kinh tế tỉnh Quảng Ninh về tình hình triển khai và tổng hợp các ý kiến của tổ chức, cá nhân tham gia góp ý vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trên địa bàn.

Phương Lan

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 122936 Tổng lượt truy cập 89333458