Nhân rộng các mô hình điểm của Đề án 06

Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, là mục tiêu, động lực để phát triển, góp phần giữ vững sự ổn định, thúc đẩy phát triển KT-XH, những năm gần đây tỉnh Quảng Ninh luôn khẳng định là điểm sáng trên toàn quốc về chuyển đổi số trong mọi lĩnh vực. Trong đó, tỉnh đã chủ động và có nhiều cách làm sáng tạo, đảm bảo thực chất, cung cấp các tiện ích cụ thể đối với việc triển khai Đề án 06 về phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 nói chung, các mô hình điểm nói riêng.

Trực ban hình sự Công an tỉnh hướng dẫn công dân sử dụng tính năng tố giác tội phạm qua ứng dụng VNeID.

Xây dựng ứng dụng, phần mềm riêng

Với phương châm triển khai thận trọng từng bước, có trọng tâm trọng điểm, tránh lãng phí NSNN và kinh phí của doanh nghiệp, dưới sự chỉ đạo của Tổ công tác Đề án 06 tỉnh, Công an tỉnh với vai trò Cơ quan Thường trực đã tham mưu lựa chọn thực hiện thí điểm các mô hình trong việc triển khai Đề án 06 tại một số cơ sở, cơ quan, đơn vị sao cho phù hợp với đặc thù địa phương, lĩnh vực. Từ đó, nghiên cứu, đánh giá hiệu quả thực tiễn của mô hình trước khi áp dụng rộng rãi. Đồng thời, bên cạnh các ứng dụng, sản phẩm do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) cung cấp, tỉnh cũng chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, xây dựng những ứng dụng, phần mềm riêng để áp dụng phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.

Một trong số đó là mô hình triển khai nền tảng quản lý lưu trú qua phần mềm ASM, hiện đã được triển khai có hiệu quả tại hơn 500 cơ sở lưu trú như khách sạn, nhà nghỉ, homestay, tàu nghỉ đêm... trên địa bàn tỉnh. Với mô hình này, bộ phận lễ tân khách sạn chỉ cần quét QR code trên CCCD gắn chíp của khách lưu trú, thông tin sẽ được link trực tiếp sang phần mềm ASM trên máy tính và tự động cập nhật lên hệ thống thông báo lưu trú quốc gia.

Khách sạn Peace Hạ Long sử dụng phần mềm ASM trong quản lý lưu trú.

Đặc biệt, việc quét mã được thực hiện thông qua phần mềm điện thoại vừa thuận tiện, vừa tiết kiệm chi phí, giúp doanh nghiệp không phải đầu tư mua máy quét QR code. Đây là phần mềm riêng của Quảng Ninh, được Công an tỉnh chủ động phối hợp với doanh nghiệp công nghệ thông tin xây dựng. Quảng Ninh cũng là tỉnh duy nhất trên cả nước nghiên cứu và phát triển thành công ứng dụng khai báo lưu trú trên điện thoại.

Chính vì thế, dù chỉ mới đưa vào hoạt động vài tháng, nhưng việc ứng dụng phần mềm đã cho thấy hiệu quả rõ rệt, giúp cơ sở tránh các sai sót về thông tin khách so với việc nhập tay vào hệ thống khai báo lưu trú như trước kia, đồng thời giúp tiết kiệm được nhiều thời gian trong việc thực hiện quy định của pháp luật về thông báo lưu trú đối với du khách.

Chị Cao Thị Nga, Trưởng bộ phận Lễ tân (Khách sạn Peace Hạ Long) cho biết: Khi sử dụng phần mềm khai báo lưu trú, giúp chúng tôi có thể thao tác nhanh, gọn. Tất cả các thông tin chỉ cần quét qua điện thoại rất phù hợp với các khách hàng lớn. Khách sạn cũng không cần giữ CCCD của khách và khai báo thủ công, mất nhiều thời gian như trước.

Nhân viên Công ty TNHH Vận tải Phúc Xuyên sử dụng phần mềm ASM quản lý lưu trú trên xe khách đường dài.

Phần mềm ASM triển khai trên điện thoại cũng được Công an tỉnh triển khai thí điểm tại Công ty TNHH vận tải Phúc Xuyên và bước đầu cho thấy hiệu quả với việc quản lý lưu trú trên xe khách đường dài, giúp nhà xe có thể linh hoạt khai báo, kiểm soát lượng hành khách lưu trú, mà không phải khai báo trên máy tính, đảm bảo tối đa hiệu quả sử dụng.

Bên cạnh mô hình quản lý lưu trú, mô hình xác thực thẻ CCCD gắn chip và tài khoản định danh VNeID cũng phát huy hiệu quả tích cực. Bởi hiện nay, thẻ CCCD gắn chip đã có thể thay thế hoàn toàn thẻ khám chữa bệnh BHYT giấy; cũng như thay thế thẻ ngân hàng để nộp và rút tiền mặt tại ATM thông qua máy giao dịch tự động đa năng (CRM). Khi mô hình này được triển khai trên diện rộng, người dân sẽ không phải mang quá nhiều loại thẻ cùng lúc. Việc rút tiền chỉ được thực hiện sau khi xác nhận được khuôn mặt/vân tay, đảm bảo tuyệt đối an toàn.

Cán bộ Công an tỉnh hướng dẫn thực hiện mô hình xác thực căn cước công dân tại doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bảo vệ. Ảnh: Hằng Ngần

Việc đọc thông tin khách hàng bằng thẻ CCCD gắn chip cũng rất phù hợp với các cơ quan thực hiện chứng thực, tổ chức hành nghề công chứng, văn phòng thừa phát lại. Thực tế, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã phát hiện, triệt phá nhiều vụ án giả mạo giấy tờ, giả mạo người đi công chứng để thực hiện các hành vi lừa đảo với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp. Chính vì vậy, mô hình này khi ứng dụng vào thực tế, sẽ phòng tránh nguy cơ giả mạo, đảm bảo các giao dịch công chứng được an toàn, thuận lợi và hiệu quả. Hiện nay, toàn tỉnh đã triển khai lắp đặt máy đọc CCCD gắn chip tại 5 văn phòng công chứng tư nhân.

Bà Trần Thị Lan, Trưởng Văn phòng công chứng Trần Thị Lan (TP Hạ Long) chia sẻ: Chúng tôi rất phấn khởi khi được cơ quan công an lắp đặt các thiết bị thực hiện xác thực thẻ CCCD. Qua đó khẳng định vai trò uy tín của các văn phòng công chứng và công chứng viên trong việc phòng ngừa tội phạm có thể xảy ra.

Cũng liên quan đến công tác phòng chống tội phạm, thông thường người dân muốn tố giác tội phạm phải làm đơn trình báo, hoặc trực tiếp đến cơ quan công an, thì nay thông qua ứng dụng VNeID, việc trình báo, tố giác tội phạm trở nên kịp thời và đơn giản hơn. Cho đến nay Công an tỉnh đã tiếp nhận hơn 70 tin báo tố giác tội phạm thông qua ứng dụng này.

Nhân rộng, tạo hiệu ứng tích cực

Bên cạnh 43 mô hình do Cục Cảnh sát QLHC về TTXH (Bộ Công an) triển khai trên toàn quốc, với nỗ lực tiên phong, đi đầu trong thực hiện Đề án 06 và chuyển đổi số, Tổ công tác Đề án 06 của tỉnh đã nghiên cứu, đăng ký thực hiện thêm 2 mô hình điểm so với hướng dẫn của Tổ công tác Đề án 06 chính phủ, đó là mô hình "Chợ 4.0" thanh toán không dùng tiền mặt và mô hình "Quản lý số" tại các chung cư, khu nhà trọ.

Người mua hàng và tiểu thương tại Chợ Hạ Long 2 (TP Hạ Long) giao dịch qua phương thức thanh toán trực tuyến không dùng tiền mặt.

Với mô hình Chợ 4.0, ngay cả người dân ở vùng nông thôn khi đi mua mớ rau, lạng thịt, cũng không cần đem theo tiền mặt, chỉ cần điện thoại thông minh có liên kết tài khoản ngân hàng là việc thanh toán trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết với tính năng quét mã QR.

Ông Nguyễn Chí Hoàng, Phó Trưởng BQL Chợ Mạo Khê (TX Đông Triều) cho biết: Các ngân hàng, đơn vị viễn thông như Mobifone, Viettel đã rất tận tình hỗ trợ mạng viễn thông, đường truyền Internet cho chợ, do đó tỷ lệ hộ kinh doanh cố định tại chợ đã đăng ký tài khoản thanh toán qua việc quét mã QR lên đến 80%. Cho đến nay, kể cả tiểu thương hay người mua cũng đã hình thành thói quen mới là không dùng tiền mặt, tích cực hưởng ứng mô hình Chợ 4.0.

Hiện trong tổng số 45 mô hình điểm Đề án 06 đã được phê duyệt, toàn tỉnh đã triển khai thí điểm 33 mô hình. Quá trình triển khai đã ghi nhận những hiệu quả bước đầu rất tích cực, tuy nhiên bên cạnh đó cũng đã có những vướng mắc, như một số mô hình có chi phí đầu tư tương đối lớn về hạ tầng, trang thiết bị; cơ sở pháp lý chưa rõ ràng về việc thu chi phí xác thực CCCD... nên việc triển khai trên diện rộng còn gặp nhiều khó khăn.

Thượng tá Trần Viết Luận, Phó Trưởng phòng Cảnh sát QLHC về TTXH (Công an tỉnh) khẳng định: Những tiện ích từ các mô hình điểm thực hiện Đề án 06 mang lại sẽ giúp các cơ quan, doanh nghiệp rút ngắn được thời gian trong các khâu quản lý, sản xuất; cắt giảm được nguồn nhân lực thủ công, tạo ra giá trị sản xuất cao hơn, cũng như nâng cao được tính bảo mật, an ninh, an toàn trong quá trình vận hành, hoạt động. Thời gian tới chúng tôi sẽ tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, triển khai rộng rãi các mô hình sau quá trình thí điểm. Tuy nhiên, để các mô hình điểm thực sự phát huy hiệu quả, cần sự vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp tích cực tham gia, đầu tư và sử dụng các phần mềm.

Có thể khẳng định, những mô hình điểm trong thực hiện Đề án 06 được xây dựng, nếu được triển khai diện rộng sẽ tạo hiệu ứng tích cực, là “chìa khóa” tạo nên đột phá, thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển toàn diện KT-XH. Đồng thời, tạo thói quen về công nghệ và chuyển đổi số, thay đổi tư duy của người dân, doanh nghiệp, hình thành thói quen sử dụng công nghệ trong các hoạt động của đời sống xã hội, cũng như sản xuất, kinh doanh. Từ đó, phát triển chính quyền số, công dân số, kinh tế số… lên một tầm cao mới.

Năm 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc tạo sự bứt phá để hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu đã đề ra tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025, toàn tỉnh đang đứng trước những thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen.

Với mục tiêu chuyển đổi số toàn diện, Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ thuộc nhóm dẫn đầu về an toàn, an ninh mạng; trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh. Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc triển khai Đề án 06 nói chung và các mô hình điểm Đề án 06 nói riêng đòi hỏi sự vào cuộc tích cực hơn nữa của cấp ủy, chính quyền các cấp, các cơ quan, ban ngành liên quan, đặc biệt là các doanh nghiệp trên địa bàn, góp phần đẩy mạnh ý nghĩa then chốt của Đề án 06 trong công cuộc chuyển đổi số quốc gia.

Theo Ngọc Khôi/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19862 Tổng lượt truy cập 91769394