Nhận diện chiêu trò ẩn mình dưới các trang web công an của tội phạm lừa đảo

Nhóm tội phạm công nghệ cao tiếp cận các nạn nhân để lừa đảo dưới những trang web mạo danh lực lượng Công an, từ đó chiếm đoạt hàng tỉ đồng. Bộ Công an đã chỉ ra cách nhận diện những trang web giả mạo và khuyến cáo tới người dân.

Hình ảnh giả mạo trang web của Bộ Công an được lực lượng chức năng phát hiện, cảnh báo. Ảnh: V.D

Nhận cuộc gọi lạ, nạn nhân thành “con rối” của kẻ lừa đảo

Hôm 19.8, Công an TP.Hà Nội cho biết, thời gian qua, mặc dù đã có rất nhiều cảnh báo về thủ đoạn giả danh cơ quan công an để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhưng vẫn có người "sập bẫy" của các đối tượng. Gần đây, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) đang xác minh, điều tra vụ giả danh cán bộ công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 2 tỉ đồng.

Theo đó, ngày 12.8, Công an quận Cầu Giấy tiếp nhận đơn trình báo của bà P (42 tuổi, trú tại quận Cầu Giấy) về việc nhận được một cuộc điện thoại của đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Người này thông báo bà P có liên quan đến một vụ án đang được lực lượng công an điều tra và yêu cầu nạn nhân tải app giả mạo "Bộ Công an" để phục vụ công tác điều tra. Sau khi đăng nhập tài khoản, bà P bị chúng chiếm đoạt gần 2 tỉ đồng.

Trong thời gian qua, các đơn vị nghiệp vụ đã phát hiện hàng trăm trang mạng, tài khoản mạng xã hội mạo danh lực lượng công an nhân dân; mạo danh Công an các địa phương, các trường Công an.

Song nhiều nạn nhân như chị P vẫn sập bẫy của nhóm tội phạm lừa đảo công nghệ cao. Như trường hợp của bà H (48 tuổi, ở Hà Nội) bị chiếm đoạt số tiền gần 4 tỉ đồng với thủ đoạn tương tự như chị P.

Vụ án bắt nguồn từ việc bà H bị một nhóm đối tượng tự xưng là cơ quan pháp luật gọi điện tới. Chúng còn gửi cho bà H trang web giả mạo Cổng thông tin điện tử Công an thành phố Hà Nội “congan.hanoi113.com”. Sau đó, chúng doạ bà H liên quan đến một vụ án đang được công an điều tra.

Các đối tượng đe dọa, bắt ép bà H phải gửi tiền vào các tài khoản do nhóm đối tượng cung cấp. Vì lo sợ, bà H đã làm thủ tục chuyển khoản số tiền 3,8 tỉ đồng và bị chúng chiếm đoạt.

Sau đó, cơ quan chức năng đã làm rõ Nguyễn Đình Vân (25 tuổi, Tứ Kỳ, Hải Dương), là sinh viên và Nguyễn Mạnh Hiền (24 tuổi, Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên), là lao động tự do liên quan đến nhóm đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà H.

Hiện cả Vân và Hiền đã bị Toà án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt các mức án 10 năm và 9 năm tù giam cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, đồng thời cơ quan chức năng tiếp tục truy vết kẻ cầm đầu.

Vạch mặt chân tướng các trang web giả mạo

Trước thực trạng trên, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương xác định các trang mạng, tài khoản mạo danh lực lượng Công an nhân dân. Đồng thời, cơ quan chức năng đã đưa ra rất nhiều cảnh báo để phòng ngừa tội phạm.

Mới đây nhất, ngày 19.5, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an TPHCM thông tin việc phát hiện trang web "https://2.0840113" có dấu hiệu giả mạo trang web của Bộ Công an với mục đích lừa đảo nhằm chiếm đoạt tài sản.

Các đối tượng mạo danh Công an đang điều tra các vụ án tham nhũng, rửa tiền, ma túy… và chủ động liên hệ với một số cá nhân có liên quan đến các vụ án này yêu cầu trình diện cơ quan Công an, đe dọa khởi tố vụ án hình sự hoặc tạm giam để điều tra…

Từ đó, các đối tượng mạo danh đề nghị nếu không muốn bị khởi tố, tạm giam, nạn nhân phải cung cấp các thông tin như chứng minh nhân dân/căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng, số dư… để thanh tra tình hình tài chính.

Sau khi có được thông tin, đối tượng sẽ gửi mã số và đề nghị các nạn nhân đăng nhập vào website tên miền như trên (nếu không có mã này thì không thể đăng nhập để trang web mở giao diện giống trang web của Bộ Công an), khai báo các thông tin cá nhân và chọn mục hủy xác nhận OTP (phương thức bảo mật của ngân hàng khi thực hiện giao dịch).

Tuy nhiên, khi nạn nhân sập bẫy, chúng có được thông tin cần thiết, đã chiếm quyền kiểm soát tài khoản ngân hàng của bị hại và thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Lãnh đạo Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an cho hay, trên website giả mạo có các chuyên mục yêu cầu người dân đăng nhập vào tài khoản ngân hàng và điền các thông tin cá nhân. Khi người dân đăng nhập vào thì tự động tải về file "vn84.abk".

“Đây là một loại mã độc, nó có khả năng tự động cài đặt trên hệ điều hành nhằm chiếm đoạt tài khoản ngân hàng và sử dụng trái phép thông tin cá nhân", lãnh đạo Cục này thông tin.

Theo Bộ Công an, các website chính thức của các cơ quan nhà nước đều có đuôi như: gov.vn hay vn. Các website chính thống sẽ không yêu cầu người dân đăng nhập tài khoản ngân hàng, kê khai thông tin cá nhân, cũng không đăng tải các lệnh bắt, lệnh khám xét hay các thủ tục tố tụng hình sự trên mạng Internet. Không ít người sau khi truy cập vào các trang website giả mạo trên đã bị các đối tượng giả danh uy hiếp và chiếm đoạt tiền, từ vài trăm triệu, đến thậm chí vài tỉ đồng mỗi người.

Trước thực trạng trên, Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia (NCSC) cũng có khuyến cáo, mọi người cần nâng cao cảnh giác tuyệt đối không truy cập các trang tin không chính thống, không cài đặt các phần mềm ứng dụng từ các nguồn không chính thống. Cần cảnh giác khi nhận các cuộc gọi tự xưng là cán bộ Nhà nước, cơ quan Công an để thông báo yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại. Nếu thấy có dấu hiệu lừa đảo báo ngay cho cơ quan Công an gần nhất.

Theo laodong.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 35310 Tổng lượt truy cập 89187957