Người lưu giữ hồn quê

Nằm ngay cạnh con phố nhỏ thuộc khu 1, phường Yên Thanh, gần khu chợ cảnh Uông Bí là căn nhà nhỏ bên ngoài bày bán những chậu hoa cây cảnh của ông Đặng Quốc Biên. Thoạt nhìn không có gì đặc biệt, nhưng bước vào bên trong du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm sản phẩm nông cụ và đồ gia dụng cũ được gia đình ông sưu tầm và lưu giữ từ rất lâu rồi. Trên mỗi đồ vật, ông Biên đều tỉ mỉ ghi rõ tên, thời gian, nơi ông tìm kiếm được...

Từ câu hỏi về cái cày của con trai

Ngồi nhâm nhi bên tách trà nóng trong buổi chiều cuối thu, ông Biên nhớ lại cơ duyên đưa mình đến với việc sưu tầm các sản phẩm nông cụ và đồ gia dụng cũ.

Ông Biên kể: Tôi sinh ra ở làng Hưng Học, phường Nam Hòa, đảo Hà Nam (TX Quảng Yên), nơi có truyền thống làm nghề đan thuyền nan và các ngư cụ đánh bắt cá. Thủa nhỏ, tôi đã theo cha làm nghề đăng đó. Tôi biết đan các loại lờ để đánh bắt tôm cá như lờ bống, lờ trê, lờ cá rô, lờ cá nhệch... Năm 1968, khi vừa 19 tuổi, tôi nhập ngũ vào phục vụ trong ngành Công an và đến năm 1981, tôi chuyển ngành về công tác tại Ban Công trình công cộng của UBND TP Uông Bí (Công ty Môi trường Uông Bí ngày nay). Công tác ở đó đến năm 1995 thì tôi về nghỉ hưu.

Việc sưu tầm những đồ nông cụ truyền thống và gia dụng cũ của ông Biên bắt đầu từ năm 2000. Ông chia sẻ, thực ra việc này cũng đến với ông một cách tình cờ và là một kỷ niệm đáng nhớ trong cuộc đời.  Đó là cái ngày mà cậu con trai cả của ông bước vào Đại học Nông nghiệp, gia đình có một cái cày cũ bị hỏng, trong lúc đang ngồi sửa chữa thì cậu con trai hỏi "bố ơi cái gì đây?”. Lúc đó, ông mới chợt giật mình: Con trai học đại học, lại là Đại học Nông nghiệp mà còn không biết cái cày là cái gì thì quả là một điều đáng buồn. Chính điều này đã thôi thúc ông sưu tập những nông cụ và đồ gia dụng xưa.

Thêm nữa, ông còn có một thú đam mê chơi cây cảnh từ hồi còn trẻ, khi về nghỉ hưu ông có cơ hội rong ruổi ở khắp các làng quê trong và ngoài tỉnh để đi tìm những cây cảnh về trồng để bán. Trong quá trình đó, ông tranh thủ sưu tầm thêm những đồ nông cụ cũ.

Ông Biên bảo, lúc đầu cũng chỉ là những cái cày, bừa, cuốc, cào... Mình nghĩ câu người ta hay nói đùa “Trâu đen thì ăn cỏ, trâu đỏ thì ăn gà”, xã hội ngày càng phát triển, những nông cụ thô sơ sản xuất của nhà nông cũng được thay thế dần bằng máy móc. Các nông cụ, đồ dùng sinh hoạt của người dân trước đây đang mất dần trong cuộc sống. Đó cũng chính là động lực để ông sưu tầm hiện vật cổ xưa gắn liền với người dân những năm trước đây, giúp lớp trẻ sau này biết được cha ông mình ngày trước đời sống sinh hoạt như thế nào.

Ông Biên tâm sự, thời điểm những năm 2000, cây cảnh không nhiều như bây giờ. Có những cây cảnh mà khách hàng đặt, ông phải đi xa vài trăm cây số, không chỉ vào các vườn ươm mà phải lang thang vào các ngõ ngách nhà dân mới tìm kiếm được. Những ngày tháng đi tìm cây cảnh ở khắp nơi cũng là lúc ông tranh thủ kết hợp sưu tầm và mua lại những đồ nông cụ và gia dụng cũ của người dân. Có những đồ vật cũ người ta bỏ đi thì ông xin lại nhưng có những đồ vật độc đáo ông phải bỏ ra đến hàng triệu đồng để mua, chẳng hạn như mâm gỗ, đỉnh hương...

Khi tôi hỏi, thế ông lấy tiền đâu ra để phục vụ thú vui sưu tầm những vật dụng cũ của mình, ông Biên cười: “thì lấy nó nuôi nó”. Ông giải thích thêm tức là tiền lãi kiếm được từ cây cảnh, ông dùng để phục vụ cho thú vui sưu tầm đồ nông cụ và gia dụng cũ của mình.

Bây giờ, tuổi cũng đã cao, nhưng trung bình mỗi tháng, ông Biên vẫn tranh thủ thời gian dành khoảng 2-3 chuyến rong ruổi khắp nơi để tìm kiếm những đồ nông cụ và đồ gia dụng sinh hoạt cũ.

Đến "Bảo tàng nông cụ, đồ gia dụng" tại gia

Gần 20 năm sưa tầm và lưu giữ, căn nhà nhỏ của ông Biên giờ đã là nơi trưng bày của hơn 300 hiện vật. Đó là đồ vật cổ xưa như nông cụ, ngư cụ, các vật dụng sử dụng trong đời sống hằng ngày gắn liền với người dân Việt những năm trước đây.

Những vật dụng vốn thân thuộc của người dân nay đã lui vào dĩ vãng khi nghề nông được cơ giới hóa. Từ công cụ sản xuất nông nghiệp như cày, bừa, cối, chày, nong, nia, bồ đựng lúa, gàu tát nước, liềm, rựa… đến dụng cụ đánh bắt cá như nơm, đó, lưới, giỏ đựng cua… và những vật dụng sử dụng hằng ngày trong gia đình như đỉnh hương, chén bát, mâm gỗ, đèn dầu .v.v.. Đặc biệt là hàng trăm chiếc bản đồ địa lý thế giới, Việt Nam, bản đồ hành chính từ địa phương đến các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh được ông sưu tầm bảo quản, giữ gìn đóng khung cẩn thận, xếp thành từng chồng trên giá gỗ. Ngoài ra còn có hàng vạn câu ca dao, tục ngữ, thành ngữ của Việt Nam được ông chép tay trên những tờ giấy khổ lớn để lưu giữ.

Dẫn tôi đi xem các hiện vật trưng bày, tôi thấy mỗi đồ vật đều mang hơi thở và chứa đựng những thông tin về cuộc sống nhà nông. Từng hiện vật sưu tầm về được chủ nhân tìm hiểu gốc gác và dán giấy thuyết minh cẩn thận.

Ông Biên chia sẻ, việc lưu giữ các loại dụng cụ không phải là một thú chơi tiêu khiển mà ông mong muốn con cháu đời sau sẽ thông qua những vật dụng ấy mà hiểu được cha ông đã sinh hoạt và lao động sản xuất như thế nào. Trong hơn 300 đồ vật mà ông sưu tập và lưu giữ được, có những đồ vật mà những nhà sưu tầm đồ cổ đến tham quan và có ý mua lại với giá cao đến hàng chục triệu đồng nhưng ông nhất quyết không bán mà để lưu giữ cho các thế hệ sau.

Ông Biên bảo, hiện nay, nhiều bạn trẻ ở thành phố không biết tên gọi của những nông cụ gắn bó với đời sống người nông dân xưa kia. Tuy “bảo tàng” của ông vẫn còn sơ sài nhưng thỉnh thoảng gia đình ông cũng đón những đoàn khách là các cháu học sinh ở các trường học trên địa bàn đến tham quan, tìm hiểu. Tại đây, ông sẵn sàng thuyết minh, giải thích cặn kẽ cho các cháu hiểu thêm về những nông cụ, đồ gia dụng xưa.

Chị Cao Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Yên Thanh (Uông Bí) cho rằng, trong xu hướng đô thị hóa nông thôn, các nông cụ phục vụ sản xuất, đồ dùng sinh hoạt, không gian về một miền quê thanh bình thuở xưa đang dần biến mất thì những hiện vật mà gia đình ông Biên đã sưu tầm, bảo tồn, lưu giữ được thực sự rất độc đáo, có ý nghĩa về văn hóa, xã hội.

Chiều đã muộn, chia tay chúng tôi, ông Biên chia sẻ, dự định thời gian tới gia đình ông sẽ xây một ngôi nhà khoảng 300m2 và dành ra 80% diện tích để trưng bày các hiện vật. Qua đó để lưu giữ, bảo tồn những nông cụ và đồ gia dụng truyền thống cho con cháu muôn đời sau và tạo thành sản phẩm du lịch để du khách đến tham quan, tìm hiểu về đời sống trước đây của người dân Việt.

Theo Thu Nguyên/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6913 Tổng lượt truy cập 89148095