Một số thành tựu về phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh từ 1963 đên nay

QUẢNG NINH - PHÁT TRIỂN NGAY TRONG CHIẾN TRANH BOM ĐẠN (1963-1985)

Chính quyền non trẻ khi vừa thành lập đã phải đối mặt với muôn vàn khó khăn. Bên cạnh việc đẩy mạnh sản xuất công nghiệp, quân và dân Quảng Ninh còn phải đối mặt với cuộc chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ. Ngày 5/8/1964, máy bay Mỹ ném bom mở đầu thời kỳ mở rộng chiến tranh ra miền Bắc. Quảng Ninh đã đánh thắng giặc Mỹ ngay trận đầu, bắn rơi 3 máy bay phản lực siêu âm, bắt sống phi công Mỹ đầu tiên - Trung uý Anvaret. Ngày 5/8/1964 đã trở thành ngày đánh thắng trận đầu của Quân chủng Phòng không-Không quân Việt Nam, trong đó quân và dân Quảng Ninh đã góp phần xứng đáng viết lên truyền thống hào hùng đó. 

Trong 40 phút chiến đấu quân dân thị xã Hồng Gai (nay là thành phố Hạ Long) bắn rới 3 chiếc máy bay các  loại. (Ảnh: baoxaydung.com.vn)

Bên cạnh đó, việc phát triển kinh tế cũng cho thấy những dấu hiệu rất tích cực. Trong năm 1964, Quảng Ninh còn hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.

Ngày 2/2/1965, Quảng Ninh vinh dự đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Đây là lần đầu tiên và cũng là lần duy nhất Quảng Ninh được đón Bác Hồ kể từ khi được mang tên mới. Bác đã có buổi nói chuyện thân mật với đồng bào trong cuộc mít-tinh tại sân trường cấp III Hòn Gai. Trên đường đi, Bác cũng dừng chân tại trường cấp I Phạm Hồng Thái (huyện Đông Triều), đồi thông Yên Lập (Uông Bí) để trò chuyện với nhân dân, các chuyên gia nước ngoài làm việc tại nơi đây. 

Bác Hồ về thăm, ăn Tết Ất Tỵ năm 1965 với quân và dân Quảng Ninh. (Ảnh: baoquangninh.vn)

Hai thời tổng thống Mỹ Johnson và Nixon cũng là hai thời kì Quảng Ninh bị đánh phá ác liệt. Quân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã chiến đấu, đánh trả 7.417 đợt máy bay vào dội bom xả đạn, bắn rơi trên 200 máy bay hiện đại, bắn chìm nhiều tàu chiến, diệt và bắt nhiều giặc lái của Mỹ. Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, công nhân và nông dân cùng các tầng lớp lao động trong tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, nâng cấp 117km đường bộ nhằm đảm bảo giao thông thông suốt, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động, rèn luyện thân thể. 

Đồng chí Nguyễn Thọ Chân, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh tặng Bác Hồ "hòn than đầu tiên của kế hoạch khai thác năm 1965 vì miền nam ruột thịt" tại lễ mít tinh đón Bác về ăn Tết với Quảng Ninh ngày mùng 1 Tết Ất Tỵ (1965). (Ảnh: baoquangninh.vn)

Tìm hiểu những tài liệu lịch sử, có thể tự hào nhận thấy rằng, trong thời kỳ chiến tranh bom đạn, bên cạnh việc anh dũng chiến đấu chống giặc ngoại xâm, tỉnh Quảng Ninh vẫn tập trung chỉ đạo, điều hành sản xuất, đảm bảo đời sống, giữ vững an ninh chính trị, duy trì, nâng cao các hoạt động văn hóa xã hội… Mọi lĩnh vực hoat động trên đất mỏ không những giữ được ổn định mà còn tiếp tục phát triển. Theo số liệu thống kê, giá trị sản xuất công nghiệp năm 1975 của tỉnh Quảng Ninh đạt 2.169 tỷ đồng, tăng 594 tỷ đồng so với năm 1965 (giá cố định 1970). Giá trị tổng sản lượng nông nghiệp năm 1975 bằng 1,21 lần so với năm 1965. 

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm, chúc Tết nhân dân Uông Bí, công nhân công trường xây dựng Nhà máy Điện Uông Bí, xuân Ất Tỵ (1965). (Ảnh: baoquangninh.vn)

Đại thắng mùa xuân 1975 giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội theo cương lĩnh Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV (1976). Song, ngay tức thì, đất nước ta lại đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ. 

Trong bối cảnh chung của đất nước, của vùng mỏ là vậy, song thật đáng tự hào khi nhớ lại những thành tựu mà Đảng bộ, chính quyền, các lực lượng vũ trang, đội ngũ công nhân và nhân dân các dân tộc Quảng Ninh đã tự tháo gỡ khó khăn, tiếp tục phát triển kinh tế, giữ vững an ninh quốc phòng và nâng cao chất lượng cuộc sống thổ. 

Xuất khẩu than ở cảng nổi Hòn Nét (huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh). (Ảnh: TTXVN)

Hàng vạn thợ mỏ vẫn bám tầng, bám máy để sản xuất thật nhiều than cho nền kinh tế quốc dân. Trong giai đoạn này, tỉnh Quảng Ninh cũng đã thành lập đoàn tàu viễn dương để buôn bán với nước ngoài; xuất khẩu hàng hóa để thu ngoại tệ. Từ 1981 đến 1985, tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 26.713.881 đồng Rúp và Đô-la. Ngoại tệ thu được đã đầu tư cho các ngành, các địa phương trong tỉnh phát triển sản xuất, cải thiện đời sống và tích lũy. 

Quang cảnh thành phố Hạ Long về đêm. (Ảnh: Thành Đạt)

QUẢNG NINH - NHỮNG BƯỚC TIẾN LỚN TRONG THỜI KỲ ĐẦU ĐỔI MỚI (1986-2010)


Thực hiện công cuộc đổi mới theo đường lối Đại hội lần thứ VI của Đảng (12/1986), tỉnh Quảng Ninh chú trọng phát triển các ngành khai thác than đá, sản xuất thực phẩm, hàng tiêu dùng, hàng xuất khẩu.

Việc thực thi cơ chế chính sách đổi mới đã tạo cho Quảng Ninh một diện mạo mới và bước phát triển nhanh chóng. GDP tăng bình quân từ 9,6%/ năm giai đoạn 1986-1995 lên 12,65%/ năm trong giai đoạn 1996-2005, kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân hằng năm từ 18 đến 20% năm… Từ một tỉnh Trung ương phải hỗ trợ 90% nhu cầu lương thực, thực phẩm, 70%-80% về ngân sách, đến năm 1995, tỉnh Quảng Ninh đã cân đối được ngân sách, có đóng góp cho Trung ương, tự giải quyết được những khó khăn lớn về hàng hóa tiêu dùng, lương thực, thực phẩm… 

Với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, các thế hệ công nhân vùng mỏ kiên cường lao động sản xuất, tham gia chiến đấu giải phóng đất nước, xây dựng xã hội chủ nghĩa. (Ảnh tư liệu)

Phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, công nhân ngành than tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, đưa tỉnh Quảng Ninh trở thành một trong những đầu tàu công nghiệp của miền bắc.

Năm 2005 đánh dấu một mốc son của ngành khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam. Sản lượng khai thác than được tăng lên đáng kể. Nếu như năm 1964 sản lượng than chỉ đạt trên 1 triệu tấn; hơn 30 năm sau, năm 1995 con số này chỉ ở mức 7,6 triệu tấn, thì năm 2011, tập đoàn đã khai thác được 48,2 triệu tấn với doanh thu đạt trên 93 ngàn tỷ đồng.

Năm 2005 đánh dấu một mốc son của ngành than khi Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải quyết định thành lập Tập đoàn Công nghiệp Than Khoáng sản Việt Nam.

Giai đoạn 2006-2011, tỉnh Quảng Ninh có mức tăng trưởng cao với mức tăng trưởng GDP bình quân đạt 12%/năm, cao gần gấp đôi mức tăng trưởng trung bình của cả nước là 6,5%. GDP bình quần đầu người năm 2011 dạt 46,7 triệu đồng, cao gấp 1,6 lần mức trung bình cả nước. Tỉnh đã có bước tiến dáng kể trong việc dịch chuyển cơ cấu nền kinh tế khỏi sự phụ thuộc vào nông nghiệp và khai thác than; ngành dịch vụ chiếm 37% tỷ lệ đóng góp vào GDP. 

Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV) nỗ lực duy trì sản xuất kinh doanh than đạt nhiều kết quả tích cực. (Ảnh: VGP)

Cũng trong giai đoạn này tỉnh thu hút được khối lượng đầu tư lớn. Vốn đầu tư phát triển tăng gấp đôi từ 16,5 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 38,4 nghìn tỷ đồng năm 2011. Mức vốn đầu tư trung bình hàng năm đạt 96% GDP, lớn gấp 2,3 lần mức đầ tư trung bình của Việt Nam. Tổng thu ngân sách nhà nước tăng hơn 5 lần từ 6,679 nghìn tỷ đồng năm 2006 lên 37,398 nghìn tỷ đồng năm 2011. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng đạt những thành tựu nổi bật về y tế, giáo dục, bảo vệ môi trường.

QUẢNG NINH - VỮNG VÀNG TRONG GIAI ĐOẠN 2010-2016


Kế thừa những thành tựu quan trọng đạt được sau hơn 25 năm đổi mới, nhất là giai đoạn 2006 -2010; Quảng Ninh bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIII trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước đặc biệt khó khăn.

Song với sự nỗ lực, sáng tạo, quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành cùng với sự cố gắng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng các doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh, những khó khăn từng bước được khắc phục; kinh tế-xã hội được duy trì ổn định và đạt mức tăng trưởng phù hợp. GDP bình quân nửa nhiệm kỳ tăng 8,53%/năm; cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực và đúng hướng. Tốc độ tăng thu ngân sách bình quân ước đạt 12,37%/năm, số tăng tuyệt đối cao hơn gấp 2,79 lần nửa nhiệm kỳ trước. 

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Công ty Cổ phần than Núi Béo trong chuyến làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam, sáng 6/4/2013, tại Quảng Ninh. (Ảnh: TTXVN)

Bám sát mục tiêu thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược gắn với tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tỉnh đã tập trung chỉ đạo thực hiện có kết quả các nhiệm vụ trọng tâm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo cơ sở, nền tảng và động lực cho sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững những năm tiếp theo, bước đầu đã đạt được một số kết quả quan trọng: công tác tổ chức lập quy hoạch được đổi mới căn bản cả về nhận thức và cách làm theo hướng coi trọng chất lượng, các cấp, các ngành cùng tham gia thực hiện, khắc phục tình trạng khoán trắng; chủ động nắm bắt thời cơ, Quảng Ninh xây dựng và đề xuất mô hình phát triển mới cho vùng động lực và các cơ chế, chính sách đặc thù tạo nguồn lực và tiền đề phát triển lâu dài. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội, nhất là đầu tư nước ngoài tăng mạnh; tỉnh đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược triển khai nhiều dự án quan trọng, cho thấy môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh được cải thiện và hấp dẫn hơn, niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên.

 

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang kiểm tra tình hình khắc phục hậu quả do đợt mưa lũ gây ra tại Công ty than Mông Dương và tỉnh Quảng Ninh, tháng 8/2015. (Ảnh: TTXVN)

Các dự án, công trình quan trọng, nhất là các công trình giao thông huyết mạch được tập trung nguồn lực triển khai. Tổng vốn đầu tư cho lĩnh vực giao thông nửa nhiệm kỳ đạt 4.633 tỷ đồng, chiếm 29% tổng nguồn và tăng 128% so với cả nhiệm kỳ trước (2006-2010). 

Tuyến đường cao tốc Hạ Long-Vân Đồn (Quảng Ninh) được khởi công vào tháng 9/2015 và hoàn thành vào cuối năm 2018. (Nguồn: TTXVN) 

Cao tốc Hạ Long-Hải Phòng khởi công tháng 9/2014; thông xe ngày 1/9/2018. (Ảnh: TTXVN) 

Cầu Bạch Đằng, đầu nối của cao tốc Hạ Long-Hải Phòng. (Ảnh: baoquangninh.vn)

Phát huy tinh thần làm chủ của nhân dân, tỉnh tập trung khuyến khích và huy động cả xã hội chung tay xây dựng nông thôn mới. Mặc dù kinh tế khó khăn, song công tác bảo đảm an sinh xã hội được tỉnh đặc biệt quan tâm, tổng chi cho an sinh xã hội nửa nhiệm kỳ qua đạt gần 3.000 tỷ đồng, tăng 640% so với giai đoạn 2006-2008. Bình quân giải quyết 2,69 vạn lao động/năm và góp phần giảm 1,72% tỷ lệ hộ nghèo/năm. Việc phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ mới vào sản xuất có nhiều tiến bộ; công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và cải cách hành chính và triển khai xây dựng chính quyền điện tử gắn với các trung tâm hành chính công được quan tâm tập trung nguồn lực để triển khai thực hiện. Công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, đấu tranh phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí tiếp tục được đẩy mạnh. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, chính trị-xã hội ổn định. Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại, hoạt động xúc tiến đầu tư đạt kết quả nổi bật... 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng bức ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh cho ngành than và Tổng Công ty than Đông Bắc, tại Lễ kỷ niệm 80 Ngày truyền thống công nhân Vùng mỏ - Truyền thống ngành than, tối 11/11/2016. (Ảnh: TTXVN)

Những kết quả đạt được nêu trên đã tạo thêm thế và lực mới thúc đẩy Quảng Ninh phát triển. Trong tình hình chung đặc biệt khó khăn, song với sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân vùng Mỏ, Quảng Ninh khẳng định những nguồn lực dồi dào đạt được mục tiêu phát triển nhanh, bền vững hơn trong giai đoạn tới.

Hơn nửa thế kỉ được thành lập, quân và dân Quảng Ninh đã chứng minh là một trong những cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam với truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, là lực lượng xung kích thực hiện công nghiệp hóa-hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

QUẢNG NINH - DIỆN MẠO NGÀY NAY (2016-2023)

Trong suốt quá trình xây dựng, phát triển, nhất là trong những năm đổi mới vừa qua, với vai trò, trách nhiệm của một địa phương được cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng ví như “Một Việt Nam thu nhỏ”, luôn được Trung ương xác định có vị trí trọng yếu về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại; có vị trí rất quan trọng trong Vùng kinh tế trọng điểm phía bắc và cả nước. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính thăm, kiểm tra tình hình khai thác than của Công ty Cổ phần than Hà Tu. (Ảnh: TTXVN)

Trải 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh Quảng Ninh, sau 36 năm thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là trong hơn 10 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011); dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự phối hợp, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương; trên nền tảng kết tinh của các thế hệ; Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã không ngừng nỗ lực, đoàn kết, sáng tạo, đạt được nhiều thành tựu quan trọng, dấu ấn nổi bật trên mọi phương diện; tạo bước phát triển bứt phá, đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém, chủ yếu dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương trở thành một trong những tỉnh công nghiệp, dịch vụ năng động, sáng tạo, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, trở thành trung tâm đổi mới của bùng đồng bằng Bắc Bộ, là cực tăng trưởng toàn diện của phía bắc, 7 năm liên tục 2016-2022 đạt tốc độ tăng trưởng GRDP trên hai con số, tốc độ đô thị hóa đứng ở tốp đầu cả nước chỉ sau các thành phố trực thuộc Trung ương. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện đáng kể; quy mô, tiềm lực của nền kinh tế tăng lên rõ rệt; cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững hơn. 

Một góc thành phố Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh. (Ảnh: Quang Thọ)

Trên quan điểm, mỗi người dân tỉnh Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng, không để ai bị bỏ lại phía sau, 5 năm qua, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành 19 chính sách riêng về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế; từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng, miền.

Tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành đưa điện lưới quốc gia đến 100% các thôn, bản vùng cao, biên giới và các đảo có người dân sinh sống. Bên cạnh đó, mở rộng cơ hội tiếp cận các dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng xa. Diện mạo thành thị và nông thôn của tỉnh được thay đổi rõ rệt, nhất là tại các khu vực đặc biệt khó khăn, nông thôn, miền núi, biên giới, biển, đảo.

Đồng thời, tỉnh Quảng Ninh thực hiện tốt các mục tiêu, như: chính trị ổn định, xã hội trật tự, giữ vững kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, chủ quyền biên giới, biển, đảo quốc gia được giữ vững, không để xảy ra các tình huống bị động, bất ngờ; xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. 

Quảng Ninh đang ngày càng phát triển năng động, toàn diện và bền vững. (Ảnh: Quang Thọ)

Đặc biệt, trong 3 năm 2020 và 2021, 2022 dù chịu tác động tiêu cực, nghiêm trọng chưa từng có do đại dịch Covid-19 gây ra, song tỉnh Quảng Ninh vẫn tự lực, tự cường, kiên cường, bằng những quyết sách khoa học, đúng đắn, táo bạo, sát thực tiễn, phát huy hiệu quả, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển trong trạng thái bình thường mới”, chủ động thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, trở thành một trong số ít những địa phương điển hình, điểm sáng của cả nước về phòng, chống dịch Covid-19, vừa chăm lo bảo vệ sức khỏe và tính mạng của nhân dân, vừa thực hiện thành công “mục tiêu kép”, với tốc độ tăng trưởng GRDP năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 đạt 10,28%, GRDP năm 2022 đạt 10,28%, thu ngân sách nhà nước đạt 56.500 tỷ đồng, thuộc nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước có số thu nội địa cao; đời sống vật chất, tình thần của nhân dân không ngừng được nâng lên; giữ vững quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn văn minh; nhân dân được hưởng cuộc sống bình yên và hạnh phúc.

Những nỗ lực đó đã để lại dấu ấn rất sâu đậm trong đời sống xã hội, thực sự rất đáng trân trọng, phấn khởi, tự hào, không chỉ góp phần củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng bộ, chính quyền, mà còn đối với chủ trương, mô hình dự án phát triển kinh tế-xã hội, tăng cường sự đồng thuận trong nhân dân, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo ra khí thế mới, động lực mới, sức mạnh mới, tạo đà để tỉnh Quảng Ninh vững bước trong chặng đường tiếp theo, nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp.

 Quảng Ninh đang ngày càng phát triển năng động, toàn diện và bền vững. (Ảnh: Vietnam+)

Những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian vừa qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên. Quảng Ninh là địa phương đi đầu cả nước về thực hiện các mô hình có tính đột phá như: Mô hình “Dân tin - Đảng cử”; mô hình “Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh”; mô hình “Lãnh đạo công, quản trị tư”, “đầu tư tư, sử dụng công”, “sở hữu công, quản trị tư";… mô hình “Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư gắn với thúc đẩy xã hội hóa nguồn lực và quản lý”; mô hình tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế; mô hình “vốn hóa” các giá trị văn hóa thành nguồn lực, động lực cho phát triển kinh tế-xã hội; mô hình tổ chức và hoạt động của trung tâm hành chính công gắn với cải cách hành chính; mô hình thúc đẩy chính quyền số, chính quyền điện tử; mô hình phát triển các đảo ven bờ; mô hình tổ chức trục động lực, mở rộng không gian, hàng lang phát triển; mô hình tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.

Những thành tựu mà tỉnh Quảng Ninh đạt được thời gian vừa qua có dấu ấn không nhỏ của việc đổi mới tư duy, xác định tầm nhìn trong chủ trương và hành động cũng như vun đắp và nuôi dưỡng khát vọng vươn lên.

Việc thực hiện có hiệu quả thí điểm các mô hình với sự chủ động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm, những năm qua, Quảng Ninh luôn là điểm sáng trong phát triển kinh tế-xã hội của cả nước; cải cách hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh liên tục được cải thiện.

Với quan điểm “Giao thông đi trước một bước”, tỉnh Quảng Ninh đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực bằng cách “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”; tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển gắn với cơ cấu lại đầu tư công hằng năm đều đạt trên 53% tổng chi ngân sách địa phương và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh. Nhờ đó, tỉnh Quảng Ninh đẩy nhanh đô thị hóa với sự định hình rõ nét chức năng đô thị biển và hình thái tổ chức không gian lãnh thổ “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá”. 

Cảng hàng không Vân Đồn là dự án được đầu tư theo hình thức xã hội hóa sân bay đầu tiên tại nước ta. (Ảnh: Vietnam+)

Tỉnh Quảng Ninh tập trung tạo đột phá trong cải cách hành chính, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nằm trong nhóm đứng đầu cả nước nhiều năm liên tục về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) và Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI). Kết quả cụ thể: 6 năm liên tiếp (từ năm 2017-2022) đứng thứ I về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); Chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) dẫn đầu toàn quốc trong 5 năm (2017, 2018, 2019, 2020, 2022), đứng thứ 2 năm 2021; 4 năm liên tiếp (2019-2022) xếp thứ 1 trong bảng Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS).

 

Trung tâm Hành chính công tỉnh Quảng Ninh luôn lấy sự hài lòng của người dân và cộng đồng doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả công việc. (Ảnh: Quang Thọ)

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh trở lại đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc, đây là lần thứ 2 Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trong 12 năm tham gia khảo sát PAPI. Từ đó, tạo chuyển biến căn bản, thúc đẩy có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công-tư, thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách lớn - nguồn động lực có tính đột phá mạnh mẽ cho đầu tư phát triển của Quảng Ninh những năm qua. Đồng thời, tỉnh tiếp tục thực hiện sắp xếp lại, tinh gọn bộ máy, giảm bớt các tầng nấc trung gian, bảo đảm hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

Năm 2022, tỉnh Quảng Ninh trở lại đứng thứ nhất trên bảng xếp hạng PAPI toàn quốc, đây là lần thứ 2 Quảng Ninh đứng ở vị trí cao nhất trong 12 năm tham gia khảo sát PAPI. 

Tuy nông nghiệp không là ngành kinh tế đóng vai trò chủ đạo ở Quảng Ninh, song phát triển nông, lâm, ngư nghiệp đã được thực hiện trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Từ năm 2013, Quảng Ninh tiên phong triển khai chương trình mỗi xã phường một sản phẩm (OCOP) với mục tiêu phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Chương trình OCOP của Quảng Ninh trở thành điển hình và được Chính phủ quyết định nhân rộng ra toàn quốc. Quảng Ninh đã trở thành một trong những địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Việt Dân (Đông Triều)  đạt nông thôn mới kiểu mẫu đầu tiên trong cả nước, góp phần thay đổi đáng kể diện mạo nông thôn.

Tỉnh Quảng Ninh cũng chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số; gắn chặt với xây dựng tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị, nhất là cán bộ cấp chiến lược và người đứng đầu có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Sản xuất linh kiện điện tử ở khu công nghiệp Đông Mai, Quảng Yên. (Ảnh: Quang Thọ)

Hiện nay, Quảng Ninh đang phát huy cao độ sự chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, để thực hiện mục tiêu đã đề ra: đến năm 2025, trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực phía bắc, giữ đà tăng trưởng hằng năm trên 10%, GRDP bình quân đầu người tới năm 2025 đạt trên 10.000 USD.

Trong tầm nhìn đến năm 2030, xây dựng, phát triển Quảng Ninh là tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu; GRDP bình quân đầu người đạt trên 15.000 USD (theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020-2025). 

Thành phố Hạ Long, Quảng Ninh đang hướng đến là đô thị văn minh, hiện đại. (Ảnh: Quang Thọ) 

Quảng Ninh có hệ thống giao thông đồng bộ, xuyên suốt cả tỉnh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội. (Ảnh: Quang Thọ)

 Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10586 Tổng lượt truy cập 91818224