Một số chính sách mới có hiệu lực từ giữa tháng 3/2025
1. Thông tư số 04/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập
Ngày 24/01/2025, Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 04/2025/TT-BTC hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, nguồn kinh phí và mức hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban thanh tra nhân dân cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập được quy định như sau:
– Kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã do ngân sách địa phương bảo đảm. Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương và khả năng cân đối ngân sách địa phương, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định mức kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, mức tối thiểu 5 triệu đồng/Ban/năm và cân đối cho ngân sách cấp xã.
– Kinh phí hỗ trợ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân ở cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập từ các nguồn:
- Kinh phí công đoàn theo quy định của pháp luật và quy định của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.
- Kinh phí tự chủ theo quy định chế độ tự chủ, tự chịu trách nhiệm về sử dụng biên chế và kinh phí của cơ quan nhà nước.
- Kinh phí từ các nguồn tài chính giao tự chủ theo quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập.
- Các nguồn kinh phí hợp pháp khác.
Nội dung và mức chi bảo đảm hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân cấp xã, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập gồm:
- Chi tổ chức các cuộc họp, hội nghị; chi công tác phí: Nội dung và mức chi thực hiện theo quy định tại Thông tư số 40/2017/TT-BTC ngày 28 tháng 4 năm 2017 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định chế độ công tác phí, chế độ chi hội nghị.
- Chi mua sắm văn phòng phẩm, cước điện thoại, cước bưu phẩm, các khoản chi khác: Theo thực tế phát sinh, theo hóa đơn thực tế và trong phạm vi kinh phí hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân được giao, đảm bảo theo đúng các quy định của pháp luật hiện hành và tiết kiệm, hiệu quả.
* Lưu ý: Thông tư này không điều chỉnh đối với việc hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện theo quy định tại Luật Đầu tư công và Nghị định số 29/2021/NĐ-CP ngày 26 tháng 3 năm 2021 của Chính phủ quy định về trình tự, thủ tục thẩm định dự án quan trọng quốc gia và giám sát, đánh giá đầu tư.
Thông tư số 04/2025/TT-BTC có hiệu lực từ ngày 11/3/2025 và bãi bỏ Thông tư số 63/2017/TT-BTC ngày 19 tháng 6 năm 2017 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm cho hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân.
2. Thông tư số 59/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước
Ngày 31/12/2024, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư số 59/2024/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2021/TT-NHNN về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.
Theo đó, việc mua, bán giấy tờ có giá của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải tuân theo các nguyên tắc sau:
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán giấy tờ có giá khi quy định của pháp luật cho phép và được quy định tại Giấy phép thành lập và hoạt động của tổ chức tín dụng, Giấy phép thành lập chi nhánh ngân hàng nước ngoài do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp (sau đây gọi là Giấy phép) như sau:
+ Tổ chức tín dụng (trừ tổ chức tín dụng quy định tại điểm b khoản này), chi nhánh ngân hàng nước ngoài được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán giấy tờ có giá khác; được mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước khi Giấy phép có nội dung mua, bán trái phiếu doanh nghiệp;
+ Công ty tài chính chuyên ngành được mua, bán chứng chỉ tiền gửi khi Giấy phép có nội dung mua, bán chứng chỉ tiền gửi do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phát hành trong nước.
– Bên mua, Bên bán chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc mua, bán giấy tờ có giá phù hợp với quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN và quy định của pháp luật có liên quan.
– Đồng tiền thực hiện trong giao dịch mua, bán giấy tờ có giá là đồng Việt Nam.
– Giấy tờ có giá được mua, bán thuộc quyền sở hữu hợp pháp của Bên bán và chưa đến hạn thanh toán hết gốc và lãi; Bên bán có cam kết giấy tờ có giá không có tranh chấp, được phép giao dịch theo quy định của pháp luật, không trong tình trạng đang được chiết khấu, tái chiết khấu.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ công ty tài chính chuyên ngành) mua, bán trái phiếu do tổ chức tín dụng khác phát hành trong nước phù hợp với quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Chứng khoán, Nghị định của Chính phủ quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp, các văn bản khác hướng dẫn Luật Chứng khoán, quy định của pháp luật có liên quan và quy định tại Thông tư 12/2021/TT-NHNN.
– Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua chứng chỉ tiền gửi có thời hạn còn lại dưới 12 tháng. Thời hạn còn lại là khoảng thời gian được xác định từ ngày thanh toán tiền mua giấy tờ có giá quy định tại khoản 3 Điều 4 Thông tư 12/2021/TT-NHNN đến ngày đến hạn thanh toán hết gốc, lãi của giấy tờ có giá đó.
– Chi nhánh ngân hàng nước ngoài không được mua trái phiếu chuyển đổi.
– Đối với giấy tờ có giá do công ty tài chính tổng hợp, công ty tài chính chuyên ngành phát hành, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua, bán với tổ chức (bao gồm cả tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài).
Thông tư số 59/2024/TT-NHNN có hiệu lực từ ngày 15/3/2025. Việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu đã phát hành trước ngày Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực thi hành được thực hiện như đối với việc mua, bán chứng chỉ tiền gửi theo quy định tại Thông tư số 12/2021/TT-NHNN đã được sửa đổi, bổ sung theo quy định tại Thông tư này.
3. Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái
Ngày 24/01/2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái. Thông tư này quy định chi tiết việc xây dựng khu công nghiệp sinh thái và các biểu mẫu có liên quan quy định tại các Điều 2, 36, 37, 38, 40, 41, 42, 43, 44, 53 của Nghị định số 35/2022/NĐ-CP ngày 28 tháng 5 năm 2022 của Chính phủ quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế
Theo đó, Điều 5 Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT quy định về điều kiện đề xuất đầu tư mới khu công nghiệp sinh thái như sau:
– Đề xuất dự án đầu tư hoặc Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái bao gồm các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 8 và điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 35/2022/NĐ-CP.
– Các nội dung xem xét việc đáp ứng điều kiện của dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp sinh thái quy định tại điểm a khoản 2 Điều 38 Nghị định 35/2022/NĐ-CP gồm:
+ Dự kiến các ngành, nghề chính thu hút đầu tư vào khu công nghiệp được xác định theo quy hoạch xây dựng của khu công nghiệp đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;
+ Dự kiến mức phát thải cho các ngành, nghề chính quy định tại điểm a khoản 1 Điều này được tính toán trên cơ sở hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của Ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) hoặc công cụ quốc tế có liên quan và hướng dẫn kiểm kê khí nhà kính của các ngành, lĩnh vực do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
+ Dự kiến phương án cộng sinh công nghiệp được phân loại theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT.
+ Phương án xây dựng và thực hiện cơ chế giám sát đầu vào, đầu ra của khu công nghiệp về sử dụng nguyên vật liệu, nước, năng lượng, hóa chất, chất thải, phế liệu có thể được lập và thực hiện trên hệ thống quy định tại điểm b khoản 1 Điều 3 Thông tư 05/2025/TT-BKHĐT.
+ Phương án thực hiện trách nhiệm xã hội đối với cộng đồng xung quanh có thể được xây dựng theo Báo cáo trách nhiệm xã hội (CSR), Báo cáo môi trường, xã hội, quản trị (ESG) hoặc các báo cáo phát triển bền vững tương tự.
+ Cam kết đáp ứng các tiêu chí xác định khu công nghiệp sinh thái quy định tại Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP trong vòng 08 năm kể từ thời điểm khu công nghiệp được thành lập và xác định rõ lộ trình thực hiện.
Ngoài ra, Điều 4 cũng quy định về xác định diện tích các loại đất để tính tỷ lệ đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp, cụ thể:
– Diện tích đất cây xanh, giao thông, các khu kỹ thuật và hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp quy định tại điểm a khoản 3 Điều 37 Nghị định 35/2022/NĐ-CP bao gồm:
- Diện tích đất cây xanh của khu công nghiệp;
- Diện tích đất giao thông của khu công nghiệp;
- Diện tích đất dành cho các hạ tầng kỹ thuật trong khu công nghiệp: gồm cung cấp năng lượng, chiếu sáng công cộng, thông tin liên lạc, cấp nước, thoát nước và xử lý nước thải, quản lý chất thải rắn, vệ sinh công cộng và các hệ thống hạ tầng kỹ thuật khác trừ diện tích quy định tại điểm b khoản 1 Điều này;
- Diện tích đất dành cho hệ thống hạ tầng xã hội dùng chung trong khu công nghiệp: gồm hệ thống hạ tầng cho dịch vụ tiện ích công cộng như: y tế, giáo dục, văn hóa, thể dục thể thao, thương mại, cơ sở lưu trú, hệ thống công viên, vườn hoa, sân chơi và các công trình hạ tầng xã hội khác.
– Tỷ lệ % diện tích của từng loại đất quy định tại khoản 1 Điều này được xác định trên tổng diện tích của khu công nghiệp phù hợp với quy hoạch xây dựng khu công nghiệp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT có hiệu lực thi hành từ ngày 15/3/2025.
4. Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định Khung năng lực số cho người học
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT ngày 24/01/2025 quy định Khung năng lực số cho người học.
Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT áp dụng đối với các cơ sở giáo dục, các chương trình giáo dục, đào tạo (sau đây gọi chung là chương trình giáo dục) và người học trong hệ thống giáo dục quốc dân; các tổ chức, cá nhân có liên quan.
Theo đó, Khung năng lực số cho người học bao gồm 6 miền năng lực với 24 năng lực thành phần, được chia thành 4 trình độ từ cơ bản đến chuyên sâu theo 8 bậc. Trong đó, 6 miền năng lực bao gồm:
(I) Khai thác dữ liệu và thông tin: Tập trung vào khả năng tìm kiếm, lọc, đánh giá và quản lý dữ liệu, thông tin, cũng như nội dung số; bao gồm các kỹ năng xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, tổ chức dữ liệu một cách hiệu quả và sử dụng chúng để hỗ trợ ra quyết định hoặc giải quyết vấn đề trong môi trường số.
(II) Giao tiếp và hợp tác trong môi trường số: Nhấn mạnh khả năng sử dụng công nghệ số để tương tác, chia sẻ thông tin, làm việc nhóm và tham gia các cộng đồng trực tuyến; bao gồm các kỹ năng như giao tiếp hiệu quả qua các kênh số, tôn trọng đa dạng văn hóa, quản lý danh tính số và thúc đẩy hợp tác trong môi trường kỹ thuật số.
(III) Sáng tạo nội dung số: Tập trung vào khả năng tạo, chỉnh sửa và chia sẻ nội dung số; bao gồm các kỹ năng như phát triển nội dung mới, áp dụng bản quyền và giấy phép, lập trình cơ bản và tích hợp kiến thức từ nhiều nguồn để tạo ra sản phẩm số phù hợp và sáng tạo.
(IV) An toàn: Tập trung vào việc bảo vệ dữ liệu, thiết bị, sức khỏe và môi trường số; bao gồm các kỹ năng như bảo mật thông tin cá nhân, quản lý rủi ro mạng, sử dụng công nghệ số an toàn, bảo đảm sức khỏe tâm lý và thể chất khi tương tác trong môi trường số và thúc đẩy trách nhiệm bảo vệ môi trường kỹ thuật số.
(V) Giải quyết vấn đề: Tập trung vào khả năng tư duy phản biện và sáng tạo để xác định, phân tích và giải quyết các vấn đề trong môi trường số; bao gồm các kỹ năng như khắc phục sự cố kỹ thuật, học hỏi công nghệ mới, điều chỉnh nhu cầu số để đạt mục tiêu và sử dụng công nghệ để đổi mới hoặc giải quyết các thách thức thực tiễn.
(VI) Ứng dụng trí tuệ nhân tạo: Tập trung vào việc hiểu, sử dụng và đánh giá các công cụ, hệ thống trí tuệ nhân tạo (AI) một cách có đạo đức và trách nhiệm; gồm các kỹ năng như nhận biết cách AI hoạt động, áp dụng AI vào các nhiệm vụ thực tiễn, đánh giá tác động đạo đức và xã hội của AI và bảo đảm việc sử dụng AI một cách minh bạch, công bằng và có trách nhiệm.
Mục đích sử dụng Khung năng lực số
- Làm cơ sở để xây dựng chuẩn chương trình đào tạo; xây dựng và phát triển chương trình giáo dục; xây dựng tài liệu học tập, tài liệu hướng dẫn để phát triển năng lực số cho người học.
- Làm cơ sở để đánh giá yêu cầu, kết quả đạt được về năng lực số của người học trong các chương trình giáo dục; xây dựng tiêu chí trong kiểm tra, đánh giá, công nhận năng lực số của người học.
- Bảo đảm tính thống nhất về yêu cầu năng lực số của người học; làm cơ sở để đối sánh hoặc tham chiếu giữa các chương trình giáo dục, khung năng lực số.
Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT có hiệu lực thi hành kể từ ngày 11 tháng 3 năm 2025.
File đính kèm:
Thông tư số 04/2025/TT-BTC của Bộ Tài chính: Hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí về thực hiện dân chủ ở cơ sở để hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập.pdf
Thông tư số 05/2025/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Hướng dẫn xây dựng khu công nghiệp sinh thái.pdf
Thông tư số 59/2024/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 12/2021/TT-NHNN ngày 30 tháng 7 năm 2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài mua, bán kỳ phiếu, tín phiếu, chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu do tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khác phát hành trong nước.pdf
Thông tư số 02/2025/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo: Quy định Khung năng lực số cho người học.pdf
Tin tức khác
- Nâng cao nhận thức về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho đồng bào dân tộc thiểu số
- Quảng Ninh anh dũng chiến thắng chiến tranh phá hoại lần thứ 2 của đế quốc Mỹ
- Ngày 31/3, Bắc Bộ tiếp tục rét, vùng núi rét đậm
- Kiểm soát chặt, tăng cường xử lý vi phạm về thuốc lá điện tử
- Gia tăng sức hút cho điểm đến từ sản phẩm du lịch mới
- Vườn mơ Yên Tử- Điểm đến khó quên mùa đơm quả
- Đánh thức bản người Dao dưới chân Yên Tử
- Đại hội đại biểu Đảng bộ Trường Đại học Hạ Long lần thứ III, nhiệm kỳ 2025-2030
- Chương trình truyền hình TP Uông Bí ngày 29/03/2024
- Điểm sáng Đại học Hạ Long
- Phường Trưng Vương phát động cuộc vận động “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” và Ngày chạy Olympic vì sức khỏe toàn dân năm 2025
- TP Uông Bí: Đầu tư toàn diện, tạo bước đột phá mới