Mở rộng kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP
Hiện nay, việc phát triển và đưa sản phẩm OCOP đến gần hơn với người tiêu dùng đang được tỉnh hết sức chú trọng với các chương trình hội chợ, xúc tiến thương mại, triển lãm… trong tỉnh, trong nước và quốc tế. Qua đó, giúp tăng cường hiệu quả kết nối, mở rộng thị trường tiêu thụ và thiết lập được mối giao thương triển vọng, bền vững.
Các sản phẩm OCOP Quảng Ninh tham dự Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Bắc năm 2022 tại Hà Đông (Hà Nội), tháng 9/2022.
Quảng Ninh đang có trên 500 sản phẩm OCOP của 189 doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất. Trong đó có 267 sản phẩm được xếp hạng từ 3-5 sao. Nhiều sản phẩm OCOP Quảng Ninh đạt chất lượng, mẫu mã tốt, được nhiều người tiêu dùng tin tưởng và có thể xuất khẩu sang nhiều thị trường tiềm năng.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP với việc tiếp tục xây dựng, triển khai dự án phát triển sản phẩm chủ lực cấp tỉnh theo hướng đáp ứng về số lượng, gia tăng về giá trị, đảm bảo tiêu chuẩn cao và từng bước chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, phục vụ xuất khẩu.
Cùng với chiến lược thay đổi về công nghệ sản xuất, mẫu mã, việc xây dựng hệ thống quản lý thực hiện chương trình OCOP cũng được tỉnh quan tâm với việc củng cố các chủ thể kinh tế tham gia chương trình OCOP. Đồng thời, vận dụng cơ chế, chính sách hiện hành về hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển du lịch, khoa học công nghệ, xúc tiến thương mại... để thúc đẩy phát triển sản xuất ở các cá nhân, tổ chức kinh tế tham gia chương trình OCOP.
Công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP cũng được triển khai tích cực. Cụ thể, Sở Công Thương đã luôn chủ động hướng dẫn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ các chủ thể kinh tế, hộ sản xuất xây dựng cơ sở vật chất đạt tiêu chuẩn theo quy định; tổ chức, quản lý, điều phối các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ các sản phẩm OCOP trong và ngoài tỉnh thông qua các hoạt động hội chợ, triển lãm... Ngoài ra, thông qua kết nối tiêu thụ sản phẩm, hệ thống bán lẻ hiện đại trong và ngoài tỉnh cũng tích cực góp phần tham gia tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh... để sản phẩm OCOP của Quảng Ninh tiếp tục được quảng bá rộng rãi, vươn xa hơn tới nhiều thị trường.
Đặc biệt, một trong những “điểm nhấn” trong việc mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP là việc định hướng lựa chọn các tỉnh, thành tiềm năng để quảng bá, xúc tiến sản phẩm. Trong đó, trọng tâm vào các tỉnh, thành có chương trình xúc tiến thương mại quốc gia do Bộ Công Thương hỗ trợ, sẽ có tính truyền thông và hiệu quả lớn hơn, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... Ngoài ra, cũng định hướng tăng cường kết nối vùng, miền là đại diện cho khu vực, thị trường lớn. Theo đó, Quảng Ninh định hướng kết nối với các tỉnh, thành có tính kết nối vùng, trung tâm của vùng như: Thanh Hóa, Thái Nguyên, Sơn La, Đà Nẵng, Gia Lai… Thông qua kết nối, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh Quảng Ninh đã được bày bán tại nhiều tỉnh, thành phố và thậm chí còn đạt doanh thu bán hàng cao, được ưa chuộng như: Chả mực Hạ Long, trà hoa vàng Ba Chẽ, ruốc hàu, ruốc tôm, nước mắm Vân Đồn, dược liệu, miến dong Bình Liêu…
Đơn cử, mới đây 30 gian hàng trưng bày, với trên 40 sản phẩm OCOP Quảng Ninh đã tham gia tại Tuần xúc tiến tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm thương hiệu tỉnh Quảng Ninh năm 2022 tại Hà Đông (Hà Nội). Qua đó, đã thu hút hàng nghìn lượt khách tham quan, mua sắm, doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng. Đây là một trong những hoạt động kết nối giao thương, mở rộng thị trường tiêu biểu cho sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiến xa hơn tới người tiêu dùng. Đồng thời, là cơ hội rất lớn để sản phẩm OCOP Quảng Ninh khẳng định được thương hiệu, chỗ đứng và niềm tin với khách hàng trong và ngoài tỉnh.
Các doanh nghiệp có cơ hội tìm hiểu thực tế sản phẩm, đàm phán trực tiếp tại Hội nghị kết nối tiêu thụ sản phẩm OCOP trong khuôn khổ Hội chợ OCOP khu vực phía Bắc - Quảng Ninh 2022.
Cùng với đó, các hoạt động xúc tiến thương mại vào thị trường nước ngoài vẫn tiếp tục được tỉnh thực hiện triệt để với phương châm “linh hoạt, đổi mới, sáng tạo” với nhiều hoạt động như: Các chương trình xúc tiến OCOP tại các Hội chợ Thương mại ASEAN - Trung Quốc, Hội chợ Thương mại Du lịch quốc tế Việt - Trung... hay mở rộng xúc tiến vào các thị trường nước ngoài cụ thể như Lào, Campuchia, Thái Lan... Đáng chú ý là sau các chương trình này, nhiều doanh nghiệp OCOP đã nhận được các đơn hàng, các đề nghị hợp tác, cung ứng sản phẩm từ các thị trường.
Ông Nguyễn Kiên, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến và Phát triển công thương Quảng Ninh, cho biết: Việc quảng bá, xúc tiến và mở rộng thị trường cho sản phẩm OCOP luôn được Trung tâm chú trọng và chuẩn bị công phu. Từ lựa chọn doanh nghiệp tới các sản phẩm phù hợp với thị hiếu thị trường, các sản phẩm đạt 3-5 sao, có bao bì mẫu mã tốt để đăng tải trên sàn TMĐT, tổ chức các hoạt động xúc tiến. Thời gian tới, Trung tâm sẽ tiếp tục tập trung vào công tác tổ chức Hội chợ OCOP dịp cuối năm, tham gia các hoạt động xúc tiến, triển lãm OCOP tại thị trường ngoài tỉnh. Đẩy mạnh việc đưa các sản phẩm OCOP lên sàn TMĐT. Đồng thời, xây dựng chương trình, tìm kiếm và tham gia các hoạt động xúc tiến tại các thị trường tiềm năng nước ngoài, từng bước mở rộng xuất khẩu để giúp cho sản phẩm OCOP của tỉnh “vươn xa” hơn nữa.
Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố
- Sử dụng trí tuệ nhân tạo để giải đáp thắc mắc về Tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp năm 2025
- Thông báo kết quả kiểm tra về công tác tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng
- Phường Nam Khê (TP Uông Bí) được công nhận là vùng “An toàn dịch bệnh động vật”
- Cụm công đoàn khu vực thành phố Uông Bí sơ kết công tác phối hợp năm 2024
- Tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh vận tải hành khách
- Chưa ghi nhận thông tin công dân Việt Nam là nạn nhân của trận động đất tại Tây Tạng (Trung Quốc)
- Công dân Việt Nam thiệt mạng trong vụ lật phà tại Hàn Quốc
- Ngày 10/1, Bắc Bộ rét đậm, vùng núi có nơi dưới 5 độ C
- Bứt phá trên hành trình chuyển đổi số