Lắng nghe câu chuyện sản phẩm OCOP

Nhằm góp phần lan tỏa những giá trị kinh tế, đặc trưng, truyền thống văn hóa từng vùng miền riêng biệt... tới người tiêu dùng khắp các vùng miền trong nước, từ đó kích thích thị hiếu, nhu cầu mua sắm của khách hàng, cuộc thi về sáng tác ảnh đẹp, câu chuyện sản phẩm OCOP Quảng Ninh đang được triển khai sôi nổi trong toàn tỉnh.

Miến dong Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020.
Miến dong Bình Liêu được bày bán tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Hè 2020.

Chương trình OCOP được tỉnh xây dựng với mục đích phát triển hiệu quả chuỗi giá trị hàng hoá ở nông thôn, phát huy những lợi thế của nông sản đặc trưng, góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Từ năm 2013 đến nay, chương trình đã qua 2 giai đoạn tổ chức, góp phần đưa thương hiệu sản phẩm từ các vùng miền của Quảng Ninh vươn tầm xa hơn, được sự chấp nhận của người tiêu dùng.

Từng sản phẩm có được chỗ đứng trên thị trường thì không chỉ có chất lượng tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bao bì mẫu mã đúng tiêu chuẩn... mà quan trọng là qua đó đã phản ánh được dấu ấn của từng địa phương, đề cao được các giá trị truyền thống của mỗi vùng đất, mỗi cộng đồng dân cư.

Như tại huyện vùng cao Bình Liêu, mỗi khi nhắc đến sản phẩm ẩm thực, được làm quà mang đi khắp mọi miền thì mọi người đều nghĩ đến sản phẩm miến dong được làm từ bột củ của những cây dong riềng, được trồng rất nhiều ở địa phương này.

Củ dong như món “lộc” trời ban, lại tiếp tục qua đôi bàn tay khéo léo của đồng bào dân tộc vùng cao mà biến thành từng sợi miến mộc mạc. Khi ăn thì thấy rõ cái dai, giòn, vị mát, nấu đi nấu lại nhiều lần cũng không bị nát. Được biết theo phong tục cũ, những gia đình người Sán Chỉ sẽ chỉ nấu miến dong để dâng cúng tổ tiên và thiết đãi những người bạn khách quý đến nhà.

Còn ngày nay, sợi miến dong đi vào sản xuất trong các hợp tác xã với quy trình sản xuất đảm bảo chất lượng, giúp người dân vùng cao làm ăn khấm khá ngay tại địa phương.

Nông dân xã Việt Dân, TX Đông Triều nổi danh với những vườn trồng na dai cho thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm.
Nông dân xã Việt Dân, TX Đông Triều nổi danh với những vườn trồng na dai cho thu nhập hằng trăm triệu đồng mỗi năm.

Còn tại TX Đông Triều, thế mạnh của vùng đất màu mỡ, phì nhiêu đã được nhân dân tại đây khai thác rất hiệu quả để trở thành vùng nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Đặc biệt là đã xây dựng thương hiệu các loại nông sản nức tiếng gần xa như: Gạo nếp cái hoa vàng, na dai, vải thiều, cam Canh, bưởi Diễn...

Năm 2020, Quảng Ninh lần đầu tiên tổ chức cuộc thi về sáng tác ảnh đẹp, câu chuyện sản phẩm OCOP. Đây là dịp để tất cả các đơn vị, cá nhân tranh tài bằng các bức ảnh, câu chuyện phản ánh được nét đẹp, sự phong phú, độc đáo của sản phẩm OCOP, cũng như quá trình sản xuất, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm.

Câu chuyện sản xuất, lịch sử văn hóa đậm đà dấu ấn địa phương là một yếu tố khá quan trọng góp phần thu hút bộ phận lớn người tiêu dùng quan tâm tới sản phẩm. Đó có thể là câu chuyện về việc tại sao sản vật chỉ ở vùng đất đó mới có sự khác biệt; hoặc cách thức, nguyên liệu, quy trình sản xuất của vùng miền này không giống những nơi khác...

Các tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác ảnh đẹp, câu chuyện sản phẩm OCOP Quảng Ninh 2020 được Ban tổ chức sắp xếp, phân loại trước khi tổ chức chấm điểm theo kế hoạch.
Các tác phẩm tham gia cuộc thi sáng tác ảnh đẹp, câu chuyện sản phẩm OCOP Quảng Ninh 2020 được Ban tổ chức sắp xếp, phân loại trước khi tổ chức chấm giải.

Ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ OCOP (Ban xây dựng NTM tỉnh), cho biết: Cuộc thi được phát động từ tháng 6/2020 và dự kiến kết thúc vào ngày 31/8. Ban tổ chức rất biểu dương tinh thần tích cực tham gia, gửi tác phẩm của đông đảo các địa phương, đơn vị, cá nhân trong tỉnh và rất mong sẽ tiếp tục được nhận nhiều hơn nữa các tác phẩm chất lượng tốt gửi về trong những ngày cuối cùng.

Từng bộ ảnh, câu chuyện có giá trị được tập hợp lại sẽ là tư liệu quý giá, đầy đủ nhất để giới thiệu, quảng bá về chương trình, sản phẩm OCOP đến với xã hội; tạo thêm cơ hội giao lưu, trao đổi kinh nghiệm cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, những người tham gia cuộc thi.

YÊU CẦU CỦA TÁC PHẨM DỰ THI ẢNH ĐẸP OCOP

Là ảnh màu hoặc ảnh đen trắng (không chấp nhận file scan hoặc chụp lại từ ảnh giấy); Phải được chụp bởi chính người tham gia dự thi; nếu ảnh phản ánh cùng nội dung, cùng địa điểm thực hiện, chụp ở các góc
khác nhau, cùng một tác giả gửi nhiều lần được xem là phạm quy; Không giới hạn số lượng tác phẩm dự thi, mỗi lần gửi ảnh được tính là 1 tác phẩm, nhưng các ảnh trong một bộ ảnh phải được gửi trong cùng một lần; Kích thước ảnh dự thi: 30cm x 45cm, ảnh không dán lên bìa cứng, không ép plastic hoặc ép mịn. File ảnh gốc lưu trên CD, DVD hoặc USB, đánh tên file gửi kèm hồ sơ dự thi; Ảnh dự thi chưa từng đoạt giải ở bất kỳ cuộc thi ảnh nào;Chấp nhận các tác phẩm được xử lý bởi các thủ pháp kỹ thuật, nhưng không được chắp ghép làm sai lệch hiện thực (Ban tổ chức sẽ yêu cầu tác giả gửi file gốc để kiểm tra khi cần thiết); Tác phẩm dự thi không vi phạm luật bản quyền và phải đảm bảo sự cho phép của các nhân vật trong ảnh.

Theo Văn Bá/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202008/lang-nghe-cau-chuyen-san-pham-ocop-2497386/

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14121 Tổng lượt truy cập 94753564