Kỷ niệm 70 năm Ngày giải phóng Vùng mỏ 25/4 (1955-2025): Y tế Quảng Ninh vượt gian khó, chăm sóc tốt sức khỏe nhân dân

Trải qua 70 năm (1955-2025) xây dựng và phát triển, ngành Y tế Quảng Ninh không ngừng nỗ lực vượt qua khó khăn, từng bước khẳng định vai trò quan trọng trong sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Từ những ngày đầu gian khó với cơ sở vật chất thô sơ, đội ngũ y tế còn hạn chế, đến nay Quảng Ninh đã vươn mình trở thành địa phương có hệ thống y tế hiện đại, không ngừng đổi mới, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khám chữa bệnh chuyên sâu vùng Đông Bắc của Tổ quốc.

Các y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc người bệnh và hướng dẫn nhân dân chăm sóc sức khỏe tại các địa điểm sơ tán. Ảnh tư liệu

Kiên cường trong gian khó

Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, miền Bắc hoàn toàn giải phóng, Quảng Ninh khi đó được chia thành hai đơn vị hành chính: Khu Hồng Quảng và tỉnh Hải Ninh. Hệ thống y tế địa phương ở thời điểm này vô cùng sơ khai, cơ sở vật chất nghèo nàn, đội ngũ y, bác sĩ còn rất ít ỏi. Trong bối cảnh đó, các cán bộ y tế đã không quản ngại gian khổ, bám sát cơ sở, tận tâm chăm sóc sức khỏe nhân dân với phương châm "Thầy thuốc như mẹ hiền".

Ngày 30/10/1963 Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa khóa II, kỳ họp thứ 7 phê chuẩn việc hợp nhất 2 tỉnh Hải Ninh và khu Hồng Quảng thành một đơn vị hành chính lấy tên là tỉnh Quảng Ninh. Ngay sau khi thành lập, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân, giữ gìn ANTT, bảo vệ chủ quyền biên giới quốc gia và bảo vệ Tổ quốc. Đây cũng là thời điểm đất nước vừa có chiến tranh, vừa có hòa bình, ngành Y tế Quảng Ninh với sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ Y tế đã chuyển hướng tổ chức và hoạt động y tế sang thời chiến; nhanh chóng xây dựng tổ chức y tế cấp huyện, xã đủ sức cấp cứu tại chỗ.

Đặc biệt giai đoạn 1965-1975, khi chiến tranh leo thang, Quảng Ninh trở thành mục tiêu đánh phá ác liệt của không quân Mỹ. Các bệnh viện, trạm y tế thường xuyên bị bom đạn đe dọa, nhiều cơ sở phải di dời xuống hầm, vào rừng để duy trì hoạt động. Trong hoàn cảnh ác liệt, ngành Y tế Quảng Ninh vẫn kiên cường bám trụ, vừa cứu chữa thương bệnh binh, vừa đảm bảo chăm sóc sức khỏe nhân dân. Các y, bác sĩ không ngại hiểm nguy, sẵn sàng lên tuyến đầu để cấp cứu những người bị thương do bom đạn.

Lễ khánh thành Bệnh viện Việt Nam -Thụy Điển Uông Bí. Ảnh tư liệu

Sau năm 1975, đất nước thống nhất, ngành Y tế Quảng Ninh bắt tay vào khôi phục và phát triển hệ thống y tế. Các bệnh viện được sửa chữa, trang bị lại, mạng lưới y tế cơ sở tiếp tục được mở rộng; phát triển mạng lưới bệnh viện tuyến huyện, thành lập các bệnh viện chuyên khoa như Bệnh viện Tâm thần, K67 (lao-phổi), Đông Y. Trong giai đoạn bảo vệ biên giới phía Bắc (1979), ngành Y tế tỉnh đã góp phần quan trọng trong công tác cứu chữa thương binh, đảm bảo hậu phương vững chắc cho tuyến đầu bảo vệ Tổ quốc.

Bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, ngành Y tế Quảng Ninh đối diện với nhiều thách thức khi ngân sách eo hẹp, nhiều bệnh viện xuống cấp. Nhưng với sự đầu tư của Nhà nước và sự giúp đỡ từ các tổ chức quốc tế như SIDA (Thụy Điển), UNICEF, ADB, Hội Chữ thập đỏ, Trăng Lưỡi Liềm Đỏ quốc tế và nhiều nước viện trợ như Trung Quốc, Pháp, Đức, Liên Xô…, hệ thống y tế của tỉnh từng bước khởi sắc. Với sự giúp đỡ đặc biệt của Thụy Điển, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí được xây dựng và đi vào hoạt động, đánh dấu bước ngoặt lớn trong nâng cao chất lượng khám chữa bệnh khu vực Đông Bắc.

Phát triển bứt phá

Phòng mổ thông minh tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Từ năm 2000 đến nay, ngành Y tế Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ. Hệ thống y tế được mở rộng với 32 đơn vị y tế công lập tuyến tỉnh, tuyến huyện; 117 trạm y tế tuyến xã; 926 cơ sở tư nhân. Với quan điểm bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư nâng cấp hạ tầng, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế. Riêng giai đoạn 2020-2025, tỉnh đã bố trí kinh phí đầu tư cho hệ thống y tế trên 6.000 tỷ đồng. Năm 2023, hàng loạt công trình lớn như Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng, Bệnh viện Phổi, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh được đưa vào sử dụng, tổng vốn đầu tư 1.208 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tỉnh luôn quan tâm ban hành các nghị quyết về chính sách thu hút và đào tạo nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực y tế. Đến nay toàn ngành có 8.459 nhân viên y tế; trong đó có 2.036 bác sĩ (13 tiến sĩ), 3.314 điều dưỡng, còn lại là nhân viên y tế khác.

Các chỉ tiêu y tế tính đến hết năm 2024 đều đạt và vượt, toàn tỉnh đạt 57,7 giường bệnh, 17 bác sĩ, 7 dược sĩ đại học và 25 điều dưỡng/vạn dân; tỷ lệ dân số tham gia BHYT đạt 95,56%. Chất lượng dân số được cải thiện trên nhiều phương diện, tuổi thọ bình quân năm 2024 của người dân tỉnh là 74,3; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng các loại vắc-xin đạt trên 95%; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể nhẹ cân giảm còn dưới 10%.

Nhân viên y tế của CDC Quảng Ninh phun hóa chất diện rộng để diệt muỗi phòng chống bệnh sốt xuất huyết tại phường Bãi Cháy (TP Hạ Long).

Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ ứng dụng và đổi mới kỹ thuật y học nhanh. Ngành Y tế tỉnh đã làm chủ nhiều kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu của tuyến trên; ứng dụng hiệu quả CNTT, chuyển đổi số; quan tâm đào tạo nâng cao trình độ y, bác sĩ; mạng lưới y tế tiếp tục được nâng cấp và hoàn thiện. Nhờ vậy tỷ lệ chuyển tuyến giảm mạnh, chỉ còn 3,57%, thấp nhất trong các tỉnh, thành Vùng đồng bằng sông Hồng; tỷ lệ hài lòng của người dân với dịch vụ y tế trong tỉnh đạt 92,3%, vượt xa chỉ tiêu của Bộ Y tế (từ 80% trở lên).

Với những thành tựu ấn tượng, ngành Y tế Quảng Ninh đang vững vàng tiến bước, hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm khám chữa bệnh chuyên sâu hàng đầu khu vực Đông Bắc, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của đất nước.

Theo Nguyễn Hoa/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23064 Tổng lượt truy cập 98506105