Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV: Tăng cường CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Dự kiến tại kỳ họp lần thứ 11, HĐND tỉnh khóa XIV sẽ xem xét ban hành nghị quyết về một số giải pháp đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó sẽ đặt ra những mục tiêu và giải pháp cụ thể để các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị của tỉnh thi đua, phấn đấu thực hiện, đưa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và chuyển đổi số của Quảng Ninh tiếp tục đạt được những thành tựu mới.

Cán bộ Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh hướng dẫn người dân sử dụng hệ thống dịch vụ công trực tuyến.

Thời gian qua, Quảng Ninh luôn quan tâm đến công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đang từng bước tiến nhanh, tiến chắc trên hành trình chuyển đổi số toàn diện. Đến nay, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khá toàn diện, nổi bật, tạo động lực mạnh mẽ cho KT-XH phát triển nhanh, bền vững. Chỉ số PCI của tỉnh 5 năm liên tiếp (2017-2021) giữ vững vị trí quán quân; chỉ số SIPAS 3 năm liên tiếp xếp vị trí dẫn đầu toàn quốc; chỉ số PAR Index năm 2021 xếp thứ 2 sau 4 năm liên tiếp đứng vị trí số 1 bảng xếp hạng... Quảng Ninh hiện đang là một trong những địa phương có tỷ lệ cung cấp dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 tích hợp lên Cổng dịch vụ công quốc gia cao nhất, với 1.222/1.591 thủ tục (76%)...

Mặc dù đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận, nhưng Quảng Ninh chưa khi nào chủ quan, tự thỏa mãn với những gì đã có, mà luôn thẳng thắn nhìn nhận vào những điểm hạn chế, luôn trăn trở tìm ra những dư địa để tiếp tục làm tốt hơn nữa công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và thực hiện nhiệm vụ chuyển đổi số.

Trong đó có một số vấn đề cần quan tâm giải quyết, như: Người đứng đầu một số cơ quan, đơn vị chưa sâu sát trong chỉ đạo giải quyết TTHC thuộc trách nhiệm của cơ quan, đơn vị mình; hạ tầng hệ thống một cửa điện tử được đầu tư từ sớm đã xuống cấp, chưa được nâng cấp đảm bảo vận hành trơn tru trong giai đoạn mới; việc cắt giảm, đơn giản hóa quy định giải quyết TTHC còn hình thức, chưa sát với thực tế; tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp; việc kết nối, chia sẻ giữa các cơ sở dữ liệu, hệ thống thông tin phục vụ giải quyết TTHC còn hạn chế và tốc độ số hóa hồ sơ, kết quả TTHC còn chậm…

Cùng với đó là một số vấn đề trong công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; kỷ luật, kỷ cương hành chính, tinh thần, thái độ phục vụ, chuẩn mực giao tiếp, ứng xử của một số CBCCVC, cũng như nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu chuyển đổi số…

Để đảm bảo sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong công tác CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyển đổi số, ngoài sự tham gia, vào cuộc tích cực của toàn thể người dân, doanh nghiệp, rất cần vai trò giám sát của HĐND trong các hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước. Vì vậy, tại Kỳ họp lần thứ 11 tới đây, UBND tỉnh sẽ trình HĐND tỉnh khóa XIV một số giải pháp đẩy mạnh CCHC, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh và chuyển đổi số tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó đặt mục tiêu chung hằng năm giữ vững vị trí nhóm đầu cả nước về các chỉ số cải cách gồm PCI, PAR Index, SIPAS, PAPI thông qua cải thiện mạnh mẽ tổng điểm và điểm từng chỉ số thành phần; phấn đấu đến năm 2025, Quảng Ninh đứng trong top 3 nhóm các địa phương dẫn đầu về chỉ số đánh giá chuyển đổi số (DTI), trở thành mô hình mẫu về chuyển đổi số toàn diện cấp tỉnh.

Đại diện các sở, ban, ngành và doanh nghiệp nghiên cứu, tham gia ý kiến hiệu chỉnh bộ phiếu khảo sát chỉ số DDCI năm 2022 của tỉnh.

Cùng với đó là hàng loạt mục tiêu cụ thể, có thể đo đếm, định lượng rõ ràng để các cấp, ngành, cả hệ thống chính trị thi đua thực hiện. Cụ thể, phấn đấu đến năm 2025, 80% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 30% trở lên; 80% hệ thống thông tin của tỉnh có liên quan đến người dân, doanh nghiệp được kết nối, liên thông qua Trục liên thông văn bản quốc gia và nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu; tối thiểu 70% hồ sơ TTHC được giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 và cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên thiết bị di động thông minh; phấn đấu hằng năm có từ 2.000 doanh nghiệp trở lên được thành lập mới; tỷ trọng lao động qua đào tạo đạt trên 87,5%, trong đó tỷ lệ lao động đã qua đào tạo có chứng chỉ, bằng cấp đạt trên 50,8%.

Đến năm 2030, 100% TTHC có yêu cầu nghĩa vụ tài chính được triển khai thanh toán trực tuyến, trong số đó, tỷ lệ giao dịch thanh toán trực tuyến đạt từ 50% trở lên; 100% CBCC cấp xã có trình độ cao đẳng, đại học và được chuẩn hoá về lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc; tỷ lệ hồ sơ giải quyết trực tuyến mức độ 4 đạt từ 90% trở lên; giảm bình quân 15% chi trực tiếp từ NSNN cho đơn vị sự nghiệp công lập so với giai đoạn 2021-2025; 100% hồ sơ công việc tại cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xử lý, tạo lập và lưu hồ sơ công việc trên môi trường mạng; vận hành có hiệu quả hệ thống cơ sở dữ liệu TTHC; chuẩn hóa, điện tử hóa quy trình nghiệp vụ xử lý hồ sơ; đảm bảo liên thông trong giải quyết TTHC trên tất cả các lĩnh vực và kết nối với các cơ quan, bộ, ngành Trung ương…

Xác định CCHC không chỉ là công việc riêng của hệ thống hành chính mà là yêu cầu chung của toàn xã hội, tỉnh cũng sẽ tăng cường sự tham gia của MTTQ các cấp, các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp trong việc giám sát, phản biện xã hội; tăng cường lấy ý kiến người dân đối với việc xây dựng thể chế, chính sách, đánh giá tinh thần, thái độ phục vụ của CBCCVC; lấy sự hài lòng của người dân, tổ chức là thước đo chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước. Đồng thời thúc đẩy hiệu quả các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua các hình thức gặp mặt, đối thoại; phát huy hiệu quả đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử; rà soát, tránh chồng chéo trong thanh, kiểm tra…

Tỉnh cũng xác định sẽ tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; triển khai các hoạt động đào tạo phù hợp với nhu cầu nguồn nhân lực của doanh nghiệp trong tình hình mới; xây dựng, tổ chức triển khai chương trình xúc tiến đầu tư hằng năm đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm, gắn với thực hiện Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Bên cạnh các mục tiêu, giải pháp cơ bản, dự thảo nghị quyết cũng đề ra 7 chuyên đề trọng điểm để các sở, ban, ngành xây dựng, triển khai thực hiện. Các chuyên đề đi sâu vào từng nội dung cụ thể, thiết thực, như: Hoàn thiện thể chế, nâng cao chất lượng công tác xây dựng, thẩm định, kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; tính pháp lý, lợi ích của việc sử dụng kết quả TTHC bản điện tử; hạn chế thấp nhất tình trạng quá hạn, trễ hạn trong giải quyết TTHC; vai trò, hiệu lực, hiệu quả của chính quyền điện tử, chính quyền số; đổi mới công tác chỉ đạo, điều hành; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm tra đột xuất; nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền...

Theo Minh Hà/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 37079 Tổng lượt truy cập 91131201