Không ngừng bảo tồn và phát huy Khu di tích, danh thắng quốc gia

Những năm qua, từ nhiều nguồn vốn đầu tư, Khu di tích danh thắng Yên Tử đã không ngừng được đầu tư, tôn tạo, bảo vệ, nâng cấp.

Thi công dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục chính từ QL18 vào Khu di tích Yên Tử với giá trị đầu tư 250 tỷ đồng.

Theo ước tính, từ năm 2007 đến nay, ngân sách nhà nước đã dành trên 1.000 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng Khu di tích danh thắng Yên Tử. Trong đó, hạ tầng giao thông được xác định là yếu tố quan trọng không chỉ đáp ứng nhu cầu của người dân, kết nối khu di tích với các vùng lân cận mà còn thu hút du khách tham quan. TP Uông Bí đã triển khai bê tông hóa tuyến đường từ QL18 đến Yên Tử, Lán Tháp - Yên Tử…

Hiện, giai đoạn 1 của dự án cải tạo, nâng cấp, mở rộng tuyến đường trục chính từ QL18 vào Khu di tích Yên Tử (đoạn từ ngã ba Dốc Đỏ tới ngã tư Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công) với vốn đầu tư là 250 tỷ đồng cũng đang gấp rút triển khai. Tuyến đường có nền rộng 12m đạt tiêu chuẩn đường cấp III, vận tốc thiết kế 60km/giờ, trên cơ sở bám theo tuyến hiện trạng, nắn chỉnh cục bộ giảm bán kính đường cong, hạ dốc... Sau khi tuyến đường được hoàn thành, hạ tầng giao thông kết nối với khu di tích được đảm bảo, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách hành hương đến khu di tích, nhất là vào tháng cao điểm của lễ hội, khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch tâm linh.

Cùng với đó, từ năm 2001 đến nay, hệ thống cáp treo lên đỉnh Yên Tử được đầu tư đồng bộ, hiện đại, tận dụng tối đa không gian phù hợp với cảnh quan xung quanh. Năm 2006, đường đi bộ từ chân núi Yên Tử tới chùa Đồng được đầu tư kè đá thay thế cho đường đất trước đây. Ngoài ra, khu vực bến xe Giải Oan cũng đã đầu tư hoàn thiện có diện tích trên 10ha với sức chứa 2.500 ô tô và 10.000 xe máy. Qua đó, đáp ứng nhu cầu của du khách, giảm ùn tắc giao thông, tăng thêm giá trị văn hóa của Yên Tử.

Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch tại bến Giải Oan đang được gấp rút thi công để đưa một số hạng mục vào hoạt động trong Lễ hội Yên Tử 2018Ảnh: Việt Hoa

Song song với đó, nhằm bảo tồn Khu di tích danh thắng Yên Tử, phát huy các giá trị tâm linh, thu hút du khách, Uông Bí đã thường xuyên trùng tu, tôn tạo hệ thống chùa như: Chùa Trình, chùa Suối Tắm, chùa Cầm Thực, chùa Giải Oan, chùa Vân Tiêu, chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, chùa Hoa Yên… bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước và xã hội hóa. Qua đó, không chỉ bảo tồn, phát huy các giá trị của Yên Tử mà còn nâng cao vị thế của khu di tích.

Cùng với đó, gần đây, TP Uông Bí đã tập trung kêu gọi, thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng dịch vụ khu di tích. Tiêu biểu như dự án Khu trung tâm lễ hội và dịch vụ du lịch tại bến Giải Oan do Công ty CP phát triển Tùng Lâm làm chủ đầu tư, có quy mô hơn 15,8ha, tổng mức đầu tư 948 tỷ đồng. Dự án bao gồm các hạng mục chính: Khu trung tâm lễ hội, quảng trường sân lễ hội, khu đón tiếp, khu Tuệ Tĩnh đường, khu trưng bày triển lãm, khu dịch vụ, khu hội nghị, hội thảo, bảo tàng... Theo đúng tiến độ, một số hạng mục dự án sẽ được đưa vào phục vụ du khách trong dịp Lễ hội Yên Tử 2018, đồng thời chào mừng Năm Du lịch quốc gia 2018. Dự án sẽ góp phần đồng bộ cơ sở hạ tầng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tham quan của du khách, bảo tồn và phát huy giá trị của Di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử.

Cụm di tích Yên Tử có gần 20 điểm di tích lớn nhỏ thì hầu hết đều nằm trong ranh giới rừng quốc gia. Rừng còn có nhiều loại gỗ, cây dược liệu và thú quý hiếm được ghi trong sách Đỏ Việt Nam. Thêm vào đó, vùng đệm của rừng hiện có nhiều hộ người dân tộc thiểu số sinh sống. Do đó, mặc dù rừng quốc gia Yên Tử không quá rộng so với nhiều khu rừng cùng loại khác song nơi đây luôn tiềm ẩn nguy cơ bị xâm hại. Chính vì vậy, công tác bảo vệ và quản lý rừng quốc gia luôn được quan tâm đặc biệt.

Để công tác bảo vệ rừng được thực hiện hiệu quả, ngoài việc tổ chức tuần tra, canh gác, kiểm soát, các lực lượng chức năng của thành phố còn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân. BQL Di tích và rừng quốc gia Yên Tử còn trồng mới, chăm sóc, khoanh nuôi, bảo vệ, phát đường băng cản lửa hàng nghìn ha rừng. Cùng với đó, trong giai đoạn 2013-2019, ngân sách nhà nước bố trí trên 217 tỷ đồng kinh phí triển khai các hoạt động bảo vệ rừng quốc gia, hiện đã giải ngân được 100 tỷ đồng.

Trên cơ sở đề xuất của Uông Bí và tỉnh, mới đây, Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử. Nguồn vốn thực hiện dự án là trên 26 tỷ đồng từ ngân sách địa phương và các nguồn huy động hợp pháp khác. Dự án này mang lại cơ hội “cứu” xích tùng - loài cây gắn liền với các giá trị văn hoá tâm linh của di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử, lâu nay đã và đang phải đối mặt với nguy cơ xâm hại rất lớn do tác động từ con người và tự nhiên.

Với sự triển khai các hoạt động bảo vệ và quản lý rừng quốc gia Yên Tử một cách khoa học, đồng bộ và cương quyết, rừng quốc gia Yên Tử luôn được bảo vệ nghiêm ngặt, mang trọn vẹn hệ sinh thái của rừng nguyên sinh, phát huy giá trị của khu di tích danh thắng Yên Tử. 

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 12431 Tổng lượt truy cập 94991020