Học tập phương pháp tư duy Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay

Tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một trong những tài sản tinh thần vô giá của dân tộc Việt Nam. Hiểu rõ những nội dung cơ bản của phương pháp tư duy Hồ Chí Minh - một nội dung trong di sản của Người - để vận dụng vào nâng cao năng lực tư duy cho đội ngũ cán bộ, đảng viên là biện pháp quan trọng góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị, đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước hiện nay.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Xưởng may 10, ngày 8/1/1959. (Nguồn: hochiminh.vn)

NHỮNG NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA PHƯƠNG PHÁP TƯ DUY HỒ CHÍ MINH

Đề cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo.

Đây là nội dung bao trùm và điển hình nhất trong phương pháp tư duy Hồ Chí Minh. Trong phương pháp tư duy của Người, độc lập đồng nghĩa với không phụ thuộc, không bắt chước, không theo đuôi bất kỳ một lý luận nào nếu không có sự đánh giá cẩn trọng, khoa học của chủ thể. Mặc dù con đường nhận thức chân lý bao giờ cũng có sự kế thừa, nhưng là sự kế thừa biện chứng, kế thừa và phát triển với tính độc lập của chủ thể nhận thức, không phải là sự bắt chước, rập khuôn cách máy móc. Tự chủ có nghĩa là xuất phát từ vị trí, vai trò của mình, chủ thể tự thân làm chủ mọi suy nghĩ, hành vi của mình, làm chủ công việc của mình, tự thấy mình phải có trách nhiệm với tập thể, với quốc gia, với dân tộc mình. Sáng tạo là sẵn sàng từ bỏ những cái cũ, cái lạc hậu, cái không còn phù hợp đang cản trở sự phát triển; đồng thời, tìm kiếm, học hỏi, đề xuất những cái mới có khả năng đáp ứng những đòi hỏi của cuộc sống.

Tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo trong phương pháp tư duy Hồ Chí Minh hình thành từ sớm, bộc lộ càng rõ trong quá trình Người tìm đường cứu nước. Đến khi Chủ tịch Hồ Chí Minh tiếp cận với chủ nghĩa Mác - Lênin thì tinh thần độc lập, tự chủ, sáng tạo càng được nâng cao, đã trở thành một phẩm chất bền vững, được thể hiện trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Chính điều đó đã làm cho tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh khác biệt so với tư duy của các nhà yêu nước tiền bối và đương thời, như Hoàng Hoa Thám, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Phan Văn Trường... về con đường cứu nước, mặc dù không ai phủ nhận các ông đều mong muốn giành độc lập cho đất nước, tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao tinh thần độc lập, tự chủ và sáng tạo trong mọi hoạt động thực tiễn của mình. Người đã tư duy để đối chiếu, so sánh, chắt lọc và tổng hợp những dữ liệu, những kinh nghiệm mà cuộc sống đã đem lại, những tư tưởng của các thế hệ đi trước đã gợi mở, để từ đó đi đến những nhận định mới, những kết luận mới và những tư tưởng mới. Phương pháp tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh dựa trên cơ sở tính cách mạng triệt để, tính biện chứng chặt chẽ và khoa học của chủ nghĩa Mác - Lê-nin. Từ đó, Người đã từng bước xác lập cả một hệ thống tư tưởng, luận điểm sáng tạo của riêng mình.

Quyết tâm vượt lên mọi thành kiến tư tưởng.

Đối với mỗi con người, để vượt qua được những thành kiến do lối mòn tư tưởng cũ chi phối là một việc không dễ. Trong khi đó, khác với tất cả những nhà yêu nước đương thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn biết vượt lên những thành kiến tư tưởng và thể hiện năng lực làm chủ bản thân rất cao. Không đi theo con đường cứu nước mà các vị tiền bối đã thực hiện, Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định đi ra nước ngoài, tới chính đất nước của kẻ thù đang giày xéo, đặt ách thống trị lên Tổ quốc mình để tìm đường cứu nước, cứu dân, mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, để tìm hiểu xem những gì ẩn giấu “đằng sau khẩu hiệu “tự do, bình đẳng, bác ái là gì?”. Liệu người dân ở đó có được tự do, bình đẳng và hạnh phúc thực sự hay không?

Ngay từ năm 1921, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không đồng tình với ý kiến cho rằng, Đông Dương chưa thể tiếp thu chủ nghĩa Mác - Lênin do giai cấp vô sản ở Đông Dương chưa phát triển. Cùng với đó, Người đã tích cực tiếp thu, vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận cách mạng vô sản của V.I. Lê-nin và kiên quyết đấu tranh cho tư tưởng này được hiện thực hóa trên thực tế. Nguyễn Ái Quốc đề nghị: “Đảng phải tuyên truyền chủ nghĩa xã hội trong tất cả các nước thuộc địa”(1). Từ những điều kiện lịch sử - xã hội của các nước phương Đông, Người nhận thấy chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn có thể thâm nhập, tồn tại và phát triển ở châu Á, thậm chí còn dễ dàng hơn so với châu Âu: “những lý do lịch sử cho phép chủ nghĩa cộng sản thâm nhập vào châu Á dễ dàng hơn là ở châu Âu”(2).

Trong bản Tuyên ngôn độc lập năm 1945 khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trích dẫn bản Tuyên ngôn độc lập của Mỹ cũng như bản Tuyên ngôn nhân quyền và dân quyền của Pháp. Tuy nhiên, Người không chỉ dừng lại ở việc trích dẫn 2 bản tuyên ngôn đó, khẳng định quyền tự do của mỗi cá nhân như tinh thần của 2 bản tuyên ngôn này, mà còn khẳng định quyền độc lập, tự do và quyền bình đẳng cho các dân tộc bị áp bức trên toàn thế giới.

Gắn lý trí với những tình cảm trong sáng, tình yêu thương con người, thực hiện công cuộc xây dựng và cải tạo xã hội.

Cốt lõi của tình cảm cách mạng là đạo đức cách mạng. Tình cảm cách mạng là khởi nguồn để có sáng tạo cách mạng. Khi tình cảm đã nhạt phai thì trí tuệ cũng sẽ chịu ảnh hưởng không tốt. Ngược lại, tình cảm mù quáng thì lý trí sẽ mất phương hướng. Tình cảm có những quy luật riêng của mình. Nếu là xúc cảm nhất thời, nó thường đi đôi với nhận thức cảm tính, bồng bột, thoáng qua và thiếu bền vững. Song ở Chủ tịch Hồ Chí Minh, những tình cảm trong sáng, rất mãnh liệt bao giờ cũng chịu sự điều chỉnh, hướng dẫn chặt chẽ của lý trí. Đó là bởi, tình cảm của Người dựa trên sự thấu hiểu sâu sắc về con người, điều chỉ có ở một nhân cách lớn. Cả cuộc đời của Người là một tấm gương sáng ngời về đạo đức cách mạng, về sự thống nhất giữa lý trí với những tình cảm trong sáng, thấm đẫm tình yêu thương con người.

Ngay từ khi còn nhỏ, Người đã xúc động trước tình cảnh người dân trên quê hương mình bị thực dân Pháp áp bức, bóc lột, hành hạ một cách dã man. Có thể thấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh chịu ảnh hưởng sâu sắc bởi truyền thống nhân nghĩa của dân tộc, cho nên đi tới đâu Người cũng chú ý tới hai cảnh sống trái ngược giữa nhân dân lao động với tầng lớp thống trị, giữa người bóc lột và người bị bóc lột; đồng thời, luôn có sự thấu cảm sâu sắc trước những khó khăn, tủi nhục, vất vả của những người bị bóc lột và cuộc sống lầm than của nhân dân lao động.

Tình yêu thương đồng bào, Tổ quốc và tình yêu thương con người đã đưa Người đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Đồng thời, chính lý luận cách mạng Mác - Lênin cũng nâng tầm những tình cảm trong sáng của Người, giúp Người có thêm nghị lực để vượt qua mọi khó khăn, gian khổ và luôn lạc quan, tin tưởng vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh am hiểu rất sâu sắc và độc đáo về chủ nghĩa Mác - Lênin. Người cho rằng, lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin không chỉ bao gồm các khái niệm trừu tượng, các quy luật, phạm trù và chỉ thuộc về nhận thức lý trí, mà còn bao hàm cả tình nghĩa, tức là gồm cả phương diện đạo đức. Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin là phải sống với nhau có tình có nghĩa. Nếu thuộc bao nhiêu sách mà sống không có tình có nghĩa thì sao gọi là hiểu chủ nghĩa Mác-Lênin”(3).

Lý luận của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gắn với những phong trào hành động nhằm xây dựng và cải tạo xã hội. Người cho rằng, tư duy lành mạnh tự nó bao giờ cũng hướng tới hành động cải tạo thực tiễn, cải thiện cuộc sống con người. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy sôi nổi, phong phú và gian khổ của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nắm vững mục tiêu chiến lược, đồng thời biết vận dụng sách lược một cách khôn khéo để đưa cách mạng tới thắng lợi hoàn toàn. Trong bức thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Chúng ta phải làm gì? Chúng ta không thể đặt vấn đề ấy một cách máy móc. Điều đó tùy hoàn cảnh của mỗi dân tộc chúng ta. Đối với tôi, câu trả lời đã rõ ràng: trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành tự do độc lập”(4).

Coi trọng, gắn kết điều kiện khách quan với phát huy nỗ lực chủ quan, kết hợp hài hòa giữa lý luận, thực tiễn và có tính tự giác cao.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm tới những điều kiện khách quan của cách mạng, đồng thời phát huy tính tích cực của nhân tố chủ quan để đề ra cương lĩnh chiến lược cách mạng một cách phù hợp. Chánh cương vắn tắt của Đảng (năm 1930) do Người soạn thảo có đoạn viết: “Tư bản bản xứ đã thuộc tư bản Pháp, vì tư bản Pháp hết sức ngăn trở sức sinh sản làm cho công nghệ bản xứ không thể mở mang được. Còn về nông nghệ một ngày một tập trung đã phát sinh ra lắm khủng hoảng, nông dân thất nghiệp nhiều. Vậy tư bản bản xứ không có thế lực gì ta không nên nói cho họ đi về phe đế quốc được, chỉ bọn đại địa chủ mới có thế lực và đứng hẳn về phe đế quốc chủ nghĩa nên chủ trương làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng để đi tới xã hội cộng sản”(5). Sau này, các văn kiện của Đảng đã ấn định phương hướng phát triển của cách mạng Việt Nam là, tiến hành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân tiến thẳng lên cách mạng xã hội chủ nghĩa, không qua chế độ tư bản chủ nghĩa.

Khi miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, nhận định về tình hình đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “trong thời đại đế quốc chủ nghĩa, ở một nước thuộc địa nhỏ, với sự lãnh đạo của giai cấp vô sản và đảng của nó, dựa vào quần chúng nhân dân rộng rãi... với sự đồng tình và ủng hộ của phong trào cách mạng thế giới, trước hết là của phe xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, nhân dân nước đó nhất định thắng lợi”(6)Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dựa trên những điều kiện khách quan, kết hợp với nhân tố chủ quan, trong đó có năng lực cá nhân xuất chúng, nhãn quan sắc bén để đề ra các chủ trương, đường lối đúng đắn, đưa cách mạng Việt Nam đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng đặc biệt coi trọng công tác tổng kết lý luận; bởi vì, theo Người, đó là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người trên tất cả mọi lĩnh vực. Người cho rằng: “Lý luận là sự tổng kết những kinh nghiệm của loài người, là tổng hợp những tri thức về tự nhiên và xã hội tích trữ lại trong quá trình lịch sử”(7). Do đó, nếu kế thừa được những kinh nghiệm đã được tổng kết thành lý luận, mỗi cá nhân sẽ có điều kiện nâng cao năng lực của bản thân để phát triển tốt hơn.

Phương pháp tư duy của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn được thể hiện ở việc xem trọng nhân tố tự giác. Người cho rằng, nền đạo đức mới chỉ có thể được xây dựng trên cơ sở tự giác tu dưỡng đạo đức của mỗi cá nhân trong xã hội. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong mỗi con người đều có hai mặt đối lập: Thiện và ác, hay và dở, tốt và xấu,... Do vậy, điều quan trọng là, mỗi người phải dám nhìn thẳng vào bản thân mình, tự giác tu dưỡng, rèn luyện, phát huy những cái thiện, cái hay, cái tốt, đồng thời khắc phục cái ác, cái dở, cái xấu. Trong lần nói chuyện với thanh niên sinh viên tại Đại hội sinh viên Việt Nam lần thứ II năm 1958, Người nhấn mạnh: “Thanh niên bây giờ là một thế hệ vẻ vang, vì vậy cho nên phải tự giác tự nguyện mà tự động cải tạo tư tưởng của mình để xứng đáng với nhiệm vụ của mình. Tức là thanh niên phải có đức, có tài”(8).

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tham quan trưng bày Cuộc thi “Học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp” (SV_STARTUP). (Ảnh: TTXVN)

Thường xuyên tổng kết kinh nghiệm và chủ động nắm lấy những tri thức mới.

Quá trình tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh là quá trình không ngừng học tập, rèn luyện qua thực tiễn cách mạng. Trong quá trình đó, Người thường xuyên tổng kết kinh nghiệm và luôn có ý thức tìm tòi, nắm lấy những tri thức mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một người rất nhạy cảm về chính trị. Sau khi gửi Bản yêu sách gồm tám điều của dân tộc Việt Nam tới Hội nghị Véc-xây (Pháp), Người đã nhận ra “cái bánh vẽ” chính trị mà chủ nghĩa đế quốc Mỹ đưa ra để gạ gẫm các dân tộc. Người nhấn mạnh “chủ nghĩa Uynxơn” chỉ là một trò bịp bợm lớn. Chỉ có giải phóng giai cấp vô sản thì mới giải phóng được dân tộc; cả hai cuộc giải phóng này chỉ có thể là sự nghiệp của chủ nghĩa cộng sản và của cách mạng thế giới(9). Kết luận quan trọng này là tiền đề tư tưởng quan trọng của chiến lược “dựa vào sức mình là chính” của Đảng trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam.

Chủ tịch Hồ Chí Minh là hiện thân, kết tinh đỉnh cao của tinh thần dân tộc, của chủ nghĩa yêu nước truyền thống Việt Nam, khi tin tưởng tuyệt đối vào sức mạnh của nhân dân, đoạn tuyệt với quan điểm “cầu viện” để giải phóng dân tộc. Năm 1920, sau khi đọc Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa của V.I. Lê-nin, Người đã đứng hẳn về Quốc tế III, về phía V.I. Lê-nin, kiên quyết đấu tranh chống khuynh hướng cơ hội chủ nghĩa trong nội bộ Đảng Xã hội Pháp, và đã trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp. Đối với Người, mỗi lần phê phán cái sai lầm là mỗi lần tổng kết và rút ra được kinh nghiệm quý báu cho bản thân cũng như để hướng dẫn những cộng sự của mình.

Không bằng lòng với những tri thức thu lượm được ở đất Pháp, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bôn ba khắp các châu lục để khám phá, tìm hiểu, thâu thái thêm những tri thức mới. Người đã chứng kiến cuộc sống khổ nhục của những người dân mất nước dưới chế độ thuộc địa nửa phong kiến ở Đông Dương. Người đã phẫn nộ lên án chế độ tự xưng là “văn minh” nhất nhân loại ở Anh, Pháp, Mỹ. Đặc biệt, Chủ tịch Hồ Chí Minh vui mừng khi thấy cuộc sống mới trên quê hương Cách mạng Tháng Mười Nga. Đi đến đâu, Người cũng quan sát và suy nghĩ, chiêm nghiệm để tự rút ra những bài học kinh nghiệm cho bản thân mình. Bằng sự nghiên cứu nghiêm túc nhất, với tinh thần trách nhiệm cao nhất trước dân tộc và giai cấp, Người khẳng định: “Muốn cứu nước và giải phóng dân tộc không có con đường nào khác con đường cách mạng vô sản. Việc thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương là Đảng đã giương cao ngọn cờ cách mạng dân tộc dân chủ lại càng chứng tỏ rõ rệt vai trò của giai cấp vô sản và đảng của nó trong phong trào giải phóng dân tộc”(10).

GIÁ TRỊ VẬN DỤNG TRONG QUÁ TRÌNH TĂNG CƯỜNG HỌC TẬP VÀ NÂNG CAO NĂNG LỰC TƯ DUY CỦA ĐỘI NGŨ CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN HIỆN NAY

Qua hơn 35 năm đổi mới, Việt Nam đã gặt hái được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên tất cả các lĩnh vực, chính trị luôn ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao, đời sống của các tầng lớp nhân dân được cải thiện đáng kể. Theo đó, tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên đã có những đổi mới nhất định (về trình độ cũng như phương pháp tư duy). Tuy nhiên, sự phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong điều kiện thế giới có nhiều thay đổi khó lường, đặc biệt là sự phát triển không ngừng của công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo, còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Trong khi đó, trình độ hiểu biết về lý luận, thực tiễn của nhiều cán bộ, đảng viên hiện nay còn nhiều hạn chế. Phong cách tư duy của một bộ phận cán bộ, đảng viên vẫn còn biểu hiện của lối tư duy giáo điều, bảo thủ, trì trệ, khuôn sáo, máy móc. Đó là những suy nghĩ chủ quan, duy ý chí, chưa thật sự dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Lối tư duy nôn nóng, giản đơn, đại khái, yếu về logic, thiếu hệ thống, luôn chạy theo mong muốn chủ quan của cá nhân vẫn còn tồn tại; đặc biệt, một số cán bộ, đảng viên có những biểu hiện của sự tách rời giữa tình cảm, đạo đức cách mạng và lý trí khoa học.

Do đó, yêu cầu bức thiết đặt ra hiện nay là phải xây dựng phương pháp tư duy khoa học cho đội ngũ cán bộ, đảng viên, cụ thể như sau:

Một là, chú trọng nâng cao tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo cho đội ngũ cán bộ, đảng viên. Sau khi thấm nhuần phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng phải có khả năng dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, không lệ thuộc, rập khuôn, bắt chước người khác; có năng lực và bản lĩnh bảo vệ được quan điểm, chính kiến của mình; tự mình làm chủ mọi suy nghĩ, hành động, không bị a dua theo người khác; tự giác tìm tòi để sáng tạo, sẵn sàng tiếp thu cái mới, từ bỏ cái đã lỗi thời. Từ đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ chính trị.

Hai là, khắc phục những thành kiến trong tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Thực chất vấn đề này là, chống chủ nghĩa giáo điều - giáo điều sách vở, giáo điều trong việc học tập kinh nghiệm của người khác; qua đó, giúp họ vượt lên trên những thành kiến, không lệ thuộc vào tập quán cũ, lạc hậu, biết giữ gìn và phát triển những tư tưởng truyền thống còn phù hợp, tiếp thu một cách có chọn lọc những tư tưởng mới, chủ động đề xuất những sáng kiến, sáng tạo trong thực hiện nhiệm vụ được giao.

Ba là, nâng cao nhận thức, giáo dục, giúp cán bộ, đảng viên biết kết hợp giữa lý trí với tình cảm trong sáng, làm điều gì cũng luôn đặt lợi ích của tập thể, lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, trước hết. Biết yêu thương con người, luôn sẵn sàng giúp đỡ, hỗ trợ người khác, coi niềm vui, hạnh phúc của người khác cũng là niềm vui và hạnh phúc của mình. Lịch sử đã chứng minh rằng, những cá nhân nặng về lý trí mà thiếu tình cảm thì sớm hay muộn họ cũng sẽ rời bỏ con đường mà mình đã chọn. Không ít người vì thiếu một tình yêu trong sáng và mãnh liệt, không biết yêu thương, nghĩ đến người khác nên họ đã bị những cám dỗ ích kỷ, tầm thường trong cuộc sống cá nhân, dễ dẫn đến thoái hóa, biến chất, hư hỏng, trở thành những kẻ cơ hội, hại nước, hại dân, đi ngược lại lợi ích của nhân dân, của dân tộc.

Bốn là, trang bị cho đội ngũ cán bộ, đảng viên phương pháp tư duy thúc đẩy tính tự giác cao, phát huy tối đa năng lực chủ quan và coi trọng điều kiện khách quan, có khả năng kết hợp hài hòa giữa lý luận và thực tiễn, góp phần bổ sung phát triển lý luận trên cơ sở hoạt động thực tiễn và phù hợp với điều kiện thực tiễn để hoàn thành tốt mọi công việc được giao. Khi nắm vững phương pháp tư duy Hồ Chí Minh, mỗi cán bộ, đảng viên sẽ luôn có tính tự giác cao và biết vận dụng, thường chủ động xây dựng các kế hoạch, đề ra biện pháp cụ thể để triển khai công việc của mình một cách khoa học, hiệu quả.

Năm là, tăng cường tổng kết, đúc kết những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo; phát hiện những gương điển hình tiên tiến để giáo dục, nêu gương cho đảng viên và quần chúng noi theo; xem xét kinh nghiệm, cách làm hay của cán bộ, đảng viên và cá nhân khác để áp dụng cho phù hợp với bản thân mình. Bên cạnh đó, phương pháp tư duy Hồ Chí Minh cũng giúp cho đội ngũ cán bộ, đảng viên có khả năng tìm tòi, suy nghĩ, chủ động tiếp thu tri thức mới để bổ sung vào kinh nghiệm đã tích lũy, từ đó có phương pháp phù hợp để thực hiện tốt các mục tiêu đề ra.

Hiện nay, đứng trước những nhiệm vụ cách mạng mới, để giải quyết những vấn đề phong phú, sinh động, phức tạp mà cuộc sống đặt ra, không có con đường nào khác ngoài con đường nâng cao phương pháp tư duy, nhất là tư duy lý luận. Trong đó, phương pháp tư duy Hồ Chí Minh là một mẫu mực, vẫn còn giữ nguyên giá trị và lợi ích thiết thực. Do vậy, việc nghiên cứu, học tập, vận dụng phương pháp tư duy Hồ Chí Minh để nâng cao năng lực tư duy của đội ngũ cán bộ, đảng viên hiện nay là một yêu cầu bức thiết, cần được triển khai một cách toàn diện, sâu sắc và có hệ thống./.

TS. Nguyễn Duy Quỳnh
Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn,
Đại học Quốc gia Hà Nội

_______________________

(1) (2) (4) (9) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2011, t.1, tr.35, 47, 209, 441.

(3) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.15, tr.668.

(5) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.3, tr.1.

(6) (10) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.12, tr.31-32, 30.

(7) (8) Hồ Chí Minh: Toàn tậpSđd, t.11, tr.96, 399.

(Nguồn: TC Cộng sản)

Theo tuyengiao.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19348 Tổng lượt truy cập 94764828