Hồ Chí Minh với xây dựng đạo đức công dân
Hồ Chí Minh là người đầu tiên đề cập đến xây dựng đạo đức công dân trong chế độ mới. Người coi xây dựng đạo đức công dân là nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách song song với các nhiệm vụ khác của chính quyền dân chủ nhân dân. Những quan điểm cách mạng, khoa học của Người luôn là nền tảng cho việc xây dựng đạo đức công dân ở Việt Nam hiện nay.
Chủ tịch Hồ Chí Minh vui múa hát cùng các cháu thiếu nhi tại Phủ Chủ tịch nhân ngày Quốc tế Thiếu nhi 1.6.1960. (Ảnh: nguồn TTXVN)
Toàn bộ cuộc đời và sự nghiệp của Hồ Chí Minh không chỉ hiến dâng cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc mà Người còn kiên trì giáo dục, rèn luyện và chuẩn bị những điều kiện cần thiết để xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Theo Hồ Chí Minh, trong chế độ dân chủ nhân dân không chỉ cần đề cao trách nhiệm của Nhà nước, đạo đức công vụ của cán bộ, công chức mà còn cần phải phát huy ý thức trách nhiệm công dân với tư cách là những thuộc tính căn bản nhất của người dân trong chế độ mới. Người chỉ rõ “nước ta là nước dân chủ, nghĩa là nước nhà do nhân dân làm chủ. Nhân dân có quyền lợi làm chủ, thì phải có nghĩa vụ làm tròn bổn phận công dân, giữ đúng đạo đức công dân”(1).
Như vậy, có thể hiểu,đạo đức công dân là những nguyên tắc, quy tắc, chuẩn mực xã hội nhằm điều chỉnh nhận thức, hành vi của công dân trong quan hệ với nhà nước, nó được thực hiện bởi niềm tin cá nhân, bởi truyền thống,sức mạnh của dư luận xã hội và pháp luật.Vì vậy, khi đạo đức công dân được hình thành thì việc tuân thủ những thiết chế xã hội của công dân sẽ giảm dần tính cưỡng chế. Mọi công dân khi đó sẽ tự giác, tự nguyện chấp hành pháp luật; việc thực hiện các yêu cầu của pháp luật và các yêu cầu xã hội ngoài pháp luật sẽ trở thành nhu cầu, thành động cơ bên trong mỗi công dân. Đạo đức công dân còn tạo điều kiện cho mọi công dân được giải phóng hoàn toàn năng lực làm chủ của mình, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững của xã hội. Đạo đức công dân chính là nền tảng tinh thần định hướng, dẫn dắt công dân hướng tới những giá trị dân chủ mới, đề kháng với những biểu hiện phi dân chủ thông qua cơ chế lựa chọn, sàng lọc của cả cộng đồng theo những nguyên tắc, chuẩn mực đạo đức chung nhất.
Từ yêu cầu xây dựng Nhà nước dân chủ nhân dân, Hồ Chí Minh đã khái quát đạo đức công dân trên những chuẩn mực đạo đức căn bản, đó là: “- Tuân theo pháp luật Nhà nước. - Tuân theo kỷ luật lao động. - Giữ gìn trật tự chung. - Đóng góp (nộp thuế) đúng kỳ, đúng số để xây dựng lợi ích chung. - Hăng hái tham gia công việc chung. - Bảo vệ tài sản công cộng. - Bảo vệ Tổ quốc”(2).
Theo Người, đạo đức công dân không phải là thuộc tính cá nhân bẩm sinh của mỗi người và không phải hình thành một lần là xong. Sự vận động, biến đổi và phát triển của nó luôn song hành cùng với những biến đổi của đời sống kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Bằng những phương thức vừa mang tính lý luận, vừa có tính thực tiễn cao, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh luôn chú trọng đến công việc quan trọng này.
XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN THÔNG QUA GIÁO DỤC, ĐÀO TẠO
Hồ Chí Minh đặc biệt nhấn mạnh vai trò của giáo dục, đào tạo (GD-ĐT) trong xây dựng đạo đức công dân. Theo Người, mục đích GD-ĐTchính là nhằm xây dựng nên những “công dân ưu tú”, “công dân kiểu mẫu”, không chỉ có năng lực làm chủ mà còn có những phẩm chất đạo đức tương xứng với địa vị làm chủ của mình. Người viết: “Bình dân học vụ không những dạy đọc, dạy viết, mà còn phải chú trọng dạy đạo đức công dân. Như vậy bình dân học vụ sẽ góp phần xứng đáng vào sự nghiệp đấu tranh cho hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”(3). Trong Di chúc, Người nhắc nhở: Đảng phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho thế hệ trẻ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Giáo dục đạo đức công dân là quá trình lâu dài, gian khổ, vì đó là cuộc cách mạng bên trong bản thân mỗi con người. GD-ĐTphải góp phần hình thành lên những chuẩn mực đạo đức công dân mới để đánh thắng tư tưởng cũ, từ bỏ con người cũ - con người nô lệ, thần dân để trở thành những công dân của nước Việt Nam. Đây là nhiệm vụ khó khăn, gian khổ, là “cuộc chiến đấu khổng lồ”.
Vấn đề quan trọng đầu tiên là cần xác định rõ mục tiêu của chiến lược GD-ĐT. Người chỉ rõ: “Ta xây dựng con người cũng phải có ý định rõ ràng”(4). Mục đích nhằm “đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà”(5) - những người kế tục xứng đáng sự nghiệp xây dựng chế độ mới. Muốn đạt được mục tiêu chiến lược phải có phương pháp giáo dục toàn diện: “Trong việc giáo dục và học tập, phải chú trọng đủ các mặt: đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hoá, kỹ thuật, lao động và sản xuất”(6).
Chăm lo bồi dưỡng các thế hệ công dân thông qua hoạt động GD-ĐT là trách nhiệm của toàn xã hội. Người nói: “Ngày nay chúng là nhi đồng. Ít năm nữa, chúng sẽ là công dân, cán bộ. Vì vậy, Chính phủ, các đoàn thể, và tất cả đồng bào đều có trách nhiệm giúp vào việc giáo dục nhi đồng”(7). Phát huy trách nhiệm của toàn xã hội là biện pháp có hiệu quả nhất không chỉ tập trung trí tuệ, sức sáng tạo của toàn dân mà còn tạo ra dư luận xã hội, môi trường xã hội thuận lợi để mỗi công dân không ngừng rèn luyện đạo đức công dân. Với một xã hội vừa mới thoát thai từ xã hội thực dân phong kiến điều này càng có ý nghĩa quan trọng hơn vì đó cũng có thể coi là “một cuộc chiến đấu chống lại cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi”(8). Đề cao trách nhiệm của toàn xã hội trong bồi dưỡng thế hệ công dân tương lai là một tư tưởng lớn trong giáo dục hiện đại.
Giáo dục đạo đức cho các thế hệ công dân không thể thiếu vai trò của những người thầy. Người nói: “Bây giờ nhiệm vụ giáo dục khác trước. Các cô, các chú có nhiệm vụ rất quan trọng: Bồi dưỡng thế hệ công dân, cán bộ sau này”(9). Để hoàn thành nhiệm vụ vẻ vang, theo Người, mỗi thầy cô giáo trước hết phải thực sự yêu nghề, tâm huyết với nghề. “Người thầy giáo tốt - thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những người thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”(10). Bên cạnh trau rồi đạo đức, mỗi thầy cô giáo cần không ngừng nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng sư phạm, phải là những người công dân gương mẫu tiên phong - tự giác thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân của mình để làm mực thước cho học sinh bắt trước.
Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở những người phụ trách GD-ĐT: muốn xây dựng đạo đức công dân có hiệu quả phải nắm chắc và vận dụng đúng đắn, sáng tạo nguyên lý giáo dục “Kết hợp chặt chẽ lý luận với thực hành, giáo dục với lao động, văn hóa với đạo đức cách mạng”(11). Việc kết hợp này không thuần túy ở xác định nội dung chương trình giáo dục, xác định mục đích, nội dung, phương châm giáo dục… mà cần được vận dụng phù hợp với từng người học, môn học. Trong giáo dục đạo đức công dân, nguyên lý trên có giá trị đặc biệt. Đạo đức là lĩnh vực thuộc ý thức, tư tưởng con người. Do đó, hoạt động giáo dục nếu chỉ dừng lại ở lý thuyết sẽ trở lên giáo điều, “lý thuyết suông”, không những không hiệu quả mà có khi còn phản giáo dục. Ngược lại, nếu chỉ có thực hành thì sẽ rơi vào rập khuôn máy móc, chẳng khác nào “người mù đi đêm”(12).
Trong quá trình xây dựng xã hội mới, Hồ Chí Minh luôn đặt niềm tin sâu sắc vào con người, vào khả năng “ai cũng muốn tiến bộ để phụng sự Tổ quốc, và phục vụ nhân dân có hiệu quả hơn”(13) . Đó cũng là niềm tin vào sức mạnh của giáo dục cách mạng trong việc tạo ra những công dân kiểu mẫu đáp ứng yêu cầu phát triển của xã hội mới.
XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN THÔNG QUA THỰC TIỄN ĐẤU TRANH CÁCH MẠNG
Để xây dựng đạo đức nói chung, đạo đức công dân nói riêng, theo Hồ Chí Minh mỗi công dân cần tích cực tu dưỡng, rèn luyện thông qua nhiều hình thức hoạt động khác nhau, trước hết là thông qua hoạt động thực tiễn và đấu tranh cách mạng. “Cách mệnh là phá cái cũ đổi ra cái mới, phá cái xấu đổi ra cái tốt”(14); đó “là cả một cuộc đấu tranh gay go, kịch liệt và lâu dài giữa cái xấu và cái tốt, giữa cái cũ và cái mới, giữa cái thoái bộ và cái tiến bộ, giữa cái đang suy tàn và cái đang phát triển”(15).Tính phức tạp, sự quyết liệt của cuộc đấu tranh dân tộc, đấu tranh giai cấp trong thời đại mới ở nước ta luôn đặt ra yêu cầu ngày càng cao về mọi mặt đối với mỗi công dân để họ thực hiện địa vị làm chủ của mình. Vì vậy, xây dựng đạo đức công dân phải liên hệ chặt chẽ với cuộc đấu tranh xã hội, “Đó là một trường học rất rộng, rất tốt”(16). Thông qua hoạt động và đấu tranh cách mạng, người dân đã từng bước trở thành những người công dân trong chế độ mới, được thừa hưởng đầy đủ những thành quả cách mạng. Vì vậy, tham gia tích cực vào sự nghiệp giành độc lập dân tộc, xây dựng và bảo vệ chế độ mới là điều kiện để họ từng bước trở thành những “công dân đứng đắn”, “công dân tốt”, “công dân kiểu mẫu” của nước Việt Nam độc lập.
Ngay khi cách mạng còn trong trứng nước, Hồ Chí Minh đã chủ trương tập hợp, tổ chức giáo dục mọi tầng lớp nhân dân lao động yêu nước, có ý chí cách mạng vào các hình thức mặt trận khác nhau đấu tranh chống đế quốc và phong kiến tay sai. Thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng lâu dài và gian khổ chính là quá trình tu dưỡng, rèn luyện nhân cách những công dân ưu tú tương lai, tạo tiền đề vững chắc xây dựng chế độ mới. Phương thức rèn luyện nhân cách con người được Hồ Chí Minh khái quát: “Gạo đem vào giã bao đau đớn/ Gạo giã xong rồi trắng tựa bông/ Sống ở trên đời người cũng vậy/ Gian nan rèn luyện mới thành công”(17).
Từ chỗ chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề của quan niệm đạo đức phong kiến, thông qua thực tiễn đấu tranh cách mạng, công dân nước Việt Nam độc lập - nhất là những “công bộc của dân” được giáo dục, rèn luyện để hình thành nên những quan niệm đạo đức mới: “Đạo đức, ngày trước thì chỉ trung với vua, hiếu với cha mẹ. Ngày nay, thời đại mới, đạo đức cũng phải mới. Phải trung với nước. Phải hiếu với toàn dân, với đồng bào”(18).Với quan niệm biện chứng, Người cho rằng, những chuẩn mực đạo đức trong xã hội phong kiến, thực dân không chỉ có những điểm khác biệt mà còn đối lập với đạo đức công dân trong xã hội mới: “Có người cho đạo đức cũ và đạo đức mới không có gì khác nhau. Nói như vậy là lầm to. Đạo đức cũ và đạo đức mới khác nhau nhiều. Đạo đức cũ như người đầu ngược xuống đất chân chổng lên trời. Đạo đức mới như người hai chân đứng vững được dưới đất, đầu ngửng lên trời”(19).
Việc tự nguyện tham gia vào sự nghiệp đấu tranh xóa bỏ xã hội cũ, xây dựng xã hội mới là biểu hiện sinh động của tinh thần vươn tới cái mới, cái hay, cái đẹp,… cũng như thể hiện thái độ kiên quyết chống lại cái xấu xa, cái ác. Sẽ rơi vào duy tâm nếu cho rằng đạo đức công dân là cái có trước hiện thực xã hội làm nảy sinh nó, tức là xã hội công dân. Tuy nhiên, với quan điểm: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, phải có con người xã hội chủ nghĩa và có tư tưởng xã hội chủ nghĩa”(20), thì rõ ràng chúng ta không thể ngồi chờ xã hội công dân được xây dựng xong thì mới xây dựng đạo đức của những công dân trong xã hội đó. Xây dựng xã hội công dân là quá trình xây dựng thể chế chính trị, nền tảng vật chất - kỹ thuật, chỉ có thể đạt được khi tạo lập được những điều kiện khách quan cho nó, không thể nóng vội chủ quan, đốt cháy giai đạn. Xây dựng những “công dân xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa” có thể được hoàn thiện trước một bước so với hoàn cảnh kinh tế - xã hội, nhưng phải có những điều kiện. Điều kiện đó là phải thông qua các hình thức hoạt động hướng tới xây dựng đạo đức công dân. Trong các hình thức hoạt động thực tiễn, Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng giáo dục đạo đức công dân thông qua các phong trào thi đua. Theo người, thi đua là hoạt động tự giác, thể hiện quyền và nghĩa vụ của mọi công dân, là hoạt động thiết thực và hiệu quả nhất để mỗi công dân đóng góp công sức của mình cho sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, đồng thời là điều kiện để mỗi người rèn luyện đạo đức công dân.
XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN THÔNG QUA LAO ĐỘNG
Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vai trò của lao động đối với quá trình phát triển xã hội cũng như sự phát triển và hoàn thiện các phẩm chất đạo đức công dân. “Xã hội có cơm ăn, áo mặc, nhà ở, là nhờ lao động. Xây nên giàu có, tự do, dân chủ cũng là nhờ lao động. Trí thức mở mang cũng nhờ lao động”(21). Việc tham gia tích cực, chủ động vào hoạt động lao động sẽ tác động toàn diện đến việc hình thành và thực hiện các chuẩn mực đạo đức công dân: “Một là làm cho họ biết kính trọng sự cần lao. Hai là tập cho họ quen khổ. Ba là cho họ cái chí khí tự thực kỷ lực (làm lấy mà ăn), không ăn bám xã hội. Bốn là có ích cho sức khoẻ của họ”(22). Lao động là lĩnh vực hoạt động thực tiễn quan trọng bậc nhất của mọi công dân, là “nguồn sống, nguồn hạnh phúc của chúng ta”(23), “lao động là sức chính của sự tiến bộ loài người”(24). Trong chế độ mới việc tự giác tham gia vào quá trình lao động sản xuất và lao động đạt hiệu quả cao là thước đo một trong những phẩm chất đạo đức công dân. Qua đó, ý thức trách nhiệm, tính tự giác trong việc thực hiện quyền và nghĩa vụ được thử thách, rèn luyện. Khi tham gia vào quá trình lao động sản xuất xã hội, công dân biết quý trọng thành quả lao động của bản thân và xã hội và trên cơ sở đó biết tôn trọng và bảo vệ lợi ích của xã hội. Lao động giúp cho tri thức, hiểu biết của công dân nói chung trong đó có tri thức đạo đức ngày càng nâng cao. Đây là tiền đề quan trọng để mỗi công dân nâng cao trình độ đạo đức, khắc phục các biểu hiện lệch lạc trong rèn luyện đạo đức công dân.
Bên cạnh việc đề cao vai trò của Nhà nước, các đoàn thể xã hội trong việc tạo môi trường, điều kiện lao động thuận lợi và giáo dục thái độ đúng đắn trong lao động sản xuất, Hồ Chí Minh yêu cầu mỗi công dân cần tích cực tự giác tham gia lao động sản xuất. Người đặc biệt lưu ý cần khắc phục tư tưởng trọng lao động trí óc, coi khinh lao động chân tay, tư tưởng lười lao động, thái độ gian dối trong lao động... Năng xuất lao động là thước đo hiệu quả và trình độ lao động. Do đó, theo Hồ Chí Minh, mỗi công dân muốn đạt kết quả cao trong lao động cần phát huy năng lực sáng tạo của bản thân. Chỉ có lao động với tinh thần sáng tạo mới giúp công dân không ngừng hoàn thiện mình, khắc phục những hạn chế cố hữu vốn là tàn dư của chế độ cũ. Nâng cao năng xuất lao động cũng là động lực giúp công dân tự giác nâng cao trí tuệ, đặc biệt là những đức tính như: cần cù, nhanh nhẹn, sáng tạo và kỷ luật lao động.
Bác Hồ dùng thử máy cấy lúa cải tiến tại Trại Thí nghiệm trồng lúa Sở Nông lâm Hà Nội, tháng 7-1960. Ảnh: Tư liệu
XÂY DỰNG ĐẠO ĐỨC CÔNG DÂN THÔNG QUA QUÁ TRÌNH TU DƯỠNG
Trong việc hình thành các chuẩn mực đạo đức công dân, việc hình thành, phát triển ý thức tự giác, tinh thần tự chủ, tự cường, năng lực tự giáo dục của mỗi người có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Vì vậy, Hồ Chí Minh căn dặn: “Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”(25).
Động lực của sự nỗ lực vươn lên, vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thiện các phẩm chất đạo đức công dân, theo Hồ Chí Minh là ở chỗ: các cá nhân tự ý thức được trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, đồng bào, gia đình và bản thân. Nếu con người mong muốn được đem tài năng, đức độ của mình để “phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh, tức là để làm trọn nhiệm vụ người chủ của nước nhà”(26)thì đó là sự nỗ lực chân chính và giàu tính nhân văn, cần khuyến khích và tạo điều kiện cho khuynh hướng này phát triển. Còn nếu chỉ vì mục đích vụ lợi, vị kỷ “Tự tư tự lợi, chỉ nghĩ đến lợi riêng của mình”(27), mong muốn “ăn trên ngồi trốc” đồng loại, thì đó là khuynh hướng cần phải đấu tranh loại bỏ.
Theo Hồ Chí Minh, xã hội phải đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của từng cá nhân, tạo điều kiện cho công dân cống hiến và hưởng thụ, phù hợp với sự đóng góp của họ cho xã hội. Cần phải tôn trọng lợi ích chính đáng của cá nhân, bởi: “Mỗi người đều có tính cách riêng, sở trường riêng, đời sống riêng của bản thân và của gia đình mình”(28). Hồ Chí Minh khẳng định: “Không có chế độ nào tôn trọng con người, chú ý xem xét những lợi ích cá nhân đúng đắn và bảo đảm cho nó được thoả mãn bằng chế độ xã hội chủ nghĩa và cộng sản chủ nghĩa”(29). Theo đó, đây không chỉ là mục tiêu mà còn là điều kiện rất quan trọng để mỗi công dân tự giác vươn lên về mọi mặt; hoàn thiện phẩm chất, năng lực bản thân, trong đó có phẩm chất đạo đức công dân.
Các đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII. Ảnh: TUẤN LINH
Đi đôi với bồi dưỡng tinh thần tự lực, tự giác vươn lên cho mỗi thành viên trong cộng đồng, cần phải xây dựng cho công dân niềm tin vào chế độ mới. Bởi vì, “Có tin tưởng thì lúc ra thực hành mới vững chắc, hăng hái, lúc gặp khó khăn mới kiên quyết, hy sinh”(30). Không có niềm tin vững chắc vào sự tốt đẹp của xã hội XHCN mà nhân dân ta đã, đang và sẽ xây dựng thì khó có thể động viên được mọi người hăng hái chiến đấu, học tập, rèn luyện, tu dưỡng “Trọn đời trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Tổ quốc, với Đảng, với giai cấp”(31).
Theo Hồ Chí Minh, cùng với việc xây dựng lẽ sống, niềm tin khoa học, tinh thần lạc quan cách mạng, cần kiên quyết chống tâm lý tự ti, mặc cảm, bảo thủ, rụt rè của con người Việt Nam - xuất phát từ điều kiện kinh tế - xã hội thấp kém, tâm lý sản xuất nhỏ, thói quen ỷ lại, thiếu tin tưởng vào năng lực của bản thân... Vì vậy, cần phải không ngừng động viên, khuyến khích mỗi người tự giác vươn lên, tin vào khả năng của bản thân, vào thắng lợi của cách mạng; cần phải “Bồi dưỡng tư tưởng mới để đánh thắng tư tưởng cũ, đoạn tuyệt với con người cũ để trở thành con người mới”(32). Sự hình thành các phẩm chất đạo đức công dân luôn gắn bó với vai trò của nhân tố chủ quan - không có sự nỗ lực, tự giác vươn lên của mỗi người thì sự nghiệp xây dựng đạo đức công dân không thể thành công. Vì vậy, tạo ra môi trường kinh tế, chính trị, xã hội thuận lợi, xây dựng định hướng giá trị xã hội đúng đắn, phù hợp là hết sức quan trọng.
Xây dựng đạo đức công dân ở Việt Nam là yêu cầu, đòi hỏi khách quan của quá trình xây dựng, hoàn thiện chế độ mới. Trong tình hình hiện nay, trước yêu cầu “tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân...”(33), đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục vận dụng sáng tạo những quan điểm cách mạng và khoa học về xây dựng đạo đức công dân của Hồ Chí Minh. Quá trình đó đòi hỏi phải xác định đúng lộ trình, bước đi và cách làm thận trọng, đồng bộ, sáng tạo, với tinh thần kiên quyết, kiên trì, đúng như chỉ dạy của Người: “Muốn thành công ắt phải: Đặt mức 10 phần, phải có biện pháp 15 phần, và phải cố gắng 20 phần”(34)./.
ThS. Nguyễn Trung Thành
Đại học Chính trị, Bộ Quốc phòng
________________________
(1) (2) (26) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2011, t.9, tr.258, 259, 179.
(3) (9) (13) Hồ Chí Minh, Sđd, t.10, tr.126, 334, 376.
(4) (8) Hồ Chí Minh, Sđd, t.15, tr.665, 617.
(5) (15) (28) (29) (34) Hồ Chí Minh, Sđd, t.11, tr.528, 238, 610, 610, 576.
(6) (20) (27) Hồ Chí Minh, Sđd, t.12, tr.674, 604, 308.
(7) Hồ Chí Minh, Sđd, t.6, tr.427.
(10) Hồ Chí Minh, Sđd, t.14, tr.403.
(11) (23) (31) Hồ Chí Minh, Sđd, t.13, tr.194, 69, 471.
(12) (16) (32) Hồ Chí Minh, Sđd, t.8, tr.276, 449, 300.
(14) Hồ Chí Minh, Sđd, t.2, tr.284.
(17) Hồ Chí Minh, Sđd, t.3, tr.328.
(18) Hồ Chí Minh, Sđd, t.4, tr.170.
(19) Hồ Chí Minh, Sđd, t.7, tr.220.
(21) (22) (24) (25) (30) Hồ Chí Minh, Sđd, t.5, tr.514, 121, 514, 120, 361.
(33) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H, 2021, t.I, tr.174-175.
Theo tuyengiao.vn
Tin tức khác
- Bế giảng lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng khóa 1 và lớp Bồi dưỡng nhận thức về Đảng cho thanh niên nhập ngũ năm 2025
- Hội nghị lần thứ 8 BCH LĐLĐ Thành phố khóa XVIII nhiệm kỳ 2023 - 2028 (hội nghị mở rộng)
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Phương Nam, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chương trình Tết sum vầy - Xuân ơn Đảng năm 2025
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán