Giải quyết theo hướng có lợi nhất cho người dân
Dự án Nhà máy sản xuất mũ, giày xuất khẩu của Công ty TNHH Sao Vàng (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) được triển khai năm 2003. Thời điểm đó, các hộ dân đã nhận đủ tiền và bàn giao mặt bằng cho dự án. Tuy nhiên, đến năm 2014, một số hộ dân trú tại khu Phú Thanh Tây, phường Yên Thanh và khu 7, phường Thanh Sơn (TP Uông Bí) lại có đơn đề nghị...
Cụ thể: Ngoài mức đền bù đất nông nghiệp là 26.000 đồng/m2, cộng thêm tối đa bằng 30% phần chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đền bù đất nông nghiệp (trường hợp đặc biệt theo quy định tại khoản 3, mục II, phần A, Thông tư số 145/1998/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 22/1998/NĐ-CP về việc đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng).
Các hộ dân còn cho rằng, mức giá đền bù đất nông nghiệp là 26.000 đồng/m2 chưa bao gồm hệ số K (hệ số quan hệ tỷ lệ giữa giá đất tính theo khả năng sinh lợi hoặc giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế với giá đất do UBND cấp tỉnh quy định).
Buổi đối thoại ngày 9/10/2017 giữa UBND tỉnh và một số hộ dân liên quan Dự án.
Đảm bảo lợi ích tối đa cho người dân
Tại cuộc đối thoại ngày 9/10/2017, Phó Giám đốc Sở Tài chính Phan Doãn Thức đã trình bày cơ sở xây dựng giá đất đền bù GPMB, phân tích kết cấu về đơn giá đất nông nghiệp hạng 3 đã đền bù cho các hộ dân. Ông Thức khẳng định: "Ngoài việc được đền bù đất nông nghiệp theo khả năng sinh lợi, tỉnh đã tính có lợi nhất cho người dân là đất hạng 3 loại A, các hộ dân đã được hưởng thêm phần hỗ trợ phần chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở trong đô thị của khu đất ở liền kề với giá đất đền bù đất nông nghiệp. Việc phê duyệt giá đất đền bù đất nông nghiệp đối với dự án này tại Quyết định số 3344/2003/QĐ-UB của UBND tỉnh, mức giá đất nông nghiệp đã tính hệ số K và cộng thêm một khoản tiền tính cho trường hợp đặc biệt theo Khoản 3, mục II, phần A, Thông tư 145/1998/TT-BTC là thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh, đúng với Nghị định số 22/1998/NĐ-CP và Thông tư 145/1998/TT-BTC. Đơn giá đền bù đất nông nghiệp dự án là 26.000 đồng/m2đã đảm bảo cơ cấu gồm: Giá đền bù đất nông nghiệp đã có hệ số K cộng thêm một khoản cho trường hợp đặc biệt đất nông nghiệp trong đô thị".
Cũng theo báo cáo của Sở Tài chính, giá đất nông nghiệp trồng cây hằng năm hạng 3 loại A, UBND tỉnh quy định tại Quyết định số 2413/QĐ-UB (ngày 6/12/1994) là 750 đồng/m2. Trên cơ sở tính toán, giá đất đền bù đất nông nghiệp hạng 3 loại A đã bao gồm hệ số K là 13.291 đồng/m2 (K=17,72 lần), hạng 3 loại B là 10.632 đồng/m2 (K=17,72). Để tính có lợi nhất cho người dân, tỉnh đã lựa chọn đất loại A là loại cao nhất của hạng 3 và hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng khoảng 3% chênh lệch giữa giá đền bù cho đất ở với giá đất đền bù đất nông nghiệp bị thu hồi là 12.351 đồng/m2. Như vậy, số tiền đền bù đất nông nghiệp đã tính hệ số K và cộng thêm một khoản tiền tính cho trường hợp đặc biệt là 25.642 đồng/m2.
Để tạo điều kiện cho các hộ nông dân bị thu hồi đất nông nghiệp sớm ổn định đời sống, hỗ trợ cho nông dân bị mất đất nông nghiệp và đẩy nhanh tiến độ GPMB... Vì vậy, UBND tỉnh đã phê duyệt giá đền bù đất nông nghiệp trồng cây hằng năm hạng 3 làm tròn với mức giá 26.000 đồng/m2 (so với giá đất đền bù QL10 tăng 2 lần). Chính sách và đơn giá đền bù GPMB đối với dự án trên được UBND tỉnh phê duyệt đã tính theo hướng có lợi nhất cho người dân tại thời điểm đó.
* Khách quan, đúng thẩm quyền, đúng quy định
Năm 2014, sau hơn 10 năm triển khai dự án, các hộ dân có đơn kiến nghị liên quan tới giá đất bồi thường GPMB. Các cấp chính quyền đã hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của công dân. UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp để rà soát nội dung kiến nghị, khiếu nại của công dân, tổ chức nhiều cuộc đối thoại. Để khách quan, tránh tình trạng “vừa đánh trống, vừa thổi còi”, bên cạnh giao Sở Tài chính làm rõ nội dung kiến nghị, tỉnh còn thành lập tổ rà soát khách quan do Sở TN&MT chủ trì. Vụ việc đã được chính quyền các cấp ban hành quyết định giải quyết khiếu nại 2 lần, trong đó Chủ tịch UBND TP Uông Bí ban hành Quyết định số 602 (ngày 30/01/2015) và Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1414 (ngày 26/5/2015) với nội dung không chấp nhận nội dung khiếu nại. Đến nay, vụ việc đã hết thẩm quyền giải quyết của tỉnh, nhưng theo nguyện vọng của các hộ dân, UBND tỉnh vẫn xem xét tổ chức đối thoại.
Tại buổi đối thoại, luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, khẳng định: Các cấp chính quyền ban hành văn bản thực hiện chính sách đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật.
Luật sư Lê Cao Long, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, cho rằng: "Việc thực hiện chính sách đã được các cấp chính quyền làm đúng thẩm quyền, đúng trình tự pháp luật. Việc xác định đơn giá thu hồi GPMB là thẩm quyền Chủ tịch UBND tỉnh quy định cho từng dự án cụ thể. Với mức giá đền bù 26.000 đồng/m2 là mức cao nhất thời điểm đó, cao hơn rất nhiều giá đền bù đất nông nghiệp do UBND tỉnh công bố năm 1994 (750 đồng/m2). Việc người dân khẳng định đơn giá không có hệ số K, không có khoản hỗ trợ đặc biệt là không đúng. Tuy nhiên, do không có một văn bản nào quy định cụ thể dẫn đến việc không xác định được hệ số K, mức hỗ trợ chính xác. Luật sư Long cũng kiến nghị cơ quan chức năng xem xét tính toán phù hợp, nếu thấy chưa phù hợp so với thời điểm đó, so với dự án khác, người dân có thể đề nghị chính quyền xem xét, tiếp thu, để đảm bảo quyền lợi, tránh đơn thư khiếu kiện kéo dài.
Nêu quan điểm tại buổi đối thoại, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Phạm Hùng Sơn đánh giá: “Qua nghiên cứu, theo dõi, chúng tôi đồng tình với cách tính, áp giá của cơ quan chức năng. Có thể do sơ suất trong quá trình lập không nêu cụ thể, nhưng trong mức giá 26.000 đồng/m2 đã đảm bảo các hệ số theo quy định, và là mức giá cao nhất thời điểm đó”.
Đồng chí Vũ Văn Diện, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã kết luận tại buổi đối thoại: Chấm dứt giải quyết nội dung khiếu nại của các hộ dân đề nghị thêm mức hỗ trợ đối với trường hợp đặc biệt. Tuy nhiên, kiến nghị mới phát sinh trong buổi đối thoại về việc đề nghị hỗ trợ ổn định đời sống cũng được lãnh đạo tỉnh tiếp thu, ghi nhận, chỉ đạo cơ quan chức năng giải quyết. Quá trình giải quyết vụ việc các cấp chính quyền đã hết sức cầu thị, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân.
Theo baoquangninh.com.vn
Tin tức khác
- Phường Bắc Sơn trao Quyết định chuẩn y kết quả bầu Ban chỉ ủy, các chức danh Bí thư, Phó Bí thư chi bộ trực thuộc nhiệm kỳ 2025-2027
- Tiếp nhận 100 triệu đồng ủng hộ “Tết Nhân ái” từ Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh Uông Bí
- Triển khai công tác tuyển chọn, gọi công dân nhập ngũ và thực hiện nghĩa vụ tham gia công an nhân dân năm 2025
- Đại hội Chi bộ Quân sự phường Thanh Sơn, nhiệm kỳ 2025-2027
- Ngăn chặn các dịch bệnh truyền nhiễm xâm nhập vào nội địa
- Công tác mặt trận Quảng Ninh - Một năm nhiều dấu ấn
- Để người lao động đón Tết yên vui, đầm ấm
- Tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm và ngộ độc rượu, bia, đồ uống có cồn trong dịp Tết Nguyên Đán Ất Tỵ và mùa lễ hội xuân 2025
- Uông Bí: Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo nhằm thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế
- Phường Bắc Sơn tổ chức Chương trình "Gói bánh chưng xanh - Ấm tình ngày Tết" năm 2025
- Đồng chí Bí thư Thành uỷ Mai Vũ Tuấn tặng quà Tết người có công trên địa bàn phường Yên Thanh, Thanh Sơn
- Chủ tịch Ủy ban MTTQ thành phố thăm, tặng quà người có công nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025