Đổi mới các sản phẩm OCOP tỉnh
Thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã quan tâm, chú trọng đến thực hiện kiểm soát nghiêm việc đảm bảo quy trình sản xuất nông sản theo hướng hàng hóa tập trung, chú trọng đến việc đổi mới trong sản xuất, chế biến của doanh nghiệp. Qua đó, đã giúp cho các sản phẩm OCOP của tỉnh từng bước phát triển theo hướng bền vững và tạo được lòng tin với người tiêu dùng trong, ngoài tỉnh.
Sản phẩm OCOP Cao lạc tiêm an thần của Công ty TNHH MTV Nam dược Y Võ (TP Uông Bí) được giới thiệu tại chương trình tôn vinh 27 sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của Quảng Ninh (tháng 10/2021).
Ông Lê Bình Phượng, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó Trưởng ban Thường trực điều hành OCOP huyện Đầm Hà, cho biết: Để phát triển các sản phẩm OCOP sẵn có và phát triển thêm các sản phẩm mới, huyện đã tập trung cho công tác tuyên truyền, quảng bá xúc tiến thương mại, xây dựng chủ trương phát triển sản xuất sản phẩm OCOP gắn với thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, huyện tập trung ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến, phân phối sản phẩm OCOP chủ lực và đảm bảo thực hiện tốt các quy trình vệ sinh ATTP trong sản xuất, dán tem điện tử truy xuất nguồn gốc. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX xúc tiến, quảng bá, tiêu thụ sản phẩm để tiếp tục khẳng định thương hiệu sản phẩm OCOP địa phương tới đông đảo người dân trong và ngoài tỉnh. Đến nay, huyện đã phát triển được 29 sản phẩm tham gia Chương trình OCOP, trong đó có 8 sản phẩm đạt 3 sao và 3 sản phẩm đạt 4 sao.
Được biết, hiện nhiều địa phương trong tỉnh đã và đang đẩy mạnh việc hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp sản xuất sản phẩm OCOP như: Uông Bí, Móng Cái, Đầm Hà, Cẩm Phả… Đây được coi là chiến lược quan trọng đóng góp vào giá trị phát triển sản phẩm OCOP của tỉnh. Đơn cử như, để phát triển sản phẩm OCOP địa phương, TP Cẩm Phả đã thực hiện các chính sách ưu tiên nguồn lực để phát triển, hỗ trợ tích cực phát triển doanh nghiệp và thành lập các tổ chức mới. Riêng trong giai đoạn 2017-2020, thành phố đã bố trí nguồn lực để thành lập được 1 HTX OCOP mới; bố trí nguồn vốn lập quy hoạch chi tiết các vùng nguyên liệu, vùng nuôi trồng thủy sản tập trung cho Chương trình OCOP; hỗ trợ các doanh nghiệp ứng dụng KHCN cho sản xuất; mở các lớp học hỗ trợ đào tạo nâng cao kiến thức cho các tổ chức, doanh nghiệp; phối hợp ngành chức năng hỗ trợ kinh phí xây dựng nhãn hiệu, tiêu chuẩn cơ sở cho các đơn vị sản xuất sản phẩm OCOP...
Nhờ đó, tới nay, TP Cẩm Phả đã có 10 tổ chức, cá nhân tham gia chương trình OCOP. Hiện cả 10/10 đơn vị, doanh nghiệp OCOP đều được cấp giấy chứng nhận ATTP, kiểm định chất lượng hàng năm theo quy định. 5/10 cơ sở được cấp giấy chứng nhận quản lý cơ sở đạt tiêu chuẩn ISO và có 1 cơ sở được cấp giấy chứng nhận VietGap. Hiện tại, Cẩm Phả đang có 45 sản phẩm tham gia chương trình OCOP, trong đó có 32 sản phẩm đạt sao cấp tỉnh. Thời gian tới, TP Cẩm Phả tiếp tục quan tâm phát triển các đơn vị, doanh nghiệp OCOP, đồng thời khuyến khích ứng dụng KHCN, đặc biệt là công nghệ 4.0 để nâng tầm sản phẩm.
Một số sản phẩm OCOP của Quảng Ninh được đưa vào tiêu thụ tại siêu thị MM Mega Maket.
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã phát triển được tổng số hơn 500 sản phẩm OCOP, trong đó 238 sản phẩm được phân hạng, cấp sao, gồm 3 sản phẩm 5 sao cấp quốc gia, 67 sản phẩm 4 sao, 162 sản phẩm 3 sao; có 31 điểm, cửa hàng giới thiệu và bán sản phẩm OCOP.
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo Chương trình OCOP tỉnh, trong thời gian tới, để sản phẩm OCOP của tỉnh tiếp tục được phát triển theo chiều sâu, nâng tầm, nâng chất trên thị trường, Ban sẽ chỉ đạo Ban Xây dựng OCOP cấp dưới, các sở, ngành, địa phương, tập trung tăng cường tuyên truyền phát triển sản phẩm mới theo chu trình OCOP giai đoạn 2021-2025. Trong đó, sẽ tập trung khảo sát phát triển sản phẩm OCOP thuộc nhóm lưu niệm - nội thất - trang trí, nhóm dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch, nhóm vải may mặc và thời trang nhằm phát huy tối đa tiềm năng lợi thế từ các sản phẩm truyền thống văn hóa địa phương.
Cùng với đó, Ban cũng sẽ tăng cường chỉ đạo việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào công tác quản lý, trên cơ sở phát huy có hiệu quả phần mềm quản lý Chương trình OCOP, phần mềm chấm điểm sản phẩm OCOP, Website OCOP, Kênh truyền thông YouTube OCOP Quảng Ninh. Đẩy mạnh việc hoàn thiện và nâng cấp sản phẩm đã có thông qua các hoạt động tư vấn, tập huấn, đào tạo, học tập kinh nghiệm, tư vấn chuyển giao công nghệ trong chế biến sản phẩm OCOP. Đồng thời, Ban cũng sẽ chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tập trung xây dựng các dự án liên kết chuỗi đối với các sản phẩm OCOP chủ lực có lợi thế, đảm bảo gia tăng cao về giá trị kinh tế, phát triển thương hiệu, từ đó hướng tới hoàn thành mục tiêu đưa sản phẩm OCOP Quảng Ninh tiếp tục vươn xa hơn tới các thị trường trong và ngoài nước.
Tin tức khác
- Khắc ghi hình bóng của Người
- Họp Tiểu ban Văn kiện Đại hội Đại biểu Đảng bộ thành phố Uông Bí lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2025-2030
- Cảnh giác tội phạm sử dụng công nghệ cao cắt ghép hình ảnh nhạy cảm, gửi tin nhắn tống tiền
- Trợ cấp khi nghỉ hưu tăng gấp 4 lần từ 1/7/2025
- Phạt đến 100 triệu, tịch thu phương tiện đua xe trái phép
- Đại hội Chi bộ khu phố 11, phường Quang Trung, nhiệm kỳ 2025-2027
- Chi tiết việc trừ điểm/khôi phục điểm giấy phép lái xe
- Cơ quan Thuế cảnh báo về thông tin truy thu thuế 10% trên các giao dịch chuyển khoản mua - bán
- Quyết tâm, đồng lòng trong sắp xếp, tinh gọn bộ máy
- Triển khai các biện pháp ứng phó rét hại trên địa bàn thành phố Uông Bí
- Lịch công tác của Thường trực và các Ban HĐND thành phố Tháng 01 năm 2025
- Chương trình công tác năm 2025 của Thường trực HĐND thành phố