Di sản văn hoá thành phố Uông Bí – tiềm năng và thế mạnh

Thành phố Uông Bí nằm ở phía Tây của tỉnh, trong tam giác động lực phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Với lợi thế về vị trí địa lý, thuận lợi về giao thông đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, lại tiếp giáp với các đô thị lớn, Uông Bí không những là trọng điểm giao lưu kinh tế, xã hội mà còn là thành phố du lịch quan trọng của tỉnh Quảng Ninh.

Chùa Đồng, Yên Tử.

Đường Tùng Yên Tử.

Trung tâm văn hoá Trúc lâm Yên Tử.

Là địa phương có nguồn tài nguyên văn hóa vật thể và phi vật thể nhiều tiềm năng như hệ thống các Di tích Quốc gia và Quốc gia đặc biệt, Di tích cấp tỉnh cùng những lễ hội truyền thống mang đặc trưng tín ngưỡng vùng miền, Uông Bí cũng được biết đến là một trung tâm du lịch văn hóa tâm linh của tỉnh. Hệ thống các di sản văn hoá vật thể và phi vật thể ở Uông Bí đã hình thành nên những nét văn hóa đặc trưng, riêng có; là vùng đất có truyền thống văn hóa lâu đời, gắn liền với văn hóa Phật giáo Trúc Lâm, chiến thắng Bạch Đằng năm 938, hay những câu chuyện về doanh nhân đầu tiên của nước Việt - cụ Bạch Thái Bưởi... Uông Bí có Khu di tích và danh thắng Quốc gia đặc biệt Yên Tử, kinh đô phật giáo Trúc Lâm Việt Nam và nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc khác; có khu du lịch cấp tỉnh Hồ Yên Trung, danh thắng thác Lựng Xanh được thiên nhiên ban tặng với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, hấp dẫn du khách; có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng. Nhân dân Uông Bí có truyền thống đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân vùng mỏ với di sản tinh thần vô giá “Kỷ luật và đồng tâm”. Con người nơi đây luôn có tình cảm bao dung, nghĩa tình, cần cù, sáng tạo.

Về di sản văn hoá vật thể, trên địa bàn thành phố Uông Bí hiện có 31 di tích nằm trong danh mục của tỉnh, trong đó có 2 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 7 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 22 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Các di tích này đều gắn với những lễ hội độc đáo, mang đậm bản sắc văn hóa của cư dân bản địa nơi đây.

 

Lễ hội Đình Lạc Thanh. Ảnh: Bạch Ngọc Tư

Về di sản văn hoá phi vật thể, hiện trên địa bàn Thành phố có 32 di sản văn hóa phi vật thể trong đó có 6 loại hình gồm: 08 di sản Tập quán xã hội; 06 di sản Nghệ thuật trình diễn dân gian; 05 di sản Lễ hội truyền thống; 05 di sản Ngữ văn dân gian; 07 di sản Tri thức dân gian và 01 di sản Tiếng nói, chữ viết.

Hàng năm, trên địa bàn thành phố Uông Bí diễn ra 7 lễ hội. Trong đó, có các lễ hội mang màu sắc của Phật giáo như Hội xuân Yên Tử, Hội chùa Ba Vàng hoà cùng với các lễ hội mang tín ngưỡng dân gian đầu xuân như lễ hội đình Lạc Thanh, lễ hội đền Hang Son, lễ hội đình Đền Công. Mỗi lễ hội đều mang những đặc trưng riêng, trở thành tiềm năng lớn phát triển các sản phẩm và loại hình du lịch văn hoá lịch sử, du lịch văn hoá tâm linh mà ít địa phương nào có được.

Xác định di sản văn hóa là tài sản quý giá, là cầu nối giữa sinh hoạt văn hóa với cộng đồng dân cư, là cốt lõi của bản sắc văn hóa dân tộc vùng miền, những năm qua, thành phố đã tập trung đầu tư cho việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa của địa phương; kết hợp hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hoá hướng tới phát triển kinh tế du lịch. Công tác quản lý, bảo vệ, trùng tu, tôn tạo phát huy giá trị các di tích được thực hiện đúng theo Luật di sản văn hóa. Nhiều di tích được khôi phục, trùng tu tôn tạo.

Hàng năm, UBND thành phố đã phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh trong việc lập hồ sơ khoa học, đề nghị UBND tỉnh công nhận xếp hạng di tích cấp tỉnh, di tích kiểm kê; huy động nguồn lực của toàn xã hội để bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, khích lệ sáng tạo các giá trị văn hóa mới, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại, làm giàu văn hóa dân tộc; xây dựng cơ chế để giải quyết hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy các di tích lịch sử, di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội.

Nếu như năm 2015, trên địa bàn thành phố có 28 di tích gồm 02 di tích xếp hạng cấp quốc gia đặc biệt, 03 di tích xếp hạng cấp tỉnh, 23 di tích đã kiểm kê, phân loại, thì đến nay, thành phố đã bổ sung, nâng cấp lập hồ sơ trình các cấp có thẩm quyền xếp hạng 04 di tích cấp tỉnh. Năm 2017, di tích lịch sử lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí được UBND tỉnh công nhận là di tích cấp tỉnh; năm 2018 UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với cụm di tích đình - nghè Bí Giàng phường Yên Thanh; năm 2021 UBND tỉnh công nhận di tích cấp tỉnh đối với di tích lịch sử đình, miếu Năm Mẫu, xã Thượng Yên Công; năm 2024, UBND tỉnh công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đối với hang núi Hổ, hang Xếp Bằng. Cùng với đó, năm 2019, UBND tỉnh công nhận danh thắng Hồ Yên Trung là khu du lịch cấp tỉnh; ngày 31/12/2020 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2283/QĐ-TTg về việc công nhận pho tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông là bảo vật quốc gia…

Lễ cấp sắc người Dao tại xã Thượng Yên Công.

Công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc được quan tâm. Năm 2015, BCH Đảng bộ Thành phố ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 28/8/2015 “V/v xây dựng Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử xứng tầm là Trung tâm Phật giáo - Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam”. Việc bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa được cấp uỷ, chính quyền các cấp triển khai. Thành phố đã và đang nghiên cứu phối hợp với tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hải Dương hoàn thiện việc lập hồ sơ khoa học đối với di sản văn hoá tiêu biểu quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử gửi trình UNESCO công nhận trở thành Di sản thế giới liên tỉnh ở Việt Nam.

Công tác bảo tồn văn hóa phi vật thể cũng được thành phố quan tâm. Hiện, thành phố đã và đang khôi phục và phát triển các loại hình văn hóa, văn nghệ truyền thống đặc trưng, văn hóa các dân tộc thiểu số; văn hóa phục vụ giáo dục truyền thống cũng như công tác giáo dục lịch sử; xây dựng mô hình thôn trở thành “bảo tàng sống” nhằm bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc, gắn với phát triển du lịch…

Đền - chùa Hang Son, phường Phương Nam.

Đình Đền Công, phường Trưng Vương.

Trong 10 năm qua từ khi triển khai Nghị quyết số 33/NQ-TW, ngày 09/6/2014 đến nay, trên địa bàn thành phố đã có nhiều công trình, hạng mục được đầu tư tôn tạo bằng nguồn xã hội hóa với số tiền lên đến hàng nghìn tỷ đồng, nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích trên địa bàn. Nhiều dự án trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử được đầu tư tôn tạo như chùa Một Mái, dự án trùng tu tôn tạo am thất, mắt rồng tại khu vực Tháp Tổ - chùa Hoa Yên; dự án khu nội viện chùa Hoa Yên; dự án mở rộng bến xe quay đầu dốc Hạ Kiệu và dự án nâng cấp 02 tuyến cáp treo của Công ty CPPT Tùng Lâm. Các dự án như hệ thống bảng biển chỉ dẫn trong khu di tích, Dự án khu vực Trung tâm lễ hội… đã góp phần nâng cao vị thế của khu di tích quốc gia đặc biệt Yên Tử; bên cạnh đó, còn có các dự án trùng tu, tôn tạo di tích cấp tỉnh chùa Ba Vàng, đình - nghè Bí Giàng phường Phương Đông; khu lưu niệm sự kiện Bác Hồ về thăm Uông Bí; đền Mắt Rồng... Cùng với đó, các di tích như chùa Bí Trung, phường Phương Đông; chùa Long Khánh, phường Trưng Vương; chùa Hồ, phường Bắc Sơn; chùa Lạc Thanh, phường Yên Thanh cũng đã và đang được thành phố hướng dẫn lập dự án tu bổ, phục hồi di tích theo quy định.

Đình Nam Mẫu, xã Thượng Yên Công.

Cùng với bảo tồn di sản văn hoá vật thể, thành phố Uông Bí cũng luôn chú trọng bảo tồn các di sản văn hoá phi vật thể thông qua việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch quản lý nhà nước về lễ hội; phục dựng, tổ chức các lễ hội truyền thống, bảo tồn lễ hội đồng bào các dân tộc, các trò chơi dân gian, các hoạt động văn hóa văn nghệ trong lễ hội. Các lễ hội văn hoá, lịch sử truyền thống được thành phố và các xã, phường huy động các nguồn lực tổ chức hiệu quả. Lễ hội đình, nghè Bí Giàng, phường Yên Thanh đã bị gián đoạn cách đây gần 60 năm đã được phục dựng, nhằm bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa mang đặc trưng riêng biệt của vùng đất cổ Bí Giàng xưa, thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, ước vọng của nhân dân về cuộc sống thanh bình. Các lễ hội, các làn điệu dân gian, các trò chơi dân gian, các môn thể thao truyền thống... cũng được phục dựng, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, văn hóa Uông Bí. 

Với những nguồn lực đầy tiềm năng do lịch sử và thiên nhiên ban tặng, di sản văn hóa trên địa bàn thành phố Uông Bí không những góp phần quảng bá hình ảnh, vùng đất và con người Uông Bí nói riêng, tỉnh Quảng Ninh nói chung mà còn là thế mạnh, là nguồn lực nội sinh quan trọng, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 724 Tổng lượt truy cập 94728194