Di chứng da cam, nỗi ám ảnh không được báo trước

Trở về sau chiến tranh, nhiều cựu binh may mắn lành lặn hay những cựu binh còn để lại một phần cơ thể ở chiến trường khói lửa phải đối mặt với một nỗi đau dai dẳng, ám ảnh, sang cả cuộc đời con họ, cháu họ… Đó chính là nỗi đau da cam.

Những khu rừng dọc Trường sơn bị chất độc hóa học của Mỹ làm trơ trụi. Ảnh: Internet.

Chất độc da cam/dioxin, thứ chất độc quái ác ấy đã âm thầm ngấm vào cơ thể của họ như thế nào, bằng cách nào, gây hậu quả như thế nào… Hầu như họ không được biết trước, báo trước… Chỉ đến khi về lại cuộc sống đời thường, xây dựng gia đình, rồi những đứa trẻ sinh ra với đủ loại dị tật, dị dạng thì họ mới thực sự biết được nỗi ám ảnh da cam khủng khiếp như thế nào.

Nhân Ngày Vì nạn nhân chất độc da cam 10-8, chúng ta hãy cùng nghe kể về kí ức da cam của các cựu chiến binh…

Cựu chiến binh Hoàng Xuân Quyến, hiện là Chủ tịch Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin thành phố Uông Bí, nhớ lại: Năm 1971, khi ấy ông 23 tuổi, là anh lính trẻ của đơn vị tên lửa phòng không. Ông được phân công nhiệm vụ cùng nhóm 20 chiến sỹ đi tiền trạm trận địa trong một cánh rừng tại Đường 9, Trường Sơn. Khi nghỉ ngơi ăn lương khô, ông cùng một đồng đội phát hiện có nhiều thùng phuy nằm bên bìa rừng. Lúc đó chưa có một khái niệm gì về chất độc hóa học, nên 2 anh em bèn lấy dao, cạy nắp thùng ra để xem bên trong chứa gì. Mặc dù là thùng không nhưng ông thấy từ trong thùng phả ra làn hơi mỏng khiến cay xè mắt, mũi.

Rồi sáng hôm sau, thấy lá rụng, rơi đầy mặt đất quanh khu vực đóng quân, ông hỏi những người đi trước, mới biết rằng Mỹ rải chất độc hóa học khiến lá rụng nhiều như thế… Sau này đơn vị cũng được phổ biến kinh nghiệm khi bị rải chất độc hóa học thì phải dùng khăn thấm nước phủ lên mặt, mắt, mũi để tránh hít phải khí độc…

Máy bay Mỹ đang rải chất độc diệt lá xuống Việt Nam trong Chiến dịch Ranch Hand. Ảnh: Mindfully.org

Thực ra thời điểm đó, những người lính như ông không hề có một khái niệm gì về hậu quả khủng khiếp của chất độc hóa học nên thấy việc sống, chiến đấu trong vùng nhiễm độc là hết sức bình thường. Chỉ biết rằng mục đích của Mỹ khi reo rắc thứ hóa chất chết người này là để hủy diệt cây cối, các cánh rừng, khiến cho bộ đội ta không còn nơi trú quân, ngụy trang xe, vũ khí, để chúng dễ dàng oanh tạc… Đơn vị của ông trong nhiều tháng trời đã đóng quân, sống, chiến đấu trong những cách rừng như thế, đã sống, hít thở không khí, ăn uống những dòng nước bị nhiễm chất độc da cam như thế…

Còn ông Vũ Quang Phóng, nguyên chiến sỹ thông tin thuộc D2, E1, Sư đoàn 2 anh hùng, hoàn cảnh tiếp xúc với chất độc da cam cũng hết sức tình cờ. Năm 1974, đơn vị ông thực hiện nhiệm vụ trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng. Ông - anh lính trẻ mới vào quân ngũ, chưa có nhiều kinh nghiệm chiến trường, thực hiện nhiệm vụ rải đường dây thông tin luồn qua các cánh rừng. Trên đường rải dây ông cùng đồng đội thường thấy xuất hiện những chiếc bao màu trắng. Có đồng đội tò mò đã cắt ra để xem… Chiến trường ác liệt, tập trung chiến đấu, không ai nghĩ phải thu gọn, xử lý những vật như vậy. Rồi mưa nắng khiến bao chứa chất độc bị ải, khuếch tán trong không khí… Bộ đội hít phải. Sau 1, 2 trận đánh mới được thông tin rằng đó là chất độc hóa học, phải tránh xa…

Thứ chất độc chết người không hề được biết trước, được cảnh báo. Càng không biết thứ chất độc ấy sau này đã hủy hoại sức khỏe, cuộc đời của những cựu binh và  thế hệ con, cháu họ khủng khiếp như thế nào…

Cựu chiến binh Nguyễn Văn Bạn, 66 tuổi, trú tại khu 6, phường Quang Trung,  thực sự biết và nhận thức rõ về thứ chất độc quái ác chỉ khi người con trai thứ 2 sinh ra với chứng bại não, động kinh.

Từ cuối năm 1971 đến đầu năm 1975, ông tham gia chiếu đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ. Ông cùng đồng đội đã từng tham gia nhiều chiến dịch. Tại những địa bàn đơn vị ông hoạt động đều hứng chịu bom pháo, chất độc hóa học của Mỹ rải xuống. Song bản thân ông và đồng đội ngày ấy đều không biết mình bị nhiễm chất độc da cam từ khi nào và trong hoàn cảnh nào. Chỉ sau này khi trở về với cuộc sống đời thường, sinh con ra bị khuyết tật, rồi ông đi giám định theo chế độ của nhà nước mới biết chất độc da cam đã âm thầm lây nhiễm sang con. Kí ức về chất độc da cam là những đợt ông hành quân qua vùng cây cối trụi lá, chỉ trơ lại thân. Những đêm khát nước, ông gặp hố bom nào có nước là vốc tay uống đại cho qua cơn khát... Hơn 4 năm ông đã sống, chiến đấu ở những vùng mà nguồn nước, không khí, môi trường… đều bị nhiễm chất độc hóa học như thế…

Rừng đước Cà Mau trơ trụi sau khi Mỹ rải chất độc da cam/dioxin. Ảnh: Internet

Cuộc chiến tranh chất da cam/dioxin do Mỹ thực hiện ở Việt Nam là cuộc chiến tranh hóa học lớn nhất trong lịch sử nhân loại. Theo các tài liệu khác nhau, với các chiến dịch Ranch Hand và Pacer Ivy, quân đội Mỹ đã rải xuống miền Nam Việt Nam khoảng 80 triệu lít chất diệt cỏ, trong đó chủ yếu là chất da cam có chứa dioxin. Do gió, mưa, lũ nên diện tích đất, rừng bị ảnh hưởng bởi chất da cam/dioxin rộng hơn diện tích bị rải.

Các nhà khoa học Việt Nam đã nghiên cứu và phát  hiện những biến đổi sinh học ở những người phơi nhiễm chất da cam/dioxin, đặc biệt là những biểu hiện suy giảm miễn dịch, biến đổi nhiễm sắc thể, gene, trong đó có những gene gây ung thư.

Bộ Y Tế Việt Nam đã công bố 17 loại bệnh là hậu quả của tác nhân da cam, gồm: Ung thư phần mềm; U lympho không Hodgkin; Ung thư Hodgkin; Ung thư phế quản-phổi; Ung thư khí quản; Ung thư thanh quản; Ung thư tiền liệt tuyến; Ung thư gan nguyên phát; Bệnh đau xương tủy ác tính; Bệnh thần kinh ngoại biên cấp tính và bán cấp tính; Tật gai sống chẻ đôi; Bệnh trứng cá do clo; Bệnh đái tháo đường týp 2 ; Bệnh Porphyrin xuất hiện chậm; Các bất thường sinh sản; Các dị dạng, dị tật bẩm sinh (đối với con của những người bị nhiễm chất độc hóa học/ dioxin); Rối loạn tâm thần. 

 Việt Nam có khoảng 4,8 triệu người bị phơi nhiễm, trong đó có 1,3 triệu người là nạn nhân của chất độc da cam/dioxin. Ở thành phố Uông Bí, theo thống kê, hiện có hơn 300 nạn nhân chất độc da cam trực tiếp và gần 100 người là con đẻ của họ đã được hưởng chế độ trợ cấp thường xuyên của nhà nước. Tuy nhiên, vẫn còn gần 600 người đã lập hồ sơ nhưng chưa đủ điều kiện để xét hưởng chế độ bị nhiễm chất độc da cam với nhiều lý do khác nhau.

P.V

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26284 Tổng lượt truy cập 91112488