Để nâng cao giá trị quả vải chín sớm Phương Nam

Vải chín sớm Phương Nam (TP Uông Bí) là thương hiệu nông sản đặc biệt của Quảng Ninh với điểm nổi bật là chín sớm hơn các vùng vải khác từ 15-40 ngày. Bởi vậy, nói không quá là vải chín sớm Phương Nam một mình một chợ. Tuy nhiên, có một nghịch lý là quả vải chín sớm Phương Nam vẫn chưa thực sự có nguồn tiêu thụ ổn định, đảm bảo về đầu ra, giá cả, dẫn tới giá trị quả vải đạt được chưa thực sự tương xứng.

Bằng rất nhiều nỗ lực, những năm gần đây, diện tích vải chín sớm Phương Nam được đầu tư tăng mạnh. Tính trong khoảng 10 năm trở lại đây, vùng vải chín sớm Phương Nam tăng thêm trên 150ha diện tích trồng và tăng gấp hơn 5 lần về sản lượng. Cụ thể từ 180ha, sản lượng đạt 250 tấn vào năm 2007 tăng lên 315ha, 1.500 tấn vào năm 2016. Và năm 2017 này diện tích vải chín sớm Phương Nam đã tăng thêm 37ha, đạt 352ha, sản lượng dự đoán được mùa hơn năm ngoái, ước đạt trên 2.000 tấn quả. Đặc biệt, chất lượng quả vải đã nâng lên do được trồng trên đồng đất chua mặn, bên cạnh đó, chính quyền và người dân thực hiện rất nghiêm túc, chặt chẽ các tiêu chí của nhãn hiệu tập thể vải chín sớm Phương Nam do Cục Sở hữu trí tuệ đã cấp bằng bảo hộ độc quyền năm 2013. Người dân cũng chú trọng nâng cao trình độ canh tác, tăng cường áp dụng khoa học kỹ thuật phù hợp, canh tác vải an toàn, triển khai các mô hình trồng vải VietGAP. Giai đoạn 2017-2020, Uông Bí triển khai 100% diện tích trồng vải chín sớm Phương Nam theo quy trình VietGAP, trong đó năm 2017 này đang thực hiện trên diện tích 100ha. Chính bởi vậy, quả vải chín sớm Phương Nam rất thơm ngon, hàm lượng dinh dưỡng cao, vỏ mỏng, gai thưa và ngắn, có vị thơm ngọt, đặc biệt trái to, sắc đỏ tươi, trông rất bắt mắt.

Điều đáng nói trong khi diện tích, sản lượng, chất lượng quả vải chín sớm Phương Nam phát triển mạnh mẽ và đạt tiêu chuẩn cao, thì giá trị thu được của nông sản này dường như chưa tăng trưởng rõ rệt.

Vụ vải chín sớm Phương Nam năm 2017 dự đoán đạt sản lượng cao, khoảng 2.000 tấn.

Tại sao với nhiều ưu thế như vậy, nhưng quả vải Phương Nam vẫn không thu được lợi nhuận cao như mong muốn. Có nhiều lý giải cho việc này, như: Người dân phụ thuộc vào thương lái, còn tư duy bán chạy, bán đuổi giá và mất chi phí cho các khâu trung gian, môi giới bán sản phẩm lớn. Không ít người dân cũng chưa thực sự chủ động và chú trọng việc dán tem, mác sản phẩm, chưa thể hiện sự coi trọng, nâng cao giá trị sản phẩm của mình. Chưa kể là hệ thống hạ tầng kỹ thuật chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất, đặc biệt là hệ thống đường giao thông, kho bảo quản lạnh, dẫn đến ảnh hưởng tới chất lượng và giá trị sản phẩm...

Bên cạnh đó, việc xúc tiến thương mại, quảng bá hình ảnh cho thương hiệu quả vải chín sớm Phương Nam còn chưa bài bản, mặc dù phường Phương Nam và TP Uông Bí cũng đã có một số động thái xúc tiến thương mại cho quả vải chín sớm. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng chỉ riêng nỗ lực của Phương Nam, Uông Bí là chưa đủ, việc xúc tiến thương mại cho quả vải chín sớm Phương Nam, cũng như những nông đặc sản quan trọng khác của tỉnh cần một “bàn tay” chuyên nghiệp hơn, triển khai quy mô, bài bản, sâu rộng hơn. Qua đó mới thực sự tiếp cận được nhà đầu tư có khả năng thu mua tập trung, ổn định, lâu dài, đưa quả vải với rất nhiều ưu thế này vượt ra khỏi tầm thương lái nhỏ lẻ, các chợ truyền thống, để tiến tới các siêu thị, trung tâm thương mại trong nước và quốc tế. Đây mới là lời giải thoả đáng cho bài toán khó của quả vải chín sớm Phương Nam hiện nay.

Theo Việt Hoa/BQN

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 10727 Tổng lượt truy cập 94747185