Đảm bảo tái đàn lợn hiệu quả, an toàn

Những ngày qua, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu quay trở lại sau 5 tháng được khống chế. Ngành chăn nuôi của tỉnh đang nỗ lực trong công tác phòng chống dịch, cũng như đảm bảo việc tái đàn an toàn.

Cán bộ chăn nuôi thú y hướng dẫn anh Nguyễn Văn Diễn, chủ trang trại chăn nuôi lợn sạch Gfood (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên) kê khai số lượng, tình trạng vật nuôi.

Tiêu chí chăn nuôi an toàn là nhiệm vụ hàng đầu được các cơ sở chăn nuôi thực hiện, với các quy định nghiêm ngặt. Như ở trang trại chăn nuôi lợn sạch Gfood của anh Nguyễn Văn Diễn (phường Phong Cốc, TX Quảng Yên), công nhân ra vào khu chăn nuôi phải mặc đồ bảo hộ, trang phục và ủng phải sát khuẩn, xung quanh chuồng trại được rải vôi bột để khử trùng. Anh Diễn chia sẻ: Kể từ khi dịch tả lợn châu Phi cơ bản được kiểm soát, gia đình anh đã thực hiện tái đàn. Lợn nái đều do cơ sở sản xuất nên gia đình có thể kiểm soát chất lượng con giống; đồng thời chủ động việc tiêm vắc-xin, cung cấp nguồn thức ăn sinh học có thảo dược để tăng sức đề kháng cho lợn. Gia đình cũng đã thực hiện thông báo, kê khai số lượng, tình trạng vật nuôi đến cơ quan thú y theo đúng quy định.

Sau 5 tháng cơ bản được khống chế, dịch tả lợn châu Phi quay lại ở 62 hộ thuộc 7/13 địa phương trong tỉnh, là nỗi lo không chỉ của người chăn nuôi. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh trở lại là do nhiều hộ khi tái đàn chưa khai báo với chính quyền địa phương về nguồn gốc con giống, công tác giám sát tại cơ sở còn lơ là. Trong số 62 hộ phát sinh dịch tả lợn châu Phi, đa phần là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Các hộ tận dụng cơ sở vật chất chuồng trại, dụng cụ cũ, không đảm bảo các điều kiện chăn nuôi an toàn về dịch bệnh.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi bùng phát, các địa phương có dịch đã lập tức khoanh vùng xử lý ổ dịch, đồng thời vẫn thực hiện tái đàn nhưng đặt tiêu chí an toàn lên hàng đầu. Trong đó, tập trung khuyến cáo người dân nghiêm túc thực hiện mua giống đảm bảo và được kiểm dịch, không mua giống trôi nổi trên thị trường; chủ động các biện pháp an toàn chuồng trại, điều kiện vệ sinh phòng dịch; kê khai tái đàn theo quy định của Nhà nước.

Các địa phương cũng tăng cường khảo sát các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn để xác định những địa điểm, khu vực không được phép chăn nuôi theo Luật Chăn nuôi. Như ở huyện Đầm Hà, lãnh đạo huyện yêu cầu các xã, thị trấn phối hợp với các phòng, cơ quan liên quan, tập trung rà soát, lập danh sách các cơ sở chăn nuôi cần di dời theo quy định; tham mưu, đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ trình HĐND tỉnh; hoàn thiện công tác lập quy hoạch, xây dựng hạ tầng kỹ thuật khu chăn nuôi tập trung để di dời các hộ chăn nuôi nằm trong khu vực đông dân cư. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền về Luật Chăn nuôi; vận động các hộ chăn nuôi trong khu vực đông dân cư đồng thuận với việc di dời để đảm bảo vệ sinh môi trường và phát triển chăn nuôi tập trung.

Để tạo động lực thúc đẩy cho các hộ phát triển đàn nuôi, một số địa phương đã khuyến cáo người chăn nuôi, các trang trại tiếp tục khôi phục và phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng đa con; tránh thiệt hại rủi ro gây ra. Theo ông Đỗ Hồng Hưng, Phó trưởng Phòng Kinh tế TX Quảng Yên, bên cạnh thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn, địa phương khuyến khích người dân phát triển chăn nuôi theo hướng đa con, định hướng chuyển đổi sang các loại gia súc, gia cầm, thủy sản phù hợp với thực tế, phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp; hỗ trợ người chăn nuôi ở một số dự án; quy hoạch các vùng nuôi gia cầm tập trung có thế mạnh…

Lãnh đạo huyện Đầm Hà kiểm tra công tác chăn nuôi, phòng chống dịch tại hộ ông Bùi Văn Ca (phố Chu Văn An, thị trấn Đầm Hà). Ảnh: Thanh Nga (CTV)

Theo số liệu thống kê, hiện có 5.508 hộ thực hiện tái đàn lợn, chiếm khoảng 35% số hộ có lợn chết bởi dịch tả lợn châu Phi. Việc tăng đàn chủ yếu ở các hộ, gia trại, trang trại chủ động được nguồn giống với số lượng 93.795 con, tăng 55% so với tháng 12/2019. Đến hết tháng 5/2020, tổng đàn lợn của cả tỉnh là 265.200 con, trong đó lợn nái 24.000 con, đực giống 535 con, lợn thịt 240.665 con.

Theo ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y (Sở NN&PTNT), chủ trương của tỉnh là không tái đàn một cách ồ ạt, vì vậy các địa phương chỉ tái đàn ở những hộ chăn nuôi đảm bảo các điều kiện an toàn phòng dịch. Chi cục kiên quyết không thực hiện hỗ trợ thiệt hại do thiên tai, dịch bệnh đối với cơ sở chăn nuôi không đăng ký, kê khai chăn nuôi và tái đàn khi chưa được UBND cấp xã cho phép. Các địa phương tăng cường kiểm tra, kiểm soát vận chuyển gia súc, gia cầm; quản lý giết mổ, tiêu thụ sản phẩm từ lợn và xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ, vứt xác lợn bệnh, nghi mắc bệnh ra môi trường, gây lây lan dịch bệnh. Sở NN&PTNT đang xây dựng dự án khôi phục, bảo tồn giống lợn Móng Cái để nhanh chóng tháo gỡ khó khăn về nguồn giống cho các hộ nuôi, đảm bảo sử dụng nguồn giống chất lượng, có xuất xứ rõ ràng. Từ đó, hạn chế tối đa nguy cơ dịch bệnh, hướng tới việc tái đàn an toàn, ổn định nguồn thực phẩm cung ứng trong tỉnh.

Theo Hoàng Quỳnh/baoquangninh.com.vn

http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/202007/dam-bao-tai-dan-lon-hieu-qua-an-toan-2489942/

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 44104 Tổng lượt truy cập 92114526