Đảm bảo an toàn mùa lễ hội Yên Tử

Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến Hội Xuân Yên Tử - một trong những lễ hội lớn nhất của cả nước. Để đảm bảo an toàn, mang đến một mùa lễ hội trọn vẹn, cấp ủy, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã và đang tích cực triển khai các phương án phòng cháy, chữa cháy (PCCC) đồng bộ, hiệu quả.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Văn Dược, Phó Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, cho biết: Trung bình, Hội Xuân Yên Tử hằng năm thu hút hơn 1 triệu lượt khách tham quan, chiêm bái, mang theo khá nhiều vàng mã, hương, nến. Theo đó, khu vực Bến xe Hạ Kiệu trong mùa lễ hội thường chứa khoảng 2.500 ô tô và 10.000 xe máy, tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao. Thêm nữa, các di tích nằm trong rừng quốc gia với diện tích gần 3.000ha, địa thế khá phức tạp, nằm trên núi cao, các nguồn nước tại chỗ rất khan hiếm, phương tiện đưa nước lên cũng rất khó khăn, nên khi đã xảy ra cháy thì hậu quả rất khó lường. Do đó, công tác phòng, chống cháy nổ là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà cấp ủy, chính quyền địa phương cùng các lực lượng chức năng luôn đặt lên hàng đầu.

Lực lượng Thường trực PCCC của Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử kiểm tra các bình cứu hỏa đặt tại chùa Giải Oan.

Theo đó, ngay từ trước mùa lễ hội, Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, Cảnh sát PCCC&CNCH tỉnh lên phương án, xây dựng kế hoạch PCCC. Đơn vị đã kiện toàn Ban Chỉ huy PCCC gồm 10 người và thành lập 5 tổ gồm 64 người thường trực PCCC. Đồng thời, phối hợp với Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, Ban trị sự nhà chùa kiểm tra, rà soát hệ thống phòng, chống cháy tại bến xe, nhà ga, trung tâm lễ hội và các chùa. Đặc biệt, tại các chùa chính, Ban Quản lý đã bố trí từ 3-4 cán bộ, nhân viên thường trực để chủ động quản lý các nguồn nhiệt, nguồn lửa và nhắc nhở du khách chấp hành nghiêm công tác PCCC. Trường hợp nào vi phạm nội quy PCCC, kiên quyết xử lý nghiêm.

Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền Luật PCCC, các văn bản, quy định về công tác này nhằm nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC và cứu nạn, cứu hộ cho nhân dân, du khách thông qua hệ thống loa phát thanh. Ban Quản lý cũng đã có văn bản đề nghị nhà chùa đầu tư, bổ sung các trang thiết bị PCCC cần thiết, đảm bảo yêu cầu. Tại các điểm chùa đều có nội quy, quy định rõ ràng về nơi thắp hương lễ; bố trí lầu hóa sớ, bể nước, bình cứu hỏa. Ban Quản lý còn tổ chức ký cam kết về bảo vệ rừng và phòng, chống cháy rừng ở các thôn và các đơn vị hoạt động kinh doanh ở khu Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử. Đồng thời, đẩy mạnh hoàn thiện, xây dựng các đường băng cản lửa; kiểm tra, rà soát lại các trang thiết bị, dụng cụ chữa cháy để phục vụ cho công tác chữa cháy rừng kịp thời…

Cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Di tích và Rừng quốc gia Yên Tử, kiểm tra, bảo dưỡng các trang thiết bị PCCC.

Được biết, trước Hội Xuân Yên Tử, Cảnh sát PCCC tỉnh đã xây dựng kế hoạch kiểm tra công tác đảm bảo an toàn PCCC tại những nơi diễn ra hoạt động lễ hội. Trong đó, tập trung kiểm tra hệ thống điện, việc bố trí tài sản, hàng hoá, phương tiện, lối thoát hiểm, sử dụng nguồn nhiệt, lửa tại các nơi thắp hương, hoá vàng mã; công tác an toàn PCCC các công trình liền kề rừng và các bãi đỗ xe; tình trạng, khả năng hoạt động của phương tiện PCCC tại chỗ… Đồng thời, tiến hành các phương án diễn tập và bổ sung thiết bị chữa cháy tại chỗ, bao gồm cả xe chữa cháy di động được huy động thường trực cố định tại khu vực diễn ra lễ hội. Ngoài ra, Ban CHQS TP Uông Bí cũng chủ động xây dựng kế hoạch hiệp đồng giữa các đơn vị Dân quân tự vệ trên địa bàn; huy động lực lượng, phương tiện của đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn tham gia công tác phòng, chống cháy rừng và bảo vệ rừng.

Theo baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13271 Tổng lượt truy cập 94992159