Cơ hội cho các sản phẩm OCOP dược liệu

Phát triển các sản phẩm OCOP từ dược liệu đang là hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cho nhiều địa phương, đơn vị của Quảng Ninh.

Quy trình kiểm tra, đóng gói sản phẩm tại Công ty TNHH Nam dược Y Võ.

Công ty TNHH Nam dược Y Võ (TP Uông Bí) là cơ sở chuyên sản xuất các sản phẩm được chế biến từ dược liệu, đã được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) và Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp chứng nhận vào cuối năm 2014. Đến nay, nhiều sản phẩm của công ty đã được người tiêu dùng tin tưởng sử dụng.

Ông Nguyễn Văn Mạnh, Giám đốc Công ty cho biết: Cùng với các sản phẩm OCOP khác của tỉnh, sản phẩm dầu và cao xoa bóp được chiết xuất từ cây dược liệu của công ty chúng tôi đã từng bước có chỗ đứng trên thị trường. Năm 2018, mức tiêu thụ sản phẩm của công ty đạt trên 3 tỷ đồng, vượt mức kế hoạch năm đã đề ra. Vì vậy chúng tôi dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng sản xuất hai dòng sản phẩm này để cung cấp cho các đơn vị đặt hàng, cũng như đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.

Một số sản phẩm chế biến từ thảo dược của Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.

Tương tự, tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc (TP Cẩm Phả), với việc ưu tiên phát triển các dòng sản phẩm chế biến từ dược liệu, công ty hiện đã có 30 sản phẩm. Trong đó, có 9 sản phẩm tham gia vào chương trình OCOP của tỉnh, bao gồm: 6 sản phẩm trà túi lọc và 3 loại thuốc dạng viên nang. Một số sản phẩm đã đạt chất lượng cơ quan chức năng của tỉnh đánh giá đạt 4 sao, như: Trà dược thảo Diệp Hạ Châu, trà bảo vệ sức khỏe giảo cổ lam, viên chè vằng...

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Việt Trung, Giám đốc Công ty khẳng định: Với những thành công ban đầu, Công ty Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc đang tiếp tục mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu, đầu tư thiết bị máy móc, ứng dụng khoa học công nghệ để sản xuất thêm nhiều sản phẩm dược liệu quý khác cung cấp ra thị trường. Cụ thể, Công ty đã thực hiện mở rộng vùng sản xuất nguyên liệu ra các địa phương khác trong tỉnh như Tiên Yên, Bình Liêu, Ba Chẽ. Trong tháng 4 này, công ty sẽ khởi công xây dựng Nhà máy sản xuất thực phẩm bảo vệ sức khỏe tại phường Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) với ước tính chi phí đầu tư khoảng 10 tỷ đồng.

Sản phẩm OCOP từ dược liệu được người dân tin tưởng, ưa chuộng tại các kỳ hội chợ.

Theo thống kê của Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh có 43 sản phẩm OCOP được sản xuất, chế biến từ dược liệu, trong đó có 23 sản phẩm đã được cơ quan chức năng của tỉnh gắn sao (đạt chất lượng tốt). Các sản phẩm này ngày càng được người dân lựa chọn sử dụng bởi gần gũi với thiên nhiên, ít độc hại, tác dụng điều trị bệnh cao. Hiện nay, nhiều địa phương phát triển các sản phẩm OCOP được tinh chế từ dược liệu, như: Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Uông Bí, Hoành Bồ, Đông Triều, Cẩm Phả.

Đáng chú ý, theo Nghị định 15/2018/NÐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành Luật An toàn thực phẩm, từ ngày 1/7/2019, tất cả các cơ sở sản xuất sản phẩm bảo vệ sức khỏe phải đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt (GMP). Đây vừa là cơ hội cũng là thách thức rất lớn đối với các công ty, đơn vị sản xuất, chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh.

Liên quan tới nội dung này, ông Đinh Bá Trinh, Trưởng Phòng Nghiệp vụ OCOP, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh, cho biết: Thời gian tới, Ban Xây dựng nông thôn mới tỉnh sẽ tiếp tục tăng cường thực hiện tuyên truyền, quảng bá các sản phẩm OCOP được làm từ dược liệu. Qua đó, góp phần đẩy mạnh việc trồng, chế biến cũng như nâng cao giá trị sản phẩm từ dược liệu. Bên cạnh đó, sẽ hỗ trợ tối đa để các doanh nghiệp làm thủ tục, hồ sơ xin hỗ trợ đầu tư, xây dựng nhà máy sản xuất đạt tiêu chuẩn GMP.

Theo Minh Đức/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16421 Tổng lượt truy cập 94758038