Chủ động phòng, chống thiên tai

Biến đổi khí hậu đã và đang ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, trong đó thiên tai có những diễn biến phức tạp. Thời gian qua, tỉnh luôn chú trọng đến công tác phòng chống thiên tai trên địa bàn.

Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập vận hành hệ thống đóng mở cổng xả nước. Ảnh: Thanh Tùng

Để ngăn chặn những thiệt hại xảy ra trong mùa mưa bão năm 2023, ngay từ đầu năm, các địa phương trong tỉnh đã chủ động kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu, nơi tiềm ẩn nguy cơ, các công trình xây dựng, đê điều, hồ chứa... để cập nhật phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, toàn tỉnh hiện có 397km đê; trong đó 33km đê cấp III, 134km đê cấp IV và 230km đê cấp V. Hệ thống đê của tỉnh có khả năng chịu được gió bão cấp 9 kết hợp thủy triều tần suất 10%, đây là mức đảm bảo tương đối cao so với toàn quốc. Cùng với đó, trên địa bàn tỉnh có 188 đập, hồ chứa nước, tổng dung tích thiết kế 359 triệu m3; trong đó có 22 đập, hồ chứa nước lớn, 168 đập, hồ chứa nước vừa và nhỏ. Mực nước trữ hiện nay tại các hồ đập đạt 71% dung tích thiết kế.

Tỉnh đã phê duyệt phương án vùng trọng điểm phòng chống thiên tai trên địa bàn, gồm 5 vùng: Vùng đê Hà Nam, TX Quảng Yên; vùng dân cư sạt lở vùng lũ quét; vùng dân cư và tàu thuyền hoạt động trên vịnh Hạ Long, Bái Tử Long và vùng biển Quảng Ninh; vùng đê tả sông Kinh Thầy, TX Đông Triều; vùng hồ chứa nước Yên Lập, để làm cơ sở cho các địa phương, đơn vị tổ chức thực hiện phương án ngay trước mùa mưa bão. Toàn tỉnh hiện có 66 vị trí tự nhiên có điều kiện thuận lợi để tàu thuyền neo đậu tránh trú, diện tích khoảng 16,1km2.

Trước hết, tỉnh tập trung kiên cố hóa hệ thống đê điều, hồ đập trên địa bàn. Hệ thống đê điều, hồ đập thường xuyên được tỉnh, các địa phương thực hiện duy tu, bảo dưỡng. Đến nay đã có 40 công trình kênh, mương, cống, tổng chiều dài khoảng 30,42km được kiên cố hóa. Đặc biệt, tỉnh đã lắp đặt và đưa vào sử dụng hệ thống các trạm quan trắc mưa tự động tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh để quan trắc, cảnh báo mưa lũ. Riêng năm 2022, có 98 công trình và hạng mục công trình đê điều, hồ đập được xây mới, sửa chữa, nâng cấp, tổng kinh phí 260,66 tỷ đồng.

Trung tâm Tìm kiếm cứu hộ cứu nạn TP Uông Bí tuyên truyền, vận động người dân neo đậu tàu thuyền phòng tránh cơn bão số 2 năm 2022. Ảnh: Ngô Dịu

Hàng năm, các địa phương chủ động nạo vét, mở rộng hệ thống thoát nước; nâng công suất trạm bơm tiêu; thực hiện các giải pháp xử lý tiêu thoát nước chống ngập úng ở các khu dân cư tập trung, vùng thấp, trũng.

Để phòng chống lũ lụt, bảo vệ hồ đập, bảo vệ nguồn nước, môi trường trên địa bàn, tỉnh chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh công tác bảo vệ rừng và trồng rừng. Tháng 11/2019, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 19-NQ/TU “Phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”. Theo đó hằng năm, diện tích rừng trồng không ngừng tăng; năm 2022 trồng rừng tập trung toàn tỉnh được 13.336,3 ha, vượt 6,6% so với năm 2021.

Diện tích đất quy hoạch cho lâm nghiệp là 435.125ha, chiếm gần 70% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, trong đó có 370.213ha đất có rừng; tỷ lệ che phủ rừng đạt 55%, cao hơn mức bình quân chung cả nước 13,05%. Trong 370.213ha đất có rừng, hiện có hơn 24.900ha rừng đặc dụng. Tỉnh đã thành lập thêm Khu rừng đặc dụng bảo vệ cảnh quan vịnh Hạ Long; Khu bảo tồn đất ngập nước Đồng Rui (huyện Tiên Yên), Khu bảo vệ chặt chẽ rừng trâm đỏ, rừng chõi nguyên sinh (huyện Cô Tô), rừng trâm (huyện Vân Đồn); hoàn thành xây dựng Đề án du lịch sinh thái Khu Bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng (TP Hạ Long)..

Công nhân Công ty TNHH MTV Thủy lợi Đông Triều kiểm tra tuyến kè bờ hồ Khe Chè (xã An Sinh, TX Đông Triều). Ảnh: Minh Đức

Tỉnh huy động nguồn lực cho công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn; hằng năm ban hành nhiều văn bản chỉ đạo công tác này. Mỗi đợt thiên tai xảy ra, cùng với thực hiện các chỉ đạo của trung ương, căn cứ vào tình hình thực tế trên địa bàn, tỉnh ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo ứng phó kịp thời. Đặc biệt, công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng chống thiên tai được đẩy mạnh.

Sở NN&PTNT thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về diễn biến thời tiết, thiên tai và các chỉ đạo của trung ương, của tỉnh về phòng tránh, ứng phó, chuyển đến các địa phương, cơ quan, đơn vị. Các địa phương, đơn vị sẵn sàng mọi phương án, trang thiết bị để chủ động phòng chống và ứng phó khi có thiên tai xảy ra.

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị đang tích cực triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 26/9/2022 của Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Với sự chuẩn bị sẵn sàng mọi điều kiện, mùa mưa bão năm 2023 các địa phương sẽ phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, hạn chế thấp nhất hậu quả do thiên tai gây ra.

Theo Cầm Khuê/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 2511 Tổng lượt truy cập 89141597