Chiến thắng Điện Biên Phủ - Kí ức sống mãi trong tim người lính

Cách đây tròn 70 năm, cả dân tộc Việt Nam đã làm nên một chiến thắng vĩ đại vang dội địa cầu, chấm dứt 9 năm chống Pháp, lần đầu tiên một nước thuộc địa đánh bại cường quốc thực dân - Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. 7 thập kỷ đã trôi qua, nhưng ký ức về trận chiến Điện Biên Phủ vẫn mãi là kỉ niệm thiêng liêng không thể nào quên với những cựu chiến binh.

Cống hiến tuổi trẻ cho hoà bình

Căn nhà của cựu chiến binh Nguyễn Quốc An nằm sâu trong con phố nhỏ của khu phố 4A, phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả (Quảng Ninh). Những ngày này, khi nghe trên báo đài liên tục phát những chương trình ôn lại ký ức Điện Biên Phủ 70 năm về trước, ông An lại nghẹn ngào xúc động. Có những kí ức thời hoa lửa đã trở thành một phần máu thịt, khắc cốt ghi tâm suốt cả cuộc đời. Ông An là một chiến sĩ thuộc Đại đội cối 82mm, Trung đoàn 102, Đại đoàn 308, trực tiếp có mặt tại chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ năm ấy.

Ông Nguyễn Quốc An (bên phải) đang cùng đồng đội ôn lại kỷ niệm xưa.

Ông An bồi hồi nhớ lại kí ức của 70 năm về trước: “Bộ đội đào giao thông hào đến đâu thì ngụy trang đến đó. Tuy nhiên, khi đường hào vươn dài tới hàng chục km, tiến gần đến cứ điểm của địch thì không còn cách nào che mắt được quân Pháp. Chúng điên cuồng dùng pháo binh và không quân bắn phá suốt ngày đêm, đồng thời đưa quân ra những trận địa ở gần để san lấp và gài mìn ngăn chặn bộ đội Việt Minh đào tiếp. Cũng vì thế, bộ đội ta thương vong rất nhiều.”

“Tôi đã nhiều lần chứng kiến cảnh đồng đội ngã xuống khi mới ở độ tuổi 19, đôi mươi. Có những người bị thương nát cả chân, tay vẫn nén đau, ôm súng cùng đồng đội tiến lên phía trước, xung phong giết giặc… Đến giờ phút này đã 70 năm trôi qua nhưng những hình ảnh xót thương mà hào hùng vẫn mãi nằm trong tim tôi" - ông An xúc động.

Huy hiệu chiến sỹ Điện Biên Phủ của ông Nguyễn Quốc An.

Đến chiều ngày 7 tháng 5 năm 1954, quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ. Khi nghe tiếng hô vang “Địch hàng rồi”, ông Nguyễn Quốc An còn đang cùng mấy chiến sỹ đi hái rau tàu bay để cải thiện bữa ăn cách đồi A1 chừng vài trăm mét. Ngước ánh nhìn lên đồi A1, trước mắt ông là cảnh quân địch đang lũ lượt ra đầu hàng. “Chứng kiến cảnh tượng đó, tôi và đồng đội đã vỡ oà trong niềm vui chiến thắng, vậy là chiến dịch thắng lợi rồi, cảm xúc ấy là kỉ niệm tuyệt đẹp mà những người lính chúng tôi sẽ mãi khắc ghi”.

“Bao năm chinh chiến ở nhiều chiến trường, chưa bao giờ tôi có cảm xúc vui sướng xen lẫn tự hào như buổi chiều hôm ấy khi thấy quân giặc ra hàng. Lúc bấy giờ, tôi mới chính thức hô vang: Đại thắng đã về! Sung sướng, tự hào là thế, nhưng ngay sau giây phút ấy trái tim tôi bỗng hẫng một nhịp khi nhớ đến những người đồng đội đã ngã xuống mới buổi chiều hôm qua. Khi ấy trong đầu tôi xuất hiện nhiều “giá như”, giá như chiến thắng ngày hôm nay tới sớm hơn một ngày, để họ cũng được nhìn thấy cảnh giành chiến thắng, cũng được hoà mình vào niềm vui cùng với anh em”, ông An rưng rưng.

Hoà bình lập lại, cứ mỗi dịp kỷ niệm ngày chiến thắng, những cựu chiến binh Điện Biên vẫn bồi hồi nhớ về những người đồng đội đã nằm xuống nơi chiến trường. Ban liên lạc cựu chiến binh Đại đoàn 308 tại TP Cẩm Phả có 18 thành viên, là nơi gặp gỡ, động viên, luôn kết nối với nhau để ôn lại kỉ niệm xưa và cùng nhau giữ vững truyền thống bộ đội Cụ Hồ của những người lính năm xưa. Những người lính quả cảm năm ấy nay đều đã ngoài 90 tuổi. "Chúng tôi dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn nhắc nhở nhau phải giữ vững, phát huy phẩm chất của người Chiến sĩ Điện Biên, của Bộ đội Cụ Hồ"- ông Nguyễn Quốc An chia sẻ.

Bằng khen “Huân chương kháng chiến hạng nhất” của đồng chí Nguyễn Quốc An.

Những đóng góp thầm lặng của dân công hoả tuyến

Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới sự lãnh đạo tài tình của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng, cùng với bộ đội lập nên những chiến công oanh liệt trên chiến trường còn có những đóng góp quan trọng, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử của lực lượng dân công hỏa tuyến.

Một trong những thành viên của lực lượng có ông Vũ Công Hồng, năm nay 88 tuổi, hiện đang sinh sống cùng con cháu tại khu 2A, phường Cao Xanh TP Hạ Long, Quảng Ninh. Ông là dân công hỏa tuyến, tham gia đoàn vận chuyển lương thực vào chiến trường bằng những chiếc xe đạp thồ. Ông cùng đồng đội đã vượt qua hàng trăm cây số đường rừng, dốc cao vực sâu dưới sự truy quét của máy bay địch. Nhờ đó, bộ đội ta trên chiến trường được cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, thuốc men, đạn dược, góp phần quan trọng để cuộc chiến đi tới thắng lợi cuối cùng.

Ông Vũ Công Hồng ngắm nhìn bằng khen Nhà nước trao tặng.

Ông Hồng chia sẻ: “Chúng tôi phục vụ tuyến từ Lai Châu đến điểm chỉ cách mặt trận Điện Biên Phủ 1 cây số. Tôi là người trẻ nhất đại đội. Các anh em dân công từ khắp nơi về đây, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng khi vào trong đơn vị ai cũng tình cảm thân thiết, coi nhau như gia đình, động viên, giúp đỡ lẫn nhau. Không chỉ với riêng tôi mà toàn thể anh em tham gia chiến dịch đều nghĩ rằng: Dù có khó khăn đến mấy, tuổi trẻ được góp sức phục vụ cách mạng chính là niềm tự hào và là điều vinh dự.”

Số lượng dân công hoả tuyến chiếm đến 30% số quân tham gia trên toàn chiến dịch. Cống hiến của họ không chỉ thể hiện ở hiệu quả sản xuất phục vụ chiến đấu, trực tiếp tham gia chiến đấu, mà còn ở công sức làm nên những con đường vận tải chiến lược. Những con đường này đã giúp ta vận chuyển hàng chục nghìn tấn lương thực, thực phẩm từ hậu phương lên tiền tuyến, có thể kể đến như: Đường 42 Tuần Giáo - Điện Biên (nay là Quốc lộ 279), đường Hữu Nghị 12 Điện Biên - thị xã Lai Châu (nay là Quốc lộ 12),…

“Trong mưa bom, bão đạn cùng những khắc nghiệt của điều kiện tự nhiên miền Tây Bắc, nhưng vượt lên tất cả những khó khăn, ác liệt đó, với khẩu hiệu “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả để chiến thắng”, lực lượng dân công chúng tôi luôn sáng tạo ra bao phương thức độc đáo để xẻ núi, bạt đồi, đào hầm, san lấp hố bom, làm đường cho xe qua, rà phá bom mìn, các vật cản trên đường hành quân, vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược, chất nổ và vận tải cứu thương”, ông Hồng kể lại với ánh mắt rực lửa.

Có thể khẳng định, lực lượng dân công hoả tuyến góp phần rất lớn để tạo nên chiến thắng Điện Biên Phủ. Nhà sử học người Pháp, Đại tá Jules Roy đã đưa ra nhận định của mình trong cuốn “Trận đánh Điện Biên Phủ”: “Mặc dù nhiều tấn bom được dội xuống các tuyến giao thông, nhưng đường tiếp tế cho quân đội ta không bao giờ bị cắt đứt. Và không phải viện trợ của Trung Quốc đã đánh bại tướng Nava mà đó là những chiếc xe đạp Pơgiô thồ 200-300kg hàng do những dân công ăn không đủ no, ngủ trên những tấm nilông trải trên mặt đất. Tướng Nava bị đánh bại không phải bởi các phương tiện mà bởi trí thông minh và lòng quyết tâm chiến thắng của quân ta”.

Huân chương và giấy chứng nhận tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ của ông Vũ Công Hồng.

Từ ngày chiến thắng đến nay, ông Công đã đi thăm lại đồi A1 và những địa điểm đóng quân trước đây ba lần. Mỗi lần đến đều bất ngờ trước sự thay đổi mạnh mẽ của Điện Biên. Ông gật gù cảm thán: “Giao thông, đường sá to rộng, khang trang; đời sống nhân dân ngày một phát triển. Thấy được điều này không chỉ tôi mà các đồng đội của tôi chắc hẳn đều cảm thấy rất phấn khởi”.

70 năm đã trôi qua, nhưng những ngày tháng chiến đấu gian khổ mà đầy tự hào của những người lính tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa vẫn mãi là những trang sử hào hùng để các thế hệ con cháu sau này khắc ghi, học tập, phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên và xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.

Theo Châu Anh (CTV)/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13994 Tổng lượt truy cập 91759092