Cảnh giác với các thủ đoạn lừa đảo

Theo Phòng Cảnh sát Hình Sự (Công an tỉnh) mặc dù các cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, tuy nhiên thời gian gần đây, tội phạm lừa đảo trên không gian mạng có chiều hướng diễn biến phức tạp. Với những thủ đoạn, chiêu thức tinh vi, nhiều người sinh sống, làm việc trên địa bàn Quảng Ninh đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo trên không gian mạng.

Nạn nhân đến cơ quan Công an trình báo bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng thông qua các giao dịch trên mạng xã hội.

Một ngày đầu tháng 12/2023, vợ chồng chị N.T.H ở TP Cẩm Phả tới Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) trình báo bị đối tượng lừa đảo trên mạng chiếm đoạt hơn 500 triệu đồng. Theo chị H, thời gian rảnh chị thường tham gia vào các mạng xã hội và có kết nối với nhiều người dù không quen biết ở đời thực. Gần đây, từ lời mời và hướng dẫn của người quen trên telegram, chị đã tham gia like, chia sẻ, bình luận các mặt hàng thực phẩm trên website: “amthuc365” với nhiều tên miền khác nhau để nhận hoa hồng. Sau một vài lần được nhận lại tiền gốc với số hoa hồng thấp, nghe theo lời gạ gẫm của người bạn mới quen trên mạng xã hội, chị đã tăng số tiền đầu tư để nhận hoa hồng cao. Tuy nhiên, lời lãi không thấy mà hơn 500 triệu đồng trong tài khoản của chị đã mất tăm, còn website: "amthuc365" cũng không thể truy cập lại. Tiếc của và có phần xấu hổ vì cả tin, chị H kể: Một hai lần đầu với số tiền ít thì họ chuyển lại cả tiền gốc và tiền hoa hồng đầy đủ. Nhưng khi chị chuyển số tiền nhiều hơn, thì họ lấy lý do mạng lỗi, máy chủ gặp sự cố yêu cầu chị chuyển nhiều thêm tiền để khắc phục. Và sau đó ngắt mọi kết nối với chị.

Theo Thiếu tá Nguyễn Quốc Khánh, Điều tra viên, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), có những ngày bộ phận trực ban của phòng tiếp nhận 3-4 đơn trình báo với số tiền lên đến hơn chục tỷ đồng. Bị hại phần đông là người có thời lượng sử dụng mạng xã hội dài thông qua điện thoại thông minh. Đây là kênh rất dễ để các đối tượng tội phạm trên mạng tiếp cận tìm hiểu thông tin, thói quen của nạn nhân để lừa đảo. Có những nạn nhân có trình độ, địa vị xã hội, tuy nhiên khi bị lừa rồi vẫn không nghĩ rằng mình lại là nạn nhân của chiêu trò lừa đảo trên mạng xã hội.

Từ đầu năm 2023 đến nay, riêng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) đã tiếp nhận và khởi tố 17 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. So với cùng kỳ, số vụ có giảm, nhưng số tiền nạn nhân bị chiếm đoạt và các thủ đoạn, tính chất các vụ việc ngày càng tinh vi và lớn hơn. Qua các vụ việc cho thấy, ý thức và kiến thức bảo mật của một bộ phận người dân còn hạn chế, khiến không ít người đã trở thành nạn nhân của tội phạm lừa đảo khi để lộ thông tin cá nhân, như: Căn cước công dân, số tài khoản, mật khẩu, mã OTP hay mã số thanh toán... khi tham gia mạng xã hội, sử dụng Internet. Ngoài ra, đánh vào lòng tham, sự chủ quan, thiếu hiểu biết, một số người vẫn bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bởi các thủ đoạn kêu gọi đầu tư nhận hoa hồng cao, tham gia các gói du lịch, dịch vụ do tội phạm lừa đảo đã lập ra.

Từ đầu năm 2023 đến nay, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) khởi tố 17 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Điểm chung của thủ đoạn lừa đảo này là sau khi câu nhử được “con mồi”, chúng sẽ để nạn nhân tham gia vào những hội nhóm với thành viên chủ yếu là đồng bọn và tiến hành thao túng tâm lý để nạn nhân thực hiện các yêu cầu; sau đó chiếm đoạt tài sản và cắt đứt liên lạc. Đặc biệt với công nghệ giả dạng âm thanh, hình ảnh, video, các đối tượng lừa đảo còn mạo danh người thân, cơ quan chức năng lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Các đối tượng phạm tội có sự cấu kết móc ngoặc xuyên quốc gia, hệ thống máy chủ được đặt ngoài biên giới, do đó việc điều tra thu hồi tài sản của công dân bị chiếm đoạt sẽ vô cùng khó khăn.

Cơ quan Công an cảnh báo đến người dân 24 thủ đoạn lừa đảo phổ biến trên không gian mạng.

Thiếu tá Hạ Tiến Dũng, Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh), khẳng định: Cơ quan Công an, Viện Kiểm sát nhân dân hay Tòa án nhân dân trong quá trình làm việc với công dân không thực hiện qua mạng xã hội, hay điện thoại, cũng không bao giờ yêu cầu người dân chuyển tiền vào tài khoản để làm tin. Thời gian cuối năm, nhu cầu tiêu dùng tăng cao, vì vậy đề nghị người dân chủ động tìm hiểu thông tin cảnh báo về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo đã được cơ quan chức năng khuyến cáo; tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu, số OTP cho người lạ; không truy cập đường link lạ, không cài đặt phần mềm hoặc làm theo hướng dẫn, yêu cầu của các đối tượng trên mạng xã hội.

Theo Hồng Việt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24005 Tổng lượt truy cập 94922053