Cảnh báo về trào lưu “chặt biển số xe” trên TikTok và hậu quả pháp lý đối với giới trẻ
Thời gian gần đây, một trào lưu “chặt biển số” đang lan rộng trên mạng xã hội, khi một số thanh niên cắt, bẻ hoặc làm biến dạng biển số xe của mình hoặc của người khác để quay video hoặc chụp ảnh và đăng tải lên mạng. Những hình ảnh và video này thường được chỉnh sửa, kèm theo biểu tượng thể hiện sức mạnh, cá tính, nhằm thu hút sự chú ý và lượt thích từ bạn bè và người theo dõi. Điều này khiến nhiều người, đặc biệt là giới trẻ, nghĩ rằng đây là cách để thể hiện bản thân và tạo dựng danh tiếng trên mạng xã hội. Trào lưu này cũng đã xuất hiện tại tỉnh Quảng Ninh, đặc biệt là thành phố Uông Bí.
Hình ảnh biển số xe bị các đối tượng chặt.
Một ví dụ điển hình là vào khoảng 02 giờ 00 phút ngày 23/12/2024, 11 đối tượng đến từ TP Đông Triều (Quảng Ninh) và thành phố Chí Linh (Hải Dương) đã tụ tập tại thành phố Đông Triều, lái 5 xe mô tô che biển số và mang theo vũ khí, hung khí để thực hiện hành vi “chặt biển số”. Khi nhóm này phát hiện anh P điều khiển xe mô tô Honda Vision mang biển số 14B1-896.62 tại km 79+400 quốc lộ 18A, thuộc phường Yên Thanh, thành phố Uông Bí, họ đã đuổi theo, ném chai lọ thủy tinh và sử dụng hung khí để đập phá xe, chiếm đoạt biển số, mang về cất giấu và chuẩn bị đăng tải lên mạng.
Đối tượng Ngô Sinh Hưởng cùng tang vật vụ án.
Sau khi điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Uông Bí đã khởi tố, bắt tạm giam 11 đối tượng để điều tra về hành vi “Cướp tài sản”. Đặc biệt, tất cả các đối tượng đều trong độ tuổi vị thành niên (sinh từ 2007-2009). Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận rằng họ bị ảnh hưởng bởi trào lưu “chặt biển” trên TikTok và thành lập nhóm để tìm kiếm các xe có biển số của địa phương khác, dùng vũ khí để phá biển số xe, sau đó đăng tải hình ảnh lên mạng xã hội với hy vọng được lên xu hướng và trở nên nổi tiếng. Họ không hề nhận thức được rằng hành vi này có thể dẫn đến hậu quả pháp lý nghiêm trọng.
Vụ án này là lời cảnh tỉnh đối với các thanh thiếu niên, những người muốn thể hiện bản thân nhưng thiếu kiến thức về ứng xử xã hội và pháp luật, cùng sự thiếu sự giáo dục và kèm cặp từ gia đình và nhà trường.
Để ngăn chặn sự lan rộng của những trào lưu độc hại, cần sự phối hợp chặt chẽ từ gia đình, nhà trường, xã hội và các cơ quan chức năng. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để theo dõi, quản lý và hướng dẫn con em sử dụng mạng xã hội một cách lành mạnh và có trách nhiệm. Các nhà trường cần tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, giáo dục kỹ năng sống và ý thức xã hội cho học sinh, giúp các em hiểu rõ giá trị thực sự trong cuộc sống. Hơn bao giờ hết, mỗi thanh thiếu niên cần có nhận thức tỉnh táo và trách nhiệm khi tham gia mạng xã hội, tránh bị cuốn vào những xu hướng tiêu cực, có thể gây hại cho bản thân và xã hội.
Phí Hương (CATP Uông Bí)
Tin tức khác
- Cơ quan Thành uỷ tổng kết công tác Đảng, công tác Công đoàn năm 2024
- Mức phạt tài xế ô tô, xe máy không bật đèn từ 18 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ ngày hôm sau
- Tăng cường kiểm tra an toàn PCCC tại các chợ, Trung tâm thương mại dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025
- Thông tin mới nhất về bệnh do virus gây viêm phổi trên người (hMPV) tại Trung Quốc
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Chính phủ và chính quyền địa phương
- Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT
- Nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2025, tạo tiền đề cho giai đoạn tiếp theo
- Hội nghị nghe báo cáo tiến độ Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030" và tham gia thành phố học tập toàn cầu
- Nhiệt điện Uông Bí 60 năm làm theo lời Bác
- Triển khai Cuộc thi trắc nghiệm tìm hiểu lịch sử 95 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam và lịch sử Đảng bộ Tỉnh Quảng Ninh
- Bỏ hình thức thi IELTS trên giấy từ 29/3
- Phê duyệt Chương trình Tăng cường giáo dục kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho học sinh