“Cần làm song song cả tuyên truyền và chỉnh trang di tích cho Yên Tử”

Sau khi hoàn chỉnh, bộ hồ sơ chính thức đề cử Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (gọi tắt là Hồ sơ Yên Tử) đã được gửi sang Trung tâm Di sản thế giới của UNESCO vào cuối tháng 1 vừa qua. Kể từ đó tới nay, 3 địa phương trong vùng di sản là Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã bắt tay vào triển khai hàng loạt công việc, như công tác truyền thông, chỉnh trang các di tích, xây dựng các biển bảng, quy chế, nội quy… chuẩn bị cho việc đón đoàn chuyên gia của Hội đồng Di tích và Di chỉ quốc tế (ICOMOS) sang thẩm định thực tế, dự kiến vào tháng 8 tới đây.

Về dự hội nghị tuyên truyền về giá trị Quần thể di sản đề cử quy mô lớn, tại Khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí) vào tháng 5 vừa qua, PGS.TS. Tống Trung Tín (ảnh), Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, đại diện đơn vị tư vấn xây dựng hồ sơ Yên Tử, đã có cuộc trao đổi với phóng viên về những nhiệm vụ cần thiết trong thời điểm này.

- Thưa ông, có thể thấy là nhiệm vụ tuyên truyền về giá trị di sản cho rộng rãi các đối tượng, từ lãnh đạo các cấp cho tới cán bộ, nhân viên các ban quản lý di tích, tăng ni, phật tử và nhân dân trong vùng di sản, được các chuyên gia rất đề cao trong giai đoạn hiện nay?

+ Đúng vậy, chuẩn bị cho đợt thẩm định thực địa quan trọng này, để chuyên gia UNESCO có thể đánh giá đúng, toàn diện về những giá trị nổi bật toàn cầu, tính toàn vẹn, tính xác thực của quần thể di sản, cần có những đợt thông tin rộng rãi về giá trị di sản tới nhiều đối tượng khác nhau, từ lãnh đạo các tỉnh cho tới cấp huyện, cấp xã trên địa bàn 3 tỉnh, từ đó tiếp tục tuyên truyền, lan toả nội dung này cho người dân, du khách, các cơ quan, đơn vị ủng hộ cho di sản, góp phần bảo vệ cho sự thành công của hồ sơ Di sản thế giới Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc.

Theo các chuyên gia thì việc tuyên truyền cần được chia theo các cấp độ khác nhau với những yêu cầu khác nhau, vì sao lại như vậy?

+ Ở hội nghị vừa rồi, như PGS.TS. Trần Tân Văn cũng đã phân tích thì ông đã chia ra 4 đối tượng. Trong đó, cấp độ thứ nhất là lãnh đạo, chính quyền các cấp cần cơ bản nắm được tóm tắt hồ sơ, câu chuyện di sản, số lượng di tích, cụm di tích thành phần nằm trong hồ sơ di sản dạng chuỗi của Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc; các tiêu chí được lựa chọn; các yêu cầu về bảo vệ và quản lý; các áp lực quản lý nên quần thể di tích và danh thắng này cũng như một số chi tiết về bộ máy quản lý.  

Các chuyên gia khảo sát tại đền Sinh, thuộc khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. Ảnh lấy từ trang web của địa phương.

Thứ hai là đối với cộng đồng dân cư địa phương, nhà sư sống gần di tích cần chuẩn bị ít nhất nắm sơ bộ về câu chuyện di sản, các di tích thành phần nơi mình đang trụ trì, đang sinh sống, các di sản văn hoá phi vật thể đi kèm, thái độ, trách nhiệm của cá nhân, cộng đồng đối với các di tích và cụm di tích đó.

Thứ ba là ban quản lý các khu di tích, đây là đối tượng trực tiếp tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn các di tích, cho nên mức độ yêu cầu ít nhất là cũng phải nắm bắt được những vấn đề giống như đối tượng 1. Thêm nữa, nắm được đặc điểm cụm di tích, di tích mình quản lý, tính toàn vẹn, tính xác thực, diện tích cụm di tích và công tác khoanh vùng bảo vệ di sản, cơ chế phối hợp trong quản lý giữa 3 tỉnh.

Thứ tư là nhóm các chuyên gia tư vấn sẽ đi cùng với chuyên gia thẩm định của UNESCO để chứng minh, giải thích, trả lời những chất vấn của họ, vì vậy yêu cầu nắm được tất cả những nội dung nêu trên theo chuyên môn của mình.

Thế hệ trẻ dâng hương tưởng nhớ các tiền nhân tại đền Trần Hưng Đạo - miếu Vua Bà, thuộc khu di tích lịch sử Bạch Đằng (Quảng Yên). Ảnh: Phạm Chiến Thắng (CTV)

Quần thể di sản Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc có dạng chuỗi liên hoàn, trải rộng trên phạm vi của 3 tỉnh, thuộc 6 khu di tích Quốc gia và Quốc gia đặc biệt. Câu chuyện về di sản thực sự rất khó, ngay cả nhiều nhà nghiên cứu cũng còn chưa hiểu thấu đáo nếu mà không đi sâu, không để tâm nghiên cứu, tìm hiểu. Chính vì thế, việc tuyên truyền phải chia ra các cấp độ khác nhau như tôi vừa nói trên, để nắm bắt được, để chúng ta có thể bảo vệ di tích của mình và khi chuyên gia của UNESCO đi kiểm tra mà muốn hỏi xem chúng ta hiểu di tích như thế nào, biết về giá trị di tích ra sao thì chúng ta biết những thông tin cơ bản để mà trả lời.

Muốn làm được điều đó thì trước hết là các ban quản lý di tích phải nắm rất chắc các di tích mà mình quản lý nằm trong những giai đoạn nào, thuộc loại hình nào, hay đóng góp cái gì cho câu chuyện di sản thế giới của Yên Tử. Các ban quản lý di tích kết hợp với các chuyên gia, kết hợp sự chỉ đạo của cấp trên, cần ngay lập tức soạn lại những cái đó, rồi mình in những tờ rơi, viết những bài đơn giản về giá trị, về nhận diện di sản… tuyên truyền cho bà con nhân dân. Hay chúng ta có thể tổ chức những lớp tập huấn với kiến thức thông tin, tuyên truyền ngắn gọn, đơn giản thôi mà đầy đủ, dễ hiểu.

Tháp cổ tại vườn tháp Huệ Quang thuộc khu di tích - danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí).

- Vậy còn tâm thế các chuyên gia như ông hiện nay thế nào?

+ Các chuyên gia tư vấn sẽ đi cùng với chuyên gia thẩm định của UNESCO để chứng minh, giải thích, trả lời những chất vấn của họ. Cho tới thời điểm hiện nay thì các chuyên gia không có vấn đề gì cả, đều rất sẵn sàng, như tôi chẳng hạn là tôi sẵn sàng "chiến đấu" ở mọi cấp độ. Họ phải hỏi mình và chúng tôi không có điều gì e ngại cả.

Nhưng sợ nhất là tại di tích mà khâu bảo vệ cứ lôm nhôm, các thứ sắp đặt lộn xộn, đưa nhiều hiện vật lạ vào thờ cúng, đó mới là cái đáng lo nhất. Nhiều di tích lớn trong quần thể di sản Yên Tử cũng đã được các đơn vị quản lý, bảo vệ rất tốt, như Yên Tử rồi Côn Sơn, Kiếp Bạc, Vĩnh Nghiêm… Khi chúng tôi đi xem trực tiếp, người thật - việc thật - nói thật - di vật thật, tôi sẽ đưa ra nhận xét, đánh giá ngay lập tức.

Các đoàn viên thanh niên TX Đông Triều tổ chức dọn vệ sinh môi trường tại di tích chùa Hồ Thiên, thuộc khu di tích nhà Trần trên địa bàn. Ảnh lấy từ trang web của địa phương.

Qua thực tế hiện nay cho thấy, có 2 câu chuyện cần phải làm ngay. Các địa phương cần rà soát, kiểm tra lại tất cả các di tích, di vật của mình, để bảo vệ, để giữ cho đúng theo các quy định của luật pháp hiện hành, theo đúng tinh thần của UNESCO. Đến di tích mà thấy lôm nhôm, luộm thuộm thì sắp xếp lại. Rồi các bảng biển chưa chuẩn, tiếng Anh chưa chuẩn, sắp xếp lại. Thờ cúng mà mình cứ hay đưa vật lạ vào thì cũng phải xem xét để sắp xếp lại.

Khâu tuyên truyền cũng rất cần thiết, như hội nghị lớn hôm nay rất thiết thực cho việc tăng cường sự hiểu biết về lịch sử Trúc Lâm, về các di tích Trúc Lâm, hiểu biết về giá trị Trúc Lâm, về câu chuyện mà di sản của tiền nhân để lại cho chúng ta, cho các thế hệ mai sau của chúng ta cũng như cho nhân loại.

Như vậy, tuyên truyền và chỉnh trang di tích là hai việc cần làm trực tiếp bây giờ, làm song song cả hai. Những cái đấy cũng đơn giản mà, từng đơn vị, địa phương cứ theo thực tế, theo chức năng, nhiệm vụ của mình mà làm. 

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Theo Phan Hằng (Thực hiện)/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 21824 Tổng lượt truy cập 94769295