Cách chăm sóc bệnh đau mắt đỏ tại nhà
Bệnh đau mắt đỏ chỉ gây khó chịu, hiếm khi ảnh hưởng đến thị lực. Nhưng bệnh có thể lây lan nên cần chẩn đoán sớm và thực hiện một số biện pháp phòng ngừa.
Ảnh minh họa.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Huy Vũ Tùng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh, bệnh đau mắt đỏ (hay viêm kết mạc) là tình trạng viêm màng trong suốt trên bề mặt nhãn cầu (tròng trắng mắt) và kết mạc mi. Bệnh do virus hoặc nhiễm trùng từ vi khuẩn, phản ứng dị ứng gây ra.
Các triệu chứng của đau mắt đỏ gồm: đỏ ở tròng trắng hoặc mí mắt bên trong; chảy nước mắt nhiều; có chất dịch màu vàng dày đóng vảy trên lông mi, nhất là sau khi ngủ; có chất dịch màu xanh lá cây hoặc trắng chảy ra từ mắt; cảm giác khó chịu ở 1 hoặc cả 2 mắt...
Người bệnh có thể bị ngứa mắt khi đau mắt đỏ do dị ứng mắt; đau mắt đỏ do hóa chất; tầm nhìn mờ; nhạy cảm với ánh sáng (chứng sợ ánh sáng); mí mắt sưng.
Những ngày này, người bệnh đau mắt đỏ đặt lịch khám mắt tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP Hồ Chí Minh tăng liên tục. Bệnh nhân có cả người lớn và trẻ em, đều mang kính râm, khẩu trang khi đến khám.
Có 2 nguyên nhân gây bệnh đau mắt đỏ gồm: không do nhiễm khuẩn (hóa chất, thuốc, dị ứng…) và do nhiễm khuẩn, trong đó chủ yếu nhiễm Adenovirus. Năm nay, ngành y tế xác định nguyên nhân chính đến từ Enterovirus, khác với mọi năm là Adenovirus.
4 biện pháp chữa bệnh đau mắt đỏ tại nhà hiệu quả
Thuốc nhỏ mắt: Dùng nước mắt nhân tạo không kê đơn hoặc thuốc nhỏ nước muối có thể làm dịu triệu chứng đau mắt đỏ. Trường hợp đau mắt đỏ do dị ứng, thuốc nhỏ kháng histamine có thể dùng điều trị tình trạng này. Lưu ý, không để đầu ống nhỏ giọt chạm vào mắt, đồng thời rửa tay sạch sau khi nhỏ thuốc.
Chườm ấm: Đắp một chiếc khăn ấm và ẩm lên mắt trong vài phút có thể cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, bằng cách: Ngâm khăn sạch vào nước ấm rồi vắt khô; đắp miếng vải ẩm lên mắt và để nguyên cho đến khi nguội.
Lặp lại hành động này nhiều lần trong ngày và thường xuyên nếu bạn thấy triệu chứng cải thiện; sử dụng khăn sạch để tránh lây nhiễm. Sử dụng khăn lau khác nhau cho mỗi mắt trong trường hợp bị đau mắt đỏ ở cả 2 mắt.
Chườm lạnh: Trường hợp biện pháp chườm nóng không cải thiện triệu chứng đau mắt đỏ, người bệnh có thể áp dụng chườm lạnh và ngược lại. Hãy dùng khăn sạch ngâm nước lạnh đã vắt khô đắp lên mắt giúp làm dịu, giảm sưng. Người bệnh lặp lại nhiều lần trong ngày. Chỉ nên áp dụng ở nhiệt độ vừa phải, tránh để khăn quá lạnh sẽ khiến tình trạng bệnh nghiêm trọng hơn.
Thuốc giảm đau không kê đơn: Một số loại thuốc giảm đau không kê đơn có thể cải thiện tình trạng đau mắt đỏ nhưng không chữa khỏi bệnh.
Thuốc chống viêm không steroid (NSAID), chẳng hạn như acetaminophen hoặc ibuprofen có thể giúp giảm viêm. Ngoài ra, thuốc dị ứng cũng có thể làm giảm các triệu chứng đau mắt đỏ.
Có nhiều nguyên nhân gây đỏ mắt, chẳng hạn như dị vật mắc kẹt khiến mắt mờ và nhạy cảm với ánh sáng. Ngay khi gặp phải những triệu chứng này, người bệnh nên nhanh chóng đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt.
Với người đeo kính áp tròng nên tạm ngưng đeo kính ngay khi các triệu chứng đau mắt đỏ xuất hiện. Trường hợp các triệu chứng không thuyên giảm trong 12-24 giờ, người bệnh nên đến khám bác sĩ để được kiểm tra và điều trị sớm.
Với trẻ bị đau mắt đỏ, phụ huynh chăm sóc con bằng cách chườm mát hoặc ấm lên mắt để làm dịu các triệu chứng. Làm sạch cẩn thận các vùng xung quanh mắt bằng nước ấm, gạc hoặc tăm bông. Cách này cũng có thể loại bỏ lớp vảy khô khiến mí mắt dính vào nhau mỗi buổi sáng.
Trường hợp trẻ đeo kính áp tròng nên tạm ngưng cho đến khi chữa khỏi đau mắt đỏ. Sau đó, bạn khử trùng tròng kính và hộp đựng ít nhất 2 lần trước khi cho con đeo lại. Nếu trẻ đeo kính áp tròng dùng 1 lần, hãy vứt bỏ cặp kính đeo hiện tại và sử dụng cặp mới sau khi hết bệnh. Khi bị bệnh, phụ huynh cho trẻ ở nhà nghỉ ngơi, đồng thời nhằm hạn chế lây đau mắt đỏ cho những bạn khác.
Hầu hết các trường hợp đau mắt đỏ nhẹ đến trung bình đều tự khỏi, tuy nhiên, bệnh dễ lây nên cần điều trị sớm.
Nếu đau mắt đỏ do vi khuẩn, tình trạng này sẽ cải thiện trong 1 tuần. Người bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa mắt ngay khi các triệu chứng xuất hiện. Đồng thời, tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sĩ ngay cả khi các triệu chứng biến mất.
Với đau mắt đỏ do virus, bệnh thường kéo dài từ 4-7 ngày, thậm chí kéo dài đến 14 ngày.
Để phòng bệnh đau mắt đỏ, người dân cần: Vệ sinh tay sạch sẽ bằng xà bông; nhỏ nước muối sinh lý để rửa mắt; mang kính khi đi ra ngoài để hạn chế gió và bụi bẩn; không tiếp xúc quá gần hay sử dụng chung vật dụng cá nhân với người đang mắc bệnh, hạn chế tới nơi đông người.
Người sau khi khỏi bệnh cần sát khuẩn kính mắt, giặt sạch chăn gối, khăn mặt để tránh tái nhiễm.
MẠNH TRẦN
Theo nhandan.vn
Tin tức khác
- Rộn ràng đêm hội trăng rằm phường Bắc Sơn
- Đồng chí Nguyễn Văn Thành - Uỷ viên BTV Thành uỷ, PCT Thường trực UBND Thành phố dự đêm hội trăng rằm xã Thượng Yên Công
- Kịp thời xử lý điểm sạt trượt trên tuyến đường vào nhà máy rác Khe Giang
- Các đồng chí lãnh đạo dự chương trình “Vui Tết Trung thu” tại khu Lạc Thanh
- Phường Quang Trung tổ chức Đêm hội trăng rằm năm 2023
- Đón Trung thu 2023 cùng con CBCS Công an thành phố Uông Bí
- Hội nghị BTV thường kỳ tháng 9
- Chủ động ứng phó mưa lớn kéo dài trên địa bàn thành phố
- Hội nghị lần thứ 6 BCH Hội CCB Thành phố khoá VII
- Tin Dự báo mưa lớn tại khu vực tỉnh Quảng Ninh
- Cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy trên khu vực tỉnh Quảng Ninh
- Thành phố đối thoại với hộ gia đình ông Phan Đức Toàn và bà Trần Thị Phượng liên quan đến Dự án Tuyến đường Yên Tử kéo dài đoạn từ Quốc lộ 18A đến Quốc lộ 10 và đường 10 làn xe thành phố Uông Bí