70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ - Ngày 21/4/1954: Cách đánh sáng tạo của Trung đoàn 36, Đại đoàn 308

Sau đợt tiến công thứ 2, Tổng Quân ủy đã báo cáo kết quả chiến đấu và công tác chuẩn bị lên Bộ Chính trị, sau khi Bộ Chính trị đồng ý với kết quả và kế hoạch chuẩn bị của Tổng Quân ủy, đã có thư gửi Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Nội dung như sau:

“Kính gửi: Đồng chí Võ Nguyên Giáp

Ngày 19/4/1954, Bộ Chính trị đã họp nghe đồng chí Hoàng Tùng báo cáo về đợt tấn công thứ hai và kế hoạch chuẩn bị tác chiến hiện nay. Bộ Chính trị đồng ý với nhận định của đồng chí về kết quả hai đợt tấn công của quân ta vừa qua và kế hoạch chuẩn bị hiện nay. Bộ Chính trị nhắc đồng chí chú ý mấy điểm: Vì địch cũng nhận rõ sự quan trọng của trận này, nhất là bọn can thiệp Mỹ ra sức thúc đẩy, nên chúng tiếp tục cố gắng đối phó. Chúng có thể:

- Rút kinh nghiệm chống giữ đồi A1 mà tổ chức chống giữ ở khu trung tâm;

- Tập trung hơn nữa máy bay và trọng pháo phá trận địa ta;

- Ra sức phá hoại đường tiếp tế của ta một cách có trọng điểm.

Mục đích của chúng là cố giữ đến mùa mưa, cho rằng lúc đó quân ta phải rút vì không khắc phục được những khó khăn về cung cấp.

Và nếu chúng tập trung được đủ máy bay và quân nhảy dù thì khi cần, chúng có thể nhảy dù ở sau trận địa ta hoặc ở một điểm nào có thể giữ trên tuyến cung cấp của ta hòng cứu nguy cho chúng.

Nhiệm vụ trước mắt của ta là một mặt củng cố quyết tâm giành toàn thắng của quân đội, nhất là của cán bộ các cấp, nắm vững phương châm “đánh chắc, tiến chắc”; mặt khác bảo đảm cung cấp cho tiền tuyến.

Bộ Chính trị đã đôn đốc Hội đồng cung cấp và các Khu, các Tỉnh thực hiện cho được việc động viên nhân lực, vật lực phục vụ chiến dịch. Đã phái đồng chí Trân đi mặt trận, đồng chí Dũng đi Khu 4, đồng chí Thanh đi Việt Bắc để kiểm tra, đôn đốc. Ở nhà đồng chí Lượng lo đôn đốc chung.

Đồng chí nhớ báo cáo hằng ngày về Trung ương kết quả việc vận chuyển lương thực và đạn dược lên hỏa tuyến.

2. Bộ Chính trị cũng đồng ý với kế hoạch xây dựng quân đội theo ý kiến các đồng chí. Đã giao đồng chí Thanh, đồng chí Dũng thi hành ngay những việc cần thiết, đồng thời cùng nghiên cứu thêm một vài vấn để có liên quan.

Bộ Chính trị có nghị quyết vắn tắt kèm theo đây để đồng chí phổ biến cho toàn thể cán bộ và đảng viên nhận rõ quyết tâm của Trung ương Đảng ra sức hoàn thành nhiệm vụ.

T/M BAN BÍ THƯ
TRƯỜNG CHINH (*)

Cuộc chiến đấu ác liệt đang diễn ra tại vị trí 206. Ảnh: TTXVN

Quân ta đào hào giao thông tới sát cứ điểm 206, xây dựng xong trận địa tiến công và hoàn thành công tác chuẩn bị chiến đấu. Đại đoàn 312 và Đại đoàn 308 tiếp tục đào những mét hào cuối cùng chia cắt hoàn toàn sân bay địch.

9 giờ ngày 21/4, pháo binh địch từ Mường Thanh, điểm cao 204, súng cối ở điểm cao 206 và các loại hỏa lực bộ binh từ trục hào ngang, nơi trực tiếp tiếp xúc với ta, bắn dữ dội vào trận địa phòng ngự của Tiểu đoàn 16, tập trung trên tuyến 1 và đoạn cuối sát sông Nậm Rốm. Ta hy sinh 1, bị thương 2 đồng chí, đoạn hào phía trước bị phá hỏng.

Sau 40 phút bắn phá, khoảng một trung đội lính Âu - Phi từ trung tâm tiến theo trục đường đánh vào các tuyến phòng ngự của ta. Ở tuyến 1, Trung đội trưởng Dũng chờ địch đến gần mới ra lệnh cho toàn trung đội đồng loạt nổ súng, bị đánh bất ngờ, một số chết, số còn lại tháo chạy về phía trung tâm. Pháo, cối của trung đoàn, sư đoàn bắn vào sân bay và khu vực địch tập trung ở ngã tư tiêu diệt một số địch, một lần nữa cuộc tiến công của địch bị đánh bại. Tiểu đoàn trưởng lệnh cho các đơn vị tăng cường quan sát, kịp thời phát hiện hành động của địch, nhanh chóng sửa lại các đoạn hào sụt lở, sẵn sàng đánh địch trên các hướng.

Sáng ngày 21/4, địch tung Tiểu đoàn dù số 6 tiến công vào trận địa của Trung đoàn 88. Cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt suốt từ sáng đến chiều tối. Ba lần địch chiếm được các vị trí tiền duyên của ta, cũng ba lần chúng bị các chiến sĩ của Tiểu đoàn 23, Trung đoàn 88, Đại đoàn 308, dưới sự chỉ huy của đồng chí Nguyễn Quốc Trị, đánh bật trở lại.

Rút kinh nghiệm trận đánh cứ điểm 106 (đêm 1 tháng 4), Trung đoàn 36 chủ trương diệt cứ điểm 206 bằng cách bí mật đào hào lấn dũi, luồn qua các lớp hàng rào dây thép gai của địch, vừa đào hào vừa xây dựng trận địa cho hỏa lực và xung lực, đồng thời chủ động dùng hỏa lực phá hủy trước các ụ súng, các lô cốt địch ở vòng ngoài. Cách đánh sáng tạo này được Trung đoàn gọi là chiến thuật vây lấn. Trung đoàn tổ chức một tuyến hỏa lực gồm có bazôka, cối 82 ly và một số tay súng bắn tỉa chế áp địch trong đồn, tạo điều kiện cho bộ đội ta đào hào vây lấn.

Đêm 21/4, Bộ chỉ huy Đại đoàn 308 điều Tiểu đoàn 70 tăng cường cho Trung đoàn 88, đồng thời tổ chức hỏa lực sẵn sàng chi viện cho Trung đoàn 88 đánh địch phản kích, đào hào cắt đứt sân bay. Đại đoàn trưởng Vương Thừa Vũ ra tận chiến hào kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo bộ đội xây dựng trận địa, bố trí chiến đấu.

Tại các chiến trường phối hợp:

Du kích Toàn Thắng (Tiên Lãng) chặn đánh ba đại đội địch đến phá vây bốt Mỹ Lộc, diệt 39 tên, làm lung lay hệ thống đồn bốt địch ven sông Đa Độ. Cũng trong tháng 4, chủ lực Liên khu cùng bộ đội địa phương Kiến An tập kích vị trí trại chiếu Đông Tạ (huyện lỵ Vĩnh Bảo), diệt 200 tên, phá tan cuộc giải vây cho Tây Am.

Phía địch:

Ở Điện Biên Phủ, Tập đoàn cứ điểm của địch chỉ còn nối liền với bên ngoài bằng một cầu hàng không hoạt động một chiều vì không còn giải tỏa được binh lính bị thương. Địch đang khó khăn lớn trong việc bảo vệ các trục đường giao thông chủ yếu, đặc biệt là tuyến đường bộ và đường sắt Hải Phòng-Hà Nội (các sân bay và kho hàng của địch).

Tình hình binh lính suy sụp, nhất là quân đội liên kết (có nhiều tên đào ngũ, xin về phía ta). Điện Biên Phủ thất thủ sẽ chỉ có hậu quả rất nghiêm trọng trong chừng mực nước Pháp và Việt Nam (ngụy). Quân Pháp dự đoán cuộc chiến sắp kết thúc vào đầu hay giữa mùa hè thời điểm tùy thuộc vào việc kết thúc Hội nghị Geneve.


Cuốn Chiến thắng Điện Biên Phủ ký sự, do Trần Độ chủ biên, nhà xuất bản Quân đội Nhân dân ấn hành, có thuật lại đoạn hồi ức: “Đêm 21/4/1954, ở cả 3 mặt, các đầu hào của ta đều đã chạm lần hàng rào dây thép gai cuối cùng. Các đơn vị đào trận địa được lệnh ngừng không đào nữa và tìm cách bí mật phá nốt hàng rào dây thép gai, tạo sẵn cửa mở để khi có lệnh công kích là nhảy khỏi chiến hào xông ngay vào cứ điểm địch. Tại Đại đội Ngô Văn Dậu, chiến sĩ Phê đã bỏ hết quần áo, trát bùn đầy người, rồi mang kìm bò lên cắt dây thép gai ngay trước miệng lỗ châu mai của kẻ địch. Phép màu của đồng chí Phê về sau được anh em gọi đùa là phép ‘Quỷ dạ xoa’”. 


Tác giả: Thiếu tá, Thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, Viện Lịch sử quân sự, Ngọc Toản Thu

Theo nhandan.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24991 Tổng lượt truy cập 91843860