Liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm

Để thúc đẩy mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, sản phẩm nông sản, thủy sản, các ngành, đơn vị chức năng của tỉnh đã và đang tích cực kết nối, liên kết chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm tại các thị trường trong và ngoài tỉnh. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao khả năng cạnh tranh và giúp các doanh nghiệp tìm đầu ra cho sản phẩm hàng hoá, dịch vụ, mở rộng thị trường.

Doanh nghiệp chè Hằng Nga đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại để sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo thống kê của Sở NN&PTNT, trong tháng 1/2023, tổng diện tích gieo trồng cây vụ Đông ước đạt 7.661,25ha và thu hoạch được khoảng 6.510ha; sản lượng thủy sản ước đạt 11.728 tấn, trong đó, sản lượng khai thác ước đạt 5.623 tấn và nuôi trồng ước đạt 6.013 tấn. Toàn tỉnh có 569 sản phẩm OCOP, trong đó có 336 sản phẩm đạt từ 3-5 sao trở lên.

Để thúc đẩy, mở rộng thị trường tiêu thụ về các ngành hàng, các sở, ngành, doanh nghiệp chú trọng phát triển thị phần trong nước; thực hiện các biện pháp tháo gỡ rào cản thương mại, kết nối tiêu thụ và xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm của tỉnh. Ngay từ đầu năm, Sở NN&PTNT ban hành các kế hoạch tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản của tỉnh Quảng Ninh trong năm 2023; phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch và thực hiện các hội nghị kết nối sản xuất, cung ứng với tiêu thụ sản phẩm; tổ chức các lớp tập huấn kỹ năng xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cho các cơ sở kinh doanh và đại diện đơn vị quản lý nhà nước. Đồng thời, hướng dẫn người dân và doanh nghiệp tham gia thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại, xúc tiến thương mại, xuất khẩu; hướng dẫn ATTP đối với các cơ sở tham gia Hội chợ OCOP, triển lãm của tỉnh và các địa phương ngoài tỉnh…

Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị, địa phương trong tỉnh cũng quan tâm tháo gỡ khó khăn, nhất là về kỹ thuật trong xuất khẩu, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý ATTP, cơ sở dữ liệu truy xuất nguồn gốc thực phẩm nông, lâm, thủy sản an toàn. Đồng thời, tiếp tục duy trì 16 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn có xác nhận; cung cấp thông tin các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, OCOP cho các đối tác; tham gia giải quyết ùn tắc hàng hóa tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh.

Việc áp dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã từng bước đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường, tăng tính cạnh tranh trong các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần tạo dựng thương hiệu, khẳng định chất lượng của các sản phẩm nông sản, thủy sản, OCOP của tỉnh. Một số HTX tiêu biểu thực hiện công nghệ cao trong nuôi trồng, sản xuất, như: HTX Nông nghiệp Hương Việt (TP Uông Bí) áp dụng hệ thống tưới nhỏ giọt của Israel; HTX Dịch vụ và Thương mại sản xuất kinh doanh Thành Lợi (TX Quảng Yên) sử dụng dây chuyền máy ấp trứng để sản xuất giống; HTX Sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Ngọc Linh (TX Đông Triều) áp dụng công nghệ nhà lưới tưới phun sương,...

Các doanh nghiệp OCOP tích cực quảng bá, giới thiệu sản phẩm tại các kỳ hội chợ, triển lãm trong và ngoài tỉnh, góp phần đưa sản phẩm tới nhiều thị trường tiêu thụ hơn. (Ảnh chụp tại Hội chợ OCOP Quảng Ninh - Xuân 2023).

Đặc biệt, các hình thức tổ chức sản xuất tiếp tục được đổi mới, phát triển cả về số lượng, chất lượng và từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động đã giúp cho việc liên kết chuỗi sản xuất, mở rộng thị trường tiêu thụ các sản phẩm của tỉnh phát triển nhanh và mạnh hơn. Theo đó, số HTX, tổ hợp tác tăng và đa dạng, phù hợp, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay. Số HTX ứng dụng công nghệ cao và chuỗi liên kết tăng trong các năm gần đây, với tổng số 40 chuỗi liên kết với 26 HTX tham gia chuỗi liên kết. Hiện toàn tỉnh có 430 HTX nông nghiệp tổng hợp; 31 HTX nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; 119 tổ hợp tác liên kết sản xuất; 2 Liên hiệp HTX nông nghiệp, tổng hợp; 230 trang trại. Các sản phẩm nông sản, thủy sản, OCOP của tỉnh được kết nối, tiêu thụ tại các thị trường tiềm năng, như: Hà Nội, Hải Phòng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Dương, Thái Bình...

Tỉnh Quảng Ninh tiếp tục coi trọng chuyển giao và ứng dụng tiến bộ công nghệ trong sản xuất, chế biến sản phẩm nông sản, thủy sản, OCOP, thực hiện quyền sở hữu trí tuệ, thiết kế tem nhãn, bao bì, mã số, truy xuất nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm...; tăng cường hỗ trợ các cơ sở, chủ thể doanh nghiệp sản xuất phát triển, hoàn thiện sản phẩm và chuẩn hóa hồ sơ, tạo điều kiện đưa sản phẩm vào hệ thống kênh phân phối hiện đại, các hệ thống bán lẻ và các điểm phân phối. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm thông qua các phương tiện truyền thông, tăng cường kết nối giao lưu tại các hội chợ thương mại trong và ngoài tỉnh để nâng cao sức cạnh tranh, tăng giá trị kinh tế cho các sản phẩm của Quảng Ninh; tích cực đẩy mạnh công tác xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản, chỉ dẫn địa lý. Tỉnh tiếp tục tổ chức giới thiệu quảng bá các sản phẩm nông sản, thủy sản, OCOP gắn với địa phương, tăng cường hoạt động kết nối doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhằm đẩy mạnh hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giúp các sản phẩm của tỉnh ngày càng vươn xa hơn.

Theo Minh Đức/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 1384 Tổng lượt truy cập 91416041