Yên Tử trường tồn dưới ngàn mây trắng

Lắng đọng trong huyết mạch địa linh đất Việt, Bạch Vân Sơn (núi mây trắng) – Yên Tử được coi là “phúc địa thứ 4 của Giao Châu” - vùng đất của “địa linh - nhân kiệt”. Giá trị của Yên Tử là tổng hòa của: Tâm linh, thiên nhiên, văn hóa - lịch sử. Các giá trị cốt lõi này hòa quyện vào nhau, nâng tầm cho nhau tạo nên những giá trị tinh thần bất diệt của dân tộc.

724 năm trước (năm 1299) vua Trần Nhân Tông đã chọn dãy Yên Tử làm nơi tu luyện, cùng với Pháp Loa và Huyền Quang xây dựng Tam tổ Trúc lâm ở nơi đây, để lại cho con cháu nước Việt muôn đời một di sản tín ngưỡng thiêng liêng.

"Từ bỏ ngôi vua để tu hành
Từ cái nhất thời, cái hữu danh
Vĩnh hằng vô hạn, vua tìm đến
Yên Tử trường xuân hóa đất lành."

Tượng Phật Hoàng Trần Nhân Tông.

Là một dãy núi lớn ở vùng Đông Bắc nước ta thuộc vòng cung Đông Triều, dài khoảng 80km, rộng khoảng 50km, dãy Yên Tử bao gồm nhiều đỉnh cao, đỉnh cao nhất là khu vực chùa Đồng (cao 1068m) mây phủ quanh năm. Tiếp đến là các đỉnh Phật Sơn, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Thanh Mai, Quan Âm, Huyền Đinh, núi Thằng Người, núi Lòng Thuyền.

Vẻ đẹp của Yên Tử là sự kỳ vĩ của núi non hoà với nét cổ kính trầm mặc của hệ thống am, tháp cùng với đường tùng, trúc, mai mọc ở hai bên đường. Vì vậy, thay vì lựa chọn cáp treo để lên đỉnh Yên Tử, nhiều người vẫn chọn hành hương theo đường bộ để có thể chậm rãi thăm thú, ngắm nhìn, cảm nhận thật gần gũi tất cả những gì mà thiên nhiên đất trời tạo lập nơi đây, để mỗi bước chân như được nâng đỡ bởi niềm tin hướng về với Phật, coi đó là cách dung dưỡng tinh thần, giúp mỗi người có được sự bình an, thanh thản trong tâm hồn.

Du khách hành hương qua đường trúc.

Trước đây cứ mỗi độ xuân sang, hàng vạn du khách từ khắp mọi miền lại hành hương về Yên Tử để được hòa mình giữa gió núi mây ngàn, đắm mình trong sắc hoa đua nở, đâm chồi, nảy lộc, sinh sôi của vạn vật. Đặc biệt, du khách sẽ được ngắm nhìn và thưởng thức thứ hương thơm thanh khiết từ loài hoa Mai vàng. Sắc hoa cao quý, riêng có nơi đất Phật chính là tượng trưng rõ nhất cho vẻ đẹp nhân cách của người quân tử: Tiết tháo, trung tín, ngoan cường, khí phách. Triệu triệu bông hoa mai vàng thành kính kết thành tấm Hoàng bào phủ lên non thiêng Yên Tử, góp phần tạo nên vẻ đẹp thuần khiết cùng sự linh thiêng huyền bí chốn phù vân.

Theo sự vận động, phát triển của ngành du lịch, nhu cầu thưởng ngoạn, chiêm bái của nhân dân, du khách, hiện nay thăm quan Yên Tử diễn ra trong cả 4 mùa xuân, hạ, thu đông. Khi hè tới, đường lên Yên Tử vẫn rợp mát bóng tùng, thông, trúc, trong róc rách của suối, mát lành của cơn gió mùa hạ. Khác với sự đông đúc, náo nhiệt trong không gian lễ hội mùa xuân, Yên Tử vào thu sâu lắng, trầm mặc. Tiếng kinh cầu quốc thái dân an văng vẳng cũng giúp cho Phật tử và du khách hành hương về Yên Tử có những cảm nhận an yên khác lạ. Mùa thu Yên Tử nơi Phật hoàng xuất gia tu hành và hóa Phật còn là mùa của tâm linh hướng thượng, hướng đến những giá trị nhân văn tốt đẹp. Đông về, không gian Yên Tử mờ ảo sương mù vấn vít với khói nhang bồng bềnh. Tiếng gió vi vu cộng hưởng với những phiến đá phát ra âm thanh trầm bổng du dương như đang trình diễn một bản hòa tấu thiên nhiên không dứt. Cứ thế, bốn mùa xuân, hạ, thu, đông nối tiếp nhau trong năm, có khi là những khoảnh khắc chuyển giao trong ngày khiến bước chân người lễ phật như lạc vào chốn bồng lai.

Chùa Hoa Yên.

Hành hương về miền Thiền Trúc Lâm Yên Tử, nơi dừng chân đầu tiên là chùa Giải Oan. Dưới chân núi, nước suối vẫn róc rách chảy từ nghìn năm như thì thầm những lời tự tình sâu kín. Dọc đường lên cao, ánh nắng len lỏi trên con đường Tùng huyền thoại. Tương truyền cây Xích Tùng cổ này đều do đức vua Trần Nhân Tông và các thế hệ tu hành của Thiền phái Trúc Lâm trồng. Trải qua hơn 700 năm với biết bao thăng trầm lịch sử, biến thiên của thời gian, vạn vật, hàng Xích Tùng vẫn sừng sững, vươn cao, biểu trưng cho sức sống mãnh liệt, trường tồn và khí phách hiên ngang, chính trực của bậc quân tử. Trong tiếng nhạc thiền và tiếng reo xào xạc của rừng trúc như tiếp tục dẫn đường du khách tới Vườn tháp Huệ Quang tọa lạc trên thế đất hàm rồng thờ ngọc cốt của các thế hệ Thiền sư đạo cao đức trọng tu hành tại Hoa Yên qua các thời Trần, Lê... Từ Vườn tháp Huệ Quang đi tiếp lên núi vài chục mét, du khách lên đến chùa Hoa Yên - ngôi chùa giữa mây khói yên lành tọa lạc giữa tĩnh mịch núi rừng. Chùa Hoa Yên giữ vị thế là chùa trung tâm của cả hệ thống chùa Yên Tử, là nơi tu hành, thành đạo, truyền thừa của các thế hệ Tổ Thiền Trúc Lâm Yên Tử.

Người hành hương về Yên Tử đều mong một lần kính lễ tại chùa Ðồng - nơi hội tụ khí thiêng của đất trời. Lên đến đây là lên với cõi đá, đá to đá nhỏ xếp chồng lên nhau. Ngước lên, trời cao lồng lộng, mây trắng cuồn cuộn tràn xuống che lấp cả non xanh khiến mọi thứ mờ ảo như sương. Nhìn xuống dưới, rừng trúc xanh thăm thẳm, dạt dào như sóng nước theo từng cơn gió, phóng tầm mắt nhìn ra tít tắp, biển hòa lẫn với bầu trời xanh biếc mênh mông.

Đường tùng Yên Tử.

Chị Huyna Jo (du khách Hàn Quốc) chia sẻ: Việt Nam và Hàn Quốc đều có những tương đồng về văn hóa Phật giáo. Vì vậy, đến với đất Phật Yên Tử, trải qua một hành trình lên đến chùa Đồng là một trải nghiệm đặc biệt với tôi. Thiên nhiên trong lành, cảnh đẹp như vẽ từ núi non mây trời, cây cỏ hoa lá nơi đây khiến mọi ưu phiền đều bị cuốn trôi để lòng người thanh than, bình an hướng về Phật. Trải qua biết bao những biến thiên của thời đại, nhưng từng tấc đất, cây cỏ, phiến đá nơi non thiêng Yên Tử vẫn sẽ luôn ghi dấu ấn của tiền nhân, của Phật pháp nhiệm màu, hộ quốc an dân, trường tồn cùng đất nước.

Không chỉ có giá trị về văn hóa, lịch sử, tâm linh, cảnh quan thiên nhiên, Khu Khu rừng quốc gia Yên Tử còn là một bảo tàng lớn lưu giữ nhiều nguồn gen quý trong hệ sinh thái rừng đặc dụng Việt Nam với tổng diện tích tự nhiên 2.783ha.

Hệ thực vật Yên Tử được đánh giá là đa dạng về loài, chi và họ. Rừng Yên Tử có 5 ngành thực vật với 830 loài mà nhiều nhất là ngành hạt kín với 670 loài, trong đó có 38 loài thực vật đặc hữu quý hiếm. Thực vật Yên Tử có 10 loài đa dạng nhất, chiếm tỷ trọng 35,98%. Hệ thực vật ở đây được đánh giá là đa dạng về sự sống vì sự có mặt của tất cả các kiểu dạng sống khác nhau. Trong đó, ưu thế là nhóm cây có chồi trên đất, chiếm 84,29% tổng số loài. Trong nhóm cây có chồi trên đất thì chủ yếu là cây gỗ lớn và vừa.

 

Đường tùng Yên Tử với những cây xích tùng có tuổi đời hàng trăm năm.

Thực vật ở Yên Tử rất có giá trị về tài nguyên, trong đó có 547 loài cây có ích có thể sử dụng vào 13 nhóm công dụng khác nhau. Riêng nhóm cây thuốc có khoảng 300 loài, với nhiều loại cây có giá trị cao như: Ngũ gia bì gai, kim tuyến, cát sâm, bách xanh, đại kế, hoằng tinh hoa trắng, hà thủ ô đỏ, bổ béo đen, giảo cổ lam, rau sắng, lan một lá, bảy lá một hoa, sâm cuốn chiếu, ba gạc Ấn Độ, trầu một lá...

Đặc biệt, Yên Tử có 20 loài thực vật quý hiếm được ghi trong Sách Đỏ Việt Nam, 6 loài cần được ưu tiên bảo tồn và phát triển. Các loài thực vật điển hình gồm: Lim xanh, gụ lau, sến mật, táu mật, hoàng đàn giả (hồng tùng), trầu tiên, sú rừng. Thảm thực vật rừng Yên Tử thuộc 2 kiểu rừng chính là rừng kín thường xanh mưa nhiệt đới và rừng kín lá rộng thường xanh mưa á nhiệt đới núi thấp.

Ở Yên Tử còn có một số loài cây có tuổi đời hàng trăm năm tuổi gắn liền với sự nghiệp tu hành ở Yên Tử của Trần Nhân Tông cùng các sơn môn, Phật tử. Năm 2016, Khu rừng quốc gia Yên Tử đã công bố 144 cây đủ tiêu chí là cây Di sản, gồm: 1 cây đa tía, 1 cây thị, 102 cây hồng tùng (xích tùng), 10 cây thông nhựa khổng lồ, 21 cây mai vàng đặc hữu Yên Tử và 9 cây đại cổ thụ. Hệ thống cây Di sản ở Yên Tử không những nổi bật với sự hấp dẫn đặc biệt về giá trị lịch sử, văn hóa tâm linh mà còn nổi bật bởi tuổi đời cây từ 300 năm đến trên 700 năm.

Hoa mai vàng Yên Tử.

Hệ động vật cũng đa dạng và phong phú không kém với 151 loài động vật ở cạn có xương sống. Trong đó, có 20 loài được xếp vào Sách Đỏ Việt Nam, như: Voọc mũi hếch, sóc bay lớn, ếch ang, ếch gai, thằn lằn cá sấu... có giá trị cao về bảo tồn nguồn gen, nghiên cứu khoa học, giáo dục và du lịch...

Nhiều năm qua, được sự quan tâm của Nhà nước, UBND tỉnh, không chỉ di tích mà Khu rừng quốc gia Yên Tử cũng được chú trọng bảo tồn và phát triển. Theo đánh giá thì rừng nơi đây có diện tích nhỏ, gần đô thị và từng bị tác động trước đây, nhưng đến nay đã được phục hồi, bảo vệ tốt với diện tích rừng chiếm 93,6% diện tích tự nhiên. 

Với địa thế tự nhiên của di tích với các chùa chiền, am tháp nằm xen kẽ giữa cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ của rừng quốc gia Yên Tử càng tôn thêm vẻ linh thiêng cho vùng đất phật, là tiềm năng lớn cho phát triển du lịch tâm linh, sinh thái của tỉnh Quảng Ninh. Các chuyên gia của Việt Nam cũng đánh giá cao các giá trị của Yên Tử. Có quá trình nghiên cứu lâu dài về di sản, PGS.TS Tống Trung Tín, Chủ tịch Hội Khảo cổ học Việt Nam, phân tích: Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử có giá trị rất lớn, thể hiện sự giao thoa văn hoá rất đậm đặc và nổi bật, tạo ra nét đặc sắc của văn hoá Việt Nam ở khu vực này. Các chứng cứ của di sản rất độc đáo, phong phú nhưng lại là duy nhất ở Việt Nam về nền văn minh Đại Việt - nền văn minh rực rỡ, lâu dài nhất từ thế kỷ X và tồn tại đến ngày nay.

Đến Yên Tử du khách có thể trải nghiệm các dịch vụ đặc sắc dưới chân núi sau hành trình thượng sơn dâng hương, lễ Phật tại các điểm chùa, am tháp cổ kính của quần thể di sản nơi đây. Nằm trọn vẹn trong lòng thung lũng dưới chân danh sơn Yên Tử, Trung tâm Văn hóa Trúc Lâm Yên Tử do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư, đưa vào phục vụ du khách từ năm 2018. Các công trình gây ấn tượng độc đáo cho du khách bởi gam màu trầm là chủ đạo, sự tỉ mỉ, tinh tế tới từng chi tiết được kiến trúc sư nổi tiếng Bill Bensley thiết kế theo cảm hứng từ những di tích cổ ngàn năm của Yên Tử. Với không gian mở, quần thể công trình nơi đây có rất nhiều những điểm để du khách tự do trải nghiệm khám phá, check in, thư giãn đẹp và mang ý nghĩa riêng, như: Cổng Khai tâm, Hồ nước gương Kính tâm, Vườn tùng La hán, Trung tâm lễ hội, Cung Trúc Lâm, làng Nương...

Nếu dạo bước tại làng Nương, du khách sẽ được trải nghiệm một không gian văn hóa đầy màu sắc của làng quê Bắc Bộ xưa, tham quan, mua sắm các sản phẩm thủ công, nông sản quê hương, tham gia các hoạt động trải nghiệm phong phú như yoga, thiền, làm tranh Đông Hồ, nón lá, chuồn chuồn tre…. Còn đến với khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử được thiết kế với vẻ đẹp sang trọng nhưng giản dị, đậm màu sắc văn hóa cung cấp các dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi, thư giãn, trị liệu sẽ mang đến nhiều lựa chọn trải nghiệm đáng nhớ cho du khách.

Những ngày này, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đang tích cực chạy giai đoạn nước rút hoàn thành việc xây dựng hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản văn hoá thế giới. Đó là, một chuỗi các di tích và danh thắng, đều nằm trên dãy núi hình cánh cung Đông Triều, thuộc địa phận ba tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang và Hải Dương, là “thánh địa”, quê hương của nhà Trần - dòng họ đã lập nên triều đại phong kiến ​​rực rỡ của Đại Việt thế kỷ 13-14.…

Ngược thời gian trở lại với những thăng trầm của thời cuộc để nhớ câu chuyện, hơn 20 năm sau ngày Khu di tích - danh thắng Yên Tử được công nhận cấp Quốc gia, người ta đến Yên Tử nhưng không thấy Yên Tử. Đơn giản bởi phần lớn các điểm di tích chùa, am, tháp trong đó đều ở dạng phế tích. Trong một báo cáo của xã Thượng Yên Công thời kỳ đó cho thấy chùa Vân Tiêu chỉ còn nền chùa. Chùa Bảo Sái chỉ còn bức tường đổ. Chùa Cầm Thực là đống đá đổ nát. Chùa Bí Thượng là căn lều dựng tạm thờ pho tượng gỗ nhỏ. Chùa Hoa Yên là căn nhà cấp 4 với tường đá, ngói thường. Chùa Đồng nhỏ bé, được xây dựng bằng vật liệu bê tông cốt đồng. Vườn tháp tổ hoang vu, đa số ngôi tháp chỉ là đống đá xếp gọn lại với nhau… Các điểm di tích còn lại như Suối Tắm, Cầm Thực, Long Động, Giải Oan, Một Mái, am Dược, am Thung, am Diêm, am Thiền Định, am Lò Rèn, vườn tháp Hòn Ngọc... nằm đâu đó trong lòng đất, lòng rừng và gần như không có tính kết nối giao thông, có điểm di tích không có đường vào.

Trước thực trạng đó, tỉnh Quảng Ninh quyết định phải quan tâm, chăm lo đầu tư cho quần thể di tích, danh thắng cả về nguồn lực con người và kinh phí. Năm 1992, Ban quản lý di tích Yên Tử được thành lập, trực thuộc TP Uông Bí, lúc bấy giờ là thị xã Uông Bí. Cũng trong năm này, Đại hội Phật giáo toàn quốc lần III diễn ra tại Hà Nội đã chính thức thống nhất quan điểm Yên Tử là một trong những trung tâm trọng điểm của Phật giáo Việt Nam. Đây được coi là sự kiện mang tính bước ngoặc đối với Yên Tử.

Theo sổ sách thống kê lưu của TP Uông Bí, tổng cộng số công trình, hạng mục được đầu tư tại di tích Yên Tử giai đoạn 1992 - 1998 là 50, giá trị đầu tư tính được là 39 tỷ đồng, giá trị đầu tư ước tính (phần xã hội hóa) là hàng chục tỷ đồng. Trong đó có một Việt kiều Mỹ xây dựng chùa Đồng năm 1993 (ngôi chùa này 12 năm sau đó được hạ giải để xây dựng chùa Đồng hiện nay); một Việt kiều Canada xây dựng chùa Giải Oan trong 3 năm 1994 - 1997. Cùng với các hoạt động đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, trùng tu tôn tạo di tích, việc dừng hoạt động khai thác than trong khu vực Yên Tử đã được thực hiện triệt để; công tác bảo vệ, làm giàu rừng được tăng cường, tạo vành đai bảo vệ Yên Tử; các hoạt động dân sinh của người bản địa có nguy cơ ảnh hưởng tới môi sinh, môi trường Yên Tử được chấn chỉnh… Giới tăng ni cũng có mặt ở Yên Tử thường xuyên hơn và thực hiện các hoạt động phật pháp.

Cộng hưởng những nỗ lực của chính quyền, nhân dân, các tăng ni, phật tử, Quảng Ninh đã thu hút được danh nghiệp đầu tư nâng tầm những giá trị của Yên Tử, đưa những công trình được tạo ra bởi bàn tay của con người hoà quyện vào văn hoá, vào thiên nhiên của Yên Tử kỳ vĩ, linh thiêng, huyền bí, trường tồn cùng thời gian.

Câu chuyện xây dựng bộ hồ sơ đề nghị UNESSCO công nhận quần thể di tích và danh thắng Yên Tử là di sản thế giới đã được tỉnh Quảng Ninh khởi thảo từ năm 2012, đến nay việc xây dựng, hoàn thiện hồ sơ trình UNESCO công nhận Yên Tử là di sản thế giới có sự góp mặt, chung tay của các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương thay vì chỉ Quảng Ninh. Đặc biệt Yên Tử thay vì đứng độc lập đã được đặt trong mối liên hệ kết nối hữu hình, vô hình cả về không gian, thời gian, hạ tầng giao thông, hệ tư tưởng... Đó là kết nối trong chiều dài phát triển và thành tựu văn hóa Trần, Lý mà hồn cốt chính là đời Trần; đó là sự kết nối của các di tích nhà Trần trong tỉnh như Bạch Đằng, Cửa Ông, cụm di tích nhà Trần tại Đông Triều, kết nối hành trình điểm đến lên rừng (Yên Tử) - xuống biển (Vịnh Hạ Long). Yên Tử tại Quảng Ninh kết nối với các di sản dấu ấn nhà Trần tại Bắc Giang với đại diện là Vĩnh Nghiêm, tại Hải Dương với đại diện là Công Sơn - Kiếp Bạc. Yên Tử được đặt trong mối quan hệ kết nối giữa tư tưởng của Phật hoàng Trần Nhân Tông đối với hệ tư tưởng của thời Trần, quân dân nhà Trần, thông qua đó Đại Việt trong mắt thế giới mang tinh thần “sát thát”, 3 lần chặn đứng vó ngựa đại quân xâm lăng toàn cầu - Nguyên Mông; tinh thần hòa hợp, nhập thế đạo với đời, đạo dành để giúp đời…

Yên Tử trường tồn dưới ngàn mây trắng! Đó là sự hiển nhiên như trời đất nơi đỉnh chùa Đồng tụ hội khí thiêng chốn tổ của các dòng thiền Việt Nam. Phật tử, du khách đổ về với Yên Tử mang theo những háo hức trải nghiệm, những đức tin chánh niệm, những sự thỏa nguyện thụ hưởng giá trị cuộc sống. Cũng vì vậy mà Yên Tử giờ đây chuyển động 24h/ngày, 4 mùa/năm. Việc Yên Tử đang trên lộ trình trở thành di sản văn hóa thế giới lại càng là cơ hội để giá trị của di sản này được lan tỏa cao hơn, xa hơn, mang đến cho nhân loại nhận thức về một dấu ấn kinh đô Phật giáo Việt Nam một thời của Việt Nam, về tinh thần nhập thế, đạo không tách với đời của dòng thiền đặc biệt của Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Theo Lan Hương - Nguyễn Dung/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 6677 Tổng lượt truy cập 91747207