Yên Tử: Những giá trị nổi bật toàn cầu

Yên Tử nổi bật ở châu Á và trên thế giới với tư cách là nơi khởi xướng Thiền phái Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần, dòng họ đã tạo dựng nên một trong những triều đại phong kiến rực rỡ nhất ở nước ta. Xây dựng hồ sơ đề cử di sản, các nhà khoa học đã lựa chọn 3 tiêu chí (iii), (v) và (vi) để làm rõ giá trị nổi bật toàn cầu, tính nguyên gốc, tính toàn vẹn của di sản theo quy định Công ước 1972 của UNESCO.

Nghiên cứu về tiêu chí (iii), các nhà khoa học khẳng định: Yên Tử từ xa xưa đã được biết đến là phúc địa của Đại Việt. Đó là nơi khởi phát, hoằng dương của Phật giáo Trúc Lâm. Yên Tử cũng là Thánh địa của họ Trần, dòng họ đã lên nắm quyền trong bối cảnh triều đại trước đó suy tàn, kinh tế khủng hoảng, nội chiến triền miên, ở một đất nước bị chia rẽ, không có mục đích, niềm tin trong khi luôn bị đe dọa bởi nạn ngoại xâm.

Chùa Đồng trên đỉnh thiêng Yên Tử.

Các vị vua và hoàng tộc đầu triều Trần đều là những người thông minh, tài năng và đạo đức đồng thời cũng là những Phật tử thuần thành. Họ hiểu rằng cần có một nền tảng tư tưởng tiến bộ để đoàn kết dân tộc, các vùng miền và tôn giáo, phục hồi kinh tế và xây dựng một xã hội đạo đức bên cạnh một triều đình vững mạnh. Tư tưởng nòng cốt của Phật giáo Trúc Lâm vì thế đã bén rễ, nảy mầm ngay từ đầu thời Trần, được quảng bá rộng rãi trong xã hội Đại Việt...

Thêm nữa, các cuộc chiến tranh khốc liệt giai đoạn này, mặc dù chiến thắng cũng tàn phá Đại Việt. Các vị vua Trần càng ý thức được tính cấp thiết phải xác lập một hệ tư tưởng quốc gia chủ đạo để trên cơ sở đó đoàn kết, thống nhất dân tộc, xây dựng đất nước vững mạnh, góp phần gìn giữ hòa bình và ngăn chặn chiến tranh...

Vì vậy, Phật Hoàng Trần Nhân Tông đã chính thức sáng lập Phật giáo Trúc Lâm tại Yên Tử. Các vị tổ sư, thiền sư, tăng ni đã đến đây tu tập, phát tâm tín ngưỡng, biên soạn kinh văn, làm thơ, viết truyện, đắc đạo và nhập niết bàn, còn lại đến ngày nay những chứng cứ lịch sử. Điều đó cho thấy, phật giáo Trúc Lâm vẫn sống động, duy trì và phát triển không ngừng.

Chứng minh tiêu chí (v), các nhà khoa học nhận định: Yên Tử là một cảnh quan văn hóa tiến triển hữu cơ, là một ví dụ nổi bật về sự tương tác của con người với môi trường. Mối quan hệ mật thiết này phù hợp với tinh thần của Phật giáo Trúc Lâm, trân trọng một cuộc sống yêu thương, hài hòa và bảo vệ thiên nhiên.

Đường tùng được các thiền sư trồng trên tuyến hành hương lên Yên Tử.

Núi rừng Yên Tử tĩnh lặng, không khí trong lành và thanh tịnh, là nơi lý tưởng để chiêm bái, tu hành, thiền định và đắc đạo. Những địa điểm sinh hoạt tín ngưỡng, tu hành được lựa chọn kỹ lưỡng theo nguyên tắc phong thủy. Đó là những địa điểm thoáng đãng với hai rặng núi ôm lấy từ hai bên kiểu tay ngai, tầm nhìn rộng, nền đá gốc cung cấp nguồn vật liệu xây dựng tại chỗ, hai bên là các khe suối chảy quanh năm cho nước ngọt, hạn chế thiên tai, gần những nơi có địa hình thoải, tích tụ đất dày để trồng cấy. Các khu rừng xung quanh cung cấp thực phẩm, thảo dược, hoa, nhiên liệu và vật liệu xây dựng. Khi Phật giáo Trúc Lâm ở thời kỳ cực thịnh, những ngôi chùa quy mô lớn được xây cất thấp dần, nơi các tăng ni, phật tử có thể tới lui thuận tiện nhất.

Các vị vua và hoàng tộc triều Trần, các vị sư tổ Phật giáo Trúc Lâm và quân dân Đại Việt cũng thể hiện sự hiểu biết sâu sắc về địa hình, địa vật tự nhiên và môi trường của dãy núi Yên Tử và vùng sông nước, biển đảo xung quanh, đem lại cho họ những lợi thế chiến thuật quan trọng trong trận chiến Bạch Đằng năm 1288, đã giúp một đội quân nhỏ của Đại Việt chiến thắng kẻ xâm lược lớn hơn nhiều lần.

Theo tiêu chí (vi), các nhà khoa học nhận định: Phật giáo Trúc Lâm là một thiền phái Việt Nam độc đáo trong tổng thể Phật giáo toàn cầu. Tuy dựa trên nền tảng Phật giáo Đại thừa nhưng tư tưởng của nó lại được đúc rút cả từ Đạo giáo, Nho giáo và tín ngưỡng bản địa, tích hợp các trường phái Thiền, Tịnh, Mật của Phật giáo và kế thừa tinh hoa của các thiền phái đương thời.

Các công trình tu tập, thờ cúng thể hiện rõ các yếu tố về bố cục, kiến trúc và trang trí đặc trưng của thời đại, truyền thống văn hóa và mục đích của chúng. Còn có nhiều di sản phi vật thể vô giá minh chứng cho tư tưởng và ảnh hưởng của Trúc Lâm, như kinh sách, truyện kể, văn hóa dân gian, truyền thuyết và thơ phú. Nổi bật trong số này là 3.050 mộc bản quý hiếm khắc chữ Hán Nôm, được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu ký ức thế giới Khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Phật giáo Trúc Lâm mang đặc trưng của tinh thần “Phật tức Tâm”, “Bụt là ta”, “ở đời vui đạo”, “hòa quang đồng trần”, “nhập thế tích cực”. Phật giáo Trúc Lâm tham gia và đóng góp quan trọng vào mọi mặt cuộc sống - tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị, đối ngoại, an ninh, quốc phòng của quốc gia Đại Việt lúc bấy giờ...

Phật giáo Trúc Lâm độc đáo, do đó, có ý nghĩa di sản văn hóa nổi bật đối với Việt Nam, châu Á và thế giới. 

Theo Ngọc Mai (Lược ghi)/dulich.quangninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 3702 Tổng lượt truy cập 91803090