Xuất hiện nhiều mô hình nông nghiệp công nghệ cao

Nuôi tôm trong nhà, nuôi gà công nghệ cao, nuôi cá trắm đen cao sản, trồng dưa lưới, trồng rau an toàn, áp dụng quy trình VietGAP cho quả vải chín sớm Phương Nam... là những mô hình nông nghiệp hiệu quả, đã và đang được đầu tư mở rộng, phát triển ở TP Uông Bí.

Chúng tôi có mặt tại khu nuôi trồng thủy sản (NTTS) rộng gần 55ha của hộ kinh doanh Đức Mạnh tại khu 3 Đền Công, phường Trưng Vương vào thời điểm gần giữa trưa nắng. Không khí thi công hạ tầng vùng nuôi này vẫn rất rộn ràng. Các xe, máy đang hoạt động tích cực để đào đắp, lắp đặt hệ thống ao nuôi, ao lắng, cống cấp, thoát nước, trạm điện, bờ bao, đường giao thông kết nối...

Theo đại diện chủ đầu tư dự án, ông Nguyễn Văn Sơn, giá trị đầu tư khu NTTS đến thời điểm này đã là gần 30 tỷ đồng. Sau khi hoàn thiện, toàn bộ diện tích này sẽ là vùng nuôi tôm liên hoàn, hiện đại, bao gồm cả khu nuôi thương phẩm, khu vực xử lý sản phẩm sau thu hoạch, khu vực văn phòng, khu vườn cây trái và cảnh quan xanh mát... Riêng khu vực nuôi tôm thương phẩm sẽ được áp dụng công nghệ nuôi 3 giai đoạn trong nhà và ngoài trời, sản lượng có thể đạt tới 1.000 tấn/năm, cao hơn tính toán đến 30%.

Khu NTTS của ông Nguyễn Đức Mạnh tại khu 3, Đền Công, phường Trưng Vương đang trong quá trình thi công tích cực để hoàn thiện hạ tầng.

Cùng với chuyển động trên, tại khu vực Khe Giang của xã nông thôn mới Thượng Yên Công, một trang trại gà công nghệ cao rộng 6ha cũng đang được hình thành. Hiện khu vực chuồng nuôi đã hoàn thiện hạ tầng, lắp đặt thiết bị, sẵn sàng đón những lứa giống đầu tiên vào sản xuất. Các hạng mục phụ trợ như điện, nước, xử lý thải, kho chứa thức ăn, vật tư cũng chuẩn bị xong. Dự án này do hộ tư nhân Đoàn Văn Chiến, trú tại phường Quang Trung đầu tư, quy mô tổng đàn 3-5 vạn con/lứa, một năm đạt 5-6 lứa, lợi nhuận trên doanh thu ước đạt 20-30%.

Theo ông Đoàn Văn Chiến, cơ sở để ông có những tính toán trên bởi mô hình chăn nuôi gà của ông áp dụng công nghệ nhà lạnh với các thiết bị hiện đại, vận hành tự động, tự động và chủ động điều chỉnh về nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng, chế độ ăn uống... qua đó làm chủ môi trường, kiểm soát dịch bệnh, xử lý chất thải... đảm bảo sự an toàn và đầy đủ nhất cho con gà. Điều này sẽ giúp ông Chiến hạn chế thấp nhất tác động bởi các yếu tố bất lợi từ môi trường, vốn là nguyên nhân thất bại của các mô hình chăn nuôi thông thường.

Mô hình nuôi tôm của hộ kinh doanh Nguyễn Đức Mạnh, mô hình nuôi gà của ông Đoàn Văn Chiến là 2 trong nhiều mô hình nông nghiệp đang được TP Uông Bí khuyến khích phát triển trong thời gian qua. Thực tế nông nghiệp không phải là thế mạnh của Uông Bí, giá trị toàn ngành năm 2020 chỉ đạt trên 4% cơ cấu kinh tế toàn thành phố, nhưng một bộ phận dân cư sống bằng sản xuất nông nghiệp vẫn rất được quan tâm. Giai đoạn 2016-2020, TP Uông Bí có hẳn 1 nghị quyết chuyên đề và 1 đề án phát triển dành riêng cho nông nghiệp. Nguồn kinh phí ngân sách thành phố dành cho nông nghiệp mỗi năm trên dưới 10 tỷ đồng, qua đó huy động nguồn lực xã hội cao gấp 5-7 lần vốn ngân sách.

Kết quả của những nỗ lực này giúp TP Uông Bí hình thành và phát triển 7 vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình nông nghiệp có hàm lượng khoa học công nghệ cao, từ đó tăng giá trị trên mỗi ha đất canh tác. Các mô hình nông nghiệp tiêu biểu như trang trại gà công nghệ cao của Công ty Quản Trị Việt tại phường Yên Thanh, trang trại gà công nghệ cao của hộ cá thể Nguyễn Tôn Quyền ở xã Thượng Yên Công, các mô hình nuôi gà nông hộ thuộc phường Phương Nam, Phương Đông, các mô hình nuôi cá chắm đen tại Trưng Vương, Yên Thanh, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn trong nhà của của Công ty TNHH MTV GIDEON tại Yên Thanh. GIDEON cũng chính là doanh nghiệp đang tiếp cận dự án nuôi tôm công nghệ cao quy mô 92ha tại phường Trưng Vương, mô hình nuôi tôm lớn nhất của Uông Bí.

Trang trại gà của ông Nguyễn Tôn Quyền (xã Thượng Yên Công) áp dụng công nghệ nhà lạnh, đảm bảo dinh dưỡng và an toàn dịch bệnh.

Riêng đối với các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung, có thể thấy Uông Bí thành công với vùng vải chín sớm Phương Nam. Trong 5 năm, vùng vải này tăng diện tích từ dưới 300ha lên 415ha, tăng sản lượng từ 1.200 tấn lên 4.000 tấn, tăng giá trị từ 33 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng... Tương tự vùng trồng thông nhựa tập trung của TP Uông Bí hiện cũng đã đạt đến trên 4.200ha. Đây là nguồn nguyên liệu cho Công ty CP Thông Quảng Ninh chế biến nhựa thông, tùng hương để xuất khẩu, trở thành một trong những đơn vị đi đầu trong lĩnh vực chế biến nhựa thông và tùng hương của cả nước.

Nhằm tăng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, hiện nay TP Uông Bí đang tiếp tục triển khai các nội dung tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó gần đây nhất, trong lĩnh vực rừng sản xuất đang thử nghiệm chuyển đổi từ cây keo sang cây quế và cây mắc-ca. Đáng mừng là hiện TP Uông Bí đã thu hút doanh nghiệp đầu tư trồng cây quế và cây mắc-ca, trong đó riêng cây quế quy mô dự án lên đến 500ha. Các đơn vị này chịu trách nhiệm trực tiếp trồng rừng, cung ứng giống, kỹ thuật, xây dựng cơ sở chế biến tại chỗ và cam kết bao tiêu sản phẩm.

Ông Bùi Văn Thành, Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí khẳng định: Từ chỗ là lĩnh vực “thế yếu”, sản xuất nông nghiệp hiện nay trên địa bàn TP Uông Bí đã và đang chuyển động mạnh mẽ. Kết quả này khẳng định sự quan tâm đầu tư, định hướng khuyến khích phát triển trúng, đúng, kịp thời của Uông Bí vào nông nghiệp.

 

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 9498 Tổng lượt truy cập 91502103