Xây dựng phát triển đô thị theo hướng thông minh - Nỗ lực của Quảng Ninh

Nhiều năm trở lại đây, khi đến Quảng Ninh du khách đều nhận thấy sự thay đổi nhanh chóng của các khu đô thị trên địa bàn. Không chỉ sầm uất, khang trang, hiện đại, các đô thị của Quảng Ninh còn được xây dựng, phát triển theo hướng thông minh.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 13 đô thị, trong đó 1 đô thị loại I trực thuộc tỉnh, 3 đô thị loại II, 2 đô thị loại III, 2 đô thị và 1 thị trấn được công nhận đô thị loại IV và 4 thị trấn được công nhận đô thị loại V. Cùng với đó, Quảng Ninh còn có 2 khu kinh tế ven biển và 3 khu kinh tế cửa khẩu. Tỷ lệ đô thị hóa của tỉnh đạt tới 67,5%. Từ tháng 10/2016, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020.

Các thông tin, số liệu trong nhiều ngành, lĩnh vực được hệ thống hiển thị thông minh nhiều lớp trên bản đồ GIS tại Trung tâm Điều hành thành phố thông minh. Ảnh: Minh Hà

Trên cơ sở đó, thời gian qua, tỉnh đã triển khai nhiều đề án thuộc đề án thông minh, như: Xây dựng trường học thông minh, bệnh viện thông minh, kiến trúc thành phố thông minh, nâng cao năng lực quan trắc môi trường tự động; xây dựng hệ thống quản lý điều hành giao thông thông minh, ứng dụng CNTT trong quản lý đô thị trên địa bàn TP Hạ Long; hoàn thiện, đưa vào vận hành hệ thống chiếu sáng thông minh tại TP Hạ Long và TP Uông Bí; xây dựng hệ thống quản lý thông minh trong ngành xây dựng...

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất trong cả nước xây dựng và ban hành kiến trúc thành phố thông minh cấp tỉnh. Tỉnh cũng đã hoàn thành xây dựng 3 bệnh viện thông minh, gồm: Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bãi Cháy và Bệnh viện Sản Nhi. Trong 7 tiêu chí đánh giá về mức độ ứng dụng CNTT tại các cơ sở của Bộ Y tế, cả 3 bệnh viện trên đều đạt từ 5-6 tiêu chí. Đây cũng là 3 bệnh viện được Hội đồng thẩm định của Cục CNTT - Bộ Y tế cho phép không in phim trong quá trình khám bệnh và cũng đã được Bộ Y tế cho phép triển khai bệnh án điện tử. Việc này không chỉ giúp bệnh viện trong công tác quản lý, điều hành mà còn mang lại hiệu quả cho công tác khám, chữa bệnh; thuận tiện cho người dân và bệnh nhân khi làm thủ tục ra, vào viện...

Nhập dữ liệu cấp phát thuốc cho bệnh nhân tại xe tiêm thông minh của Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Quảng Ninh cũng đã xây dựng được 1.432 phòng học thông minh, phòng học tương tác tại 89 trường học, bổ sung phần mềm quản lý giáo dục, xây dựng bài giảng, học liệu phục vụ chuyển đổi số trong giáo dục... Qua đó tạo sự hứng thú học tập, hình thành tư duy năng động, sáng tạo cho học sinh. Việc chuyển đổi số trong ngành giáo dục còn giúp ích rất nhiều cho việc dạy, học trực tuyến khi có dịch bệnh xảy ra tại lớp học, trường học trên địa bàn.

Tỉnh cũng đã đầu tư hệ thống wifi miễn phí với 107 điểm phát sóng trên địa bàn tỉnh, góp phần nâng cao chất lượng du lịch, phục vụ hiệu quả cho du khách. Cùng với đó, tỉnh còn rất quan tâm đến xây dựng hệ thống thông minh trong quản lý môi trường đô thị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội. Toàn tỉnh đã lắp đặt 148 trạm quan trắc tự động (19 trạm bằng nguồn ngân sách nhà nước, 128 trạm do các doanh nghiệp đầu tư), qua đó giúp kiểm soát chặt chẽ, liên tục chất lượng môi trường, không khí, cảnh báo sớm ô nhiễm môi trường.

TP Hạ Long đã lắp đặt các camera giám sát ở nhiều tuyến đường trên địa bàn phục vụ đảm bảo trật tự đô thị, an toàn giao thông; đồng thời đã lắp đặt hệ thống quản lý chiếu sáng thông minh với hơn 5.200 bóng đèn tiết kiệm năng lượng, 193 tủ điều khiển tại 55 cụm chiếu sáng trang trí, xây dựng trung tâm điều kiểm ánh sáng công cộng... Qua đó mỗi năm tiết kiệm hơn 4,1 tỷ đồng tiết kiệm điện chiếu sáng và 5,6 tỷ đồng trong chi phí quản lý, vận hành...

Phòng học thông minh tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt, TP Hạ Long giúp ích rất nhiều cho các buổi học trực tuyến khi có những lớp giáo viên phải cách ly bởi dịch bệnh Covid-19.

Đặc biệt, Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện việc xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, phần mềm nền tảng cho thành phố thông minh của tỉnh, xây dựng hình thành các hệ thống thông minh trên các lĩnh vực, từ đó hỗ trợ công tác quản lý, điều hành. Tháng 8/2019, tỉnh chính thức đưa vào vận hành thí điểm trung tâm điều hành thành phố thông minh (đặt tại trụ sở UBND tỉnh Quảng Ninh) được tích hợp dữ liệu và hệ thống sẵn có của tỉnh, giúp lãnh đạo tỉnh có cái nhìn toàn cảnh về thông tin liên quan đến các cơ quan, ban, ngành, địa phương, lĩnh vực... trên phạm vi toàn tỉnh. Với ứng dụng Smart Quảng Ninh, trung tâm cũng cung cấp nhiều thông tin, tiện ích cho người dân, cho phép tăng tính tương tác hai chiều giữa người dân và các cơ quan chính quyền. Từ cuối năm 2019 đến nay, đã có hơn 14.500 lượt tải các chỉ đạo qua hệ thống của trung tâm; đồng thời, trung tâm cũng đã tiếp nhận 342 ý kiến phản ánh của người dân, qua đó xử lý, trả lời 311 ý kiến, còn lại tiếp tục thông báo, trả lời thông qua ứng dụng.

Hiện các sở, ngành, địa phương trên địa bàn tiếp tục triển khai Kế hoạch phát triển đô thị thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2020-2025 của UBND tỉnh với mục tiêu phát triển đô thị thông minh bền vững hướng tới tăng trưởng bền vững, phát huy tiềm năng và lợi thế trên cơ sở khai thác có hiệu quả các sản phẩm của Đề án chính quyền điện tử tỉnh, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2017-2020, lấy người dân, doanh nghiệp và du khách làm trung tâm, rút ngắn khoảng cách giữa người dân với các cơ quan nhà nước thông qua ứng dụng CNTT nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24685 Tổng lượt truy cập 91529511