Xây dựng đội ngũ nhà giáo "vừa hồng, vừa chuyên"

Cách đây tròn 50 năm, trong bức thư cuối cùng gửi cho cán bộ, giáo viên ngành Giáo dục, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: “Dù khó khăn đến đâu cũng phải tiếp tục thi đua dạy tốt và học tốt… phải phấn đấu nâng cao chất lượng văn hóa và chuyên môn” đồng thời khẳng định “nhiệm vụ của các thầy giáo, cô giáo là rất quan trọng và rất vẻ vang”. Thực hiện lời dạy của Bác, đội ngũ nhà giáo của Quảng Ninh ngày càng phát triển, nâng cao về chất lượng, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay.Học sinh Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí tham gia hội nghị tập huấn chuyên đề dạy học tích cực của Sở GD&ĐT.

Một buổi tập huấn về dạy học tích cực của giáo viên tiểu học tại Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí.

Không ngừng đổi mới phương pháp dạy học

Được tham dự hội nghị tập huấn, chuyên đề sử dụng phương pháp, kĩ thuật dạy học tích cực và đổi mới phương pháp giáo dục kỹ năng sống tại Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí vào giữa tháng 11, chúng tôi nhận thấy một không khí học tập, giảng dạy rất sôi nổi. Không giống như những buổi tập huấn thông thường chỉ có cán bộ, giáo viên, buổi tập huấn này có sự tham gia của cả các em học sinh tiểu học.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó trưởng Phòng Giáo dục tiểu học, Sở GD&ĐT, cho biết: “Hội nghị tập huấn diễn ra trong 2 ngày 15 và 16/11, nhân dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11. Không khí tập huấn vô cùng sôi nổi, hào hứng, không nặng tính lý thuyết, vì giáo viên được trực tiếp giảng dạy, thực hành cùng với các em học sinh. Thông qua đợt tập huấn này, cán bộ, giáo viên cốt cán cấp tiểu học của Quảng Ninh được phát triển kỹ năng tổ chức các hoạt động học của học sinh theo các phương pháp và kĩ thuật dạy học tích cực. Cùng với đó, các thầy cô cũng được nâng cao năng lực về tổ chức, quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và các hoạt động trải nghiệm của học sinh trong nhà trường”.

Học sinh Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí tham gia hội nghị tập huấn chuyên đề dạy học tích cực của Sở GD&ĐT.

Cô giáo Nguyễn Thị Huyền, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Thanh, chia sẻ: “Với cách dạy học truyền thống, bản chất của việc dạy học là truyền thụ kiến thức, nội dung học có trong sách giáo khoa, những tài liệu giáo viên cung cấp, phương pháp dạy học chủ yếu là diễn giảng, truyền thụ. Môi trường học chủ yếu là không gian lớp học. Còn dạy học tích cực thì khác hoàn toàn. Bản chất của việc dạy học tích cực là tổ chức hoạt động nhận thức và hoạt động sáng tạo. Mục tiêu của dạy học là phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh, hướng tới đáp ứng nhu cầu trong cuộc sống của học sinh ở hiện tại và tương lai. Phương pháp dạy học tích cực chủ yếu là điều tra, khám phá, giải quyết vấn đề, học bằng tương tác. Môi trường học đa dạng, có thể trong lớp học, hoặc ở hiện trường, đời sống ngoài lớp”.

Không riêng cấp tiểu học, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, giáo viên các cấp từ cấp mầm non đến THPT trong tỉnh đều luôn cố gắng, nỗ lực, tích cực đổi mới phương pháp dạy học, gắn với các phong trào thi đua: “Dạy tốt - học tốt”, “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học, sáng tạo”. Từ các phong trào này, ngành Giáo dục tỉnh đã kịp thời khích lệ, động viên đội ngũ nhà giáo tìm tòi, sáng tạo, đổi mới giảng dạy, từ đó, nâng cao trách nhiệm nghề nghiệp, đạo đức nhà giáo, phấn đấu trở thành giáo viên dạy giỏi được học sinh tin yêu, kính trọng.

Giáo viên phát biểu ý kiến tại hội nghị tập huấn chuyên đề dạy học tích cực tại Trường Tiểu học Yên Thanh, TP Uông Bí.

Nâng cao về chất

Những năm qua, chất lượng đội ngũ nhà giáo trên địa bàn tỉnh ngày càng được nâng cao, cơ bản đáp ứng được yêu cầu và nhiệm vụ giáo dục trong giai đoạn hiện nay. Đội ngũ cán bộ, giáo viên được củng cố, cơ bản đảm bảo về chất lượng, hợp lý về cơ cấu. Toàn ngành có trên 23.000 cán bộ, giáo viên, nhân viên với trên 99% đạt chuẩn về đào tạo, trong đó trên 50% đạt trên chuẩn là nhân tố quan trọng, quyết định đến chất lượng giáo dục và đào tạo. Cụ thể, toàn tỉnh đã có trên 1.300 tiến sĩ, thạc sĩ, trên 12.500 giáo viên, cán bộ quản lý các cấp học có trình độ đại học; đồng thời thu hút được 14 tiến sĩ được đào tạo hoặc đang giảng dạy ở nước ngoài. Bộ máy tổ chức trong mỗi đơn vị trường học, trong toàn ngành thường xuyên được củng cố, sắp xếp theo hướng tinh gọn, hiệu quả theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Chương trình hành động số 21-CTr/TU ngày 5/2/2018.

Đồng chí Vũ Liên Oanh, Giám đốc Sở GD&ĐT, cho biết: Thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, phấn đấu có nhiều nhà giáo, cán bộ quản lý mẫu mực, chuyên môn giỏi, tâm huyết và trách nhiệm với nghề. Đồng thời, toàn ngành tăng cường hơn nữa các cuộc vận động và các phong trào thi đua “dạy tốt - học tốt” gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nhằm phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ, khơi dậy lòng nhiệt huyết của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý.

Các cô giáo Trường THPT Ngô Quyền, TP Hạ Long, được Bộ GD&ĐT tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong giảng dạy.

Cụ thể, đối với cán bộ quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT yêu cầu các đơn vị phải thực hiện đúng quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại cán bộ quản lý; mạnh dạn lựa chọn cán bộ trẻ có năng lực bố trí làm công tác lãnh đạo quản lý ở các cơ sở giáo dục và thay thế cán bộ lãnh đạo không đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Đối với giáo viên, Sở cũng tích cực bố trí sử dụng đội ngũ giáo viên đúng chuyên môn nghiệp vụ và theo năng lực nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác giảng dạy; có giải pháp để từng bước giải quyết tình trạng thiếu giáo viên mầm non và giáo viên tiếng Anh cấp tiểu học theo Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020.

Tin rằng, với những giải pháp thiết thực của ngành Giáo dục, đội ngũ nhà giáo của Quảng Ninh sẽ “vừa hồng, vừa chuyên”, đúng như lời dạy của Bác, từ đó, góp phần xây dựng tỉnh Quảng Ninh phát triển.

Theo Lan Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14763 Tổng lượt truy cập 91436389