Xây dựng đội ngũ cán bộ, lãnh đạo ngang tầm nhiệm vụ

Sau hơn 35 năm đổi mới, Quảng Ninh đã đạt được những thành tựu to lớn trong việc phát huy vai trò của công tác đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý, góp phần tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tiễn hiện nay đòi hỏi công tác đào tạo, bồi dưỡng phải không ngừng thay đổi cho phù hợp với xu thế phát triển, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, bởi vậy thời gian qua tỉnh luôn quan tâm tập trung triển khai đồng bộ nhiều giải pháp.

Lớp bồi dưỡng kiến thức “Quản trị an ninh và quản trị an ninh phi truyền thống”, tháng 9/2020. Ảnh: Thu Chung

Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu trong đổi mới cách thức tổ chức, quản lý; đổi mới cơ chế, chính sách phát triển KT-XH theo hướng nâng cao tính chủ động, sáng tạo; áp dụng những phương pháp tổ chức, quản lý hiện đại…

Để có được kết quả đó, tỉnh đã có nhiều đột phá trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, lãnh đạo, quản lý trên tất cả các mặt, như: Xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện, đánh giá chất lượng và hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng; đào tạo, bồi dưỡng theo chiến lược đón đầu một số chuyên ngành, lĩnh vực mũi nhọn, có thế mạnh, nhằm chuẩn bị đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, hướng đến mục tiêu xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, phục vụ; chú trọng bồi dưỡng kỹ năng, tác nghiệp theo hướng tăng thực hành, giảm lý thuyết; cập nhật kiến thức thực tiễn, kinh nghiệm xử lý tình huống; nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức trong thực thi công vụ; gắn đào tạo, bồi dưỡng với công tác tuyển dụng, sử dụng, quy hoạch và phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức…

Đặc biệt, tỉnh đã sớm ban hành các chương trình, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cho từng năm, từng giai đoạn, từng đối tượng cụ thể. Chẳng hạn như kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ đương nhiệm và trong quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện BTV Tỉnh uỷ quản lý; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn; kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ CBCC xã, phường, thị trấn người dân tộc thiểu số… Điều này tạo điều kiện cho các địa phương, cơ quan chủ động trong công tác tổ chức, quản lý và thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được hiệu quả.

Cùng với đó, tỉnh đã từng bước mở rộng và đa dạng hoá các chương trình, loại hình đào tạo, bồi dưỡng theo hướng tăng cường các lớp đào tạo tập trung và tăng cường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nguồn, đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài, đồng thời có chính sách ưu tiên đối với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ dân tộc thiểu số, cán bộ trẻ và cán bộ xuất thân từ công nhân…

CBCCVC huyện Đầm Hà và Tiên Yên tham gia lớp bồi dưỡng tiếng Anh do Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ tổ chức (tháng 1/2021). Ảnh: Nguyễn Hoa 

Trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã cử gần 8.000 lượt CBCCVC đi học các lớp lý luận chính trị; về đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ, đã cử đi đào tạo được tổng số 393 lượt CBCCVC đạt trình độ từ đại học trở lên (trong đó tiến sỹ 31 lượt; thạc sỹ 255 lượt; đại học 107 lượt). Tính đến hết năm 2020, tỷ lệ CBCCVC cấp tỉnh, cấp huyện có trình độ sau đại học là 5,24%. Về bồi dưỡng theo chức danh, tỉnh đã cử 407 lượt cán bộ đi bồi dưỡng nghiệp vụ công tác xây dựng Đảng tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị Khu vực 1. Riêng về bồi dưỡng tin học, ngoại ngữ, với mục tiêu nâng cao chất lượng đội ngũ CBCCVC đáp ứng yêu cầu thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế, tỉnh đã quan tâm đầu tư kinh phí để tổ chức các lớp bồi dưỡng tiếng Anh, tin học với tổng số 1.831 lượt (trong đó, ngoại ngữ là 576 lượt; tin học là 1.255 lượt).

Đặc biệt, không chỉ quan tâm đào tạo trong nước, thời điểm chưa có dịch Covid-19, trên cơ sở yêu cầu về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tỉnh đã tổ chức nhiều đoàn CBCCVC tham gia các lớp bồi dưỡng ở nước ngoài tại các cơ sở đào tạo bồi dưỡng có uy tín, chất lượng tại nhiều quốc gia, khu vực.

Căn cứ vào “đơn đặt hàng” của tỉnh, cơ sở đào tạo nước ngoài xây dựng, thiết kế riêng cho mỗi chương trình đào tạo bồi dưỡng và gửi đề xuất đào tạo cho tỉnh. Trên cơ sở đó, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp cùng Sở Nội vụ nghiên cứu đề xuất, đồng thời lấy ý kiến các ngành chuyên môn, tổng hợp báo cáo, xin ý kiến của Thường trực Tỉnh ủy, sau đó trao đổi với cơ sở đào tạo bồi dưỡng để điều chỉnh, bổ sung, thống nhất nội dung, kết cấu chương trình học tập và kinh phí đào tạo, bảo đảm tính thực tiễn, sát với yêu cầu của tỉnh. Tính chung từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh có hơn 600 lượt CBCCVC đi đào tạo, bồi dưỡng ở nước ngoài với tổng kinh phí gần 74 tỷ đồng (trong đó đào tạo thạc sỹ, tiến sỹ là 16 lượt; bồi dưỡng ngoại ngữ là 138 lượt; bồi dưỡng ngắn hạn là 474 lượt)…

Riêng năm 2021 do tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, thay bằng đào tạo tập trung, trực tiếp, tỉnh đã chuyển dần sang đào tạo trực tuyến; giảm thời gian đến lớp, tăng thời gian đi thực tế, tìm hiểu viết bài thu hoạch theo từng chuyên đề. Từ đầu năm đến nay, căn cứ nhu cầu đăng ký học tập của các sở, ban, ngành, địa phương, Sở Nội vụ cùng Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã tham mưu cho tỉnh mở được hơn 10 lớp đào tạo, bồi dưỡng cho trên 1.000 lượt CBCCVC với các nội dung, chương trình phù hợp, tiếp tục trang bị kiến thức, kỹ năng, phương pháp thực hiện nhiệm vụ, gắn với yêu cầu phát triển của tỉnh và nhu cầu thực tiễn của địa phương, đơn vị.

Bằng nhiều cách làm hiệu quả, phù hợp với yêu cầu thực tiễn, Quảng Ninh đã xây dựng được một đội ngũ lãnh đạo, quản lý có tâm, có tầm, có tư duy đổi mới, kịp thời phát hiện, giải quyết những mâu thuẫn trong tổ chức, quản lý KT-XH, khơi thông và phát huy nhiều tiềm lực của tỉnh để phát triển.

Trên cơ sở những kết quả đạt được, hiện tỉnh đang tích cực triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TW, Hội nghị Trung ương 7 (khóa XII) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Đây là căn cứ, định hướng quan trọng, là động lực cho cấp ủy các cấp tiếp tục đổi mới công tác cán bộ, phấn đấu đến năm 2030 Quảng Ninh xây dựng được đội ngũ cán bộ các cấp chuyên nghiệp, chất lượng cao, có số lượng, cơ cấu hợp lý, bảo đảm sự chuyển giao thế hệ một cách vững vàng, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý; đội ngũ bí thư cấp ủy và người đứng đầu đủ phẩm chất, đạo đức, tiêu chuẩn, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ; bảo đảm từ 15-20% cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh dưới 40 tuổi; từ 25-35% đủ khả năng làm việc trong môi trường quốc tế; từ 20-25% cán bộ lãnh đạo chủ chốt và ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện dưới 40 tuổi…

Theo Hoài Anh/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 13806 Tổng lượt truy cập 91758772