Vinh danh di sản thế giới cho Vịnh Hạ Long, Yên Tử: Cơ hội đi cùng thách thức

Cuối tháng 1 vừa qua, có 2 thông tin khiến nhiều người dân Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Đó là việc Chính phủ giao Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ VH,TT&DL gửi hồ sơ đề cử di sản "Vịnh Hạ Long – Quần đảo Cát Bà" tới Trung tâm Di sản thế giới UNESCO. Đồng thời, Chính phủ cũng đồng ý gửi báo cáo tóm tắt đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” đề nghị UNESCO đưa vào danh sách dự kiến lập hồ sơ Di sản thế giới.

Sức hút của Vịnh Hạ Long

f
Vịnh Hạ Long với các giá trị về thẩm mỹ và giá trị địa chất, địa mạo đã 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000.

Chúng ta đều biết rằng, di sản Vịnh Hạ Long với các giá trị về thẩm mỹ và giá trị địa chất, địa mạo đã 2 lần được công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới vào năm 1994 và năm 2000. Vẻ đẹp của Vịnh Hạ Long là không thể phủ nhận nhưng cũng phải khẳng định những thứ có được sau khi danh hiệu danh giá này được trao cho Vịnh Hạ Long. Đó là sự phát triển của du lịch nơi đây, với lượng khách du lịch trong nước và quốc tế tìm đến với Vịnh Hạ Long ngày càng nhiều hơn.

Cụ thể, từ năm 2000 đến nay, vịnh Hạ Long đã đón trên 48,3 triệu lượt khách tham quan, trong đó khách quốc tế là hơn 27 triệu lượt, góp phần quan trọng vào phát triển du lịch và kinh tế của tỉnh. Vịnh Hạ Long đã trở thành thương hiệu của du lịch Quảng Ninh, điểm đến không thể thiếu của du khách năm châu khi tới Việt Nam.

Để gìn giữ danh hiệu di sản cũng như thực hiện các khuyến cáo của UNESCO về bảo vệ môi trường Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh đã có nhiều giải pháp cụ thể, quyết liệt. Hơn 20 năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư nguồn lực thỏa đáng để nghiên cứu hàng chục đề tài khoa học cấp trung ương, cấp tỉnh, cấp cơ sở về các giá trị địa chất, địa mạo, đa dạng sinh học động vật, thực vật; khai quật khảo cổ để làm rõ nguồn gốc lịch sử sinh sống của con người trong các hang động trên Vịnh Hạ Long; đầu tư bảo tồn các giá trị văn hóa của cư dân sinh sống trên Vịnh Hạ Long và phát huy thành sản phẩm du lịch đặc sắc trên Vịnh.

f
Trong hơn 20 năm qua, Vịnh Hạ Long đã thu hút trên 48,3 triệu lượt khách tham quan.

Quảng Ninh cũng đã có quyết định di chuyển các hoạt động khai thác, sàng tuyển, bốc rót than trên Vịnh, cấm các hoạt động chuyển tải clinker, xi măng và các loại hàng hoá rời (dăm gỗ, đá các loại...) trên Vịnh Hạ Long và hàng loạt các biện pháp nhằm bảo vệ môi trường biển như xử lý nước thải la canh trên các tàu du lịch, thu gom rác thải trên Vịnh Hạ Long.

Bên cạnh đó là việc di chuyển người dân các làng chài trên Vịnh lên bờ sinh sống; cấm đánh bắt hải sản trong vùng lõi của di sản, để bảo vệ, gìn giữ tốt nhất môi trường cho đa dạng sinh học trên Vịnh Hạ Long. Đồng thời, cũng hoàn thiện hệ thống hạ tầng bến cảng khách quốc gia, quốc tế, hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật để đảm bảo phục vụ tốt hơn cho du khách...

Gần đây, với việc mở rộng địa giới khi sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long, cũng được xem là tìm ra “chìa khóa” cho yêu cầu tăng trưởng xanh, bảo vệ được môi trường và các giá trị ngoại hạng của Vịnh Hạ Long một cách bài bản, tổng thể.

Cơ hội vươn mình

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử vốn là di sản văn hoá có tính liên vùng, liên tỉnh. TS Nguyễn Văn Anh, người từng có thời gian nghiên cứu sâu về các di tích trong quần thể, khẳng định rằng, quần thể chùa tháp Hoa Yên - Long Động, Hồ Thiên - Quỳnh Lâm, Ngoạ Vân trên địa bàn Quảng Ninh, Côn Sơn - Thanh Mai tại Hải Dương và Vĩnh Nghiêm trên địa bàn Bắc Giang hiện nay, trong lịch sử có mối quan hệ tự thân, được hình thành và duy trì trên cơ sở sơn môn pháp phái của Phật giáo.

Chính vì thế, sau quá trình nghiên cứu, tìm hiểu, các nhà khoa học đã đề xuất việc lập hồ sơ “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử” đề nghị UNESCO công nhận là Di sản thế giới, gồm hệ thống các di tích có mối quan hệ mật thiết với nhau trên địa bàn 3 tỉnh kể trên.

f
Khu di tích - danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh đón cả triệu du khách gần xa hàng năm.

Thực tế, với riêng khu di tích – danh thắng Yên Tử của Quảng Ninh từ lâu đã là chốn đi, về của cả triệu du khách gần xa hàng năm. Trong đó, quần thể di tích Yên Tử tại TP Uông Bí là điểm đến linh thiêng được nhiều người truyền tụng rằng “Trăm năm tích đức tu hành/ Chưa về Yên Tử chưa thành quả tu”.

Những năm qua, từ nguồn lực của nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, Yên Tử đã được gìn giữ và đầu tư tu bổ, tôn tạo khang trang, đặc biệt là việc sắp xếp, quy hoạch lại khu vực dịch vụ dưới chân núi theo hướng lùi ra xa vùng lõi di sản, thiết kế đảm bảo tính thẩm mỹ khi mô phỏng các kiến trúc thời Trần.

Bên cạnh đó, khu di sản nhà Trần tại Đông Triều trong khoảng gần chục năm trở lại đây đã từng bước “hồi sinh” khi được khai quật khảo cổ, khẳng định các giá trị đặc sắc, riêng có. Cho đến nay, hàng loạt các công trình di tích lớn nơi đây cũng đã và đang được đầu tư, chủ yếu từ nguồn vốn xã hội hoá, như: Thái Lăng, chùa Ngoạ Vân, Trung Tiết, Quỳnh Lâm, Hồ Thiên, Thái Miếu…Cùng với đó là hệ thống đường giao thông dẫn vào các di sản, cáp treo, đường nối Yên Tử - Ngoạ Vân - Hồ Thiên…

f
Khu làng hành hương nằm trong quần thể Trung tâm Văn hoá Trúc Lâm, được doanh nghiệp đầu tư xây dựng dưới chân núi Yên Tử.

Khu di sản nhà Trần, Yên Tử đều đã được công nhận là Di tích Quốc gia từ sớm, lần lượt vào các năm 1962, 1974, tiếp đến lại tiếp tục được nâng cấp trở thành Di tích Quốc gia đặc biệt lần lượt là vào năm 2013, 2012. Sau khi được công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, có thể thấy không chỉ danh tiếng mà đi kèm đó là sự thu hút các nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, sự quan tâm của các tổ chức, cá nhân và sức hút với du khách bốn phương như đã kể trên.

Vì vậy, nếu được công nhận, tôn vinh là Di sản văn hoá thế giới chắc chắn là cơ hội để Yên Tử, khu di sản nhà Trần tại Đông Triều nói riêng và các khu di sản trong quần thể tại Bắc Giang, Hải Dương tiếp tục có bước phát triển cao hơn cả trong bảo tồn cũng như phát huy giá trị di sản.

Thách thức từ di sản liên vùng

Tuy nhiên, đi cùng với cơ hội thì thách thức cũng không nhỏ. Việc mở rộng ranh giới, phạm vi di sản khi đề cử công nhận danh hiệu Di sản thế giới cho “Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà” đồng nghĩa với hồ sơ quần thể Vịnh Hạ Long - Cát Bà giờ đây phải làm lại mới hoàn toàn, tiềm ẩn không ít nguy cơ rủi ro cho di sản Vịnh Hạ Long.

Với hồ sơ quần thể di tích - danh thắng Yên Tử lại có những khó khăn khác khi là di sản có liên quan tới địa bàn 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương và Bắc Giang. Thực tế, hồ sơ này đã triển khai nhiều năm trước và mới tái khởi động trở lại trong thời gian gần đây.

f
Chùa Quỳnh Lâm nằm trong quần thể khu di sản nhà Trần tại Đông Triều, mới được  trùng tu, tôn tạo và khánh thành vào cuối năm 2020.

Bày tỏ sự đồng tình nhưng cũng chia sẻ thẳng thắn về những khó khăn đối với hồ sơ về Yên Tử, ông Micheal Croft, Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO tại Việt Nam, khi trao đổi với chúng tôi đã nhận định: "Xin nói ngay là quá trình này rất dài, không chỉ vài tháng mà thậm chí vài năm, vì đây là một bộ hồ sơ rất phức tạp. Như chúng ta đã biết, ở cấp cao thì phải đạt được một sự đồng thuận chung về các giá trị của hồ sơ di sản, sau đó, các địa phương mới có những bước đi cụ thể. Cũng từ đó, chúng tôi mới có thể có những gợi ý theo hướng hồ sơ về di sản văn hóa hay hồ sơ di sản thiên nhiên.

Tôi cho rằng, các bạn cần tiếp tục có những nghiên cứu khoa học, mời các chuyên gia nghiên cứu theo những tiêu chí trong bộ 10 tiêu chí của UNESCO. Từ nghiên cứu của các bạn, UNESCO sẽ sẵn sàng hỗ trợ các bước tiếp theo với sự tư vấn cụ thể…"

Với các di sản liên vùng như Vịnh Hạ Long – Cát Bà hay Yên Tử, không chỉ có những khó khăn trong việc lập hồ sơ mà còn những khó khăn, thách thức trong việc tổ chức quản lý, khai thác, phát huy giá trị di sản giai đoạn “hậu” công nhận di sản thế giới (nếu đạt). Lường trước những điều này thiết nghĩ là rất cần thiết, để các địa phương có di sản nói chung và với Quảng Ninh nói riêng, có sự quan tâm chuẩn bị đầy đủ, toàn diện ngay từ bây giờ.

Theo Ngọc Mai/baoquangninh.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 26875 Tổng lượt truy cập 91953972