Về điền viên, quyết chí làm giàu

"Vui thú điền viên" là cách mà nhiều người thường chọn khi về hưu để an hưởng tuổi già. Vậy nhưng, tôi đã gặp rất nhiều người về ruộng đồng, về đồi rừng không phải để nghỉ ngơi mà để làm giàu một cách chính đáng.

Tiếp tục giấc mơ đất sét nung

Ở Quảng Ninh, những năm gần đây đã xuất hiện những mô hình sản xuất tiên tiến, những kinh nghiệm và giải pháp sản xuất kinh doanh có hiệu quả không phải chỉ đến từ những doanh nghiệp trẻ mới khởi nghiệp, mà còn xuất phát từ những cán bộ hưu trí. Người đầu tiên mà ông Hà Đăng Hạnh, Trưởng Ban đại diện Hội Người cao tuổi Quảng Ninh giới thiệu với tôi là ông Nguyễn Quang Mâu, 68 tuổi, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Gốm Đất Việt, TX Đông Triều.

Nhìn tác phong và cách làm việc của ông Nguyễn Quang Mâu, tôi không nghĩ ông là người cao tuổi. Ông Hạnh cho biết, ông Mâu đã là hội viên Hội Người cao tuổi gần chục năm rồi và còn là hội viên rất tích cực. Đó là một người cao tuổi vừa có tâm, vừa có tài, là một trong những doanh nhân tiêu biểu của tỉnh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội.

Ông Nguyễn Quang Mâu (thứ hai, phải sang) chỉ đạo công việc tại nhà xưởng.

Anh hùng Lao động Nguyễn Quang Mâu quê ở Thái Bình, ra Hạ Long làm thợ, rồi làm Giám đốc Công ty CP Viglacera Hạ Long. Sau khi nghỉ hưu, ông lại về cánh đồng xã Tràng An, TX Đông Triều, tiếp tục làm nghề gốm - vốn là niềm đam mê cả đời của mình. Năm 2009, ông Mâu cùng cộng sự bắt tay xây dựng Gốm Đất Việt. Khoảng một năm sau, Gốm Đất Việt hoàn thiện hạ tầng, bắt đầu ra mẻ hàng đầu tiên.

Nhìn lại những bước đi đã qua của ông Nguyễn Quang Mâu và Gốm Đất Việt mới cảm nhận được phần nào khí chất, bản lĩnh của một "lão tướng" doanh nhân trong nền kinh tế thị trường. Trò chuyện cùng chúng tôi, ông kể rằng: Chính cái lúc về hưu rồi, cứ nghĩ là an nhàn nhưng đó lại là những năm vất vả nhất, “tổn thọ” nhất trong cuộc đời. Sang làm kinh tế tư nhân, chúng tôi phải đối diện với cái khốc liệt kiểu “thương trường là chiến trường”. Vốn đầu tư phải tự huy động, xây dựng cơ bản xong phải lo chạy khấu hao. Sản phẩm bán ra thị trường ngay lập tức bị đối thủ cạnh tranh đẩy vào cuộc đua hạ giá, chèn ép... Có những lúc vấp phải sự quay lưng của không ít đại lý đầu mối, ngân hàng không cho vay và cả những lời ong tiếng ve, những tin đồn vỉa hè về nội bộ lủng củng... Lúc đó, Gốm Đất Việt đứng trước nguy cơ phá sản. Tuy nhiên, với ý chí và bản lĩnh của một doanh nhân kỳ cựu, ông đã khéo léo đưa doanh nghiệp từng bước vượt qua khó khăn và kinh doanh có hiệu quả.

Đến nay, Công ty Gốm Đất Việt ngày càng đứng vững trên thương trường và dần trở thành một thương hiệu mạnh. Trong 5 năm gần đây, doanh thu của Công ty đã đạt 3.362 tỷ đồng, nộp ngân sách 182 tỷ đồng, ủng hộ các hoạt động nhân đạo từ thiện trên 3,7 tỷ đồng, đảm bảo đời sống cho 1.200 lao động với mức lương bình quân 8,5 triệu đồng/người/tháng. Với niềm đam mê của mình, ông Nguyễn Quang Mâu đã đưa sản phẩm đất sét nung từ làng quê Đông Triều có mặt ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước và xuất khẩu sang 45 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, Gốm Đất Việt đã nhận giải thưởng Sao Đỏ, giải vàng Chất lượng quốc gia và nhiều bằng khen của các bộ, ngành. Cá nhân ông Nguyễn Quang Mâu nhiều năm liên tục được Trung ương Hội Người cao tuổi Việt Nam tặng bằng khen.

Về vườn nhưng không nghỉ

Người thứ hai mà tôi gặp là ông Ngô Văn Tích, 62 tuổi, hội viên Hội Người cao tuổi phường Phương Đông, TP Uông Bí. Đến khu Cửa Ngăn, hỏi ông Ngô Văn Tích ai cũng biết, bởi ông là một nông dân không những cần cù mà còn dám nghĩ, dám làm, có nhiều ý tưởng sáng tạo, đã biến khu đồi cháy trơ cằn thành trang trại.

Năm 2007, ông Tích nghỉ hưu nhưng không bằng lòng vui thú điền viên mà luôn trăn trở là còn khoẻ mình phải làm việc gì có ích cho gia đình và đóng góp cho xã hội. Ông kể: “Qua tham quan, nghiên cứu học hỏi kinh nghiệm làm ăn của bạn bè ở các tỉnh, năm 2008, tôi đã chọn vùng đất Cửa Ngăn này. Tôi lựa chọn khu vực này để mở trang trại là để xa dân, đảm bảo vệ sinh môi trường, an ninh trật tự cũng như có không khí trong lành, thuận lợi cho việc chăn nuôi. Trang trại của tôi xa môi trường công nghiệp nên đảm bảo vệ sinh rất tốt, cây trồng, vật nuôi ít bị bệnh hơn”.

Ông Tích chăm sóc thanh long.

Khu đất ông Tích chọn làm trang trại vốn là một khu rừng cháy ngổn ngang, đường sá phải tự làm, điện phải tự kéo hàng cây số mới vào được đến nơi. Nguồn nước phải dẫn từ khe núi về. Bây giờ, dưới bàn tay ông, hơn 4,5ha đất hoang đã biến thành trang trại kết hợp trồng trọt với chăn nuôi. Ông đã đầu tư trên 10 tỷ đồng để chăn nuôi lợn rừng, gà, chim bồ câu, nhím và trồng  trên 1.500 trụ cây thanh long ruột đỏ, ươm, chiết cành cây giống, đem lại lợi nhuận 2 tỷ đồng mỗi năm, tạo việc làm ổn định cho 2 lao động chính, 15 lao động thời vụ. Ông Ngô Văn Tích còn nêu gương sáng trong các hoạt động từ thiện, tích cực truyền kinh nghiệm, kiến thức cho thế hệ trẻ, giúp giống, vốn cho nhiều nông dân khác.

Cũng ra Quảng Ninh lập nghiệp, ông Vũ Minh Thường, 64 tuổi ở thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, vươn lên làm giàu từ hai bàn tay trắng. Từ một vùng quê nghèo của Hải Dương, ông Thường đưa vợ con ra Hoành Bồ chọn Sơn Dương để phát triển kinh tế đồi rừng. Năm 2012, ông Thường được chọn làm điểm trong mô hình trồng thanh long ruột đỏ và trồng ổi Đài Loan ở Hoành Bồ. Từ 400m2 vườn nhà, ông trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao. Tiếp tục phát triển mô hình trồng cây ăn quả, ông Thường đã chuyển diện tích đất trồng keo tai tượng đã thu hoạch sang trồng 1.000m2thanh long ruột đỏ, 4.500m2 trồng bưởi da xanh, 4.000m2 trồng ổi Đài Loan. Ông còn kết hợp nuôi lợn, gia cầm và thả cá.

Ông Thường cho biết, sau khi trừ chi phí, thu nhập từ cây ăn quả của gia đình ông trong năm 2017 là 220 triệu đồng, từ chăn nuôi 50 triệu đồng, lâm nghiệp 40 triệu đồng. Ngoài ra ông Thường còn mở dịch vụ xay xát gạo, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động. Ông Thường khoe với chúng tôi, những con số vừa kể chưa nhắc đến bưởi da xanh vì 230 gốc bưởi của ông năm tới mới bói quả. Dù ông không nói ra nhưng chúng tôi thấy được vẻ mặt đầy tin tưởng vào những cây bưởi đang bước vào thời kỳ cho trái.

Ông Vũ Minh Thường thu hoạch ổi Đài Loan.

Chúng tôi đã gặp nhiều người như ông Mâu, ông Thường, ông Tích trong số gần 100 đại biểu được hội Người cao tuổi các địa phương giới thiệu về dự hội nghị biểu dương người cao tuổi tiêu biểu làm kinh tế giỏi tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2012-2017.

Nhìn chung, người cao tuổi lao động để làm giàu không có giới hạn tuổi tác. Còn sức khỏe là họ còn lao động, còn tìm cách phát triển kinh tế. Mỗi người có cách làm khác nhau, thành công và những khó khăn đan xen, đều là những người "Tuổi cao - gương sáng". Họ làm kinh tế không chỉ cho mình, mà còn cho con cháu, cho cộng đồng xã hội, mục tiêu kinh tế, tăng thu nhập đi liền với giúp đỡ người nghèo và các hoạt động từ thiện, nhân đạo.

Theo thống kê, Quảng Ninh hiện có 124.650 người cao tuổi, chiếm 10% dân số toàn tỉnh, trong đó có tới 70% người cao tuổi còn sức khỏe vẫn đang tham gia lao động sản xuất, kinh doanh trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Người cao tuổi làm kinh tế giỏi chính là phát huy nội lực, đồng thời phát huy vai trò trong xã hội. Khi họ sống vui, sống khỏe, sống có ích và là những điển hình làm kinh tế giỏi, là gương sáng trong các hoạt động xã hội thì sẽ tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ đối với đông đảo các tầng lớp nhân dân.

Theo Huỳnh Đăng/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19036 Tổng lượt truy cập 91833181