Uông Bí kiểm tra đột xuất các đại lý, cơ sở bán hàng tạp hóa, bánh kẹo tại các cổng trường học

Ngày 25/11/2023, tại Trường THCS thị trấn Cái Rồng huyện Vân Đồn đã xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc thực phẩm. 05/126 học sinh của trường sau khi sử dụng loại kẹo vỏ màu xanh nước biển, nhãn mác Haiyan đã xuất hiện triệu chứng đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, tức ngực, khó thở, tê môi và được theo dõi, điều trị tại Trung tâm Y tế huyện. Tiếp đó ngày 27/11/2023 tại Trường THCS và THPT Hoành Mô huyện Bình Liêu, một số học sinh ăn kẹo có chữ nước ngoài, sau đó bị đau đầu nhẹ, buồn nôn; trong đó có 1 cháu nhập viện với triệu chứng như trên.

Thực hiện Công văn số 814/CCATTP ngày 28/11/2023 của Chi cục ATTP tỉnh về việc Tăng cường các biện pháp bảo đảm ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để xảy ra ngộ độc thực phẩm và sự cố về an toàn thực phẩm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là các em học sinh trên địa bàn thành phố, ngày 30/11, Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP thành phố Uông Bí phối hợp với các xã, phường trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra đột xuất tại 27 đại lý, cơ sở bán hàng tạp hóa, bánh kẹo tại các cổng trường Tiểu học và THCS trên địa bàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành thành phố kiểm tra tại các đại lý, cửa hàng tạp hoá, bánh kẹo tại các cổng trường học.

Tại thời điểm kiểm tra, không phát hiện loại kẹo theo Công văn của Chi cục ATTP tỉnh và báo cáo của hai địa phương huyện Vân Đồn và huyện Bình Liêu về việc học sinh ăn kẹo có hiện tượng ngộ độc thực phẩm. Tuy nhiên Đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều loại sản phẩm đóng bao gói sẵn, không có nhãn chữ Việt Nam, không có tem nhãn mác theo quy định.

Một số sản phẩm bánh, kẹo không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn chữ Việt Nam, không có tem nhãn mác theo quy định được bày bán đã bị tiêu huỷ.

Đoàn kiểm tra đã yêu cầu các chủ cơ sở tự tiêu hủy các loại thực phẩm không đảm bảo trên, giá trị hàng tiêu hủy ước tính trên 15 triệu đồng. Đoàn kiểm tra cũng tuyên truyền cho chủ cơ sở kinh doanh về các điều kiện đảm bảo ATTP khi kinh doanh, chú ý về hạn sử dụng, nguồn gốc xuất xứ; không kinh doanh các loại thực phẩm bao gói sẵn mà không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc, không có phụ đề tiếng Việt; đồng thời, ký cam kết thực hiện nghiêm túc các quy định về ATTP.

Qua đây cho thấy, các nhà trường trên địa bàn thành phố cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho học sinh và phụ huynh không nên mua và ăn các loại thực phẩm bao gói sẵn không rõ nguồn gốc, không có phụ đề chữ Việt Nam. Bên cạnh đó, các phòng, ban, ngành chức năng và Uỷ ban nhân dân các xã, phường cần tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về các biện pháp đảm bảo ATTP để người dân nhận biết và thận trọng trong lựa chọn thực phẩm; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra theo chuyên ngành, phát hiện và xử lý nghiêm đối với các cơ sở vi phạm.

Thanh Hương

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 19231 Tổng lượt truy cập 92004528