Uông Bí: Đổi mới ở khối doanh nghiệp

Dịch Covid-19 kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới mọi mặt đời sống, KT-XH. Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và TP Uông Bí nói riêng đang bị tác động rất lớn, nhất là đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ. Để vượt qua thử thách này, địa phương đã có những giải pháp, còn doanh nghiệp đã và đang chuyển đổi mô hình, tổ chức lại sản xuất, kinh doanh, nhằm thích ứng với tình hình mới.

Đoàn công tác của TP Uông Bí làm việc với Công ty Xi măng và Xây dựng Quảng Ninh để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư và mở rộng sản xuất kinh doanh.

TP Uông Bí hiện có trên 900 doanh nghiệp đang hoạt động. Trong bối cảnh khó khăn chung bởi nền kinh tế chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, các doanh nghiệp chịu không ít tác động bất lợi. Để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp nhanh chóng nắm bắt thông tin, tiếp cận với hướng phát triển của địa phương, hằng tháng, thành phố đều tổ chức gặp gỡ doanh nghiệp nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp. Trong tháng 4, thành phố đã tổ chức hội nghị giải quyết các kiến nghị của ngành than, điện và xi măng, đồng thời đề nghị các doanh nghiệp này tạo điều kiện trong tiêu thụ nông sản và đồng hành để phát triển cùng thành phố.

Đáng chú ý, đầu tháng 8 vừa qua, Uông Bí đã thành lập Tổ hỗ trợ đầu tư và kinh doanh (UBIC), đây là nét mới của thành phố, trong đó thay vì chỉ tập trung vào thu hút đầu tư như trước, nay sẽ cùng quan tâm, tạo điều kiện cho các dự án, doanh nghiệp sau đầu tư. Phó Chủ tịch UBND TP Uông Bí Nguyễn Đức Tiệp cho biết: Nhiệm vụ của UBIC sẽ nắm bắt những khó khăn, vướng mắc, đề xuất giải pháp kịp thời hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp, hộ kinh doanh thực hiện dự án đầu tư, hoạt động kinh doanh trên địa bàn thành phố; định kỳ hằng tháng chủ trì làm việc, theo dõi và tổng hợp công tác hỗ trợ, giải quyết khó khăn, vướng mắc cho nhà đầu tư, doanh nghiệp và hộ kinh doanh.

Đến thời điểm này, UBIC đã làm việc với 7 doanh nghiệp, tổng hợp 28 ý kiến, kiến nghị. Ngay sau mỗi buổi làm việc, UBIC đều có thông báo kết luận và phân công từng phòng, ban tham mưu cho lãnh đạo thành phố giải quyết theo thẩm quyền. Những kiến nghị không thuộc thẩm quyền của địa phương sẽ chuyển các sở, ngành liên quan giải quyết.

Sản xuất tùng hương tại Công ty CP Thông Quảng Ninh.

Cùng với việc hỗ trợ từ địa phương, các doanh nghiệp cũng chủ động có các giải pháp phù hợp thực tế để vượt qua khó khăn. Nhiều sáng kiến đã được triển khai nhằm khắc phục tác động tiêu cực của dịch bệnh như: Áp dụng giờ làm linh hoạt; tổ chức cho cán bộ, công nhân ở lại tại nhà máy để sản xuất đáp ứng thời hạn đơn hàng; chủ động cắt giảm chi phí sản xuất; tìm kiếm nguồn cung nguyên, vật liệu thay thế. Khi dịch bệnh tại Uông Bí được kiểm soát, các doanh nghiệp đã nhanh chóng ổn định sản xuất kinh doanh và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là tập trung khai thác thị trường nội địa, nhanh nhạy nắm bắt cơ hội kinh doanh mới; ứng dụng công nghệ số trong sản xuất kinh doanh...

Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp đang phải đối mặt với những khó khăn trong việc duy trì hoạt động sản xuất, nguồn vốn hoạt động sản xuất kinh doanh cũng là một trong những áp lực nặng nề khiến cho các doanh nghiệp khó lòng xoay xở. Tuy nhiên, với tinh thần vượt khó, bằng sự hỗ trợ của địa phương, bằng năng lực và sự đoàn kết, hiện các doanh nghiệp của Uông Bí đang duy trì hoạt động sản xuất, góp phần phát triển kinh tế của địa phương. Theo thống kê, tổng thu NSNN 9 tháng năm 2021 của thành phố đạt 2.650 tỷ đồng, trong đó 80% tổng thu đều từ đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp.

Theo Thu Trang/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16680 Tổng lượt truy cập 91937845