Ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của BHXH

Trong những năm qua, BHXH luôn là lĩnh vực được đánh giá cao trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, từ đó nâng cao chất lượng hoạt động của ngành và mang lại lợi ích thiết thực cho người tham gia.

Thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030 của Chính phủ (Đề án 06); tháng 3/2023, BHXH Việt Nam đã ban hành kế hoạch triển khai Đề án này. Để thực hiện hiệu quả, BHXH Quảng Ninh đã tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin.

Cán bộ phụ trách BHXH của Công ty Than Thống Nhất hướng dẫn người lao động kê khai thủ tục hưởng chế độ BHXH, BHYT theo quy định. Ảnh: Dương Trường

Cụ thể, ngành đã rà soát, tái cấu trúc các thủ tục hành chính (TTHC) của BHXH nhằm đáp ứng yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC… Toàn ngành tập trung đẩy mạnh công tác cải cách hành chính (CCHC) theo hướng sát với điều kiện, tình hình thực tế của ngành và địa phương, đơn vị; đảm bảo về cải cách thể chế; thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; cải cách tổ chức bộ máy; xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức; hiện đại hóa nền hành chính, tạo môi trường thuận lợi, minh bạch và cắt giảm tối đa về thời gian, chi phí cho công dân, tổ chức, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về BHXH.

Hàng năm BHXH tỉnh tập trung rà soát, đơn giản hóa các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, cắt giảm từ 115 thủ tục (năm 2015) xuống còn 25 thủ tục (năm 2021). Việc tiếp nhận và giải quyết TTHC của tổ chức, cá nhân được BHXH tỉnh tổ chức thực hiện đúng quy trình, quy định, đảm bảo việc thực hiện công khai, minh bạch, đúng trình tự, thủ tục và trả kết quả kịp thời.

Không chỉ trong tái cấu trúc TTHC mà ứng dụng công nghệ thông tin được BHXH tỉnh thực hiện trong rất nhiều khâu, lĩnh vực mà ngành đang thực hiện. Hiện tại, BHXH tỉnh đang sử dụng và khai thác nghiệp vụ trên 19 phần mềm ứng dụng CNTT.

Nhân viên Bệnh viện Đa khoa tỉnh chuyển hồ sơ bệnh án điện tử của bệnh nhân bảo hiểm y tế cho BHXH xã hội tỉnh qua phần mềm ứng dụng.

Tiêu biểu, BHXH tỉnh đã số hóa và tái sử dụng kết quả số hóa hồ sơ có liên quan đến thông tin giấy tờ cá nhân trong tiếp nhận, giải quyết TTHC để cập nhật, bổ sung vào cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư; phối hợp cùng Công an tỉnh rà soát, làm sạch thông tin công dân phục vụ Đề án 06. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh đã đồng bộ với CSDL quốc gia về dân cư cho khoảng 1.241.800 người, đạt tỷ lệ đồng bộ 97,1%.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh và BHXH Việt Nam về không sử dụng tiền mặt, BHXH tỉnh chủ động xây dựng kế hoạch, triển khai dịch vụ trả lương hưu, trợ cấp BHXH qua tài khoản ATM; giao chỉ tiêu vận động, khuyến khích phát triển ATM cho các phòng nghiệp vụ và BHXH tuyến huyện triển khai.

Hàng tháng, BHXH tỉnh chủ động phối hợp Bưu điện tỉnh, các Ngân hàng thương mại đến từng điểm chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH để tuyên truyền, vận động, tư vấn và làm thủ tục mở thẻ ATM cho người dân ngay tại các điểm chi trả lương hưu và trợ cấp trên địa bàn tỉnh. Đến hết năm 2023, trong số 144.173 người hưởng trợ cấp BHXH, bảo hiểm thất nghiệp thì đã có tới 68.478 người nhận qua thẻ ATM, đạt tỷ lệ 47,5%.

Về đảm bảo hạ tầng kỹ thuật phục vụ kết nối, chia sẻ thông tin với các bộ, ngành, địa phương, ngành cũng đã triển khai liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử qua Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống giám định bảo hiểm y tế (BHYT). Hiện BHXH tỉnh đã thực hiện cung cấp 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên Cổng Dịch vụ công của Ngành BHXH Việt Nam; tích hợp, cung cấp 13 dịch vụ công của Ngành trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia.

Ngành còn kết nối, trao đổi, đối soát dữ liệu tự động 2 chiều với ngành Thuế; kết nối chia sẻ dữ liệu với Sở Kế hoạch và Đầu tư để kịp thời rà soát, cập nhật đối tượng trong diện tham gia BHXH, BHYT bắt buộc; thực hiện chung trong toàn ngành về kết nối, liên thông với Bộ Tư pháp dữ liệu khai sinh, khải tử để phục vụ cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 6 tuổi và giải quyết, chi trả chế độ tử tuất, mai táng phí; kết nối liên thông với 100% cơ sở khám chữa bệnh sử dụng CCCD gắn chíp thay thẻ BHYT giấy khi đi KCB BHYT...

Việc tích hợp cung cấp dịch vụ công đăng ký đóng, cấp thẻ BHYT đối với người chỉ tham gia BHYT cũng được ngành triển khai mạnh. Hiện BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch triển khai cung cấp 2 nhóm dịch vụ công liên thông “Đăng ký khai sinh - đăng ký thường trú - Cấp thẻ BHYT cho trẻ em dưới 06 tuổi” và “Đăng ký khai tử - Xóa đăng ký thường trú - Trợ cấp mai táng, hỗ trợ mai táng” trên địa bàn tỉnh.

Việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động đã giúp ngành BHXH hoàn thành hiệu quả các nhiệm vụ được giao, góp phần đảm bảo tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Theo Thu Nguyệt/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 20200 Tổng lượt truy cập 91835392