“Tự chỉ trích”, một tác phẩm xuất sắc về xây dựng chỉnh đốn Đảng

Vào những năm 1937-1938, Mặt trận dân chủ Đông Dương đã giành được thắng lợi trong các cuộc bầu cử Hội đồng dân biểu ở Trung Kỳ và Bắc Kỳ. Nhưng trong cuộc bầu cử Hội đồng quản hạt Nam Kỳ tháng 4/1939, Mặt trận dân chủ đã không thu được thắng lợi như mong muốn. Tình hình đó khiến cho một số cán bộ, đảng viên có những nhận xét không đúng về đường lối của Đảng, thậm chí còn công kích đường lối của Đảng.

Tác phẩm "Tự chỉ trích" (Nguồn Internet).

Với bút danh Trí Cường, đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã viết cuốn “Tự chỉ trích” (Tác phẩm được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua, in và phát hành vào ngày 20/7/1939) nêu rõ mục đích, nội dung, phương pháp tự phê bình, phê bình của người đảng viên, qua đó đấu tranh chống lại những tư tưởng, nhận thức sai trái nhằm giữ vững và phát huy đoàn kết, thống nhất trong Đảng.

Mục đích của tác phẩm “Tự chỉ trích” để thông qua việc phê bình và tự phê bình trong Đảng “tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, H. 2000, tập 6, tr.620). Đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã chỉ rõ “Người cộng sản có bổn phận nói sự thật với quần chúng, dẫn đường cho quần chúng chớ không phải theo đuôi họ, hay phỉnh họ… Và dẫu cho có sai lầm, có thất bại thì phải có can đảm “mở to mắt ra nhìn sự thật” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.627). “Chúng ta không bao giờ có thể đổ hết những nguyên nhân thất bại cho việc quân thù đàn áp và cử tri chưa giác ngộ. Chúng ta phải biết nhìn nhận những khuyết điểm về chủ quan mà chính ta gây ra, chính ta phải chịu hoàn toàn trách nhiệm” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624). Đồng chí nhấn mạnh: “Phê bình Đảng là để thống nhất tư tưởng, để rèn luyện mình, để đề cao uy tín và ảnh hưởng của Đảng, nhằm làm cho Đảng ngày càng mạnh và cách mạng ngày càng phát triển. Muốn vậy, phê bình phải nắm vững mục đích xây dựng Đảng, xây dựng đồng chí mình, không được đả kích hoặc cường điệu những sai lầm khuyết điểm của đồng chí mình” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.645).

Nội dung đấu tranh phê bình và tự phê bình nhằm: (1) Uốn nắn những lệch lạc trong phong trào dân chủ như chủ quan, tả khuynh, hữu khuynh, nội bộ mất đoàn kết; sai lầm trong phương thức vận động quần chúng… Những sai lầm, khuyết điểm này ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới việc thực hiện các mục tiêu chiến lược và sách lược cách mạng của Đảng. Đồng chí Nguyễn Văn Cừ cho rằng “Đảng có bổn phận phải phân tích xác thực hoàn cảnh, không bi quan, hoảng hốt mà cũng không đắc chí tự mãn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa chữa và tiến thủ” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.620). (2) Thấy rõ khuyết điểm, sai lầm để sửa chữa và phải  chiến thắng những xu hướng sai lầm trong hàng ngũ Đảng như xu hướng “tả khuynh”, cô độc nó muốn làm Đảng co bé, rút hẹp bởi biệt phái, cách xa quần chúng và xu hướng thỏa hiệp, hữu khuynh, lung lay trước tình hình nghiêm trọng, nhãng quên, hoặc che lấp sự tuyên truyền của Chủ nghĩa Mác - Lênin, lăm le rời bỏ những nguyên tắc cách mệnh.

Phương pháp phê bình và tự phê bình: Tác phẩm “Tự chỉ trích” yêu cầu: “Phê bình và tự phê bình phải tôn trọng sự thật, công khai, mạnh dạn, thành thực vạch những lỗi lầm của mình và tìm phương châm sửa đổi, chống những xu hướng hoạt đầu, thỏa hiệp, như thế không phải làm yếu Đảng, mà là làm cho Đảng được thống nhất, mạnh mẽ. Làm như thế không sợ bị địch lợi dụng, chửi rủa, vu cáo cho Đảng, không sợ nối giáo cho giặc. Trái lại, nếu đóng kín cửa bảo nhau, giữ cái vỏ thống nhất bề ngoài mà bên trong thì hổ lốn một cục, đó mới chính là để cho quân thù chửi   rủa…” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624).   Đồng   chí   nhấn   mạnh: “Không mạnh dạn, thẳng thắn đấu tranh phê bình và tự phê bình trong Đảng thì đó không phải một Đảng tiền phong cách mạng mà là một Đảng hoạt đầu cải lương” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.625). Đồng chí còn chỉ rõ: “Mỗi đảng viên có quyền tự do thảo luận, tự do chỉ trích, miễn là sự thảo luận luôn luôn mang tinh thần Bôn-sê-vich, không làm giảm uy tín của Đảng, nhằm làm cho kẻ thù không thể hí hửng tìm ở đây một sự chia rẽ hay mầm bè phái gì giữa những người cộng sản. Vì trong thảo luận, tiểu số phục tùng đa số, chỉ có một ý chí duy nhất là ý chí của Đảng, nghìn người như một để thực hành ý chí ấy” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.625).

Phê bình và tự phê bình phải giữ vững nguyên tắc Lê-nin-nít trong đấu tranh cách  mạng, trong xây dựng Đảng, đồng chí khẳng định: “Bao giờ sự chỉ trích cũng là tự chỉ trích Bôn-sê-vich, nghĩa là để huấn luyện quần chúng và giúp đảng viên tự huấn luyện để làm tăng uy tín và ảnh hưởng của Đảng, để cho Đảng càng được thống nhất và củng cố, để đưa phong trào phát triển lên, đưa cách mạng tới thắng lợi; chớ không phải đặt cá nhân mình lên trên Đảng, đem ý kiến riêng - dù cho đúng - đối chọi với Đảng, vin vào một vài khuyết điểm mà mạt sát Đảng, phá hoại ảnh hưởng của Đảng, giao mối hoài nghi, lộn xộn trong quần chúng, gây mầm bè phái, chia rẽ trong hàng ngũ Đảng” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.623). “Phê bình và tự phê bình phải đặt lợi ích của Đảng, của dân tộc lên trên hết. Đối với uy tín của Đảng thì danh dự cá nhân mình không có nghĩa lý gì, hay nói đúng ra không có nữa, vì một người đảng viên cộng sản chỉ biết lấy uy tín, lấy danh dự chung của toàn Đảng làm danh dự của mình thôi” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.624). Khi phê bình và tự phê bình “Phải đứng về lợi ích, về công cuộc của dân chúng mà chỉ trích những khuyết điểm, những chỗ lừng chừng hoặc hèn nhát để đẩy phong trào phát triển rộng rãi, mạnh mẽ hơn” (Tự chỉ trích, Văn kiện Đảng toàn tập, Sđd, tr.640). Như vậy, “Tự chỉ trích” đã góp phần sửa chữa những khuyết điểm của Đảng về tổ chức, lề lối làm việc của thời kỳ trước, xây dựng, củng cố và chỉnh đốn đảng, tổ chức lại các hoạt động của Đảng chống lại tư tưởng cô độc, hẹp hòi trong hàng ngũ Đảng, đáp ứng sự phát triển của phong trào cách mạng trong tình hình mới.

Giá trị lịch sử và ý nghĩa của tác phẩm “Tự chỉ trích”

“Tự chỉ trích” - một tác phẩm không chỉ thể hiện sự sắc sảo về chính trị, lý luận và thực tiễn để tìm ra những nguyên nhân thất bại và nghiên cứu phương pháp sửa lỗi và tiến thủ, mà còn chỉ dẫn cho chúng ta về tính đảng, tính nguyên tắc, tính kiên định cách mạng, cũng như về đạo đức trong phê bình và tự phê bình.

Tác phẩm đã góp phần quan trọng vào việc giáo dục, giác ngộ chính trị cho đảng viên, tập hợp lực lượng quần chúng trong Mặt trận Dân chủ Đông Dương, chống lại bọn Tờ-rốt-kít và khắc phục tình trạng bất đồng ý kiến xuất hiện trong Đảng lúc đó. Chính đồng chí Nguyễn Văn Cừ đã trực tiếp tham gia vào cuộc bút chiến phê phán những sai lầm “tả” khuynh về quan điểm chính trị, sai lầm về nguyên tắc tổ chức, về phê bình và tự phê bình, về đoàn kết trong Đảng. Đồng thời xác định rõ những vấn đề chiến lược, sách lược của Đảng. Đây là một tác phẩm tổng kết thực tiễn sâu sắc, đóng góp quý báu vào kho tàng lý luận của Đảng ta.

“Tự chỉ trích” còn có giá trị chuẩn bị về mặt lý luận và tư tưởng cho thành công của Hội  nghị  toàn  thể  Ban  Chấp  hành  Trung ương tháng 11/1939, tức là hai tháng sau chiến tranh thế giới thứ hai bùng nổ. Trong hội nghị này, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ và Ban Chấp hành Trung ương đã nhanh chóng quyết định chuyển hướng chiến lược và phương pháp cách mạng của Đảng phù hợp với thực tiễn thời cuộc lúc đó.

“Tự chỉ trích” là một văn kiện lịch sử của Đảng, đã uốn nắn kịp thời những lệch lạc trong phong trào dân chủ, tăng cường sự thống nhất ý chí và hành động trong Đảng. Tác phẩm là một văn kiện tổng kết thực tiễn những kinh nghiệm của Đảng trong thời kỳ Mặt trận dân chủ, là một đóng góp có giá trị vào kho tàng lý luận và chính sách về Mặt trận dân tộc thống nhất; về thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong Đảng của Đảng ta.

Theo bacninh.gov.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 16680 Tổng lượt truy cập 91884580