TP Uông Bí: Tái cơ cấu kinh tế nông nghiệp - Nâng cao giá trị trên từng diện tích canh tác

Để nâng cao giá trị kinh tế nông nghiệp, mới đây TP Uông Bí đã thông qua Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030. Nét mới của Đề án là xác định bối cảnh diện tích canh tác sẽ ngày càng bị thu hẹp, từ đó ưu tiên những mô hình sản xuất công nghệ cao, có liên kết. Đây được coi là cơ hội bứt phá cho lĩnh vực kinh tế nông nghiệp Uông Bí trong thời gian tới đây.

Nền tảng nhiều thuận lợi

Nhìn lại bức tranh nông nghiệp Uông Bí những năm qua, nét nổi bật ấn tượng là vùng vải chín sớm Phương Nam trở thành vùng hàng hóa, vùng canh tác thanh long đỏ tập trung, các mô hình nuôi tôm trong nhà, nuôi gà công nghệ cao điển hình...

Với đặc thù chín sớm hơn các vùng vải khác, quả vải chín sớm Phương Nam luôn có ưu thế nhất định trên thị trường. Kể từ năm 2017 trở về đây, khi TP Uông Bí đầu tư mạnh cho việc xây dựng và phát triển thương hiệu, hình thành vùng vải VietGAP, tiến tới canh tác theo hướng hữu cơ, mở rộng diện tích cây vải... Quả vải chín sớm Phương Nam đã tăng cao về sản lượng và giá trị. Hiện vùng vải chín sớm Phương Nam quy mô gần 400ha, trong đó, khoảng 290ha đã được chứng nhận VietGAP. Trung bình mỗi năm người dân Phương Nam thu hoạch từ 3.000-4.000 tấn quả, doanh thu 80-100 tỷ đồng, cao hơn 70-100% so với giai đoạn trước năm 2018.

Giai đoạn 2015-2020, TP Uông Bí đã xây dựng được vùng khoảng gần 100ha trồng thanh long tập trung, đạt sản lượng tương đối lớn.

Ngoài quả vải, Uông Bí có khoảng gần 100ha cây thanh long, mang lại nguồn thu tương đối cho người dân. Nhiều mô hình nuôi tôm, nuôi gà của Uông Bí đã mang tính chất nông nghiệp đô thị, canh tác trên diện tích nhỏ, trong nhà, có hàm lượng khoa học công nghệ cao ứng dụng vào sản xuất lớn, từ đó tạo được giá trị cao...

Mặc dù có những điểm nhấn nhất định, nhưng nhìn về tổng quan chung thì giá trị trên từng diện tích canh tác nông nghiệp của Uông Bí chưa cao. Cơ cấu cây trồng, vật nuôi của Uông Bí chưa thực sự phù hợp, diện tích canh tác một vụ hoặc bỏ hoang còn lớn, tình trạng đàn lợn chưa được tái đàn sau cơn bão dịch tả lợn châu Phi kéo dài... Đặc biệt, chưa phát huy được các diện tích rừng sản xuất. Phần lớn người dân trồng rừng gỗ nhỏ (thu hoạch sau 5-6 năm trồng) đối với các loại cây hại đất như keo, bạch đàn...

Phát triển trong bối cảnh ít đất canh tác

Theo chiến lược phát triển đến năm 2025, định hướng năm 2030, Uông Bí xác định là vùng công nghiệp, thương mại, dịch vụ sôi động, kéo theo đó các công trình hạ tầng đô thị. Trung tâm kinh tế chính trị của thành phố cũng chuyển dịch dần về phía Nam, nơi đang là diện tích canh tác nông nghiệp màu mỡ.

Theo ông Nguyễn Đức Tiệp, Phó Chủ tịch UBND thành phố phụ trách lĩnh vực nông nghiệp, trong bối cảnh này, nông nghiệp sẽ bị thu hẹp về diện tích, nhưng bù lại ngày càng xuất hiện những mô hình nông nghiệp công nghệ cao, mô hình sản xuất sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị, những loại hình nông nghiệp kết hợp dịch vụ, du lịch, đa mục đích, đa giá trị, lợi nhuận cho nông dân sẽ tăng lên.

Khách hàng Hải Phòng mua cá trắm đen tại khu vực nuôi thủy sản Trưng Vương.

Từ nhận định này, TP Uông Bí xác định: Đến năm 2025, Uông Bí sẽ thay đổi diện tích canh tác lúa giảm từ hơn 2.000ha như hiện nay, xuống khoảng dưới 1.000ha; diện tích đất nuôi trồng thủy sản cũng giảm từ trên 1.000ha hiện nay, xuống khoảng dưới 700ha. Bù lại, diện tích rau xanh, hoa và cây cảnh sẽ tăng lên gấp đôi với khoảng 400ha rau và 500ha chuyên hoa.

Đặc biệt sẽ xuất hiện các trang trại, gia trại, nông trang kết hợp với các hoạt động du lịch trải nghiệm, thưởng thức nông sản và trưng bày, giới thiệu, mua bán sản phẩm chế biến từ nông sản. Ví dụ như các mô hình trồng cây mơ lông, sim, vải chín sớm Phương Nam, thanh long, mai vàng Yên Tử, hoa và cây cảnh các loại, chuối các loại, mô hình câu cá giải trí tại các vùng nuôi trồng thủy sản, mô hình du lịch dã ngoại và thưởng thức động vật nuôi dưới tán rừng gỗ lớn...

Trong Đề án tái cơ cấu nông nghiệp của Uông Bí, gần 10.000ha rừng sản xuất hiện nay sẽ là dư địa phát triển lớn nhất. Phần lớn diện tích này nằm ở phía Bắc thành phố, nơi ít có sự dịch chuyển, ít nhất trong khoảng 10 năm tới. Trên cơ sở này, TP Uông Bí tăng cường vận động chuyển đổi phương thức từ trồng rừng gỗ nhỏ (dưới 6 năm) sang rừng gỗ lớn (trên 10 năm) với các loại cây rừng bản địa, giá trị cao như thông, quế, lim, giổi, lát... Đồng thời, áp dụng chính sách phát triển kinh tế dưới tán rừng, thu hút đầu tư vào chế biến lâm sản.

Có thể thấy đối với mục tiêu phát triển kinh tế rừng bền vững, theo đó giai đoạn 2015-2020, TP Uông Bí kết hợp với doanh nghiệp mở rộng vùng trồng cây thông, nâng tổng số diện tích rừng thông toàn địa bàn gần 4.000ha. Năm 2021, thành phố rà soát, xác định quỹ đất trồng rừng, vận động, giao chỉ tiêu các địa phương có rừng đăng ký chuyển đổi từ cây keo sang cây gỗ lớn, đặc biệt là trồng cây quế, cây mắc ca. Năm nay, ngay từ những ngày đầu năm, thành phố đã phát động phong trào trồng rừng gỗ lớn với mục tiêu 50ha lim, giổi, lát và hàng trăm ha rừng gỗ lớn khác. Cùng với đó, dự kiến đưa ra một số gói hỗ trợ về phát triển kinh tế dưới tán rừng.  

Xí nghiệp bia Thăng Long sơ chế quả mơ Yên Tử để chế biến làm đồ uống.

Để Đề án tái cơ cấu nông nghiệp giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 thành công, TP Uông Bí đã dự trù gói kinh phí đầu tư trên 260 tỷ đồng, trong đó nguồn vốn ngân sách là trên 56 tỷ đồng, chiếm trên 20%. Ngay trong năm 2022 này, mục tiêu là nguồn vốn ngân sách đầu tư cho nông nghiệp đạt tối thiểu 9 tỷ đồng, trước mắt đầu tư cho 6 mô hình khuyến nông, 5 mô hình liên kết sản xuất và rừng gỗ lớn. TP Uông Bí tập trung vào những chương trình sản xuất nông nghiệp có thể huy động mức cao nhất sự tham gia đối ứng của người dân, doanh nghiệp, tạo ra sự sôi động trong khu vực kinh tế này.

Theo Việt Hoa/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 25523 Tổng lượt truy cập 91898650