TP Uông Bí: Đẩy mạnh phát triển sản phẩm Du lịch

Thành phố Uông Bí nằm trong tam giác động lực phát triển Hà Nội – Hải Phòng – Quảng Ninh; có vị trí chiến lược quan trọng ở vùng Đông Bắc Việt Nam; là trung tâm khu vực phía Tây của tỉnh Quảng Ninh. Uông Bí không những được biết đến là khu vực có trữ lượng than lớn nhất tỉnh Quảng Ninh mà còn được biết đến là Trung tâm du lịch văn hóa, tâm linh lịch sử của cả nước. Bên cạnh những trung tâm du lịch lớn như Hạ Long – du lịch biển đảo, Móng Cái – du lịch biên giới, Bình Liêu – du lịch cộng đồng, du lịch Uông Bí với những giá trị riêng có chắc chắn sẽ khẳng định được vị thế của mình trong thị trường du lịch tỉnh và cả nước. Ngoài ra, Uông Bí nằm trong không gian phát triển phía Tây của tỉnh Quảng Ninh, với hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại trên cả đường bộ, đường thủy và đường sắt, nơi đây sẽ rất thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và giao thoa văn hóa các vùng miền.

Hiện Uông Bí có 30 di tích, trong đó có 01 di tích xếp hạng cấp Quốc gia đặc biệt, 06 di tích xếp hạng cấp tỉnh và 23 di tích có trong danh mục được kiểm kê phân loại. Có thể kể tên một số điểm tâm linh, lịch sử nổi tiếng như: Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử, chùa Ba Vàng, hồ Yên Trung, chùa Hang Son…Trong đó, Khu Di tích Lịch sử và Danh thắng Yên Tử - nơi được xem là đất tổ của Phật giáo Việt Nam là một trong những điểm du lịch tâm linh quan trọng và đang được tỉnh Quảng Ninh đề xuất UNESCO công nhận là Di sản Thế giới. Cùng với những giá trị văn hóa vật thể, những ngày hội hàng năm mang đậm văn hóa, tín ngưỡng dân gian như Hội xuân Yên Tử, Hội chùa Ba Vàng, lễ hội Đình Lạc Thanh, lễ hội Đền - chùa Hang Son, lễ hội Đình Đền Công…cũng là điểm nhấn thu hút đông đảo khách du lịch thập phương đến với Uông Bí.

Được ưu ái bởi khí hậu trong lành, địa hình phong phú, đa dạng, Uông Bí còn sở hữu rất nhiều điểm tham quan có cảnh quan thiên nhiên ấn tượng và hấp dẫn như đỉnh Bình Hương, đỉnh Phượng Hoàng, sông nước Phương Nam, rừng quốc gia Yên Tử…Với những lợi thế về văn hóa lịch sử, điều kiện tự nhiên, đa dạng sinh học, Uông Bí rất có lợi thế để phát triển đa dạng các loại hình, sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch tâm linh, tín ngưỡng; du lịch sinh thái; du lịch nông nghiệp; du lịch làng nghề; du lịch nghỉ dưỡng…

Du khách tham gia một lớp học thiền tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tử. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Với mục tiêu xây dựng thành phố Uông Bí trở thành trung tâm du lịch tâm linh của tỉnh Quảng Ninh, trong thời gian qua, Uông Bí đã từng bước khẳng định thương hiệu, vị thế để trở thành một trong những Trung tâm du lịch lớn của tỉnh. Trong đó, thành phố đã tích cực đẩy mạnh phối hợp với một số doanh nghiệp lữ hành và đã đưa vào khai thác một số các tuyến, điểm du lịch là thế mạnh của trên địa bàn. Nhằm hướng tới mục tiêu khơi dậy mạnh mẽ những giá trị Văn hóa - Lịch sử - Tự nhiên, đồng thời hướng đến xây dựng hệ thống sản phẩm du lịch ấn tượng, đặc trưng và có chiều sâu cho thành phố Uông Bí, đây cũng là cơ sở để Uông Bí hiện thực hóa “Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2030” và đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn theo chủ trương của thành phố trong thời gian tới. 

Về sản phẩm du lịch, TP sẽ phát triển các sản phẩm du lịch với nhiều hình thức như: Sản phẩm du lịch tâm linh; sản phẩm du lịch tôn giáo, tín ngưỡng; sản phẩm du lịch văn hoá lịch sử; sản phẩm du lịch sinh thái; sản phẩm du lịch nông nghiệp; sản phẩm du lịch làng nghề; sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khoẻ; Sản phẩm du lịch MICE; Sản phẩm du lịch cộng đồng; sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch tiêu biểu, với thông điệp Du lịch “Uông Bí – Du lịch xanh, an toàn và thân thiện”. Cụ thể đối với từng điể du lịch: 

(1) Sản phẩm du lịch tại Khu di tích lịch sử và danh thắng Yên Tửgồm các sản phẩm chính: hành hương đến Vườn tháp Huệ Quang; Ngồi thiền dọc đường Xích Tùng cổ; tìm hiểu quần thể chùa Yên Tử; Biểu diễn văn nghệ dân tộc tại Trung tâm văn hóa Trúc Lâm – Yên Tử; Tìm hiểu và trải nghiệm không gian kiến trúc cảnh quan tại Trung Tâm văn hóa Trúc Lâm; du lịch sinh thái trong rừng quốc gia Yên Tử; nghỉ dưỡng và chăm sóc sức khỏe Thân – Tâm – Trí tại Legacy Yên Tử – MGallery Hotel Collection…

Các em học sinh tham gia, tìm hiểu các hoạt động sinh hoạt văn hóa dân gian thú vị của dân tộc bản địa sinh sống dưới chân núi Yên Tử. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

(2) Sản phẩm du lịch tại Khu du lịch cấp tỉnh hồ Yên Trung, gồm: Sản phẩm du lịch tâm linh; Sản phẩm du lịch cắm trại phổ thông, cao cấp và cắm trại; sản phẩm phụ trợ như check-in chụp ảnh, thưởng thức ẩm thực, bán hàng lưu niệm, cho thuê xe đạp, bơi thuyền và câu cá. 

(3) Sản phẩm du lịch tại điểm du lịch sông nước Phương Nam, gồm: Du lịch tâm linh, tôn giáo và tín ngưỡng; Du lịch nông nghiệp; Du lịch làng nghề; Bơi thuyền và Check in chụp ảnh; Trải nghiệm rừng lậu và ngắm chim di cư.

(4) Sản phẩm du lịch đỉnh Bình Hương, gồm: Sản phẩm du lịch cắm trại; Sản phẩm du lịch dù lượn; Sản phẩm du lịch Check in và chụp ảnh; Vận chuyển khách và bán hàng.

(5) Sản phẩm du lịch tại điểm du lịch đỉnh Phượng Hoàng, gồm: Sản phẩm du lịch cắm trại; Sản phẩm du lịch Check in và chụp ảnh; Vận chuyển khách và bán hàng.

(6) Sản phẩm du lịch tại Khu du lịch sinh thái Lựng Xanh, gồm: Trải nghiệm băng rừng chinh phục thác Lựng Xanh; Sản phẩm du lịch cắm trại trong rừng; Sản phẩm du lịch check in và chụp ảnh; Sản phẩm du lịch lưu trú (homestay); Bán hàng và cho thuê quần áo.

(7) Sản phẩm du lịch tại cụm di tích đình Đền Công – Miếu Cổ Linh – Chùa Long Khánh và Đình - Chùa Lạc Thanh, gồm: Sản phẩm du lịch lễ hội đình Đền Công, Miếu Cổ Linh, chùa Long Khánh; Tìm hiểu về các giá trị văn hoá thông qua các di vật, bài vị, câu đối, án giang; Tìm hiểu dấu ấn lịch sử chiến thắng Bạch Đằng giang qua 3 cuộc chiến đấu anh hùng thông qua xây dựng các mô hình sa bàn tái hiện lại trận đấu lịch sử; Hướng dẫn, thuyết minh tại điểm; Sản phẩm du lịch check in và chụp ảnh; Bán hàng lưu niệm.

(8) Sản phẩm du lịch tại chùa Ba Vàng gồm: Chương trình tìm hiểu cuộc sống tu thiền của nhà sư nơi cửa phật và Lắng nghe trụ trì giảng Pháp.

(9) Các sản phẩm du lịch khác: Sản phẩm du lịch phố chợ đêm tại quảng trường 25/2; Sản phẩm trải nghiệm đi bộ và thưởng thức ẩm thực tại phố đi bộ; Bán các sản phẩm OCOP của thành phố Uông Bí; Trình diễn văn hóa văn nghệ và các sự kiện khác.

Hồ Yên Trung là điểm đến đầy lãng mạn, hấp dẫn cho giới trẻ và những đôi tình nhân.

Hoà mình cùng suối đổ, thác reo tại điểm du lịch sinh thái Lựng Xanh.

Để triển khai phát triển sản phẩm có hiệu quả, Thành phố huy động sự tham gia, hưởng ứng của các đoàn thể, hội viên, cán bộ và doanh nghiệp quyết tâm đẩy mạnh hoạt động kích cầu du lịch nhằm tạo ra các chương trình du lịch độc đáo, thu hút du khách. Bên cạnh đó, sẵn sàng khởi động du lịch quốc tế. Đồng thời, Thành phố cũng sẽ chủ động quan tâm, phối hợp tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn. Trước mắt, TP Uông Bí sẽ đảm bảo môi trường an toàn tại điểm đến và an toàn cho khách du lịch. Cụ thể, tiếp tục thực hiện hiệu quả chiến dịch tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng Covid-19 cho toàn dân; Rà soát, cập nhật, bổ sung kịp thời chủ  trương, thông tin mới vào phương án; kiểm tra thường xuyên việc xây dựng phương án phòng chống dịch Covid-19; Rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện Phương án đảm bảo công tác phòng, chống dịch Covid-19; chỉnh trang đô thị và cảnh quan các điểm du lịch trên địa bàn đảm bảo vệ sinh môi trường luôn: sáng, xanh, sạch, đẹp, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ đón khách; Tập trung công tác kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh các hành vi vi phạm. Đẩy mạnh quá trình chuyển đối số trong ngành Du lịch thông qua việc xây dựng Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh và chuyển đổi số thành phố Uông Bí giai đoạn 2021-2025 gắn với chuyển đối số hoạt động du lịch. Chú trọng hoạt động liên kết, hợp tác thu hút du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh phục hồi hoạt động du lịch và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phục hồi hoạt động du lịch. 

Du khách trải nghiệm cắm trại trên đỉnh Bình Hương. (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Vẻ đẹp hoang sơ, mộc mạc của đỉnh Phượng Hoàng thu hút khách tham quan, trải nghiệm.

Với chủ trương phát triển sản phẩm du lịch để tiếp tục thực hiện đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chủ yếu dựa vào tăng năng suất, chất lượng, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; Thực hiện các giải pháp tiết kiệm chi thường xuyên, dành nguồn lực cho đầu tư phát triển. Ưu tiên thu hút mạnh các nguồn lực để đầu tư xây dựng, phát triển đồng bộ và hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. TP Uông Bí đã cụ thể hóa Chương trình hành động của Chính phủ, của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và tỉnh Quảng Ninh về triển khai thực hiện Nghị quyết 08/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đồng thời phù hợp với Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đúng với chủ trương của tỉnh Quảng Ninh về phát triển du lịch và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố Uông Bí, góp phần thúc đẩy du lịch TP phát triển theo hướng chất lượng, đẳng cấp và bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của thành phố Uông Bí trong những năm tiếp theo.

Nguyễn Yến

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23286 Tổng lượt truy cập 91525364