Tiếp tục tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển

Với quyết tâm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thời gian qua Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua đó, tạo động lực, điều kiện thuận lợi nhất để các doanh nghiệp phát triển.

Đơn giản hóa thủ tục hành chính

Bám sát Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp đến năm 2020, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm đồng hành cùng doanh nghiệp. Với tư tưởng chỉ đạo nhất quán, xuyên suốt là "lấy sự hài lòng của nhân dân, tổ chức làm thước đo cho hiệu quả công tác cải cách hành chính", Quảng Ninh đã triển khai đồng bộ các giải pháp.

Đặc biệt, UBND tỉnh đã ban hành nhiều quyết định công bố thủ tục hành chính (TTHC) và hoàn thành công bố bộ TTHC được chuẩn hóa. Với mục tiêu 100% TTHC được đưa vào giải quyết tại Trung tâm hành chính công (HCC) cấp tỉnh, cấp huyện và thực hiện theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, trả kết quả tại trung tâm”, tỉnh đã chỉ đạo các cấp, ngành, đơn vị, rà soát, đơn giản hóa TTHC và công khai, giải quyết nhanh gọn cho người dân và doanh nghiệp.

Đến nay, tổng số TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của các sở, ban, ngành giải quyết tại Trung tâm HCC tỉnh là 1.170/1.268 TTHC (98 TTHC không thực hiện tại Trung tâm do quy định đặc thù của Trung ương về tiếp nhận và giải quyết); 290 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp huyện được đưa vào Trung tâm HCC (đạt 100%).

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long kiểm tra công tác hoàn thiện tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, tháng 4/2018. Ảnh: Đỗ Phương

Nhiều thủ tục được cắt giảm đáng kể so với thời gian quy định, đã tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư, kinh doanh hoạt động cũng như đảm bảo tiến độ các chương trình, dự án theo kế hoạch. Đơn cử như, thời gian thành lập doanh nghiệp (khi hồ sơ hợp lệ), giải quyết tối đa 2 ngày, giảm 45-50% thời gian giải quyết TTHC về đầu tư thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh. Thời gian cấp phép xây dựng và các thủ tục liên quan tối đa không quá 51 ngày và đang đặt mục tiêu giảm còn không quá 49 ngày, giảm 26 ngày so với quy định, bao gồm cả thủ tục phê duyệt thiết kế xây dựng công trình, kết nối cấp thoát nước, nghiệm thu đưa công trình vào khai thác sử dụng. Hay như thời gian đăng ký quyền sở hữu, sử dụng tài sản giảm xuống còn không quá 14 ngày; thời gian giải quyết tranh chấp hợp đồng còn dưới 200 ngày, thời gian giải quyết phá sản doanh nghiệp còn 24 tháng…

Quảng Ninh cũng là một trong những địa phương đi đầu cả nước về xây dựng chính phủ điện tử và đang triển khai vận hành hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu suất làm việc và tiết kiệm chi phí, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp. Các dịch vụ công được đăng tải tại địa chỉ http://dichvucong.quangninh.gov.vn là công cụ quan trọng giúp minh bạch hóa quá trình giải quyết TTHC của cơ quan quản lý nhà nước cho người dân, doanh nghiệp. Qua đây, người dân có thể tham gia giám sát quá trình thực thi nhiệm vụ của cơ quan nhà nước.

Đẩy mạnh cải cách TTHC, môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng cải thiện, nhiều nhà đầu tư chiến lược đã quan tâm nghiên cứu đầu tư vào địa bàn. 5 tháng đầu năm nay, tỉnh cấp mới và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư cho 22 dự án có vốn đầu tư trong nước và nước ngoài, tổng mức đầu tư đăng ký mới, điều chỉnh tăng thêm là 9.598 tỷ đồng, bằng 78% cùng kỳ. Tỉnh cũng tiếp nhận 27 hồ sơ đề nghị chấp thuận địa điểm nghiên cứu lập quy hoạch và 15 hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư...

Tăng cường trao đổi, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Bên cạnh cải cách TTHC, từ năm 2015, Quảng Ninh duy trì chương trình “Cafe doanh nhân”; định kỳ 2 lần/năm, tỉnh còn tổ chức hội nghị gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp... Qua đây, doanh nghiệp được gặp gỡ với đại diện cơ quan quản lý nhà nước trao đổi các vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh và chia sẻ những khó khăn của doanh nghiệp trong quá trình tìm kiếm cơ hội đầu tư, sản xuất kinh doanh... Tiếp tục tăng cường hoạt động đồng hành cùng doanh nghiệp, tại các phiên họp thường kỳ của UBND tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ được mời tham dự...

Cuối tháng 5 vừa qua, tỉnh đã có buổi làm việc với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tại đây các đồng chí lãnh đạo tỉnh trực tiếp giải đáp những đề xuất, kiến nghị của một số doanh nghiệp. Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long cũng kết luận cụ thể đối với từng kiến nghị của doanh nghiệp. Cụ thể, đối với kiến nghị của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh về một số dự án đã được tỉnh thu hồi, quan điểm của tỉnh là ủng hộ, tạo điều kiện để Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh bảo lãnh cho các đơn vị thành viên được liên kết, tiếp nhận lại những dự án theo đúng trình tự, thủ tục quy định của pháp luật để đầu tư xây dựng và có cam kết với UBND tỉnh về tiến độ.

Đối với đề nghị của Hiệp hội về việc thành lập Công ty CP Hiệp hội để tham gia hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh trên địa bàn nhằm ủng hộ đội bóng đá Than Quảng Ninh, UBND tỉnh đồng ý về chủ trương và đề nghị Hiệp hội thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp. Hay như kiến nghị của đại diện Công ty TNHH Phúc Xuyên về việc tạo điều kiện cho Công ty chuyển đổi và sử dụng mảnh đất đã mua của Nhà máy Xi măng Quảng Ninh tại phường Hà Phong (TP Hạ Long) làm bến xe buýt và Văn phòng đại diện, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng nghiên cứu, tham mưu đề xuất UBND tỉnh xem xét giải quyết...

Ông Nguyễn Đồng, Giám đốc Công ty Xăng dầu B12, chia sẻ: Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành luôn lắng nghe và đồng hành với doanh nghiệp trong tất cả các công việc. Tỉnh có nhiều kênh, nhiều cách thức, tạo điều kiện để doanh nghiệp có thể trao đổi thông tin, vì vậy những thắc mắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp đến các cấp, các ngành đều được phản hồi và tìm giải pháp tháo gỡ trong thời gian nhanh nhất. Điều này rất có lợi cho doanh nghiệp trong tiếp nhận thông tin trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời gợi mở cho doanh nghiệp những cách thức, hướng phát triển...

Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phát biểu tại buổi làm việc giữa UBND tỉnh với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, tháng 5/2018.

Theo số liệu của Sở KH&ĐT, 5 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh thành lập mới 1.041 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc, lũy kế đến tháng 5, toàn tỉnh có 16.175 doanh nghiệp và đơn vị phụ thuộc. Tuy nhiên, để đảm bảo mục tiêu tới năm 2020 toàn tỉnh có 25.000 doanh nghiệp, thì tính từ đầu năm 2018, mỗi năm trung bình toàn tỉnh phải phát triển được 3.280 doanh nghiệp... Như vậy, phát triển doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay chưa đảm bảo theo kế hoạch.

Quan điểm của tỉnh luôn tạo điều kiện tốt nhất cho các nhà đầu tư có năng lực, tâm huyết, thực hiện đúng cam kết với tỉnh, đặc biệt ưu tiên cho các nhà đầu tư chiến lược với những dự án khả thi. Đối với các doanh nghiệp địa phương, Quảng Ninh luôn tạo điều kiện để các doanh nghiệp được đảm nhận nhiều công trình của tỉnh, tháo gỡ các vướng mắc về mặt bằng, về cơ chế chính sách và phát triển doanh nghiệp...

Tại buổi làm việc với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Long đã nhấn mạnh: Năm 2018, Quảng Ninh đặt mục tiêu giữ vững vị trí quán quân về PCI và rút ngắn dư địa các chỉ số thành phần. Để đạt được điều này, ngoài sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh, rất cần sự tham gia trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp nói lên tiếng nói trung thực, khách quan đánh giá các chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh.

Quảng Ninh mong muốn các doanh nghiệp cùng liên kết, tạo sức mạnh trong đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở KH&ĐT phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tập hợp ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, phân nhóm vấn đề để có giải pháp tháo gỡ hiệu quả. Các ý kiến, kiến nghị phải được trả lời cụ thể bằng văn bản và công khai quá trình giải quyết trên các trang điện từ của ngành, đơn vị, địa phương...

Theo Nguyễn Huế/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 27449 Tổng lượt truy cập 91782799