Thu hút vốn FDI vào các KKT, KCN

Quảng Ninh đang đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào các khu kinh tế (KKT), khu công nghiệp (KCN) trên địa bàn tỉnh. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Dây chuyền sản xuất khăn mặt, khăn tắm cao cấp tại Công ty TNHH Đại Đông Việt Nam (KCN Cảng biển Hải Hà).

Theo số liệu thống kê của Ban Quản lý KKT Quảng Ninh, trên địa bàn tỉnh hiện có 5 KKT, 10 KCN, trong đó 6/10 KCN đã có dự án thứ cấp; 4/10 KCN có chủ đầu tư hạ tầng đang triển khai công tác chuẩn bị đầu tư, GPMB, nhưng chưa có dự án thứ cấp. Tính đến thời điểm này, các KCN, KKT trên địa bàn có 72 dự án FDI còn hiệu lực, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 3,2 tỷ USD, chiếm 56,25% tổng số dự án FDI toàn tỉnh và chiếm 44,44% tổng vốn FDI đăng ký trên địa bàn toàn tỉnh còn hiệu lực.

Riêng trong giai đoạn 2015-2020, tỉnh đã thu hút được 37 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 1.421 USD, chiếm 43,83% tổng vốn FDI trên địa bàn KCN, KKT còn hiệu lực. Các KCN, KKT của tỉnh bước đầu đã thu hút được một số nhà đầu tư FDI lớn, có năng lực, kinh nghiệm đến từ 15  quốc gia, vùng lãnh thổ như: Amata (Thái Lan), Rent A Port (Bỉ); TCL (Trung Quốc), Foxconn (Đài Loan), Bumjin (Hàn Quốc), Toray, Yazaky (Nhật Bản), Wilmar (Singapore)... Các dự án FDI trong KCN, KKT của tỉnh chủ yếu tập trung vào một số lĩnh vực, ngành nghề như: Kinh doanh bất động sản (hạ tầng KCN, nhà xưởng cho thuê), dệt may, cơ khí chế tạo, lắp ráp thiết bị điện, điện tử; chế biến thực phẩm và một số ngành nghề khác.

Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, so với tiềm năng, thế mạnh và yêu cầu phát triển của Quảng Ninh, việc phát triển KCN, KKT và thu hút đầu tư FDI thời gian qua còn hạn chế do mô hình của các KCN chủ yếu phát triển theo hướng đa ngành, đa lĩnh vực, mà chưa chú trọng đến sản xuất công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là các dự án FDI. Chất lượng, hiệu quả thu hút dự án FDI vào các KKT, KCN chưa đáp ứng yêu cầu phát triển theo chiều sâu, hướng tới cơ cấu ngành nghề có giá trị gia tăng cao, công nghệ hiện đại.

Đặc biệt, việc đầu tư cho phát triển hạ tầng KCN, KKT chưa đáp ứng với nhu cầu thực tế; hạ tầng kỹ thuật ngoài hàng rào KCN và việc kết nối từ hạ tầng kỹ thuật động lực đến các KCN, KKT chậm được đầu tư, làm hạn chế cơ hội thu hút đầu tư. Trên thực tế, chỉ sau khi tỉnh đầu tư và đưa vào hoạt động một loạt dự án động lực, như: Sân bay, cảng biển, đường cao tốc... thì nhiều nhà đầu tư (Foxconn, TCL...) mới quyết định lựa chọn quay trở lại đầu tư.

Ngoài ra, các dự án FDI trong các KCN, KKT của tỉnh quy mô vốn đầu tư còn nhỏ, lẻ. Hiện có 15/72 dự án có quy mô vốn đầu tư đăng ký từ 50 triệu USD trở lên, chiếm 20,83% tổng số dự án. Tỉnh chưa thu hút được các dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, động lực tạo sức lan toả như các dự án của Samsung, Foxconn, LG đang triển khai tại các tỉnh, thành lân cận. Các dự án FDI tại các KCN, KKT được thu hút trong thời gian vừa qua chủ yếu tập trung các ngành nghề chưa mang lại giá trị gia tăng cao; sử dụng nhiều tài nguyên và lao động; tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường; hàm lượng công nghệ cao còn ít; đóng góp cho ngân sách nhà nước còn hạn chế (trung bình 1.200 tỷ đồng/năm).

Nhà máy sản xuất và gia công các sản phẩm điện tử tiêu dùng của Công ty TNHH Kỹ thuật điện tử Tonly Việt Nam (KCN Đông Mai) hoạt động từ tháng 6/2020.

Tỉnh Quảng Ninh xác định chuyển hướng thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu; tập trung ưu tiên phát triển các KCN theo hướng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, hình thành các chuỗi liên kết, chuỗi sản xuất; phát triển KCN hỗ trợ, KCN chuyên dành cho một ngành hoặc nhóm ngành nhất định, như: Các ngành công nghiệp nền tảng, ngành công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, ngành công nghiệp đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, hoạt động nghiên cứu và phát triển...

Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Trong giai đoạn 2020-2025, Quảng Ninh đặt mục tiêu đưa ngành công nghiệp chế biến chế tạo trở thành một trong 3 trụ cột chính trong ngành công nghiệp của tỉnh; đồng thời, xác định phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sẽ gắn với phát triển các KCN bền vững theo mô hình “3 trong 1” KCN - khu đô thị - khu dịch vụ với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại. Với định hướng phát triển đó, thời gian tới Ban Quản lý KKT sẽ nghiên cứu tham mưu tỉnh xây dựng và đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành cơ chế, chính sách đầu tư hấp dẫn, có tính cạnh tranh quốc tế cao, để thu hút nhà đầu tư chiến lược đầu tư trong KCN, KKT của tỉnh, nhằm hình thành các dự án "xương sống" trong lĩnh vực sản xuất ô tô, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ, phát triển cụm liên kết, tăng cường liên kết trong sản xuất, cung ứng sản phẩm, dịch vụ.

Để đón làn sóng đầu tư FDI sau đại dịch Covid-19, hiện tỉnh đang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ đầu tư hoàn thiện hạ tầng các KCN, KKT theo hướng đồng bộ, hiện đại; đồng thời nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách đủ hấp dẫn, thúc đẩy phát triển hạ tầng KCN, KKT; các chính sách đầu tư xây dựng các tiện ích xã hội, nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động và chính sách thu hút, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao phục vụ cho KCN, KKT.

Đồng hành cùng doanh nghiệp, tỉnh Quảng Ninh sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính. Chính quyền các địa phương và ngành của tỉnh tập trung GPMB các dự án đầu tư trong KCN, KKT, để sớm bàn giao mặt bằng sạch cho các nhà đầu tư khởi công triển khai dự án.

 

Theo Thu Chung/baoquangninh.com.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 15637 Tổng lượt truy cập 91437739