Thế giới vào trận chiến mới đối phó dịch COVID-19

Trên thế giới, số ca mắc bệnh COVID-19 mới theo ngày tiếp tục “leo dốc”, số tử vong tăng mạnh như dự đoán trước đó của các chuyên gia. Khí hậu mùa đông càng làm tình hình dịch bệnh trở nên trầm trọng, dự báo thế giới sẽ chứng kiến một mùa lễ hội ảm đạm nhất từ trước đến nay bởi giãn cách xã hội, thậm chí sẽ bị bao phủ bởi nỗi lo lắng, bất an vì dịch bệnh.

Làn sóng COVID-19 liên tục “tấn công” các quốc gia

 

Không giống như trước đây, sóng dịch COVID-19 “tấn công” theo chu kỳ, hiện nay, ở mỗi quốc gia khác nhau, đường sóng dịch diễn tiến khác nhau. Có nơi chưa thoát khỏi đợt sóng thứ 2 như ở châu Âu, nhưng cũng có nơi đã bước vào con sóng dịch thứ 3, thậm chí là thứ 4 như Hàn Quốc, Hong Kong. Chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) - TS. Hanan Balkhy khẳng định, đại dịch sẽ bùng phát theo từng đợt, đạt nhiều đỉnh mới trước khi lắng xuống.

Trước đây, Hàn Quốc từng được biết đến là quốc gia thành công trong kiểm soát dịch thì chỉ vài ngày trở lại đây, các ca nhiễm mới tại Hàn Quốc lại lên tới cả trăm người, đưa nước này bước vào làn sóng dịch thứ 3. Dù hiện tại, hầu hết ca nhiễm mới xác định được nguồn gốc, nhưng có tới 15% các ca nhiễm không thể xác định nguồn lây. Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun đã kêu gọi người dân tránh tụ tập, thực hiện giãn cách xã hội.

GS. David Hui Shu-cheong - Cố vấn cho chính quyền Hong Kong về ứng phó với đại dịch cho biết: “Chúng tôi thấy sự gia tăng theo cấp số nhân các trường hợp mắc bệnh tại Hong Kong trong vài ngày qua”, đặc biệt số ca mắc bệnh không được theo dõi giám sát  ngày càng tăng - đây là điều đáng báo động bởi nguy cơ lây lan dịch bệnh ngày một lớn dần.

Tại quốc gia đứng đầu thế giới về COVID-19 là Mỹ, chỉ trong chưa đầy 1 tuần ghi nhận hơn 1 triệu trường hợp nhiễm, đưa tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ lên hơn 12 triệu người, hơn 260.000 người tử vong. Theo CNN, tháng 11 là cột mốc  kinh hoàng với nước Mỹ với đầy ắp những kỷ lục do COVID-19, đó là tháng chiếm 1/4 số ca bệnh, 9% số ca tử vong và lần đầu tiên Mỹ ghi nhận số lượng bệnh nhân COVID-19 cao kỷ lục đang điều trị tại bệnh viện là 82.100 người.

Đoàn người chờ được xét nghiệm COVID-19 tại Chicago, Mỹ.

Y tế thế giới  “kiệt sức” trước dịch bệnh?

Dịch bệnh COVID-19 kéo dài gần 1 năm khiến ngành y tế của bất cứ quốc gia nào cũng phải chịu nhiều sức ép, nhất là ở các quốc gia dịch bệnh hoành hành dữ dội. Số ca nhiễm bệnh gia tăng khiến ngay cả nước Mỹ - quốc gia có nền y tế hàng đầu thế giới cũng điêu đứng, nhiều bang chuẩn bị thêm các hệ thống làm lạnh để trữ thi thể, ít nhất có 24 lãnh đạo bệnh viện đã gửi cảnh báo tới Hiệp hội các bệnh viện ở Mỹ cho biết họ đang gặp khó khăn vì thiếu nhân viên y tế. Điều này xảy ra chủ yếu ở Texas, Wisconsin, Illinois, Minnesota, Dakota... TS. Y học cấp cứu Esther Choo - Đại học Y Oregon cho biết, số trường hợp nhiễm bệnh thực tế tại Mỹ có thể cao hơn so với con số 12 triệu hiện nay vì không phải tất cả mọi người đều được xét nghiệm.

Như dự đoán của các chuyên gia, nhiều quốc gia trên thế giới đang phải đối mặt với hàng loạt vấn đề trong hệ thống y tế như tình trạng quá tải bệnh nhân ngay cả ở các nước có nền y tế phát triển như Nhật Bản, các nước châu Âu, thậm chí nhiều bang ở Mỹ.  Nga còn xảy ra tình trạng thiếu thuốc điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Nguyên nhân là do số người mắc bệnh tăng, các thuốc kháng sinh, kháng virus... nhu cầu tăng đột biến, các nhà sản xuất, nhập khẩu thuốc đều gặp khó khăn do dịch bệnh...

Hệ thống y tế các quốc gia có thể  chống chịu đến bao giờ và như thế nào còn tùy thuộc vào diễn biến dịch bệnh, việc sản xuất vắc-xin cũng như nguồn lực và khả năng đáp ứng của mỗi nước. Điều chắc chắn rằng, rất nhiều quốc gia trên thế giới đang “kiệt sức” trước dịch bệnh COVID-19...

Tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 diễn ra theo hình thức trực tuyến với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần tăng cường phối hợp chính sách toàn cầu, đoàn kết hành động và đề cao hợp tác đa phương để đẩy lùi dịch COVID-19. Thủ tướng cho rằng, cần có cách tiếp cận bình đẳng và chi phí phù hợp với vắc-xin và thuốc đặc trị COVID-19. Thủ tướng đề nghị các nước G20 xây dựng thoả thuận sản xuất vắc-xin với các đối tác trên toàn cầu thông qua chuyển giao công nghệ cùng với bảo hộ sở hữu trí tuệ, qua đó đẩy nhanh quá trình sản xuất và phân phối vắc-xin ở quy mô lớn.

 

Trần Hải

((theo CNN, SCMP, Reuters))

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 8068 Tổng lượt truy cập 91500153