Thành phố Uông Bí - Nỗ lực triển khai kế hoạch trồng rừng bằng cây bản địa

Năm 2022, thành phố Uông Bí được UBND Tỉnh giao chỉ tiêu trồng 50ha các loài cây bản địa (lim, lát, dổi) trên địa bàn. Để hoàn thành chỉ tiêu này, các ngành chức năng, các đơn vị xã phường hiện đang nỗ lực tiếp tục khuyến khích, vận động người dân trên địa bàn trồng rừng bằng các giống cây bản địa vừa có giá trị kinh tế cao vừa làm giàu vốn rừng.

Ngay từ những ngày đầu tiên của năm 2022, tại khu di tích, danh thắng và rừng quốc gia Yên Tử, thành phố Uông Bí tổ chức lễ phát động “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” xuân Nhâm Dần 2022. Nét mới tại lễ phát động năm nay là thay vì lựa chọn trồng những loại cây tạo cảnh quan đô thị, thành phố Uông Bí đã trồng mới 600 cây lim, lát, dổi - những loài cây bản địa. Đây cũng là hoạt động thiết thực thể hiện quyết tâm hoàn thành mục tiêu và kế hoạch trồng cây bản địa trên địa bàn theo chỉ đạo của tỉnh.

Lãnh đạo và cán bộ Hạt kiểm lâm Uông Bí thường xuyên trao đổi, hỗ trợ chủ rừng đang triển khai trồng các loài cây lim, lát, dổi.

Thực hiện chủ trương của tỉnh về triển khai trồng cây bản địa, thành phố Uông Bí đã ban hành văn bản số 3364/UBND-KT ngày 6/12/2021 về việc rà soát, đăng ký kế hoạch trồng rừng năm 2022 đối với các loài cây lim, lát, dổi bản địa; xây dựng kế hoạch số 306/KH-UBND về giao chỉ tiêu trồng rừng đối với loài cây lim, lát, dổi bản địa năm 2022 và dự kiến giai đoạn năm 2022 - 2025.

Đồng chí Vũ Văn Mỳ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Uông Bí cho biết, phát huy vai trò của đơn vị, Hạt Kiểm lâm Uông Bí cùng với các phòng chức năng và UBND các phường đã rà soát diện tích đất có thể trồng 3 loại cây này. Hạt kiểm lâm thành phố đã chỉ đạo cán bộ kiểm lâm địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương, tới từng thôn, khu tuyên truyền, vận động người dân nắm được và thực hiện chủ trương. Bên cạnh đó, Hạt Kiểm lâm Uông Bí cũng tích cực kết nối, tuyên truyền, vận động các tổ chức, doanh nghiệp được giao nhận đất, nhận rừng trên địa bàn đồng thuận và triển khai thực hiện trồng rừng bằng các loài cây bản địa. 

Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc là một trong năm đơn vị được giao quản lý rừng sản xuất trên địa bàn thành phố. Thực hiện chủ trương trồng rừng bằng cây bản địa, nhà trường cũng là đơn vị đầu tiên của thành phố  đăng ký trồng với diện tích 20ha. Trong đó có 15 ha trồng dổi, 5ha trồng làm giàu rừng với các loài lim, lát. Để thực hiện chương trình, Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc cũng đã mạnh dạn chuyển đổi một số diện tích trồng keo không hiệu quả sang trồng cây bản địa. 

Hạt kiểm lâm Uông Bí thăm thực địa khu vực trồng cây dổi lấy hạt của Trường CĐ Nông lâm Đông Bắc.

Anh Nguyễn Văn Tuấn, Cán bộ kỹ thuật Trạm thực hành - thực nghiệm nông lâm nghiệp, Trường Cao đẳng Nông lâm Đông Bắc cho biết: trên cơ sở diện tích đất rừng được giao, nhà trường đã tích cực tìm kiếm các đơn vị liên doanh để triển khai thực hiện chủ trương trồng rừng bằng các loài cây bản địa. Trong đó, nhà trường chịu trách nhiệm về mặt bằng sản xuất và kỹ thuật chăm sóc, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về vốn, giống. Đến nay, nhà trường đã triển khai trồng được gần 4ha dổi. Qua đánh giá thấy rằng cây sinh trưởng tốt, phù hợp với điều kiện lập địa tại đây. Phấn đấu từ nay đến hết năm, trường sẽ hoàn thành trồng được 20ha theo kế hoạch đã đăng ký.

Bên cạnh những kết quả ban đầu, quá trình triển khai trồng rừng bằng cây bản địa trên địa bàn thành phố Uông Bí cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, khó khăn lớn nhất chính là thiếu diện tích để triển khai trồng rừng bằng các loài bản địa trên địa bàn. Hiện, diện tích đất rừng sản xuất chưa được giao, chưa cho thuê trên địa bàn thành phố chủ yếu là rừng ngập mặn, không thể phát triển trồng cây bản địa. Trên địa bàn thành phố có 321,34ha rừng sản xuất sau khai thác dự kiến để mặt bằng trồng lại vào năm 2022. Tuy nhiên, nhiều chủ rừng không đăng ký thực hiện trồng rừng bằng các loài cây bản địa do e ngại suất đầu tư lớn, chu kỳ thu hồi vốn kéo dài.

Đối với cây dổi ghép, chỉ sau từ 5 - 7 năm, chủ rừng có thể thu hoạch được hạt dổi.

Nhận định rõ những khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện chủ trương trồng rừng bằng các loài cây bản địa, các đơn vị chức năng như Hạt Kiểm lâm, Phòng Kinh tế và UBND các xã phường tiếp tục rà soát diện tích có thể phát triển trồng rừng bằng các loài cây bản địa. Bên cạnh đó, các ngành các cấp quan tâm đẩy mạnh tuyên truyền về hiệu quả kinh tế, ý nghĩa môi trường của các loài cây bản địa như lim, lát, dổi để các chủ rừng là tổ chức, hộ gia đình cá nhân, đặc biệt là đối với các chủ rừng có diện tích trồng lại rừng sản xuất sau khai thác trong năm 2022 đồng thuận, tích cực tham gia thực hiện.

Đồng chí Vũ Văn Mỳ, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Uông Bí cho biết, trong quá trình tuyên truyền, vận động, Hạt Kiểm lâm Uông Bí tư vấn các chủ rừng lựa chọn trồng cây dổi lấy hạt là giống cây rừng không kén đất trồng, thích hợp trồng ở vùng đồi núi, có độ dốc cao. Dổi được xếp vào loại gỗ quý, có giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, bên cạnh việc thu hoạch gỗ, thì chỉ từ năm thứ 5 của chu kỳ khai thác chủ rừng có thể thu hạt để làm gia vị. Hiện trên thị trường 1kg hạt dổi có giá hơn 2 triệu đồng.

Các ngành chức năng cũng tư vấn chủ rừng trồng xen kẽ cùng 1 loại cây với độ tuổi và hình thức ươm trồng khác nhau như: cây ghép 2 năm tuổi, cây ghép 1 năm tuổi, cây ươm bằng hạt. Chu kỳ khai thác khác nhau của từng diện tích trồng sẽ đảm bảo tính hiệu quả của việc đầu tư, nâng cao giá trị rừng trồng.

Nhiều diện tích trồng keo kém hiệu quả đã được chủ rừng mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây dổi.

Trồng rừng bằng các loài cây bản địa như lim, lát, đổi không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các hộ trồng mà còn góp phần phát triển sản xuất lâm nghiệp bền vững, bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường sinh thái. Phát triển diện tích trồng rừng bằng các loại cây bản địa cũng là mở ra tiềm năng to lớn đối với phát triển du lịch sinh thái, trải nghiệm một cách bền vững. 

Quán triệt chỉ đạo của tỉnh, cùng với sự vào cuộc tích cực của các ngành chức năng, các đơn vị, thành phố Uông Bí đã và đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành kế hoạch trồng rừng bằng các loài cây bản địa năm 2022, tạo tiền đề cho các năm tiếp theo.

Mai Hương - Huyền Trang

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 4541 Tổng lượt truy cập 91862557