Tham vấn ý kiến hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới

Sáng 24/8, tại Hà Nội, Bộ VH, TT&DL đã tổ chức hội nghị tham vấn ý kiến hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới. Hội nghị do Thứ trưởng Bộ VH, TT&DL Hoàng Đạo Cương chủ trì, có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học có liên quan.

Hội nghị có sự tham gia của các cơ quan nghiên cứu, các bộ, ngành, đơn vị, địa phương cùng đông đảo các nhà khoa học có liên quan.

Hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là hồ sơ về quần thể di tích đầu tiên nằm trên địa bàn 3 tỉnh ở nước ta. Hồ sơ có nhiều tiêu chí theo Công ước 1972 nhất, để có thể chứng minh và tuyên bố ra thế giới được giá trị “Nổi bật toàn cầu”, “Tính toàn vẹn”, “Tính xác thực”, 3 tỉnh Quảng Ninh, Hải Dương, Bắc Giang đã đồng thời chỉ đạo triển khai cả 3 phương pháp: Vừa nghiên cứu, vừa chứng minh, vừa viết với tiến độ nhanh, tích cực, khẩn trương.

Hồ sơ tập trung hơn 100 chuyên gia trên nhiều lĩnh vực nghiên cứu, viết hồ sơ và mời được một số chuyên gia quốc tế vào khảo sát, hỗ trợ. Các chuyên gia đã tích cực, tâm huyết tư vấn trong quá trình xây dựng và hoàn thành hồ sơ đạt được các yêu cầu chất lượng theo tiêu chí của UNESCO.

Đại diện đơn vị tư vấn trình bày tóm tắt hồ sơ Quần thể Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại hội nghị.

Công tác chỉ đạo, điều hành, xây dựng hồ sơ đạt được sự thống nhất cao từ trung ương tới 3 tỉnh; giữa trách nhiệm của Ban chỉ đạo với việc điều hành của UBND 3 tỉnh. Cho đến nay, Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới đã hoàn thành đúng tiến độ theo kế hoạch đề ra; chất lượng, nội dung, thành phần hồ sơ đã thực hiện theo Công ước di sản thế giới năm 1972 của UNESCO, đảm bảo đủ điều kiện, được trình lên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch để tiến hành các bước tiếp theo.

Tham gia hội nghị, các đơn vị, các nhà khoa học đều đánh giá cao sự công phu, nghiêm túc, khoa học trong việc xây dựng hồ sơ; sự phối hợp, quyết tâm của Quảng Ninh và lãnh đạo các tỉnh; năng lực khái quát, tổng hợp, trách nhiệm của các đơn vị tư vấn trong việc đánh giá, lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ các địa phương, đơn vị, cá nhân có liên quan trong quá trình xây dựng hồ sơ. Các ý kiến đều khẳng định hồ sơ Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một hồ sơ khó, có tính phức tạp cao, thực hiện trên địa bàn rộng lớn, địa hình đồi núi khó khăn, để lựa chọn được 32 di sản trong hàng trăm di tích như thế đòi hỏi nỗ lực rất lớn của các đơn vị tư vấn…

Các nhà khoa học, các cơ quan quản lý tham gia hội nghị đều đánh giá cao chất lượng hồ sơ và đóng góp thêm nhiều ý kiến bổ sung cho hồ sơ.

Các ý kiến cơ bản đồng thuận với các nội dung của hồ sơ, đồng thời cũng đóng góp thêm nhiều nội dung quý nhằm bổ sung cho hồ sơ để tăng độ sắc nét, làm nổi bật giá trị toàn cầu của di sản, sát với các tiêu chí và gia tăng tính thuyết phục với các chuyên gia của UNESCO khi thẩm định. Một số ý kiến cũng quan tâm đến cơ chế quản lý khu di sản sau khi được công nhận, kế hoạch phát triển các di tích trong tương lai…

Theo kế hoạch, hồ sơ đề cử “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” sẽ trình lên UNESCO trước ngày 30/9/2023. Hồ sơ chính thức “Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc” sẽ được trình lên UNESCO Paris trước ngày 31/12 năm nay.

Theo Phan Hằng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 14473 Tổng lượt truy cập 91760137