Thăm lại Thánh địa Nhà Trần

Trong 2 ngày 12-13/12 (tức ngày 30/10 và 1/11 âm lịch) tới đây, Ban Trị sự hội Phật giáo tỉnh sẽ phối hợp với các địa phương Đông Triều, Uông Bí, các đơn vị tổ chức đại lễ tưởng niệm 715 năm Ngày nhập niết bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông để tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Người dân và du khách thập phương lại có cơ hội thăm lại Khu di tích Nhà Trần, Yên Tử và tìm hiểu về vị hoàng đế anh minh.

Du khách thập phương về thắp hương tại Am Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông viên tịch. (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Nhà Trần cung cấp)

Theo kế hoạch của  Ban Trị sự, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông sẽ diễn ra từ ngày 12-13/12 tại Chùa Ngọa Vân - Khu di tích Nhà Trần (TX Đông Triều) và di tích danh thắng Yên Tử (TP Uông Bí). Đây là sự kiện vô cùng ý nghĩa nhằm tưởng nhớ công lao và sự nghiệp vĩ đại của Phật Hoàng Trần Nhân Tông - vị Hoàng đế anh minh, anh hùng dân tộc, nhà văn hoá tư tưởng lớn - nhà tu hành chân chính, mẫu mực, người sáng lập Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, được các thế hệ nhân dân ta tôn xưng là Vua Phật Việt Nam.

Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông tổ chức tại chùa Ngọa Vân cũng là dịp để nhân dân, du khách có dịp thăm lại Thánh địa Nhà Trần, để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho nhân dân và thế hệ trẻ về vai trò, ý nghĩa và những giá trị cần được bảo tồn và phát huy của Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều.

Về với nơi đây, người dân và du khách được chiêm ngưỡng Cụm quần thể di tích tọa lạc trên dãy núi Bảo Đài, độ cao trên 600m so với mực nước biển thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều. Đây là một trong 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều. Di tích Ngọa Vân quanh năm mây phủ, ban đầu chỉ là một am nhỏ được Vua Trần Nhân Tông cho xây dựng khoảng tháng 5 năm Đinh Mùi (1307) làm nơi tu hành.

Khu di tích Ngọa Vân gồm chùa, am, tháp và các công trình kiến trúc Phật giáo gắn liền với tên tuổi và sự nghiệp tu hành của Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông - vị tổ thứ nhất của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Về với Thánh địa Nhà Trần, chúng ta cũng được tìm hiểu thêm về vị vua thứ 3 của triều Trần. Ông được sử sách ngợi ca là một trong những vị hoàng đế anh minh, hiền tài trong lịch sử nước Đại Việt. Dưới sự trị vì của ông, triều đại nhà Trần đã trở thành một triều đại hiển hách nhất cả về võ công và văn trị trong lịch sử Đại Việt. Cùng với vua cha Trần Thánh Tông, ông đã trực tiếp lãnh đạo 2 cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông và giành được thắng lợi vẻ vang. Thắng lợi trong hai cuộc kháng chiến đã giúp nhà Trần giữ vững nền độc lập dân tộc, đặt nền móng cho việc mở mang bờ cõi, yên định biên cương và xây dựng nền văn hóa Đại Việt phát triển hưng thịnh.

Toàn cảnh Am Ngọa Vân nhìn từ trên cao. (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Nhà Trần cung cấp)

Sau khi ngài rời phủ Thiên Trường về tập tu, xuất gia tại hành cung Vũ Lâm (huyện Gia Khánh, tỉnh Ninh Bình). Đến năm 1299 ngài rời hành cung Vũ Lâm về Yên Tử tu hành khổ hạnh tại am Tử Tiêu, núi Yên Tử lấy hiệu là Hương Vân Đại Đầu đà và xưng là Trúc Lâm đại sĩ. Tại đây ngài đã sáng lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử - một dòng thiền Phật giáo mang đậm màu sắc Việt Nam với chủ trương cư trần lạc đạo tức là gắn đạo với đời, gắn xu thế nhập thế của việc Thiền với việc gìn làng, giữ nước. Tháng 11 năm Mậu Thân (1308), vua Trần Nhân Tông an nhiên, viên tịch tại am Ngọa Vân, vị trí ngài nhập niết bàn chính là am Ngọa Vân ngày nay. 

Đến nay, tại di tích chùa Ngọa Vân có 2 ngày lễ lớn được tổ chức vào ngày 9 tháng Giêng và ngày 1 tháng 11 âm lịch hàng năm. Ngày 9 tháng Giêng là ngày khai hội Xuân Ngọa Vân (Lễ hội kéo dài 3 tháng mùa Xuân). Ngày 1 tháng 11 âm lịch là ngày đại lễ tưởng niệm ngày Đức vua - Phật Hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn.

Chùa Quỳnh Lâm trong quần thể di tích Nhà Trần. (Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Nhà Trần cung cấp)

Để tổ chức thành công Lễ tưởng niệm Phật Hoàng Trần Nhân Tông tổ chức tại chùa Ngọa Vân - Khu di tích Nhà Trần, theo ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng Ban Quản lý Khu di tích Nhà Trần: TX Đông Triều đã phối hợp chuẩn bị các điều kiện, cơ sở vật chất tổ chức triển khai; trang trí khánh tiết, tuyên truyền trực quan; tổ chức đón tiếp, đảm bảo vệ sinh môi trường; an ninh, an toàn giao thông...

Theo Thanh Hằng/baoquangninh.vn

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 24363 Tổng lượt truy cập 91711317