Tạo động lực mới thúc đẩy tăng trưởng và liên kết kinh tế khu vực châu Á - Thái Bình Dương

Bên lề Hội nghị quan chức cấp cao APEC lần thứ hai (SOM2) và các cuộc họp liên quan diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 9 đến 21-5, phóng viên Báo Nhân Dân ghi lại ý kiến của một số đại biểu Việt Nam và quốc tế liên quan các nội dung hợp tác then chốt của APEC trong Năm APEC Việt Nam 2017. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc.

Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao, Chủ tịch SOM APEC 2017 Bùi Thanh Sơn:

Việt Nam mong muốn góp phần xây dựng định hướng phát triển APEC

Với chủ đề “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung”, trong Năm APEC Việt Nam 2017, Việt Nam tập trung bốn chủ đề ưu tiên lớn, đó là: Thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm; Đẩy mạnh liên kết kinh tế sâu rộng; Nâng cao năng lực cạnh tranh và sáng tạo của các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong kỷ nguyên số; Tăng cường an ninh lương thực và nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu.

Từ tháng 3 đến nay, chủ nhà Việt Nam cùng các nền kinh tế thành viên APEC triển khai quá trình cụ thể hóa bốn ưu tiên nêu trên thành các văn kiện, tài liệu, dự án, từ đó thúc đẩy hợp tác APEC trong những năm tới. Với khoảng 50 cuộc họp, hội thảo, đối thoại, tại SOM2 và các cuộc họp liên quan, các đại biểu đã thảo luận những vấn đề thực chất ở thời điểm quan trọng mang tính bước ngoặt của Diễn đàn, góp phần xác định Tầm nhìn APEC năm 2020 và tương lai. Nhiều sáng kiến của chủ nhà Việt Nam đề cập “trúng và đúng” hướng phát triển của APEC, được các nền kinh tế thành viên hoan nghênh, ủng hộ.

Trong những thập niên tới, vai trò của APEC không thể thiếu trong cấu trúc khu vực đang định hình, nhằm điều phối, gắn kết các cơ chế liên kết khu vực. Cấu trúc đó cần xử lý hiệu quả các thách thức toàn cầu, đáp ứng lợi ích chính đáng của các nền kinh tế trong khu vực đang trong tiến trình tái cơ cấu kinh tế. Việt Nam mong muốn góp phần xây dựng định hướng, tầm nhìn dài hạn về một khu vực châu Á - Thái Bình Dương hòa bình, ổn định và phát triển năng động.

Cựu Tổng Giám đốc Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) P.La-mi:

Tin tưởng Việt Nam tiếp tục thành công

APEC theo đuổi Mục tiêu Bô-go trong 25 năm qua và đang tiếp tục thảo luận về chủ đề này trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang có nhiều thay đổi nhanh chóng. Nhưng, dù bối cảnh thay đổi, thương mại mở vẫn sẽ mang lại nhiều lợi ích. Để nhận được sự ủng hộ rộng rãi của người dân, các thành viên APEC cần có các chính sách xã hội phù hợp để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững trong một “thế giới thương mại đang thay đổi”. APEC cần tiếp tục phát huy thế mạnh là cơ chế hợp tác linh hoạt, trên cơ sở tự nguyện, tiếp tục thúc đẩy thương mại và đầu tư mở nhằm đóng góp vào thịnh vượng chung của khu vực. Trong tình hình mới, để tiếp tục khẳng định vai trò của APEC, các nội dung hợp tác của Diễn đàn cần gắn hơn với các vấn đề phát triển bền vững và bao trùm; đẩy mạnh thông tin tới người dân và các doanh nghiệp về những lợi ích thiết thực mà hợp tác mang lại.

Những năm qua, Việt Nam phát triển mạnh nhờ thực hiện chính sách đổi mới, mở rộng quan hệ quốc tế. Việt Nam là một trong những thí dụ thành công về tiến trình hội nhập, kể từ sau khi gia nhập WTO. Tôi tin tưởng vào thành công của Việt Nam trong tiến trình đổi mới đất nước, ngày càng khẳng định vai trò trong khu vực ASEAN nói riêng và trên trường quốc tế nói chung.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Chủ tịch Ủy ban quốc gia APEC Việt Nam 2006:

Thúc đẩy hợp tác trong bối cảnh mới

APEC 2017 khác nhiều so APEC 2006. Thời đó, kinh tế thế giới đang phát triển rất tốt; quan hệ giữa các quốc gia tương đối thuận lợi. Hiện, có ba vấn đề lớn nảy sinh mà APEC cần thích nghi. Thứ nhất, trong Mục tiêu Bô-go cần tính đến nhân tố mới là các hiệp định thương mại tự do song phương, cùng với việc ứng phó xu thế bảo hộ mậu dịch. Thứ hai, cơ cấu kinh tế thế giới đã thay đổi, trong đó cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đòi hỏi APEC không thể chỉ tập trung vào kinh tế, mà còn phải tính đến những vấn đề khác, như công nghệ số, phát triển và liên kết kinh tế mới. Thứ ba, khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chịu ảnh hưởng rất lớn của biến đổi khí hậu toàn cầu.

Tại phiên khai mạc Đối thoại nhiều bên về APEC hướng tới năm 2020 và tương lai, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có bài phát biểu đề cập các nội dung thực chất, cơ bản, định hướng cho sự phát triển của APEC thời gian tới. Để hoàn thành Mục tiêu Bô-go, trước tiên APEC cần giương cao ngọn cờ tự do hóa thương mại, đầu tư và đi đầu trong lĩnh vực này. Các nền kinh tế thành viên APEC cần gia tăng hợp tác, giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực mới nảy sinh.

Tôi tin tưởng, Việt Nam có thể đóng góp để duy trì sức sống của APEC và năm APEC Việt Nam 2017 sẽ đánh dấu mốc mới, quan trọng, thúc đẩy xu thế hợp tác của APEC trong bối cảnh mới.

Đại sứ Đ.Cam-ben, Đồng Chủ tịch Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC):

Định hình tầm nhìn dài hạn

Từ năm 1994, các nhà lãnh đạo APEC đã đặt mục tiêu biến châu Á - Thái Bình Dương thành khu vực tự do thương mại và đầu tư vào năm 2020. Định hướng này nêu ra trong Mục tiêu Bô-go và đang tiếp tục được hiện thực hóa nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cân bằng, bền vững không chỉ trong khu vực mà trên toàn cầu. Trong APEC, quan hệ thương mại tự do và rộng mở đã được thiết lập giữa các nền kinh tế phát triển, nền kinh tế mới nổi và các nền kinh tế đang phát triển. Hiện, APEC duy trì mục tiêu nêu trên, đồng thời đẩy mạnh các nội dung quan trọng khác, như tăng trưởng bền vững, đón nhận công nghệ mới như số hóa, kỹ thuật tự động hóa…, thúc đẩy các nền kinh tế thành viên phát triển, tương tác với nhau.

Khu vực APEC với một số nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ như Trung Quốc, Việt Nam, In-đô-nê-xi-a hứa hẹn tiếp tục phát triển trong hai, ba thập niên tới. Để đạt mức tăng trưởng như mong muốn, các nền kinh tế thành viên APEC cần bảo đảm tăng trưởng bền vững, bao trùm, ứng phó những thách thức từ biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, khoảng cách giàu nghèo gia tăng…

Năm APEC Việt Nam 2017 chứng kiến cơ hội to lớn, định hình tầm nhìn dài hạn, để từ đó đề ra các chính sách, quy định phù hợp, bảo đảm mọi người dân đều được trao quyền và hưởng lợi, hướng tới một khu vực châu Á - Thái Bình Dương thịnh vượng và tiến bộ.

Theo nhandan.com.vn

Tin tức khác

Thời tiết

Tỷ giá ngoại tệ
Thống kê truy cập
Đang online 23924 Tổng lượt truy cập 91528121